Có một vị tú tài nghèo, kiếm sống bằng nghề dạy học. Với sự giúp đỡ của một ông chủ họ Mã, tú tài đã trở thành phú ông. Sau khi ông chủ qua đời, tú tài lại chiếm đoạt luôn gia tài của người họ Mã. Một đêm, một giấc mộng kỳ lạ đã đập tan sự tham lam trong lòng của tú tài, một giấc mộng kỳ lạ khác nói rằng phần cuối cùng của mọi con đường gập ghềnh sẽ có cõi phúc chốn Tiên.
Ở vùng Hoài Tây có một vị tú tài tên là Diệp Chư Lương, gia cảnh nghèo túng, sống bằng nghề dạy học. Trong trấn nơi Diệp tú tài sống có một phú hào họ Mã, đã thuê Diệp tú tài tới dạy cho hai con trai của mình.
Diệp tú tài bình sinh là người hào phóng, nên rất nhanh được ông chủ coi trọng. Vì vậy mỗi năm ông chủ Mã trả học phí cho anh trăm lượng bạc, còn có các tặng lễ hậu hĩnh khác. Ngoài ra, ông chủ Mã lại còn cho Diệp tú tài vay tiền, giúp anh có nghề kiếm sống. Có thể nói ông chủ Mã đối đãi với anh vô cùng hậu hĩnh. Diệp Chư Lương rất biết ơn hậu đức của ông chủ Mã, cho nên tận tâm tận lực dạy dỗ hai người con trai của ông.
Cứ như vậy mấy năm trôi qua, Diệp Chư Lương cũng đã tích lũy được lượng tài sản nghìn vàng, được xếp vào hạng phú hào. Còn lúc này ông chủ Mã đảm nhận chức phó Quận thủ, không may mắc bệnh và qua đời. Hai con trai của nhà họ Mã đã quen sống xa xỉ phung phí, vàng bạc, châu báu cùng với ruộng đất trong nhà dần qua tay của Diệp tú tài bán thành tiền. Diệp Chư Lương mưu mô toan tính, cuối cùng chiếm đoạt toàn bộ sản nghiệp của nhà họ Mã, khiến cho hai con trai nhà họ Mã nghèo túng phải lưu lạc. Hai người con trai nhà họ Mã không nơi nương tựa, cũng không có khả năng kiếm sống, thường phải chịu đói khát, gầy trơ cả xương, tình cảnh vô cùng thê thảm.
Một đêm, Diệp Chư Lương mộng thấy mình đi đến Âm Tào Địa Phủ. Có một vị quan lớn ngồi trên công đường, Diệp tú tài đứng ở dưới thềm. Vị quan lớn kia đã chỉ ra tường tận tội lỗi của Diệp tú tài, nói anh ta là người vong ân phụ nghĩa. Vị quan vô cùng giận dữ, muốn phán Diệp tú tài biến thành trâu bò, lấy đó làm trừng phạt.
Diệp tú tài liên tục cầu xin, mong được khoan dung tha thứ. Anh cầu xin vị quan lớn ở Âm phủ thả cho anh trở về, anh nguyện ý trả lại tất cả tài sản cho nhà họ Mã, đồng thời đồng ý chăm sóc thật tốt hai người con trai của nhà họ Mã.
Vị quan lớn của Âm Ty nói: “Ngươi đã có lòng ăn năn hối cải, thì tạm thời thả ngươi trở về. Nếu không thực hiện lời hứa, ngươi sẽ vĩnh viễn bị đày xuống A Tỳ Địa Ngục.” A Tỳ Địa Ngục còn được gọi là Vô Gián Địa Ngục, phàm là những tội hồn bị dày xuống nơi đây, đều là khi còn sống đã phạm phải đại tội không thể tha thứ.
Nghe đến đây, Diệp Chư Lương đột nhiên tỉnh lại. Sau khi tỉnh lại, anh nói với vợ rằng: “Những vinh hoa phú quý nhà chúng ta được hưởng hôm nay, đều là tài sản của nhà họ Mã. Dẫu có trả lại tất cả, chúng ta vẫn có thể được coi là phú ông. Hà cớ gì phải kết thù oán với Thần, quỷ.”
