Thursday, September 19, 2024

Hội họa tả thực: Hành trình trở thành bậc thầy trong Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của đài truyền hình NTD

Liên Quan

Một cuộc thi vẽ tranh quốc tế không chỉ là nơi để các họa sĩ nổi tiếng đạt được giải thưởng, mà còn là nơi giúp họ có thể thu được nhiều hiểu biết quý giá từ đồng nghiệp của mình, trong khung cảnh được sắp đặt giống như một xưởng vẽ, tựa như những bậc thầy xưa kia đã từng làm.

Đối với các nghệ sĩ như cô Khổng Hải Yến và cô Paula Wilson, Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của NTD cũng là nơi để biểu đạt sự thật. Đối với cô Khổng, việc tham gia cuộc thi này là thành tựu cao nhất của quá trình kéo dài suốt 5 năm khắc họa về một sự kiện trọng đại trong cuộc đời và quê hương của cô. Tương tự như cô Khổng, đối với họa sĩ Wilson, việc học hỏi từ những nghệ sĩ đi trước đã cho cô cái nhìn sâu sắc hơn để tiếp tục trau dồi nghệ thuật của mình.

Năm 2019, họa sĩ Khổng lần đầu tiên đạt giải nhất Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD với họa phẩm đồ sộ dài 14 foot (khoảng 4,3m) có tên là “April 25, 1999” (Ngày 25/04/1999). Đó là một ngày cách đây 24 năm, khi đó có khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Công thỉnh nguyện ôn hòa để kêu gọi thả tự do cho 45 học viên bị bắt ở Thiên Tân, một thành phố gần Bắc Kinh.

Môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được phổ truyền ra công chúng ở Trung Quốc vào năm 1992. Pháp môn này dạy mọi người tuân theo các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Trong môi trường đàn áp dưới chế độ cộng sản Trung Quốc, những nguyên lý đơn giản nhưng mạnh mẽ này đã phát triển hưng thịnh [trên mảnh đất Trung Hoa], và ước tính có khoảng 70 triệu người đã tham gia tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999.

Khi đó, có 45 học viên Thiên Tân bị bắt vì khiếu nại một nhà xuất bản tạp chí đã đăng bài báo phỉ báng đức tin của họ.

Họa sĩ Khổng là một trong số 10,000 học viên có mặt tại cuộc thỉnh nguyện ngày hôm đó. Cô đã lo lắng về chuyến đi đến Bắc Kinh. “Sẽ an toàn nếu tôi ở nhà. Nhưng nếu tất cả mọi người đều nghĩ như vậy, thì ai sẽ đứng lên và làm những điều đúng đắn? Nếu mọi người chỉ nghĩ cho bản thân thì thế giới này sẽ ra sao?” cô nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

Cô Khổng Hải Yến đã thắng Giải Vàng trong Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của đài truyền hình NTD với họa phẩm “April 25, 1999” (Ngày 25/04/1999), tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Salmagundi, New York ngày 26/11/2019. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)
Cô Khổng Hải Yến đã thắng Giải Vàng trong Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của đài truyền hình NTD với họa phẩm “April 25, 1999” (Ngày 25/04/1999), tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Salmagundi, New York ngày 26/11/2019. (Ảnh: Chung I Ho/The Epoch Times)

Một vài học viên thỉnh nguyện được mời đến gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ và ban cố vấn của ông, và cuộc kháng nghị ôn hòa này đã kết thúc bằng việc các học viên bị giam giữ được thả về.

Chỉ vài tháng sau, vào ngày 20/07/1999, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ các học viên trên khắp Trung Quốc. Một số người bị đánh đập và tra tấn. Vào ngày 22/07, ông Giang chính thức ban hành lệnh cấm Pháp Luân Công và sau đó bắt đầu một chiến dịch đàn áp có hệ thống nhắm vào các học viên, gồm cả hoạt động thu hoạch nội tạng tàn ác do chính phủ hậu thuẫn.

