Sunday, December 22, 2024

Thiên cổ anh hùng Tưởng Giới Thạch (P.25): Phụ thể xâm nhập

Liên Quan
Click Xem

Thanh lọc Đảng cứu đất nước

Chiến thuật moi tim

“Đề cương phong trào Cộng sản ở Trung Quốc” của Quốc tế Cộng sản vào tháng 4/1922 đã chỉ thị cho ĐCSTQ “nên làm theo hai bước: bước đầu tiên là lật đổ hoàn toàn chế độ phong kiến ​​và thúc đẩy nền độc lập chính thức của Trung Quốc; bước thứ hai là lật đổ nền chính trị của giai cấp Tư sản, giành chính quyền vào tay mình. (“Quốc tế Cộng sản, Kho lưu trữ bí mật của liên minh Cộng sản và Lý thuyết mới về Lịch sử Cách mạng Trung Quốc”, Nhà xuất bản Lịch sử ĐCSTQ). “Đó là một cuộc cách mạng vũ trang chống lại một cuộc phản cách mạng có vũ trang,” bạo lực giành chính quyền.

Ông Karakhan, Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc, nói rõ rằng việc tổ chức lại Quốc Dân Đảng là để làm cho nó “nằm dưới sự ảnh hưởng của chúng tôi”, “Kính trọng và ngưỡng mộ uy danh của chúng tôi” và “Ngoan ngoãn chấp hành các chỉ thị của chúng tôi và các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản”. Ông Borodin, đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc, đã viết trong một báo cáo bằng văn bản rằng “Tất cả các tổ chức địa phương của Quốc dân Đảng đều nằm trong tay chúng tôi.” (Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Trung Hoa Dân Quốc, Viện Lịch sử Hiện đại, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Khoa Lịch sử và Văn hóa, Đại học Sư phạm Tứ Xuyên biên tập: “Trung Quốc những năm 1920”)

Dưới sự nuôi dưỡng của Liên Xô, ĐCSTQ bắt đầu xâm nhập vào Quốc Dân Đảng. Tưởng Giới Thạch chỉ rõ: “Sau khi Quốc Phụ Bắc tiến, các hoạt động âm mưu chia rẽ Đảng ta của Đảng Cộng sản ngày càng gia tăng. Họ chia rẽ Sinh viên Học viện Quân sự, âm mưu chiếm đoạt trường Quân sự càng rõ ràng hơn. (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Uông Tinh Vệ nhận được sự ủng hộ hết mình của Quốc tế Cộng sản và trở thành lãnh đạo của Quốc Dân Đảng. Ngày 01/07/1925, Chính phủ Quốc dân Quảng Đông được thành lập, với sự ủng hộ của Karakhan và Borodin, Uông Tinh Vệ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Chính phủ Quốc gia kiêm Chủ tịch Quân ủy.

Vào ngày 23/11/1925, những người cánh hữu Quốc Dân Đảng Trung Quốc như Đới Quý Đào và Lâm Sâm đã tổ chức “Hội nghị Tây Sơn” để phản đối phong trào cánh tả của Uông Tinh Vệ. Đảng Cộng sản đẩy nhanh sự xâm nhập vào Quốc dân Đảng và lên kế hoạch giành lấy quyền lãnh đạo của Quốc Dân Đảng.

Đới Quý Đào. (Ảnh: Tài sản công)
Đới Quý Đào. (Ảnh: Tài sản công)

Tháng 01/1926, “Đại hội Đại biểu Toàn quốc Lần thứ hai” của Quốc Dân Đảng được tổ chức, trong số 256 đại biểu tham dự đại hội, 3/5 là Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong số 36 ủy viên được bầu của Ban Chấp hành Trung ương, có bảy người là Đảng viên của Đảng Cộng sản. Trong số chín Ủy viên Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương được bầu tại Hội nghị Toàn thể Lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa II, có bốn người thuộc Đảng Cộng sản. Trong số tám bộ, Bộ Tổ chức, Bộ Tuyên truyền, Bộ Nông dân và Bộ Ngoại giao do các Đảng viên Đảng Cộng sản kiểm soát, trong khi các Thư ký của bốn bộ khác là Thanh niên, Công nhân, Thương mại và Phụ nữ, cũng đều là các thành viên Đảng Cộng sản. Cuộc họp quyết định luận tội “phe Hội nghị Tây Sơn” có lập trường chống Cộng, khai trừ các nhà lãnh đạo Trâu Lỗ và Tạ Trì khỏi Đảng. “Chiến thuật moi tim” của Đảng Cộng sản Trung Quốc rất hiệu quả. Quốc Dân Đảng rơi vào tình thế lâm nguy. Quyền lực của Ủy ban Trung ương Quốc Dân Đảng về cơ bản đã bị những người Cộng sản nắm giữ, các trụ sở đảng bộ địa phương của Quốc Dân Đảng cũng hầu hết do những người Cộng sản kiểm soát; Năm trong số các Cục trưởng Cục Chính trị Quân sự của sáu Quân đoàn của Quân đội Cách mạng Quốc gia cũng đều là đảng viên Đảng Cộng sản.