Diệp tú tài tâm ý đã quyết, không còn muốn chiếm đoạt tài sản của nhà họ Mã. Thế là ngày hôm sau, anh hỏi thăm chỗ ở của hai người con trai nhà họ Mã, và tìm thấy hai người họ trong một căn nhà cũ rách nát. Căn nhà chỉ có bốn bức tường, một vẻ hoang vu, quả thực vô cùng thê lương. Hai anh em nhìn thấy thầy Diệp của ngày xưa, đều buồn tủi khóc lóc. Diệp tú tài nhớ tới tình cảm thầy trò trước kia, cũng nắm tay hai anh em khóc thành tiếng.
Diệp tú tài đưa hai anh em họ Mã về nhà, chuẩn bị áo quần và tặng trăm lượng bạc trắng cho hai người, giúp họ tạm vượt qua tình trạng nghèo túng hiện tại. Mấy tháng sau, anh trả lại toàn bộ tài sản chiếm được của nhà họ Mã cho hai anh em. Diệp tú tài còn sắp xếp công việc làm ăn cho họ, một người thì mở hiệu cầm đồ, còn người kia đi ra ngoài buôn bán.
Hai con trai của nhà họ Mã đã trải qua một phen nghèo túng, cảm nhận được sự ấm lạnh, khốn khổ trong đời, vậy nên quyết tâm sửa đổi, vất vả cần cù kinh doanh xây dựng sự nghiệp. Mấy năm sau, họ đã có được khối tài sản lớn, thế là đem cả gốc lẫn lãi của lượng tài sản mà Diệp tú tài trả về cho hai anh em trước kia, chuẩn bị trả lại cho Diệp tú tài. Nhưng Diệp tú tài cương quyết không nhận, ông nói: “Ta đây trước kia cũng rất nghèo khổ, nhờ có phụ thân của hai cậu thương tình, mới có được như ngày hôm nay. Hai cậu đừng trách, cũng đừng khách sáo. Đây là giao tình của ta với phụ thân của hai cậu. Để sau này, khi ta đến Âm Tào Địa Phủ, nếu gặp lại ông ấy, hai người chúng ta còn có thể vui vẻ cười với nhau.”
Lúc ấy, đang vào dịp Trung thu, Diệp Chư Lương uống rượu ngắm trăng, say nằm dưới cửa sổ. Trong mông lung, ông nhìn thấy ông chủ Mã đến nói lời cảm tạ. Ông Mã nói: “Những việc làm của tiên sinh trước kia, tuy là không nên, nhưng hai con trai của tôi đã dưỡng thành thói xấu xa xỉ từ lúc còn nhỏ, nếu đem gia sản để lại cho chúng, chắc chắn cũng bị tiêu xài đến hết sạch. May mắn có tiên sinh quản lý tài sản thay mấy năm. Hai con của tôi quyết chí sửa đổi, có được thành tựu như ngày hôm nay, là nhờ có tiên sinh cẩn thận gìn giữ tài sản của nhà tôi, lại còn giúp đỡ hai con trai tôi. Ân đức này, tôi đã báo cáo cho các vị quan Âm Phủ, nhờ họ dâng tấu lên Thượng Đế. Tiên sinh sau này phúc đức kéo dài, hôm nay tôi đặc biệt đến đây để phụng báo cho ông.” Ông chủ Mã nói lời cảm tạ thêm lần nữa rồi mới rời đi.
Từ đó, Diệp Chư Lương phàm là có kinh doanh, thì luôn gặp chuyện như ý, hơn nữa tài sản có được nhiều gấp mấy lần số tài sản trước đây chiếm đoạt của nhà họ Mã. Bốn người con trai của ông cũng đều chuyên tâm đọc sách. Về sau, nhà họ Diệp trở thành dòng dõi thư hương, là trâm anh thế gia trong vùng.
Epoch Times Tiếng Việt