Monday, December 30, 2024

250 năm trước: Mùa hè cưỡng chế và con đường dẫn đến cuộc Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ | Văn Hóa và Nghệ Thuật

Liên Quan
Click Xem

Một cuộc nội chiến lạnh lẽo đã bao trùm khắp các thuộc địa của Anh quốc tại Hoa Kỳ vào mùa hè năm 1774, khiến bầu không khí giữa những người Ái quốc (Whig), người Bảo hoàng (Tories), và Chính quyền Hoàng gia trở nên lạnh nhạt. Vào thập niên trước đó, những bất ổn này chủ yếu bắt nguồn từ Quốc hội Anh. Các thành viên của Quốc hội tuyên bố họ có thẩm quyền cai trị tất cả các thần dân Anh quốc trên toàn thế giới.

Những tuyên bố như vậy đã gây chia rẽ giữa bạn bè và gia đình, những người chọn phe đối lập, đồng thời gây ra sự phẫn nộ đối với các chính trị gia soạn thảo luật và các quan chức hành pháp. Nhiều cuộc biểu tình chuyển thành bạo lực, khiến các quan chức ở cả hai bờ Đại Tây Dương lo ngại.

Không có sự kiện hay cuộc biểu tình nào thu hút nhiều sự chú ý hoặc khiến nhiều quan chức trên khắp Đế quốc Anh kinh hãi hơn Phong trào Tiệc Trà Boston (lúc đó được gọi là “Cuộc tiêu hủy trà”). Hành động thách thức chính phủ này, cùng với sự đáp trả từ Hoàng gia, đã trở thành chất xúc tác khiến mối quan hệ vốn yên bình giữa các thuộc địa và mẫu quốc của họ tan vỡ, đẩy cả hai bên đến bờ vực chiến tranh. Không ai biết rằng, chiến tranh sẽ không xảy ra cho đến ngày 19/04/1775. Trước ngày định mệnh đó, cả hai bên đều có cơ hội để giảm bớt căng thẳng.

Thay vào đó, Hoàng gia theo đuổi chính sách trừng phạt tập thể, và những người dân thuộc địa đã chọn cách đối đầu.

Sự trỗi dậy của Trung tướng Thomas Gage

Trong suốt cuộc Chiến tranh giữa Pháp và người da đỏ, vị Tướng tương lai Thomas Gage đã chiến đấu cùng Tổng thống tương lai George Washington tại Trận chiến Monongahela. Khi chiến tranh kết thúc, Tướng Gage được thăng chức làm tổng tư lệnh của các lực lượng Anh quốc ở Bắc Mỹ, đóng quân tại Thành phố New York, và kết hôn với một người phụ nữ Mỹ. Ông cũng là một người theo đảng Whig mong muốn hòa giải với người Mỹ sau Phong trào Tiệc Trà Boston.

Tướng Thomas Gage, 1788, họa sỹ John Singleton Copley. (Ảnh: Tư liệu công cộng)Tướng Thomas Gage, 1788, họa sỹ John Singleton Copley. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Tướng Thomas Gage, 1788, họa sỹ John Singleton Copley. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Thật trớ trêu, Tướng Gage đã diện kiến Vua George Đệ Tam vào tháng 02/1774 và khuyên nhà vua nên cứng rắn.

“Họ sẽ hung dữ như sư tử nếu chúng ta [hành xử như] những chú cừu, nhưng nếu chúng ta kiên quyết, họ chắc chắn sẽ phục tùng,” Tướng Gage nói.

Cả hai người đàn ông đều đồng ý rằng những nhượng bộ trước đó của Quốc hội thể hiện sự yếu nhược, điều này đã làm cho người Mỹ trở nên táo bạo hơn. Họ tin rằng hình phạt nghiêm khắc không chỉ chấm dứt sự bất tuân mà còn là một lời cảnh báo đối với các thuộc địa khác có hành vi tương tự. Đứa trẻ hư hỏng cần phải bị phạt, và việc nuông chiều không còn là một lựa chọn nữa.

Điều gì đã khiến Tướng Gage, một người tự xưng là thành viên đảng Whig, ủng hộ các biện pháp như vậy? Trước hết, là một người lính trung thành trong quân đội của Nhà vua, ông lo ngại về mầm mống cuộc nổi loạn đang manh nha ở Mỹ. Thứ hai, ông đổ lỗi cho nhóm Những Người Con của Tự Do (Sons of Liberty) và các nhóm nổi loạn khác về mọi sự hỗn loạn này. Tướng Gage tin rằng nếu họ có thể dập tắt cuộc nổi loạn ngay từ trong trứng nước, thì hòa hợp và hòa bình sẽ trở lại với tất cả các bên.

Hãy cẩn trọng với những gì quý vị mong cầu!

Sau cuộc gặp gỡ với Tướng Gage, Vua George đã tiếp kiến thủ tướng Lord Frederick North để thảo luận về các lựa chọn liên quan đến các thuộc địa tại Mỹ. Họ quyết định rằng biện pháp hiệu quả nhất để khiến người dân thuộc địa khuất phục và quy thuận là thông qua vũ lực quân sự.

