Các tiểu thiên sứ nằm ngủ trong những chiếc vali và những chiếc hộp cũ kỹ, ở trên các gác xép, bên trong các tủ quần áo, và các ngăn tủ kéo. Những tờ khăn giấy giữ chúng ở những nơi an toàn thường đã chuyển sang màu vàng. Tuy nhiên, khi ngày dần ngắn lại và đêm trở nên dài hơn và các công việc chuẩn bị trước Lễ Giáng Sinh bắt đầu, thời gian nghỉ ngơi trên tấm đệm êm ái của các tiểu thiên sứ này cũng dần kết thúc. Chúng sẽ được cẩn thận mang ra ngoài ánh sáng.
Trong nhiều thế hệ, các tiểu thiên sứ này là một phần của kho báu Giáng Sinh được giữ gìn cẩn thận của nhiều gia đình người Đức. Tuy nhiên, từ lâu chúng cũng được nhiều người trên toàn thế giới yêu mến: các thiên sứ tí hon, vui vẻ với đôi cánh màu xanh lục chấm bi.
Nhiều người biết đến chúng, nhiều người yêu mến chúng; đối với nhiều người, các tiểu thiên sứ này là những ký ức tuổi thơ ấm áp và truyền thống gia đình. Những người con và người cháu hôm nay vẫn kinh ngạc khi chúng xuất hiện — thường là hết thiên sứ này đến thiên sứ khác — bên trong các căn hộ và ngôi nhà như thể là một phép màu và bắt đầu chơi nhạc theo một phong cách độc đáo, thanh thoát, và vui tươi của riêng chúng.
Một cách lặng lẽ, nhưng rõ là cần mẫn, các tiểu thiên sứ này thổi sáo và chơi đàn vĩ cầm trên các bệ cửa sổ; vây quanh chiếc vòng nguyệt quế Giáng Sinh; tạo thành một dàn nhạc giao hưởng hoàn chỉnh; trú ngụ trong những chiếc hộp âm nhạc; và cuối cùng là treo lơ lửng, vui vẻ vô tư, giữa các nhành thông xanh mướt của cây Giáng Sinh.
Các tiểu thiên sứ này hiện diện trong nhà của nhiều gia đình, tuy nhiên chỉ có một số ít người biết đến tên gọi hay xuất xứ và thời điểm ra đời của chúng. Các nhạc công trẻ mãi không già này được thiết kế vào năm 1923, cách nay gần 100 năm, tại đô thị Grünhainichen trên dãy núi Ore Mountains, nơi mà chúng lần đầu tiên được lắp ráp và sơn màu thủ công.
Các tiểu thiên sứ này đã có tên gọi kể từ đó. 11 chấm bi màu trắng — ngay cả hôm nay, mỗi chấm bi đều được chấm nhẹ bởi một bàn tay lành nghề với một chiếc cọ vẽ mảnh lên trên đôi cánh nhỏ xíu màu xanh lục — đã nhanh chóng biến chúng trở thành “Eleven Dot Angels” (Các Thiên Sứ Mười Một Chấm Bi).
Người tạo ra các thiên sứ này, bà Grete Wendt, về sau đã trả lời câu hỏi vì sao có đúng 11 chấm bi một cách tinh nghịch rằng “Nó cứ thành vậy thôi.”
Truyền thống sống mãi qua các thế hệ
Tuy nhiên, các bản vẽ thiết kế tỉ mỉ của bà cho thấy rằng nhà thiết kế Wendt gần như không bỏ sót một chi tiết nào trong những tác phẩm của mình. Là con gái của một hiệu trưởng của ngôi trường thương mại kỹ thuật ở thị trấn sản xuất đồ chơi thịnh vượng của vùng Grünhainichen, bà đã bắt đầu vẽ hình, xây dựng và mày mò máy móc một cách say mê khi còn là một đứa trẻ.
Được cha nuôi dưỡng và khuyến khích, bà đã theo đuổi niềm đam mê ở tuổi 20 và đã theo học trường Royal Saxon School of Applied Arts (Trường Nghệ thuật Ứng dụng Hoàng gia Saxon) ở thành phố Dresden từ năm 1907 đến năm 1910. Năng khiếu của bà về những đường nét rõ ràng và ngôn ngữ thiết kế tối giản đã được thể hiện rõ ràng trong các mẫu thiết kế từ thời đó.
Một cuộc thi thiết kế quà lưu niệm du lịch xinh xắn, do hiệp hội Sächsischer Heimatschutz tổ chức, cuối cùng đã thúc đẩy thành lập công ty này. Bà Margarete Kühn là người cộng sự thời sinh viên của bà Wendt đã tham gia vào một bộ sưu tập có giải thưởng về những đứa con của người hái quả mọng, điều đã đưa tới hàng loạt đơn hàng, một số trong đó bà đã đặt hàng từ các nhà sản xuất đồ chơi ở địa phương và một số đơn hàng bà đã tự làm thủ công ở nhà cha mẹ của bà.
