Khi bước vào một tòa nhà hay một căn phòng, người ta tự nhiên sẽ đưa mắt nhìn xung quanh. Tuy nhiên, tài nghệ kiến trúc và kỹ thuật của kiến trúc sư Rafael Guastavino lại lập tức thu hút các ánh nhìn hướng lên trên. Suốt hơn một thế kỷ qua, kỹ thuật lát gạch trên các mái vòm tròn và vòm cong này đã khiến vô số người kinh ngạc.
Trên thực tế, dấu ấn không thể xóa nhòa của người đàn ông nhập cư gốc Tây Ban Nha này đã làm rạng rỡ nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Mỹ quốc, trong đó có ga tàu điện ngầm City Hall ở New York và Phòng khai trình trên Đảo Ellis, cũng như Thư viện Công cộng ở thành phố Boston. Rất nhiều công trình ở Mỹ quốc có dấu chữ ký của kiến trúc sư Guastavino là biểu tượng vĩ đại của một Mỹ quốc thịnh vượng và đầy hy vọng.
Một tài năng lớn
Theo ông John Ochsendorf, giáo sư kiến trúc kiêm kỹ thuật xây dựng dân dụng và môi trường tại Viện Công nghệ Massachusetts, kiến trúc sư Guastavino sinh năm 1842 tại Tây Ban Nha, từng khát khao trở thành một nhạc sĩ. Nhưng rồi, ông lại trở thành bậc thầy đứng sau một hệ thống vòm cuốn ốp trần độc đáo, chống cháy, và được cấp bằng sáng chế, trong đó có các vòm cuốn tự chịu lực và ngói đất nung lồng vào nhau.
Ban đầu, ông Guastavino học tại Trường Thầu Xây dựng của Barcelona vào năm 1861. Ông đã học những môn như cơ học, hình học họa hình, và xây dựng — tất cả những điều này đã giúp ông hiểu được hệ thống vòm lát ngói lâu đời của châu Âu. Trong nguồn tư liệu được biết đến rộng rãi của giáo sư Ochsendorf viết năm 2010, “Guastavino Vaulting: The Art of Structural Tile” (Cách Xây Vòm Của Kỹ Sư Guastavino: Nghệ Thuật Sử Dụng Ngói Xây Dựng), nói rằng nền giáo dục toàn diện ở Tây Ban Nha đã giúp ông Guastavino tham gia và chiến thắng trong một cuộc thi thiết kế năm 1868 cho một dự án nhà máy dệt. Ông đã áp dụng kiến thức kiến trúc tích lũy được cùng óc sáng tạo thiên bẩm của mình và, như giáo sư Ochsendorf đã nêu ra, “thành công một cách ngoạn mục. Dự án lớn đầu tiên của ông đã thu hút được sự chú ý đáng kể, với một bài viết trên báo chí đương thời đã mô tả về kỹ năng kết hợp kỹ thuật xây dựng dùng đá và gạch của vị kiến trúc sư trẻ tuổi để tạo nên ‘một cơ sở công nghiệp hùng vĩ.’”
Sau khi ông Guastavino nhận được một huân chương công trạng (medal for merit) cho các mặt bằng kiến trúc mà ông đã trình bày tại Triển lãm Kỷ niệm Trăm năm ở Philadelphia năm 1876, ông quyết định di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1881 để “lần đầu tiên mang kỹ thuật … mái vòm nhẹ, có tính cách mạng đến các thành phố Bắc Mỹ,” giáo sư Ochsendorf viết. Đi cùng với ông là cậu con trai 9 tuổi Rafael Jr., người sau này đã trở thành đối tác kinh doanh của cha mình.
An toàn và thẩm mỹ
Vào năm 1882, các bản vẽ kiến trúc theo phong cách Phục Hưng Tây Ban Nha của ông Guastavino được đăng trên tạp chí mới Decorator and Furnisher, mở đầu cho sự nghiệp của ông ở Hoa Kỳ. Sau đó, ông đã gửi bản thiết kế đạt giải cho Progress Club ở Thành phố New York. Sau dự án đó, trong vài năm tiếp theo, ông Guastavino đã tham gia vào nhiều công việc xây dựng cho hơn 200 công trình kiến trúc tại Thành phố New York, bao gồm lối vào chính của nhà hát Carnegie Hall và nhà hàng Oyster Bar ở Nhà ga Grand Central.
