Tình yêu bất tận của gia đình Scarpelli đối với tranh khảm đá quý truyền thống
Bất kỳ ai ghé thăm xưởng Scarpelli Mosaici ở thành phố Florence, nước Ý, đều được nghe kể về câu chuyện “commesso Fiorentino” hay còn gọi là tranh khảm đá quý Florence.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, cô Catia Scarpelli, giám đốc tiếp thị và thương mại của hãng Scarpelli Mosaici cho biết: “Đó là cả một khoản đầu tư lớn, tuy nhiên cũng là sứ mệnh của chúng tôi để giúp nhiều người hiểu rõ về loại hình nghệ thuật đặc biệt chỉ có thể tìm thấy tại thành phố Florence này.”
Một điều đáng ngạc nhiên là khoảng 90% đến 95% khách hàng của hãng Scarpelli là người Mỹ. “Những vị khách Mỹ quốc này đến thành phố Florence để tìm hiểu về lịch sử và truyền thống,” cô Catia chia sẻ. Và họ có thể tìm thấy cả hai điều đó tại xưởng Scarpelli Mosaici.
Những nghệ nhân của hãng Scarpelli Mosaici đã cho ra đời những bức tranh khảm đá quý vô cùng rực rỡ. Những hình ảnh sống động, đẹp như tranh vẽ, mà nhiều họa sĩ cảm thấy rất khó thực hiện được bằng cọ vẽ, lại được thể hiện mượt mà thông qua những mảnh đá ghép.
Khác với tranh khảm đá (mosaic) La Mã thường dùng những miếng đá hình vuông hoặc hình chữ nhật xếp khít với nhau để tạo nên hình ảnh, tranh khảm commesso dùng đá bán quý, một số được lấy từ vùng đất Tuscany, chúng được cắt thành những hình dạng và kích cỡ khác nhau để ghép thành một bức tranh — và không hề sử dụng bất kỳ sơn hay bột màu nào.
Thiên nhiên cung cấp một bảng màu rất đa dạng. Các sắc độ bên trong từng viên đá chỉ dẫn cho người nghệ sĩ biết rõ đâu là vị trí cần sắp đặt trong bức tranh. Cô Catia chia sẻ, một nghệ sĩ có thể mất một tuần, hoặc thậm chí là một vài tháng, để có thể tìm ra viên đá lý tưởng có màu và sắc độ phù hợp cho một bức tranh cụ thể nào đó.
Kỹ thuật làm tranh đá quý Fiorentino commesso xuất hiện từ thời kỳ Phục Hưng. Tác phẩm đầu tiên của loại tranh này được ghi nhận vào cuối thế kỷ thứ 14, tuy nhiên mãi cho đến tận thế kỷ 16 thì kỹ thuật này mới trở nên phổ biến nhờ vào gia tộc Medici. Đầu tiên, vị đại công tước thứ hai của vùng Tuscany, ngài Francesco I, đã ủy thác cho một họa sĩ người Ý theo trường phái kiểu cách (mannerist) chế tác một bức tranh đá quý, hay còn gọi là tranh “pittura di pietra”. Sau đó vào năm 1588, ngài Ferdinand I, đại công tước thứ ba của Tuscany, đã mở ra một xưởng đá quý (Opificio delle Pietre Dure) chuyên để chế tác tranh đá quý commesso này.
Vào thế kỷ thứ 17, hầu hết các bức tranh khảm đá của xưởng Opificio delle Pietre Dure đều được sử dụng cho các nhà nguyện tang lễ của gia tộc Medici tại nhà thờ San Lorenzo. Các nghệ sĩ của Florence được các gia đình hoàng gia trên khắp lục địa Âu Châu chiêu mộ khi tranh đá quý commesso trở nên vô cùng phổ biến vào thế kỷ 18.
Đến với nghệ thuật Commesso một cách tình cờ
Cha của cô Catia, ông Renzo, là một trong số ít những bậc thầy thủ công vẫn đang chế tác tranh đá quý commesso ở thành phố Florence. Tuy nhiên ông đến với loại hình nghệ thuật này một cách hoàn toàn tình cờ.
Năm ông 13 tuổi, ông đã nhận ra rằng việc học tập ở trường là không phù hợp với mình. Ông cũng không biết chính xác là ông sẽ làm nghề gì, tuy nhiên bất kể đó là gì, thì việc đó nhất định phải được làm ra từ chính đôi bàn tay của ông.
Vào một ngày nọ, ông vô tình nhìn thấy một vị nghệ nhân bậc thầy đang đứng ngay trước cửa xưởng chế tác của mình. Tò mò, ông Renzo đã hỏi rằng liệu ông có thể vào bên trong xem thử họ đang làm việc gì hay không. Ông Renzo vốn có năng khiếu nghệ thuật và bị mê hoặc bởi các bức tranh đá quý commesso, nên ông đã hỏi người nghệ nhân này rằng liệu mình có thể quay trở lại thường xuyên hơn để học hỏi không. Người thầy đó đã đồng ý nhưng nói với ông rằng hãy mời cha của ông đến xưởng để bàn về việc học nghề.