Vào năm 1915, bà Wendt cùng với bà Kühn đã quyết định hợp tác và đi vào kinh doanh. Xưởng chế tác Wendt & Kühn đã ra đời như vậy.
Năm năm sau, vào năm 1920, bà Kühn kết hôn và rời khỏi công ty. Bà Olly Sommer, cũng tốt nghiệp từ trường Royal Saxon Academy of Applied Arts (Học viện Nghệ thuật Ứng dụng Hoàng gia Saxon), đã đến vùng Grünhainichen cùng năm đó với tư cách là một thực tập sinh, đã yêu mến công việc sáng tạo này — và cùng với anh trai của bà Wendt — và đã sống trọn đời ở đây.
Những ý tưởng dồi dào của hai người phụ nữ này và niềm vui của họ trong công việc sáng tạo đã và vẫn luôn là nguồn động lực thúc đẩy phía sau xưởng chế tác này. Anh trai của bà Grete và cũng là chồng của bà Olly, ông Johannes Wendt, dần dần đảm nhiệm việc quản lý thương mại của công ty còn non trẻ này.
Một huy chương vàng và một cuộc thi danh giá tại cuộc Triển lãm Thế giới năm 1937 ở thành phố Paris cuối cùng đã mang đến [cho công ty] tiếng tăm và sự công nhận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, xưởng chế tác và gia đình đã gặp phải những biến động lớn, bộn bề lo toan, và tổn thất lớn lao do chiến tranh và các chế độ chuyên quyền.
Giữ gìn di sản thủ công
Lịch sử đầy thăng trầm của công ty này đã tiếp diễn đến tận những năm sau chiến tranh, khi công ty bị cưỡng chế quốc hữu hoá và bị chuyển thành một doanh nghiệp nhà nước ở Cộng hoà Dân chủ Đức. Tuy nhiên, xưởng chế tác đã cố gắng tránh sản xuất công nghiệp hàng loạt và do đó đã giữ gìn được tay nghề, các kỹ nghệ, và kiến thức của mình trong nhiều thập niên.
Vào năm 1990, một lần nữa công ty VEB Werk-Kunst Grünhainichen trở thành xưởng chế tác tư nhân Wendt & Kühn, hiện do thế hệ thứ ba điều hành, và bắt đầu hưng thịnh trở lại.
Tất cả những đoạn thời gian khó khăn, buồn bã, và hỗn loạn đã đi lướt qua các thiên sứ Elfpunkte như thể không lưu lại một dấu vết nào. Có lẽ đây là bí quyết về câu chuyện thành công độc nhất vô nhị của họ.
Bản chất vượt thời gian, vui vẻ của các thiên sứ này khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ em và đưa người lớn trở về những ngày thơ ấu của riêng mình. Các thiên sứ là những người bạn cùng chơi và đồng thời cũng là những người thân quen trong gia đình.
Niềm vui lặng lẽ, chân thành của các thiên sứ trong âm nhạc; sự quy phục thân thiện; cũng như nụ cười xinh xắn và sự duyên dáng của chúng đã mang đến những khoảnh khắc hân hoan cho nhiều thế hệ. Trước dịp kỷ niệm 100 năm, một lời kêu gọi từ xưởng chế tác này để chia sẻ những câu chuyện về các thiên sứ trên và vai trò đặc biệt của chúng trong lịch sử gia đình của mỗi người trong chiến dịch “Favorite Angel” (Thiên Sứ Yêu Thích) đã nhận được sự hưởng ứng với hàng trăm bài viết cảm động.
Lan tỏa niềm vui
Một tiểu thiên sứ cùng một nhạc cụ sẽ được ghép tỉ mỉ từ 27 bộ phận xoay làm bằng gỗ thô — chủ yếu là gỗ cây chanh xanh, gỗ dẻ gai, và gỗ thích. Tiếp theo là nhúng vào sơn trắng ba lần, và chỉ sau đó thì lớp sơn lót rắn chắc này mới được trang trí bởi nhiều cọ vẽ có độ mảnh khác nhau và một bàn tay lành nghề. Gần 400 màu sắc khác nhau, được pha trộn để tạo thành những sắc thái mịn màng nhất dựa theo bảng màu lịch sử, vẫn còn được sử dụng. Cần đến 38 bước làm, tám tuần, và những đôi tay lành nghề của 175 nhân viên để một thiên sứ Elfpunkte (Mười Một Chấm Bi) có thể xuất xưởng.
Tất cả bắt đầu với ba nghệ sĩ có đôi cánh. Một người cầm ngọn đuốc, người thứ hai thổi sáo, và người thứ ba chơi đàn vĩ cầm. Trải qua nhiều năm, bộ ba này đã phát triển thành một dàn nhạc giao hưởng với 80 nhạc công tí hon. Thậm chí ngày hôm nay, các tiểu thiên sứ bay ra khỏi xưởng chế tác để đến khắp nơi trên toàn thế giới và đi vào trong những căn hộ và ngôi nhà như những người bạn âm nhạc tâm đầu ý hợp sống cùng nhà.
Epoch Times Tiếng Việt