Có thể họ cũng đã thảo luận về bản kiến ​​nghị bãi nhiệm Thống đốc Thomas Hutchinson, được Hội đồng Massachusetts Bay thông qua vào tháng Sáu năm ngoái, được ngài Benjamin Franklin và Bá Tước Dartmouth (William Legge) trình lên Hội đồng Cơ mật. Trong các cuộc thảo luận sau đó, các bộ trưởng của nhà vua đã bày ra một kế hoạch tinh ranh để đánh lừa những người dân thuộc địa gây rắc rối và trừng phạt họ thích đáng bằng cách chấp thuận yêu cầu bãi nhiệm Thống đốc Hutchinson, một quan chức dân sự, và thay thế ông bằng một thống đốc quân sự. Còn ai phù hợp với vai trò đó hơn chính tướng Thomas Gage?

Dù động tác đập tay chào được phát minh vào những năm 1970, nhưng nếu một cử chỉ tương tự tồn tại giữa các quý ông Anh quốc vào thập niên 70 của thế kỷ 18, thì rất có thể các bộ trưởng của nhà vua cũng thực hiện động tác này.

Tướng Gage đã chấp nhận lời bổ nhiệm làm thống đốc quân sự mới của Vịnh Massachusetts và lên đường tới Boston trên tàu HMS Lively vào ngày 16/04. Nhiệm vụ chính của ông là thực thi Đạo luật Cảng Boston (còn được gọi là Dự luật Cảng) vừa được thông qua – đạo luật đầu tiên trong một loạt các Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts), còn người Mỹ gọi đây là các Đạo luật Không thể chấp nhận (Intolerable Acts).

Dự kiến ​​có hiệu lực từ ngày 01/06/1774, Đạo luật Cảng này cho đóng cửa Cảng Boston đối với mọi hoạt động thương mại ngoại trừ thực phẩm và nhiên liệu cho đến khi những người chịu trách nhiệm trong vụ tiêu hủy trà bồi thường đầy đủ cho Công ty Đông Ấn về những tổn thất của họ. Các Đạo luật Cưỡng chế còn lại được Quốc hội thông qua sau khi Tướng Gage rời London và được thi hành vào cuối mùa hè năm đó.

Chuyển giao quyền lực

Vào ngày 13/05, Tướng Gage đã đến lâu đài Castle William an toàn. Lâu đài này là pháo đài trên đảo canh giữ lối vào Cảng Boston. Tại đó, ông đã gặp Thống đốc Hutchinson và miễn nhiệm vị Thống đốc này. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Phó Thống đốc Andrew Oliver, người đã qua đời vào ngày 03/03 do chứng đột quỵ.

Tướng Gage vẫn ở lại pháo đài này trước khi đi thuyền vào Boston bốn ngày sau đó trong sự tán tụng nồng nhiệt. Háo hức chào đón vị thống đốc mới của mình, những người chứng kiến ​​từ Boston và các khu vực xung quanh đã xếp hàng dọc các con phố gần Bến tàu Long Wharf của thị trấn, nơi Tướng Gage cập bến. Không khí vui như trẩy hội, vì hầu hết người dân Boston đều vui mừng hết cỡ khi tiễn biệt vị thống đốc cũ sau một thời gian dài chờ đợi. Đám đông đã huýt sáo rất to trong khi Tướng Gage nâng ly chúc mừng vị thống đốc sắp mãn nhiệm, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngài Hutchinson không được lòng dân.

Biểu hiện thiếu tôn trọng này [tiếp tục] diễn ra vào cuối ngày hôm đó tại khu Faneuil Hall. Tuy nhiên, lúc này, Tướng Gage đang tận hưởng sự yêu mến nồng nhiệt từ đám đông. Nhưng giữa tất cả sự ồn ào đó, ông không thể không để ý thấy John Hancock, đại tá đội cận vệ danh dự của thống đốc, đã không chào ông.

Thống đốc thuộc địa Vịnh Massachusetts Thomas Hutchinson, năm 1741, họa sỹ Edward Truman. (Ảnh: Tư liệu công cộng)Thống đốc thuộc địa Vịnh Massachusetts Thomas Hutchinson, năm 1741, họa sỹ Edward Truman. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Thống đốc thuộc địa Vịnh Massachusetts Thomas Hutchinson, năm 1741, họa sỹ Edward Truman. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Cựu Thống đốc Hutchinson khởi hành đến London vào ngày 01/06, ngày mà Đạo luật Cảng có hiệu lực. Ông tin rằng việc ông được triệu hồi chỉ là tạm thời và rằng ông sẽ sớm trở lại Boston để tiếp tục nhiệm vụ làm thống đốc. Bấy giờ, ông Hutchinson được sắp xếp để diện kiến nhà vua và các bộ trưởng của ngài. Vì danh tiếng bị tổn hại sau vụ Tiệc trà Boston và Vụ việc thư tín của ông Hutchinson (khi ngài Benjamin Franklin công bố các bức thư riêng tư của ông Hutchinson do cố Nghị sỹ Thomas Whately nắm giữ), ông Hutchinson quyết tâm khôi phục thanh danh của mình. Ông cũng có ý định cầu xin Quốc hội Anh bãi bỏ Đạo luật Cảng.

