Đôi khi chúng ta cũng nên hiểu biết về lịch sử của nhân loại để không bị mơ hồ trong thế giới hiện đại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi ngược dòng thời gian, tìm đến đỉnh núi Everest từ kiệt tác ‘Phong thần cho Hercules’ – một tác phẩm vĩ đại của nền văn minh chúng ta, để hiểu được ý nghĩa sâu sắc đối với thực tại của chúng ta.
‘Đức hạnh khiến con người vượt lên chính mình’
Phải mất bốn năm danh họa François Lemoyne mới hoàn thành tác phẩm ‘Phong thần cho Hercules’ và năm 1736 trong đại sảnh cùng tên tại Cung điện Versailles. Ba thế kỷ sau, công trình đồ sộ này tiếp tục đặt ra cho chúng ta câu hỏi về số phận của con người và những gì con người được ban tặng để vượt lên chính mình.
Tác phẩm được vẽ trên trần nhà lớn nhất Âu Châu dài 18 mét, rộng 12 mét, có tới 142 hình, khi thoạt nhìn có thể thấy 62 hình. Bao quanh hình ảnh Hercules thăng thiên là chín nhóm nhân vật, gồm có Thần Apollo và Đền Ký ức, Thần Bacchus và Thần Pan, Thần Chiến tranh Mars đang theo dõi sự sụp đổ của Quái vật, Ngọn lửa báo hiệu về sự chết chóc trên Trái đất, Thần gió Aeolus, Thần cai quản Địa ngục Pluton và Thần biển, thiên tài Mỹ thuật, các Nàng thơ, các thiên thần, v.v.
Ý nghĩa của tác phẩm ‘Phong thần cho Hercules’ được tóm lược trong bài thơ của thi sĩ Dezallier d’Argenville công bố trên Mercure de France vào tháng 10/1736:
“Tình yêu của đức hạnh đưa con người vượt lên trên bản thân mình, giúp họ vượt qua những công việc khó khăn và nguy hiểm nhất;
Những trở ngại trước mắt bị xóa sạch vì lợi ích của nhà Vua và của Tổ quốc, được thực thi nhờ lòng danh dự, được dẫn dắt bởi lòng trung thành, và con người có thể đạt được sự bất tử bởi hành động của chính mình.”
Họa sĩ Donat Nonnotte, học trò của danh họa François Lemoyne, viết trong Le Traité de peinture được công bố tại Học viện Lyon, họa sĩ François Lemoyne ban đầu muốn vẽ về sự vinh quang của chế độ quân chủ và các triều đại Pháp qua các thời kỳ. Thông qua những thành tựu của các vị vua vĩ đại nhất như vua Clovis, vua Charlemagne, Thánh Louis hay Henry Đại đế, họa sĩ muốn công nhận sự bất tử của họ. Nhưng cuối cùng, danh tác Phong thần cho Hercules đã được Vua Louis XV chọn để trang trí trần nhà nguyện của hoàng gia.
‘Chỉ có tình yêu của đức hạnh mới có thể chiến thắng ma quỷ và tội lỗi’
Trong tác phẩm ‘Phong thần cho Hercules’, người anh hùng được miêu tả đang đi lên thiên thượng trên cỗ chiến xa, được dẫn dắt bởi thần ‘Tình yêu của Đức hạnh’. Thần tình yêu Cupid cùng với các thiên thần khác kéo cỗ chiến xa cho vị á thần, họ đưa Hercules đến với cha mình là Thần Jupiter (Thần Zeus). Ông giới thiệu anh với nữ thần Tuổi trẻ Hebe được dẫn dắt bởi nữ thần Hymen.
Trên hành trình lên thiên thượng của anh hùng Hercules, chúng ta thấy quái vật và ác quỷ đang cố gắng ngăn cản anh và chúng bị đánh hạ. Bị khuất phục bởi lựa chọn của vị anh hùng trước sự dẫn dắt của Tình yêu và Đức hạnh, ma quỷ hắc ám không thể bám theo ánh hào quang của Hercules và bị ném xuống dưới.
Bốn hình tượng ở bốn góc của bức tranh đại diện cho các đức tính chính yếu, đại diện cho giá trị đạo đức của người anh hùng: Sức mạnh, Công lý, Tiết chế, và Thận trọng. Những hình ảnh ẩn dụ này là phẩm chất của anh hùng Hercules khi anh thăng thiên.
Vào thời điểm đó, các từ có ý nghĩa khác với ngày nay, chúng thuộc về nền văn hóa gắn liền với thần thánh và chứa đựng những thông điệp về vận mệnh của chúng ta. Ví dụ, sức mạnh không đề cập đến sức mạnh thể chất, mà là lòng dũng cảm và sức mạnh đạo đức. Công lý bao gồm sự ổn định và vững chắc của luật nhân quả phổ quát đối với mỗi điều do chính mình gieo mầm. Sự điều độ/chừng mực đảm bảo kiểm soát ý chí đối với bản năng của con người và duy trì mong muốn trong giới hạn trung thực. Sự thận trọng được thể hiện trong trí tuệ và lý trí, cho phép chúng ta có thể phân biệt được thiện và ác. Những giá trị phổ quát này cho phép một người lương thiện vượt qua khó khăn, nỗ lực làm điều tốt lành, chống lại những cám dỗ bại hoại, và cuối cùng vượt qua mọi trở ngại.
Những đức tính này, xuất hiện trên trần nhà trong bức tranh về Hercules, chống lại những tội lỗi bủa vây con người mà đứng đầu là Envy (Đố kỵ), tiếp theo là Giận dữ, Hận thù, Bất hòa và các thói xấu khác. Envy (Đố kỵ) là ở vị trí gần nhất với vị anh hùng, con quái vật này trong thế kỷ 18 được coi là “nguy hiểm và tàn nhẫn nhất trong tất cả các thói xấu và là kẻ duy nhất có cơn thịnh nộ đến chết,” theo Mercure de France năm 1736. Đối diện với những thói hư tật xấu tìm cách hủy hoại vị anh hùng là tình yêu của đức hạnh, chứ không phải sức mạnh, và khi được bao bọc bởi bốn phẩm chất căn bản thì mới có thể giành chiến thắng.
Thông điệp phổ quát của nghệ thuật Pháp thế kỷ 18
Khi danh họa François Lemoyne bắt đầu vẽ họa phẩm ‘Phong thần cho Hercules’, ông đã học được những kỹ thuật tốt nhất của hội họa Ý tại Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia do vua Louis XIV thành lập vào năm 1648. Mục đích của một học viện như vậy là để thu thập, bảo tồn và hoàn thiện nghệ thuật cổ điển thành một nền giáo dục hàn lâm dựa trên nền tảng kỹ pháp xuất sắc của nghệ thuật kết hợp với tài năng thiên bẩm của nghệ sĩ.
Epoch Times Tiếng Việt