Câu tục ngữ “Ba mươi chưa phải là Tết” nói lên một điều, cái gì chưa đạt tới ngưỡng cần thiết thì chớ vội bỏ qua, đốt cháy giai đoạn. Nguyên lí biến đổi từ lượng thành chất trong triết học biện chứng cũng gần như thế. Sự vật có khi đã hội đủ mọi điều kiện quan trọng, nhưng có khi chỉ thiếu một “điều kiện đủ” là cũng chưa làm nên chuyện.
Ba mươi chưa phải là Tết hay sao? “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết/ Giàu có ba mươi Tết mới hay”. Nếu theo dân gian, ăn Tết 3 ngày thì ngày Ba mươi chính là ngày “tiêu điểm” ở sự tất bật, sôi động và đậm đà hương vị Tết nhất. Và … cứ theo lẽ ấy mà suy thì Ba mươi – ngày cuối cùng của năm cũ – mới chính là ngày vui nhất trong dịp Tết Nguyên Đán!
Tìm về tín ngưỡng dân gian
“Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Đúng, ngày Ba mươi quả là ngày đặc biệt nhất đối với cái Tết cổ truyền của dân tộc ta. Nếu tháng Chạp mà thiếu, thì ngày 29 kia sẽ vào vai “Ba mươi”.
Mọi công việc, sắm sanh tu sửa, nghi lễ… đều nhằm cái “tiêu điểm” này làm chuẩn. Người ta tạm dừng công việc thường ngày, hối hả làm thật nhiều các món ăn đặc trưng, chỉ Tết mới có (giò nem ninh mọc, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả), dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa lễ vật và lau chùi sạch sẽ đồ thờ cúng…
Con cháu ở xa cũng thu xếp bằng mọi giá về trước (hoặc trong) ngày Ba mươi để kịp đón Giao thừa. Sớm thì càng tốt, nhưng muộn gì thì muộn cũng phải không được vượt quá 12 giờ đêm. Bởi thời khắc này là cái mốc để cả thiên hạ trời đất đều mong ngóng đón nhận.
Theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, Nguyên Đán (buổi sáng đầu tiên trong năm) được tính từ lúc chuyển giao từ ngày Ba mươi tháng Chạp sang ngày Mồng một tháng Giêng.
“Tối như đêm ba mươi”. Đêm cuối năm thường lạnh, trời nhiều mây, vắng trăng sao. Đó là đặc trưng cảnh quan dễ nhận nhất của đêm trừ tịch (trừ: đi qua, tịch: đêm, trừ tịch: đêm qua đi của năm). Kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới cũng là lúc hai vị thần cai quản thế gian (được gọi là ông Hành Khiển) đi bàn giao (giao) và tiếp nhận (thừa) cho nhau. Ông mới nhận nhiệm vụ, ông cũ tạm lui về nghỉ ngơi.
Thời khắc chuyển giao rất ngắn. Các gia chủ thường bày mâm cỗ cúng giữa sân, để báo cáo với gia tiên, để tế trời đất. Cũng bởi hai vị thần kia do nhiều công việc nên chỉ ghé qua chứng giám sự kiện này từ trên trời (và cũng kiêng không động chạm tới bàn thờ ông vải của mỗi gia đình).
Như vậy, theo quan niệm, sau thời khắc linh thiêng này, năm mới thực sự bắt đầu. Từ lúc đó, mọi cử chỉ, hành động, lời nói… của mỗi người đều hết sức hệ trọng. Bởi nếu không, chính những hành vi đó sẽ là xuất phát điểm cho mọi điều may rủi diễn ra trong năm. Ai vào nhà đầu tiên sẽ là người “xông đất”.
Những lời chúc đầu tiên của ai đó sẽ là “diễn ngôn” có ý nghĩa “vận” vào gia chủ. Sức khỏe, điều may mắn, tài lộc… sẽ từ đây mà nên. Vì vậy mà người ta kiêng đủ thứ: kiêng người dữ vía xông nhà, kiêng chó mèo chạy qua bàn thờ, kiêng hót rác đổ đi, kiêng vay nợ đòi nợ, kiêng những lời nói gở…. Có nhà cẩn thận, “đặt hàng” trước người tới xông đất, chúc Tết cho mình.
Họ xem giờ, xem tuổi, xem hướng xuất hành cẩn thận. Cũng phải thôi, chuyện làm ăn sinh sống, vận hạn cả một năm cho cả gia đình chứ có ít đâu. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Chuyện gì diễn ra trong năm cũ thường không ai để ý. Thế là ngày Ba mươi kia cũng chỉ là… ngày Ba mươi thôi.
Trước lúc sang canh, lôi thôi, lốc thốc, dọn dẹp và sửa soạn tha hồ. Nhưng tới Giao thừa “pháo nổ” thì “đất trời đã đổi khác”, phải nghiêm chỉnh, tươm tất hơn, đi đứng phải khoan thai, đúng mực. Ông Hành Khiển đã tới, ông bà ông vải cũng đã tề tựu cả rồi. Con cháu nhất nhất phải nghiêm chỉnh, từ nói năng đến cử chỉ, không thì “giông” cả năm như chơi.
Chính tín ngưỡng này đã làm cho ngày Mồng một Tết mang một ý nghĩa hết sức thiêng liêng.
Triết lý “đêm Ba mươi”
Câu tục ngữ: “Ba mươi chưa phải là Tết” nói lên một điều, cái gì chưa đạt tới ngưỡng cần thiết thì chớ vội bỏ qua, đốt cháy giai đoạn. Nguyên lí biến đổi từ lượng thành chất trong triết học biện chứng cũng gần như thế. Sự vật có khi đã hội đủ mọi điều kiện quan trọng, nhưng có khi chỉ thiếu một “điều kiện đủ” là chưa làm nên chuyện.