Ngoại trừ hành động khinh thường của Đại tá Hancock, Tướng Gage vẫn cảm thấy được chào đón trong vai trò thống đốc mới. Tuy nhiên, vẫn còn Đạo luật Cảng cần được thi hành vào ngày 01/06. Nỗi lo lắng của ông đã được thay thế bằng sự lạc quan sau khi một nhóm người Boston đề nghị bồi hoàn đầy đủ số trà bị phá hủy cho Công ty Đông Ấn. Tướng Gage ủng hộ lời đề nghị này với hy vọng nó sẽ giải quyết được bế tắc và chấm dứt sự thù địch giữa thuộc địa và Hoàng gia.

Nhưng thật không may cho những người mong muốn hòa giải, kế hoạch được đề xướng này đã bị phần lớn những người tham dự các cuộc họp thị trấn bác bỏ, và do đó lời đề nghị bị rút lại. Sau đó, Tướng Gage chuẩn bị cho việc đóng cửa bến cảng bằng cách di dời Phòng Hải quan đến thành phố Plymouth và các cơ quan chính phủ còn lại đến thành phố Salem. Vào ngày 01/06, các tàu chiến Anh đã neo đậu xung quanh Cảng Boston để thực thi việc đóng cửa. Để trợ giúp Tướng Gage thực thi Đạo luật Cảng và duy trì trật tự, một số trung đoàn của Quân đội Anh đã đến Boston.

Không thể chỉ phục tùng Hoàng gia

Theo cuốn “Igniting the American Revolution: 1773–1775” (Châm Ngòi Cho Cách Mạng Mỹ: 1773- 1775) của tác giả Derek W. Beck, đối với Thủ tướng Lord North và Vua George, việc bồi thường đầy đủ cho Công ty Đông Ấn sẽ không thể ngăn chặn việc đóng cửa Cảng Boston. Boston vẫn phải chịu trừng phạt.

Ông viết, “Sự tàn bạo của đạo luật này nằm ở các điều kiện để hủy bỏ nó. ‘Thử thách của người dân Boston không chỉ là việc phải bồi thường cho Công ty Đông Ấn, mà còn phụ thuộc vào việc nhà vua [có] nhìn thấy hòa bình và sự phục tùng được thiết lập [lại] tại cảng Boston [hay không].’ Nói cách khác, chỉ khi Chính phủ hài lòng rằng người dân Boston đủ yên ổn thì bến cảng mới được mở cửa trở lại.”

Phe thiểu số thuộc Đảng Whig của Quốc hội Anh, bao gồm chính trị gia Edmund Burke, Isaac Barré, Rose Fuller, Charles Fox và Lord Chatham (William Pitt), đã kêu gọi các đồng nghiệp của họ hãy sáng suốt trong cách đối xử với người Mỹ. Họ lập luận rằng việc hoàn trả số trà bị phá hủy là một phản ứng hợp lý, nhưng việc áp bức người Mỹ là cực kỳ thiếu khôn ngoan.

Bản khắc của sỹ quan Paul Revere mô tả phản ứng của người Anh đối với Tiệc Trà Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)Bản khắc của sỹ quan Paul Revere mô tả phản ứng của người Anh đối với Tiệc Trà Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Bản khắc của sỹ quan Paul Revere mô tả phản ứng của người Anh đối với Tiệc Trà Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Theo cuốn “The Boston Tea Party” (Tiệc Trà Boston) của sử gia Benjamin Woods Labaree, Nghị sỹ Rose Fuller coi Đạo luật Cảng Boston là một sự đáp trả quá gay gắt đối với Cuộc tiêu hủy Trà. Ông cảnh báo các đồng nghiệp của mình rằng nếu người dân Boston không chịu khuất phục trước các biện pháp hà khắc giáng xuống họ, thì Hoàng gia sẽ “không còn lựa chọn nào khác ‘ngoài việc thiêu rụi thị trấn của họ và trấn áp dân chúng.’ Ông dự đoán, nếu quân đội được gửi đến để thực thi đạo luật này, người Mỹ sẽ hợp sức lại để đè bẹp họ, nhấn mạnh rằng ở Mỹ, tất cả đàn ông đều có vũ khí và biết cách sử dụng chúng.”

Đúng như Nghị sỹ Fuller dự đoán, các thuộc địa khác đã hợp sức cùng Vịnh Massachusetts kiên quyết chống lại quyền lực hoàng gia. Các nhà lãnh đạo chính trị của họ đã tổ chức [các hoạt động cần thiết], và lực lượng dân quân được huấn luyện để chiến đấu. Trong khi đó, Tướng Gage đã khai triển thêm các trung đoàn lính và lực lượng thủy quân lục chiến đến Boston, còn Thủ Tướng Lord North chủ trương các biện pháp trừng phạt mới cho đến tận năm 1775, năm Chiến tranh Cách mạng bắt đầu.


Lê Đào biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Alan WakimAlan Wakim

BTV Epoch Times Tiếng Anh

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x