Họa sĩ Khổng quyết định dùng nghệ thuật của mình để nói cho thế giới biết sự thật: rằng môn tu luyện này là ôn hòa và cuộc bức hại của Trung cộng là sai trái. Cô nói “Thông tin bị kiểm duyệt ở Trung Quốc đại lục, nhưng một bức tranh thì không cần lời nói. Sức mạnh của nghệ thuật có thể chạm đến tâm hồn mọi người, bất kể quốc tịch của bạn là gì.”

Vẽ những điều chân thực

Trong bức tranh đạt giải của nghệ sĩ Khổng, hàng trăm học viên xếp hàng trật tự bên ngoài văn phòng kháng cáo trung tâm ở Bắc Kinh, chờ đợi để được lắng nghe. Cô Khổng muốn vẽ những người có mặt ngày hôm đó, nhưng những bức ảnh chụp lại có độ phân giải thấp.

Họa phẩm “April 25, 1999” (Ngày 25/4/1999) của nghệ sĩ Khổng Hải Yến. Sơn dầu trên vải canvas; Kích thước: 13 feet, 11 1/2 inch x 2 feet, 10 inch. Bức tranh này đã đạt giải nhất trong Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Đài truyền hình NTD).
Họa phẩm “April 25, 1999” (Ngày 25/4/1999) của nghệ sĩ Khổng Hải Yến. Sơn dầu trên vải canvas; Kích thước: 13 feet, 11 1/2 inch x 2 feet, 10 inch. Bức tranh này đã đạt giải nhất trong Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của Đài truyền hình NTD).

Thay vào đó, cô đã gặp gỡ các học viên bên ngoài Trung Quốc đại lục và vẽ từng người như một bức chân dung cá nhân. “Tôi đã cố gắng làm sống lại tính cách chân thực của họ, biểu cảm nét mặt, và nội tâm của họ,” cô nói. Người họa sĩ này đã tạo ra một bố cục chặt chẽ với nhiều góc nhìn để bất cứ phần nào của bức tranh cũng có thể được xem như thể bạn đang nhìn trực diện.

Cô đã mất hơn 5 năm để hoàn thành bức tranh, thường mất tới 16 giờ mỗi ngày bên giá vẽ.

Bức tranh theo bố cục chiều ngang của cô Khổng phản ánh nghệ thuật tranh cuộn truyền thống Trung Hoa. Đây là thể loại tranh mà cô được học khi làm quen với nghệ thuật truyền thống Trung Hoa từ năm 10 tuổi.

Vẽ tranh như những Bậc thầy thuở xưa

Họa sĩ Wilson gặp cô Khổng lần đầu ở New York trong cuộc thi của NTD. Là một học viên Pháp Luân Công, cô Wilson cảm thấy vô cùng xúc động trước bức tranh của cô Khổng và câu chuyện của cá nhân tác giả. Đức tin và những hiểu biết tâm linh chung giữa họ đã vượt qua rào cản ngôn ngữ. Cả hai đều theo đuổi phong cách hội họa tả thực.

Họa sĩ Khổng Hải Yến (Trái) và nghệ sĩ Paula Wilson tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Salmagundi, New York, năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Họa sĩ Khổng Hải Yến (Trái) và nghệ sĩ Paula Wilson tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Salmagundi, New York, năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)

Quá trình đào tạo nghệ thuật của họa sĩ Wilson diễn ra muộn hơn họa sĩ Khổng. Khi hai cậu con trai sinh đôi của cô Wilson bắt đầu đi học, cô mới tham gia một lớp học nghệ thuật ở địa phương mà trước kia mẹ cô từng tham dự. Ở một trong các khóa học đó, họ đã tìm hiểu về kỹ thuật chiaroscuro mà danh họa người Ý Caravaggio rất yêu thích vào thế kỷ 17, trong đó lấy sự tương phản ấn tượng giữa ánh sáng và bóng tối để xác định bố cục.

Cô Wilson đã sao chép một bức ảnh gia đình cũ bằng kỹ thuật vẽ lưới lên bản sao của bối cảnh để tái tạo lại ánh sáng và bóng tối. Giáo viên và các bạn cùng lớp đã rất ấn tượng với bức vẽ của cô, và họ bắt đầu thảo luận về cách mà các bậc thầy ngày xưa vẽ tranh, chẳng hạn dùng phấn đỏ hoặc chì than để phác thảo các bức tranh rồi sau đó sơn lót lên tác phẩm của mình. Kể từ đó, cô Wilson biết rằng đó là điều cô muốn làm: vẽ tranh như những bậc thầy xưa kia đã từng làm, sử dụng các phương pháp, kỹ pháp, và công thức tương tự để tạo ra sơn, chất liệu, và keo dính.