Quả trứng đã nở thành gà, nhưng nếu mẹ gà kia chưa cục cục rồi mổ vỡ cái vỏ lấy lỗ thông hơi thì chú gà chíp kia chưa bứt vỏ chui ra được. Hai anh chị yêu nhau thắm thiết, họ hàng đồng tình, nhưng nếu chưa đưa nhau ra ủy ban phường để kí vào một “hợp đồng dài hạn” thì chưa chính thức được coi là vợ chồng. Một đội bóng đang dẫn bàn tới tận phút 90, nhưng nếu trọng tài chưa nổi còi mãn cuộc thì các cầu thủ chớ vội mà ôm nhau chúc mừng.
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về một anh học trò nghèo. Chuyện rằng: Ngày ấy, hễ anh học trò nghèo nọ đi qua một ngôi đền thờ gần nơi học thì y như rằng trong đền nọ có tiếng chuyển động như ai đó muốn cất lời chào hỏi. Mà đền thì vắng tanh vắng ngắt. Còn ông từ giữ đền liên tục nằm mơ thấy thần báo mộng rằng có quan lớn vãn cảnh đền. Ông cứ chờ mãi mà chẳng thấy “vị quan” nào đến cả.
Thay vì quan lớn đến thăm như thần báo trước chính là anh học trò nghèo kia. Quá lạ lùng, ông từ bèn kể chuyện này với nho sinh nọ và không quên nói rằng: “Thầy sau sẽ làm nên nghiệp lớn đó. Thần báo cho tôi mấy lần rồi”. Anh học trò kia mừng rỡ, hí hửng ra mặt.
Thay vì phải siêng năng chăm lo đèn sách, anh bỗng nhiên trở nên hợm hĩnh kiêu căng. Anh chê cô vợ của mình “vừa xấu vừa đen”, từ đó rắp tâm tìm cách ruồng rẫy. “Mình mà đỗ rồi, mình phải bỏ nó đi để lấy một cô vợ khác thật xinh đẹp”. Mấy hôm sau, có người hàng tổng đến đòi nợ. Anh ta không trả lại còn lớn tiếng: “Ta chưa có mà trả. Chớ nên cậy giàu vội. Khoa này ta sắp đỗ rồi, ta sẽ lấy vườn đất các người đấy…”.
Thần thấy vậy giận lắm, bèn quyết định xóa tên anh ta trong sổ đăng khoa vì kẻ học trò kia đã “vị đắc ý, cố thất đức (chưa được như ý đã mất đức)”. Từ tích trên, dân gian ta có câu thành ngữ: “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Theo cách nói của các nhà ngôn ngữ học, câu tục ngữ: “Ba mươi chưa phải là Tết” có cấu trúc: “Chưa A đã B”.
Ta có thể tìm ra khá nhiều thành ngữ tương tự cùng mô hình ngữ nghĩa: “Chưa nóng nước đã đỏ gọng”, “Chưa khỏi rên đã quên thầy”, “Chưa thăm ván đã bán thuyền”, “Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà”, “Chưa làm đã ăn”...
Ở đời, không ít người bất chấp những logic của cuộc sống đã hết sức rõ ràng: Rằng muốn đạt tới mục đích thì phải lao động, phấn đấu cho xứng đáng. Mà khi đến được đích rồi cũng nên có một cách ứng xử sao cho hợp lẽ đời. Kiêu căng, tự phụ, hợm hĩnh ngay cả khi thành đạt cũng là đáng trách.
Thế mà cũng có người “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”. Cũng có người chưa được cất nhắc, đề bạt vào một cương vị mới đã tính đến chuyện mưu cầu lợi lộc cho mình … Đó không chỉ là một lối sống theo kiểu ăn xổi ở thì mà còn là một cách ứng xử thiếu văn hóa, không phù hợp với một phong cách sống lành mạnh.
Ở Việt Nam, “Ba mươi Tết” là một “điểm nút” đặc biệt, bởi nó đánh dấu một năm cũ kết thúc với những thăng trầm trong năm đó. Con người tạm gác lại mọi chuyện của năm cũ, tất bật sửa soạn, trang hoàng nhà cửa, cúng tất niên, đoàn tụ, quây quần bên nhau đón giao thừa – thời khắc “chuyển tiếp” giữa năm cũ và năm mới. Một năm mới bắt đầu.
“Ba mươi chưa phải là Tết” nói lên ý nghĩa quy luật lượng – chất: Muốn nhanh thì phải từ từ! – Chớ đừng nóng vội thực hiện “bước nhảy vượt rào” mà chủ quan quan, đốt cháy giai đoạn. Khi tích lũy lượng chưa đủ, thì kể cả “Ba mươi Tết” rồi cũng chỉ là năm cũ mà thôi.
Đêm Ba mươi trời còn tối lắm, hãy ráng đợi thêm chút nữa. Có đáng là bao. Chỉ một tích tắc thôi là trời đất “sang canh”. Lúc đó thì lời chúc của anh của chị mới thực sự linh nghiệm và mang về phước lành cho mọi người nhân dịp Tết đến xuân về.
Cứ suy ngẫm kỹ thì câu tục ngữ: “Ba mươi chưa phải là Tết” của cha ông ta là một triết lý sống tích cực mà cũng thật thâm thúy!
Tịnh Yên
Nguồn: vnu.edu.vn
Xem thêm
Vạn Điều Hay