Mỗi lần tiếp nhận một dự án xây dựng mới, ông đều chú trọng vào phương diện an toàn: làm thế nào để xây dựng một tòa nhà, đặc biệt là mái trần hình vòm, vừa lộng lẫy lại vừa chống cháy lâu bền. Ông Ochsendorf viết: “Theo kiến trúc sư Guastavino, các mái vòm của ông hoạt động thông qua sự kết dính bên trong giữa gạch và vữa, giúp mỗi mái vòm trở thành một vật liệu đồng nhất có thể chịu lực, và do đó không tạo áp lực lên các giá đỡ.” Trên thực tế, từ năm 1885 đến năm 1937, công ty của ông đã nộp và nhận 24 bằng sáng chế cho các hệ thống xây dựng “đổi mới kỹ thuật.”
“Hình dáng của nhiều mái vòm nhọn đan vào nhau bất chấp logic,” bà Jane Rogers Vann viết trong một thư điện tử. Bà Vann là Giáo sư Danh dự Rowe đã về hưu tại Liên Minh Chủng viện Thần học (Union Presbyterian Seminary) của thành phố Richmond, tiểu bang Virginia, và là một thành viên hội đồng quản trị của Liên minh Guastavino.
Trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Hoa Thịnh Đốn có một mái vòm của kiến trúc sư Guastavino. Và vào năm 1893, ông Guastavino là kiến trúc sư chính cho gian hàng Tây Ban Nha tại Triển lãm Columbian Thế giới, còn được gọi là Hội chợ Thế giới Chicago.
Trụ vững trước thử thách của thời gian
Kiến trúc sư Guastavino định cư và xây dựng một ngôi nhà ở thị trấn Black Mountain, North Carolina, gần thành phố Asheville, địa điểm tọa lạc của Vương cung thánh đường Thánh Lawrence mà ông thiết kế. Công trình mà ông gọi là “Lâu đài Tây Ban Nha” này đã không còn tồn tại; nó bị san bằng vào những năm 1940 do bị bỏ hoang. Dẫu vậy, một trong hai lò nung mà ông xây dựng trên địa sản này — những lò nung mà từng có thể nung hàng ngàn viên ngói cùng lúc, trong đó có những lò nung dùng để xây dựng vương cung thánh đường Thánh Lawrence — vẫn còn nguyên vẹn. Kiến trúc sư Guastavino qua đời vào năm 1908 và được an táng tại vương cung thánh đường này. Con trai Rafael Jr. của ông đã tiếp tục công việc của cha mình tại Công ty Xây dựng Fireproof Guastavino mà họ cùng sở hữu. Ông qua đời vào năm 1950.
Bên trong mái vòm của Vương cung thánh đường Thánh Lawrence, nơi an nghỉ của kiến trúc sư Rafael Guastavino, ở thành phố Asheville, North Carolina. (Ảnh: Jen G. Bowen /CC BY-SA 3.0)
Giáo sư Ochsendorf nhấn mạnh rằng mặc dù các dự án xây dựng công phu và hoa mỹ bắt đầu xuống cấp vào những năm 1960, nhưng hệ thống gạch ốp mái vòm của ông Guastavino vẫn trụ vững trước thử thách của thời gian. “Không có mái vòm nào của kiến trúc sư Guastavino bị hư hỏng do thiếu khả năng chịu tải … Mặc dù Đảo Ellis đã bị bỏ hoang trong nhiều thập niên và các tòa nhà đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng nề, nhưng những mái vòm của ông Guastavino vẫn giữ được tình trạng nguyên vẹn tuyệt vời. Sau khi kiểm tra cẩn thận, chỉ có 17 trong số gần 30,000 viên gạch cần được thay thế.”
Epoch Times Tiếng Việt