Đảng Cộng sản Trung Quốc “Chủ trương thông qua kỳ họp ‘Đại hội Đại biểu Toàn quốc Lần thứ hai’ của Quốc Dân Đảng để đạt được mục tiêu chống lại những người cánh hữu, cô lập phe trung gian, mở rộng cánh tả và phản công Tưởng Giới Thạch, người đang tiến gần hơn đến cánh hữu.” (“Cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc với những người cánh hữu mới của Quốc Dân Đảng”, trang web của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ)

Tưởng Giới Thạch bận rộn việc quân sự, vì vậy tránh các cuộc tranh chấp đảng phái. Là người hùng “bình định Quảng Đông”, Tưởng Giới Thạch trở thành mục tiêu của nhiều phe phái tranh thủ quyền lực. Ông nằm trong số chín ủy viên thường vụ của Ban chấp hành “Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ hai” và nằm trong cấp lãnh đạo đưa ra quyết sách của Quốc Dân Đảng. Đối diện với từng bước tiến sát và xâm nhập của Borodin và ĐCSTQ, Tưởng Giới Thạch đã suy nghĩ rất nhiều về các quốc sách đối phó.

Tưởng Giới Thạch, Tổng tư lệnh Quân đội Cách mạng Quốc gia, duyệt binh trong lễ tuyên thệ trước Cuộc Bắc Phạt ở Đông Giáo trường, Quảng Châu. (Ảnh: Tài sản công)
Tưởng Giới Thạch, Tổng tư lệnh Quân đội Cách mạng Quốc gia, duyệt binh trong lễ tuyên thệ trước Cuộc Bắc Phạt ở Đông Giáo trường, Quảng Châu. (Ảnh: Tài sản công)

Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ hai của Quốc Dân Đảng, Tưởng Giới Thạch đã đề nghị phát động cuộc Bắc Phạt để hiện thực hóa tâm nguyện cuối cùng của Quốc phụ. Vào thời điểm này, cuộc Bắc Phạt được kiến nghị, một cách danh chính ngôn thuận, cả Borodin và Uông Tinh Vệ đều không bày tỏ sự phản đối nào. Nhưng ngay sau đó, Borodin về nước để báo cáo tình hình. Nikolay Kuibyshev, trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô, nhận được lệnh từ Moscow, bất ngờ quay sang phản đối quyết liệt cuộc Viễn chinh phương Bắc, tạo thành tình thế đối đầu như nước và lửa với Tưởng Giới Thạch. Tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, Nikolay Kuibyshev đã cố gắng hết sức để tuyên truyền lý luận “Cuộc Bắc Phạt sẽ bị thất bại”, và tuyên truyền rằng Hiệu trưởng Tưởng Trung Chính “không thể làm nên một cuộc cách mạng.”

ĐCSTQ đã hợp tác với yêu cầu của ĐCS Liên Xô và phân phát truyền đơn ở Quảng Châu, trong đó công kích và mô tả Tưởng Giới Thạch như một “tân Quân phiệt”. Khi Tưởng Giới Thạch gặp Uông Tinh Vệ, ông đã cay đắng nói rằng “Quyền lực thực sự của cuộc cách mạng không thể rơi vào tay người Nga”; thậm chí ông còn thúc giục Uông Tinh Vệ bày tỏ lập trường của mình bằng cách từ chức và trục xuất Nikolay Kuibyshev. Không ngờ rằng sự cấu kết giữa Uông Tinh Vệ với Trung Cộng đã rất sâu, trước yêu cầu của Tưởng Công thì Uông không tỏ rõ thái độ, lá mặt lá trái. Tưởng Giới Thạch nhận thấy mình đã trở thành chướng ngại của sự cấu kết giữa Uông với Nga, và rơi vào tình thế nguy hiểm, cho nên nội tâm giày vò không thôi. (Tưởng Vĩ Quốc, “Cha tôi Tưởng Trung Chính”)

