Nhà sử học Michael Livingston chia sẻ chi tiết về công việc mang tính đột phá trong tác phẩm “The Battle of Crécy: A Casebook” (Trận Chiến Crécy: Một Cuốn Sổ Ghi Chép)
Bất kỳ câu chuyện nào, theo thời gian, các dữ kiện có thể bị bóp méo, biến sự thật trở thành một điều huyền ảo. Trong cuộc trò chuyện hàng ngày, người ta gọi đó là tán gẫu hoặc là tin đồn. Có lẽ, vẫn còn sót lại chút vết tích của sự thật, nhưng toàn bộ câu chuyện đó không cách nào là một câu chuyện kể lại chân thật. Lịch sử, thậm chí là lịch sử học thuật, cũng có thể vướng phải các vấn đề sai lầm tương tự.
Ông Michael Livingston, tổng thư ký của Ủy ban Lịch sử Quân đội Hoa Kỳ (U.S. Commission on Military History) và là giáo sư tại đại học The Citadel, một trong sáu học viện quân sự cao cấp của quốc gia, nổi tiếng về việc thiết lập lại các ghi chép lịch sử chân thực, ngay cả với những ghi chép đã tồn tại hoặc được chấp nhận trong nhiều thế kỷ. Quyển sách của ông “Never Greater Slaughter: Brunanburh and the Birth of England” (Đừng Bao Giờ Tàn Sát Nhiều Hơn: Trận Chiến Brunanburh Và Sự Ra Đời Của Anh Quốc), kể về Trận chiến Brunanburh, đã đưa ông vào bản đồ sử học như là một tiếng nói của tri thức và lý tính lịch sử, cũng như là một người bảo vệ mạnh mẽ chống lại tin đồn lịch sử.
Từ trận chiến Agincourt cho đến trận chiến Crécy
Nghiên cứu của ông về Trận chiến Brunanburh, một trận chiến diễn ra vào năm 937 và cuối cùng hợp nhất Anh quốc, là một trong những chủ đề gây tranh cãi, vì có nhiều bên mâu thuẫn nhau về vị trí chính xác mà trận chiến này diễn ra. Tuy nhiên, chính giả thuyết về Trận chiến Agincourt là nguyên cớ của khám phá gần đây nhất của ông, và những cuộc tranh luận. Trận chiến này là một trong ba trận chiến nổi tiếng nhất của cuộc Chiến Tranh Trăm Năm giữa Anh quốc và Pháp quốc và có thể nói là, được biết đến nhiều nhất vì là một trong những bối cảnh trong tác phẩm “Henry V” của đại văn hào William Shakespeare. Vào đêm trước của cuộc chiến này, Vua Henry V đã diễn thuyết một bài diễn văn hư cấu, nhưng đáng nhớ cho Ngày Kỷ niệm Thánh Crispin.
Ông Livingston, cùng với các đồng nghiệp và cộng sự nghiên cứu sử học Kelly DeVries và Robert Woosnam-Savage, muốn kiểm chứng lý thuyết liên quan đến vua Henry V và vị trí chiến trường, nhưng rất nhanh sau đó, lý thuyết của ông đã sụp đổ. Tuy nhiên, chuyến đi đến miền bắc nước Pháp này đã không hoàn toàn lãng phí, bởi vì nơi đó gần với vị trí của một trận chiến nổi tiếng khác trong cuộc Chiến Tranh Trăm Năm, trận chiến mà ông DeVries có một số băn khoăn về nó.
Ba sử gia này đã đi bộ đến địa điểm lịch sử của Trận chiến Crécy. Trận chiến này đã đưa đến chiến thắng bất ngờ cho Anh quốc và Vua Edward Đệ Tam, đồng thời tán thành truyền thuyết về Vua Edward Đệ Tứ, người nổi tiếng với biệt danh là Hoàng Tử Đen. Khi ba người đến nơi diễn ra trận chiến đó, họ thấy rất rõ rằng có vấn đề về địa điểm này, hay như ông Livingston đã nói trong một cuộc phỏng vấn trong một tập của podcast “The Sons of History” (Những đứa con của lịch sử), những vấn đề ở mức “tai hại.”