Tuy nhiên, cha của ông Renzo đã không hài lòng nói: “Con muốn trở thành một nghệ sĩ sao! Con sẽ không bao giờ nhìn thấy con của mình,” ông nói. Tuy nhiên ông Renzo rất quả quyết về việc này, và chính nhiệt huyết chân thành của ông đã làm tan biến nỗi lo lắng của cha mình. Thậm chí ông Renzo đã làm thêm việc vào ban đêm tại một xưởng in để tự mình trang trải chi phí cho quá trình học tập mỹ thuật và trang trí tại một trường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Sau nhiều năm làm việc tại xưởng, ông Renzo đã nói với thầy mình: “Con đã học nhiều về cắt đá, nhưng con lại chưa từng chế tác một bức tranh đá quý commesso nào.”
“Bây giờ con có thể sẵn sàng để tự lập rồi,” vị thầy của ông nói. “Con sẽ tìm ra con đường nghệ thuật của riêng mình trong chính xưởng của mình.” Và như vậy sau 11 năm học việc, ông Renzo đã rời khỏi xưởng của thầy, mà không được trả một xu.
Ông đã mở xưởng đầu tiên của mình ở một thị trấn khác nhờ sự trợ giúp tài chính từ cha mẹ của bạn gái (người hiện tại là vợ của ông). Điều đó thật không dễ dàng, tuy nhiên vì đam mê, sự chăm chỉ của ông, cũng như niềm tin của gia đình dành cho ông, tất cả đều đã được đền đáp xứng đáng.
“Chúng tôi cần phải cảm ơn ông vì tất cả những gì ông đã làm trong khi không có chút tiền nào,” cô Catia nói.
Xưởng chế tác truyền thống giữa trung tâm Florence
Hiện tại, xưởng Scarpelli Mosaici có thể được tìm thấy ngay tại trung tâm của thành phố Florence, bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Ngàn Hoa (Basilica of Santa Maria del Fiore), hay còn được gọi là Nhà thờ Duomo.
Hầu hết các doanh nghiệp đều chuyển ra khỏi thành phố Florence bởi vì chi phí quá cao. Bất chấp chi phí đắt đỏ, việc cả gia đình Scarpelli chuyển đến sống ở xưởng ngay tại trung tâm thành phố Florence là một điều cần thiết, cô Catia nói. Điều đó là cần thiết cho cha cô thực hiện giấc mơ của ông: được một lần nữa làm việc giữa lòng thành phố Florence và gặp gỡ trực tiếp các khách hàng. Ông mong muốn mọi người đều có thể nhìn ngắm các thợ thủ công chế tác tranh đá quý commesso, như ông thuở xưa đã từng nhìn thấy khi còn là một cậu bé.
Ở thời kỳ Phục Hưng, theo truyền thống thì vị thầy sẽ có nhiều phụ tá bên trong xưởng. Ở xưởng Scarpelli Mosaici cũng tương tự như vậy. Hai trong số những thợ thủ công của ông Renzo đã từng là những người học việc của ông, một người trong đó đang sắp sửa bước sang tuổi 60 và đã làm việc cho ông Renzo kể từ khi mới 16 tuổi. Ngay cả người phụ tá tại của cửa hiệu cũng đã làm việc tại Scarpelli Mosaici được 12 năm. Thật dễ để hiểu tại sao cô Catia nói rằng: “Tất cả mọi người ở đây đều là thành viên trong gia đình.”
Cô Catia không phải là người duy nhất trong gia đình tham gia vào việc kinh doanh này. Mẹ của cô, bà Gabriella, trợ giúp công việc bán hàng và chế tác các món trang sức bằng đá của riêng mình; còn anh trai của cô là Leonardo, được thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật của cha đảm nhận vai trò nghệ nhân bậc thầy về tranh đá quý commesso.
Ông Renzo có xu hướng sáng tác nhiều tranh đá quý commesso theo phong cách truyền thống hơn, còn anh Leonardo yêu thích cách tiếp cận nghệ thuật đương đại hơn.
Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, bảy ngày trong tuần, bạn đều có thể đến xem nghệ nhân làm việc tại xưởng Scarpelli Mosaici. “Đó không phải là một chương trình biểu diễn,” cô Catia giải thích. “Đó là công việc tự nhiên của chúng tôi [làm việc theo cách này], như cách mọi thứ vốn từng diễn ra trong quá khứ,” cô nói. Đó là cách làm việc mà cô Catia tin rằng hầu hết “đã biến mất ở cả thành phố Florence nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.”
Cô Catia hy vọng rằng vào một ngày nào đó chúng ta có thể quay trở lại cách làm việc của những thợ thủ công như khi cha cô đã làm lúc còn nhỏ: Làm việc bên cạnh những người khác và chia sẻ những kỹ năng cho nhau.
Để tìm hiểu thêm thông tin về tranh đá quý Fiorentino, mời bạn ghé thăm trang Scarpelli Mosaici.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Epoch Times Tiếng Việt