Trong nhật ký, Tưởng Giới Thạch mô tả tình hình lúc bấy giờ: “Ngày 5 tháng 3 năm 15 (1926): đơn thương độc mã, hổ trước, sói sau, cô độc và nguy hiểm, đó là hoàn cảnh của tôi hiện nay. Thủ tướng và các bậc tiền bối trên trời có linh, hãy thương xót và bảo hộ giúp con không bị rơi vào tình thế tuyệt vọng. Ngày 15 tháng 3 năm 15: lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi đã lên tới cực điểm, tiếc rằng dùng người nhưng không thể biết được lòng người, mắc kẹt ở giữa, việc thiên hạ không thể làm được. Ngày 17 tháng 3 năm 15: Buổi sáng, nghị sự. Những nỗi đau đang phải gánh chịu nhưng không thể nói, không nỡ nói ra, và những mộng tưởng không thể với tới. Cuộc sống Chính trị từ trước đến nay, có khác gì Phật xuống địa ngục đâu?”

Thu hồi Chiến hạm Trung Sơn

Vào ngày 18/03/1926, Lý Chi Long, quyền Cục trưởng Cục Hải quân và là một đảng viên Đảng Cộng sản, đã giả danh Hiệu trưởng Tưởng, tự ý điều động Chiến hạm Trung Sơn của Tưởng Giới Thạch từ Quảng Châu trở về Hoàng Phố, với ý định uy hiếp Tưởng Giới Thạch.

“Vào ngày 18 tháng 3, Lý Chi Long (một đảng viên Đảng Cộng sản), Quyền Cục trưởng Cục Hải quân, ra lệnh cho Chiến hạm Trung Sơn của tôi từ Quảng Châu trở về Hoàng Phố. Ông ta nói với Đặng Diễn Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục của Học viện Quân sự, “Tàu về đây để đợi theo lệnh của hiệu trưởng.” Lúc này, tôi đang ở tỉnh lỵ Quảng Châu, Đặng gọi điện cho tôi hỏi việc này là thế nào, nhưng tôi ngỡ ngàng không biết gì cả. Sau đó, Lý Chi Long cũng gọi điện hỏi tôi: ‘Tàu Trung Sơn vẫn đến Quảng Châu đón ngài phải không?’ Tôi lấy làm lạ nên hỏi ông ta: ‘Ai đã ra lệnh cho tàu Trung Sơn đi về Hoàng Phố?’ Ông ta không trả lời được. Trên thực tế, khi tàu trở lại Hoàng Phố, ông ta liền nạp đủ than ở Hoàng Phố để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Đến tối ngày 19, tàu Trung Sơn trở về Quảng Châu, lửa trên tàu được giữ suốt đêm, canh phòng vô cùng nghiêm ngặt. Tôi biết rằng đây chính là âm mưu của Đảng Cộng sản. Nhưng lúc đó tôi chỉ biết rằng họ sẽ phản bội và hãm hại tôi, nhưng tôi chưa biết ý đồ thực sự của họ là gì. Cho đến sau khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, tôi mới biết kế hoạch của họ: đó là khi tôi trên đường trở về Học viện Quân sự Hoàng Phố từ thủ phủ tỉnh Quảng Châu bằng tàu, họ sẽ ép buộc tôi phải rời Quảng Đông, đi thẳng đến Vladivostok, chuyển giao cho Nga, nhằm loại bỏ trở ngại duy nhất ngăn cản họ giả danh nghĩa cách mạng Quốc dân để thực hiện cái gọi là ‘Chế độ chuyên chế của giai cấp vô sản’.” “Đêm ngày 19, tôi cho rằng tình thế cách mạng đã đến bước này, sống chết của cá nhân không còn gì phải đáng tiếc, mà vì sự tồn vong của Đảng và cách mạng, tôi không được phép chần chừ thêm nữa.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

Chiến hạm Trung Sơn. (Ảnh: Tài sản công)
Chiến hạm Trung Sơn. (Ảnh: Tài sản công)