‘Một trận chiến là về chiến địa của nó’
“Chúng tôi càng đi qua chiến địa này, thì tôi càng bị thuyết phục rằng đây không phải là nơi mà chúng tôi cần để xoay chuyển trận chiến này, hoặc nếu chúng tôi xoay địa điểm đi một chút thì mọi việc sẽ ổn,” ông nói. “Điều đó giống như là, ‘Trận chiến không diễn ra ở đây. Không có gì ở đây trông hợp lý cả.’
Từ điểm đó, ông Livingston và ông DeVries đã bắt đầu nghiên cứu hướng đến việc bác bỏ vị trí đã được đồng ý trước đó và phần lớn các câu chuyện dân gian đã bắt nguồn từ địa điểm sai lầm này. Ông đã không mất nhiều thời gian để phát triển luận án của mình nhằm bác bỏ niềm tin đã tồn tại hàng thế kỷ. Ông bắt đầu bằng việc truy cập Internet.
“Khi quay trở về khách sạn, tôi đã truy cập Internet và tìm kiếm một tá các nguồn tư liệu công khai và tư liệu được dịch sang Anh ngữ để đọc, và họ đã nói trận chiến này đã diễn ra ở một nơi nào đó khác,” ông nói.
Trong nhiều tháng tiếp theo, ông DeVries và ông Livingston đã nghiên cứu và đi bộ đến chiến địa đó hàng chục lần, thậm chí là cố gắng để bác bỏ chính giả thuyết của họ. Công việc này đã đưa đến sự ra đời cho tác phẩm mang tính đột phá có nhan đề: “The Battle of Crécy: A Casebook” (Trận Chiến Crécy: Một Cuốn Sổ Ghi Chép). Tác phẩm đã giành được Giải Thưởng Sách Xuất Sắc từ Hiệp hội Lịch sử Quân sự. Cũng như với tác phẩm của ông về Trận chiến Brunanburh, tác phẩm Trận chiến Crécy đã chứng tỏ một luận điểm mà ông Livingston hy vọng sẽ tiếp tục được lưu truyền trong ngành lịch sử cũng như trong khắp các lớp học lịch sử của ông.
“Một trận chiến là về chiến địa của nó. Bạn không thể hiểu được địa điểm diễn ra giao tranh cho đến khi bạn hiểu được chiến địa đó,” ông Livingston nói. “Nếu bạn đang ở trên một địa điểm sai, thì bạn sẽ không hiểu gì về trận chiến đó cả.”
Không chỉ là sự thay đổi về địa điểm
Việc chứng minh rằng trận chiến này đã diễn ra ở một nơi khác không chỉ đơn thuần là thay đổi địa điểm của chiến trường; mà còn thay đổi phần lớn cách chúng ta phải nhìn nhận về trận chiến này và toàn bộ cuộc Chiến Tranh Trăm Năm, đặc biệt là cách chúng ta nhìn nhận về người Anh và người Pháp.
“Kết luận chủ yếu mà mọi người đúc kết về Trận chiến Crécy là người Pháp thật ngu ngốc. Họ đã bị tàn sát trong nhiều giờ giống như thể họ là bọn quái thú Orcs trong phim ‘Chúa tể của những chiếc nhẫn,’ chỉ biết lang thang trong làn lửa đạn,” nhà sử học này nói. “Điều đó đã làm hoen ố hiểu biết của mọi người về phần còn lại của cuộc chiến này.”