Vào ngày 20/03/1926, Tưởng Giới Thạch tuyên bố thiết quân luật, bắt giữ Lý Chi Long, tịch thu súng của các phần tử ĐCSTQ, thu hồi Chiến hạm Trung Sơn, bao vây nhóm cố vấn Liên Xô và các cơ quan của Trung Cộng, đồng thời loại bỏ chức vụ của các đảng viên Trung Cộng trong Học viện quân sự. Các biện pháp quyết đoán của Tưởng Giới Thạch đã phá vỡ thế trận của Đảng Cộng sản. Borodin khi đó đang báo cáo công tác ở Liên Xô thì vô cùng hoảng sợ, ngay lập tức điều động Nikolay Kuibyshev và các cố vấn của mình rút về nước. Đến cuối tháng Tư, ông ta trở lại Quảng Châu, đến gặp và nói lời xin lỗi Tưởng Giới Thạch, chấp thuận toàn bộ 8 điều khoản trong thỏa thuận hạn chế Trung Cộng của Tưởng Giới Thạch. Uông Tinh Vệ tuyên bố bị bệnh và cao chạy sang Pháp. Tưởng Giới Thạch nắm quyền lãnh đạo Quốc Dân Đảng.

Tưởng Giới Thạch đã tự vệ chính đáng, ông là một người thầy nổi tiếng, ngay cả các nhà lãnh đạo của Trung Cộng cũng bị thuyết phục. Trần Độc Tú đã xuất bản một số bài báo trong tờ “Hướng Đạo” lần lượt vào ngày 03/04 và ngày 04/06/1926, nêu rõ: “Tưởng Giới Thạch là một trụ cột của phong trào cách mạng dân tộc Quốc gia Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng sản không phải là công cụ của Chủ nghĩa đế quốc, thì sẽ không bao giờ áp dụng một chính sách phá hoại sự đoàn kết của các lực lượng cách mạng Trung Quốc.” “Từ khi thành lập Học viện Quân sự Hoàng Phố cho đến ngày 20/03, đều tìm không thấy Tưởng Giới Thạch có bất kỳ một hành động phản cách mạng nào.” Ông cũng tuyên bố, “Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc âm mưu lật đổ Tưởng, thì họ nên đánh bại Đảng Cộng sản, và nếu những người Cộng sản âm mưu lật đổ Tưởng, họ nên bị xử bắn.” (“Tiểu sử của Trần Độc Tú”, Nhà xuất bản Nhân dân Thượng Hải, ấn bản năm 1989). Phía Liên Xô phê bình Nikolay và các cố vấn khác, “Họ đã hành động hấp tấp… Họ hiểu rằng nếu Quốc Dân Đảng một khi thất bại ở Quảng Đông, thì Đảng Cộng Sản cũng sẽ không tồn tại được.” (“Hồi ký của Trần Lập Phu”)

Việc giải quyết một cách quyết đoán sự cố “Chiến hạm Trung Sơn” là thắng lợi quan trọng đầu tiên của Tưởng Giới Thạch trong ván cờ với liên minh “Liên Xô-Trung Cộng-Uông Tinh Vệ”. Tưởng Giới Thạch đã thực hiện bước đầu tiên chống Cộng cứu nước.

Phụ thể xâm nhập

Trong nhật ký ngày 14/05/1926, Tưởng Giới Thạch nói rằng: “Mặc dù các điều kiện áp đặt đối với Đảng Cộng sản rất khắc nghiệt, nhưng khi Đảng lớn vẫn cho phép Đảng nhỏ hoạt động bên trong Đảng thì cũng tương tự như tự chuốc lấy diệt vong.” (Dương Thiên Thạch, Bản thảo “Nhật ký của Tưởng Giới Thạch”)

Sau khi Cuộc viễn chinh phương Bắc bắt đầu vào năm 1926, ĐCS Liên Xô đã chỉ thị cho Trung Cộng “Yêu cầu Đảng viên Trung Cộng lợi dụng các cơ quan của chính phủ Quốc Dân Đảng để tiếp cận nông dân, thực hiện cái mà họ gọi là ‘Kế Hoạch nông thôn’ và tạo ra cái mà họ gọi là ‘Cách mạng nông dân’”, mục đích của nó là từ trong bạo động ở nông thôn để tổ chức lực lượng vũ trang và thiết lập một chế độ Đảng Cộng sản.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

Gregori Voltinsky (tên Hoa ngữ là Ngô Đình Khang) đã báo cáo với Quốc tế Cộng sản rằng: “Đảng Cộng sản trên thực tế là đang lãnh đạo Quốc Dân Đảng, một ĐCS nhỏ bé nằm trong cơ cấu của Quốc Dân Đảng, đang tổ chức và lãnh đạo Quốc Dân Đảng.” “Sức ảnh hưởng của ĐCS quá lớn, rất khó vạch rõ ranh giới giữa hai Đảng, hầu như tất cả quyền lãnh đạo đều rơi vào tay người của ĐCS.” (“Bản ghi chép nhanh về cuộc thảo luận vấn đề Trung Quốc của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản”, ngày 10/02/1926)

Trong cuộc Bắc Phạt, Quốc tế Cộng sản đã tăng tốc kiểm soát quân đội Trung Quốc: “Trong việc hướng dẫn quân đội của ĐCSTQ, đại diện của Quốc tế Cộng sản tại Trung Quốc đã đề cao công tác Chính trị của Quân đội lên mức cần thiết, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Chính trị trong Quân đội Quốc Dân Đảng. Họ đặc biệt lựa chọn một nhóm người trong Đảng tham gia vào công việc này dưới danh nghĩa Quốc Dân Đảng, phấn đấu để quyền lãnh đạo thực sự nằm trong tay những người Cộng sản, thành lập một Chi bộ của Đảng Cộng sản ở cơ sở của Quân đội Quốc Dân Đảng, và thành lập các cơ quan Chính trị trong các đơn vị Quân đội của Quân đội Cách mạng Quốc gia, từ cấp Đại đội cho đến Trung đoàn đều bổ nhiệm một Chính ủy để làm công tác này.” (“Quốc tế Cộng sản, Kho lưu trữ bí mật của Đảng Cộng sản Đồng minh và Lý thuyết mới về lịch sử cách mạng Trung Quốc”, Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Trung ương)

Năm 1927, Quân đội Cách mạng Quốc gia tiếp quản Tô giới của Anh ở Hán Khẩu trong cuộc Viễn chinh phương Bắc. (Ảnh: Tài sản công)
Năm 1927, Quân đội Cách mạng Quốc gia tiếp quản Tô giới của Anh ở Hán Khẩu trong cuộc Viễn chinh phương Bắc. (Ảnh: Tài sản công)

“Trâu Lỗ nói rằng, sau khi cuộc Bắc Phạt đến sông Trường Giang, Quốc tế Cộng sản bắt đầu ra lệnh cho Trung Cộng ‘Lật đổ Tưởng Giới Thạch’. Vào thời điểm đó, Đảng Cộng sản ở Vũ Hán đã tổ chức một cuộc họp với các ‘Cánh tả’ của Quốc Dân Đảng để nghiên cứu ‘Nâng cao quyền lực Đảng’, chính là để trấn áp ‘Sức mạnh Quân sự’ của Tưởng Giới Thạch. Ban đầu Tưởng Giới Thạch còn chưa phát giác ra, cho đến khi khẩu hiệu “Đả đảo Tưởng Giới Thạch” phổ biến ở hai Hồ (Hồ Bắc và Hồ Nam), đồng chí Tưởng Giới Thạch đến lúc đó mới giật mình tỉnh ngộ.” (“Hồi ký của Trần Minh Xu”, trang 45 đến 59)

Vào ngày 13/12/1926, “Borodin thực sự đã triệu tập một cuộc họp của một số thành viên của Ủy ban Trung ương và Chính phủ Quốc gia ở Vũ Hán, quyết định tổ chức cái gọi là ‘Hội nghị liên tịch’, chỉ định Từ Khiêm làm chủ tịch, và thực hiện cái gọi là ‘Cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng’.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

Không lâu sau, Uông Tinh Vệ trở về từ châu Âu và điều hành Chính quyền ở Vũ Hán. Những Đảng viên ủng hộ Tưởng Giới Thạch đã thành lập Chính phủ Quốc dân ở Nam Kinh, hình thành nên “Ninh-Hán phân chia”. “Ngay khi Uông đến Thượng Hải, ông ta và Trần Độc Tú cùng ra tuyên bố, chủ trương tổ chức ‘Chế độ độc tài dân chủ của tất cả các giai cấp bị áp bức để trấn áp phản cách mạng’.” (“Nước Nga Xô Viết ở Trung Quốc”)

Trong lúc hỗn loạn, một mặt, Đảng Cộng sản tung tin đồn bịa đặt ly gián Quốc Dân Đảng, đào sâu chia rẽ Quốc dân đảng; Mặt khác, họ kích động gây rối, kích động “Phong trào nông dân” ở Hồ Nam và Hồ Bắc, giết người cướp của, lừa gạt tống tiền và tạo ra khủng bố.

(Còn tiếp)

Tổ nghiên cứu nhân vật Thiên cổ anh hùng của Văn hóa Thần truyền huy hoàng 5,000 năm.


Tâm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x