Một câu hỏi mà cả ông Livingston và ông DeVries đã đi tìm câu trả lời là làm thế nào mà người Pháp lại thua trận chiến này mặc dù có quân số áp đảo quân Anh. Phần lớn công lao này từ trước đến nay đã được quy cho lợi thế công nghệ của người Anh trước người Pháp. Người Anh có những cung thủ trường cung (longbowmen). Mặc dù điều này đã đóng một vai trò trọng yếu, nhưng không thể trả lời đầy đủ cho câu hỏi này. Tuy vậy, chiến trường nơi xảy ra cuộc giao tranh có thể giải đáp cho câu hỏi đó.
“Cách tôi dựng lại cuộc chiến này là theo hướng Vua Edward Đệ Tam đã chọn một vị trí tuyệt vời và vua nước Pháp (Philip Đệ Lục) đã đánh mất quyền chỉ huy và kiểm soát,” ông nói. “Nếu bạn là một người chỉ huy trên chiến trường đó và bạn đã mất khả năng chỉ huy và kiểm soát, thì những điều tốt đẹp thường không xảy ra. Đó là một cơn bão tố đầy kinh ngạc của những sự việc diễn ra theo kiểu được ăn cả, ngã về không.”
Một huyền thoại ra đời
Liên quan đến Hoàng Tử Đen, có một truyền thuyết đã lan truyền qua nhiều thế kỷ rằng Vua Edward Đệ Tứ là một kiểu [người hùng] tương tự như Hercules thuở thiếu thời, lao từ tiền tuyến vào cướp phá trận địa và hạ gục vô số chiến binh người Pháp. Truyền thuyết nói rằng các hiệp sĩ người Anh đã cảnh báo vua rằng con trai của ngài đang bị truy đuổi sát sao trong trận chiến và cần được giải cứu, câu trả lời nổi tiếng của nhà vua là: “Hãy để con trai ta lấy được động lực của mình [ví dụ như tinh thần hiệp sĩ].” Khi các hiệp sĩ này quyết định bất tuân lệnh nhà vua và giải cứu cho hoàng tử bằng mọi cách, họ phát hiện hoàng tử đang đứng trên vô số thi thể của những chiến binh người Pháp tử trận, bình an vô sự.
Trên thực tế, Hoàng Tử Đen đã thật sự được đưa ra tiền tuyến, nhưng dường như hoàng tử đã đưa ra quyết định ngu ngốc khi lao vào quân Pháp mặc dù những cung thủ trường cung Anh quốc đã thể hiện được lợi thế rõ rệt của họ. Ông Livingston nói rằng, thực tế là vị hoàng tử Anh quốc này lẽ ra nên làm mồi nhử để dẫn dụ quân Pháp vào tầm bắn của những cây cung. Quyết định lao vào quân Pháp của ông, cuối cùng đã gây tác dụng cản trở đội cung thủ của chính ông và đặt bản thân ông vào tình thế nguy hiểm, gần như khiến Anh quốc phải trả giá bằng trận chiến này và cả cuộc chiến tranh đó.
Kỳ thực, Hoàng Tử Đen đã bị quân đội Pháp bắt đi trong lúc hỗn chiến. Chính là vào khoảng thời gian này, trong khi các binh lính và quý tộc Pháp đang tranh cãi về việc ai sẽ đi đòi tiền chuộc, thì hoàng tử đã bắt đầu lẻn ra ngoài và binh lính Anh đã giải cứu ông thành công.
“‘Chiến Tranh Trăm Năm,’ không lâu sau khi ông bị bắt đi, gần như kết thúc. Ông gần như khiến cha mình phải trả giá toàn bộ,” ông Livingston nói.
Tuy vậy, Trận chiến Crécy đã kết thúc với chiến thắng của quân Anh và một vị hoàng tử trẻ tuổi được che đậy bằng một huyền thoại sai lầm, nhưng đầy vẻ vang.
Lựa chọn giữa Huyền thoại và Sự thật
“Chúng ta có thể lý giải được vì sao chúng ta có câu chuyện về vị hoàng tử lấy được động lực của mình, bởi vì điều chúng ta có được là thứ mà chúng ta bây giờ gọi là xảo ngôn,” ông Livingston nói.
Ông nói rằng sự thật đã bị làm cho chệch hướng và bị hạ thấp xuống thành một huyền thoại. Thực tế là câu chuyện này chỉ đơn thuần là một truyền thuyết phù hợp với dữ kiện rằng vị trí chiến trường này không đúng. Ông Livingston nói rằng khi vị trí chiến trường này được sửa lại đúng, thì vài điều khác [cũng] trở nên đúng, chẳng hạn như các chiến lược và chiến thuật quân sự của cả hai bên, cũng như câu chuyện về Hoàng Tử Đen.
Khi ông càng hiểu về lý do tại sao đã có bịa đặt bên phía quân đội Anh, thì ông càng hiểu tạo sao những chiến trường lịch sử như của trận chiến Brunanburh và Crécy đã được thừa nhận trong nhiều thế kỷ.
“Những truyền thống là điều khó phá vỡ,” ông đã nói. “Một người nào đó đã đặt một địa điểm lên bản đồ ở thế kỷ thứ 17 và nói rằng đây là nơi Trận chiến Crécy đã diễn ra và mọi người chỉ mặc nhiên coi điều đó là đúng. Nếu bạn có đủ người lặp lại một lời nói dối đủ thường xuyên, thì mọi người bắt đầu tin vào lời nói dối đó.”
Ông nói rằng các sử gia có một nhiệm vụ khó khăn để bác bỏ điều mà ông gọi là “kiến thức được công chúng thừa nhận.” Đây là thông tin tồn tại vĩnh cửu, điều có thể là không chính xác, mà những sử gia đã nghiền ngẫm rồi lặp lại, thường không biết rằng đó là sai sự thật. Và khi một sử gia bác bỏ một quan điểm như vậy, thậm chí là với bằng chứng thuyết phục, thì sự phản đối từ những người theo trường phái truyền thống là không thể tránh khỏi. Ông Livingston đã vấp phải phản đối ở cả hai cuộc nghiên cứu về chiến trường Brunanburh và Crécy. Ông thậm chí còn nhận được lời đe dọa tính mạng về nghiên cứu chiến trường Brunanburh. Một trong những thời điểm ông gặp phải bất đồng về Trận chiến Crécy, vốn ít kịch tính hơn nhiều so với việc bị đe dọa tính mạng [liên quan đến nghiên cứu] về Trận chiến Brunanburh, là từ một trong những đồng nghiệp của ông.
“Một trong số các đồng nghiệp của tôi đã nói rằng, ‘Cuối cùng, lý do mà chúng tôi biết Mike không thể đúng là bởi vì nếu ông ấy đúng, nghĩa là tất cả chúng tôi đều đã sai,” ông cười nói. “Tôi đã nói ‘Tôi không nghĩ đó là sự tranh luận thắng thua như quý vị nghĩ.’ Nhưng tôi cũng đồng thời hiểu ra. Là một nhà sử học, bạn đã phần nào đó được đào tạo để tiếp nối những kết quả của những thế hệ đi trước: ‘Chúng tôi biết điều này, vì vậy hãy dựa trên nền tảng này để tiến gần hơn để biết được điều gì đã diễn ra.’ Tuy nhiên nó chỉ có tác dụng khi nền tảng đó vững chắc.”
Ông Livingston đã nói ông không bận tâm về những quan điểm bất đồng này, cũng như không bao giờ bận tâm đến những gì các sử gia khác hoặc những điều truyền miệng nói về một chủ đề lịch sử. Ông đã tiếp nối cuốn sách từng đạt giải thưởng mà ông đồng sáng tác với ông DeVries bằng một tác phẩm của riêng mình “Crécy: Battle of Five Kings” (Crécy: Cuộc Chiến của Năm Vị Vua). Cuốn sách này nhắc lại những kết quả nghiên cứu của họ và đưa ra lập luận dựa trên nền tảng thậm chí còn vững chắc hơn.
Epoch Times Tiếng Việt