Một loạt các sự kiện tình cờ đã thúc đẩy nghệ sĩ Wilson trên con đường tìm hiểu những truyền thống lâu đời đó. Trong khoảng thời gian mà cô theo học kỹ thuật chiếu sáng chiaroscuro, cô đã tìm thấy trong một ấn bản của tạp chí Artists & Illustrators của mẹ cô nói về các nghệ sĩ truyền thống đến từ Manchester, đó là thành phố không xa nơi cô sống. Nhờ đó, cô lần đầu tiên biết về ông Louis Smith, người dạy các lớp học bán thời gian về vẽ chân dung cổ điển. Nhưng cô Wilson đang phải dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho người chồng vừa bị đột quỵ, nên không thể sắp xếp để theo học họa sĩ Smith vào thời điểm đó được.

Hai năm sau, cô Wilson liên hệ với họa sĩ Smith để làm người mẫu được trả phí. Ông Smith lúc đó đã thành lập một khóa học hai năm về các họa pháp vẽ tranh truyền thống mà ông học được tại Học viện Nghệ thuật Angel ở Florence, Ý. Họa sĩ Smith cần trợ giúp về công việc hành chính, còn cô Wilson mong muốn học hỏi từ ông nhưng không đủ khả năng chi trả học phí. Đây dường như là một sự sắp đặt hoàn hảo, vậy nên họ đã trao đổi kỹ năng cho nhau trong sáu tháng.

Bức tranh “Louis Smith” của Paula Wilson, năm 2016. Chì Conté trên giấy in báo. Cô Wilson đã vẽ bức chân dung cổ điển về thầy Louis Smith của mình như một phần trong quá trình học tập cùng ông. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Bức tranh “Louis Smith” của Paula Wilson, năm 2016. Chì Conté trên giấy in báo. Cô Wilson đã vẽ bức chân dung cổ điển về thầy Louis Smith của mình như một phần trong quá trình học tập cùng ông. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)

Giá trị của nghệ thuật truyền thống

Cô Wilson biết rằng các truyền thống nghệ thuật mang đến cho nghệ sĩ một khuôn khổ sáng tác. Cô nhớ đã đọc rằng Leonardo da Vinci dạy các học trò của mình rồi sau đó mới khích lệ họ phát triển phong cách của riêng mình. Cô ví quá trình đó giống như được cầm tay dạy viết chữ. Tất cả chúng ta đều được dạy cách viết chữ cái và từ, rồi sau đó chúng ta mới phát triển phong cách viết tay của bản thân mình.

Cô Wilson nhận thấy quá trình vẽ tranh cổ điển thật đẹp và đáng quý. Đó là một quy trình rất kỹ thuật, sử dụng các công thức và phương pháp hàng thế kỷ trước được truyền thừa từ những bậc thầy sang học trò, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bức tranh “The Beard” (Chòm râu) của họa sĩ Paula Wilson vẽ năm 2018. Chì Conté và chì than trên giấy phác họa (toned paper). (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Bức tranh “The Beard” (Chòm râu) của họa sĩ Paula Wilson vẽ năm 2018. Chì Conté và chì than trên giấy phác họa (toned paper). (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Họa sĩ Paula Wilson vẽ theo truyền thống cổ điển, dày công xây dựng tác phẩm của mình từng lớp từng lớp một. Ở đây, bức tranh trên giá vẽ của cô đang là lớp sơn lót vẽ người anh trai. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Họa sĩ Paula Wilson vẽ theo truyền thống cổ điển, dày công xây dựng tác phẩm của mình từng lớp từng lớp một. Ở đây, bức tranh trên giá vẽ của cô đang là lớp sơn lót vẽ người anh trai. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Khi bức tranh được hoàn thiện, chúng ta có thể thấy cách mà họa sĩ Paula Wilson đã vẽ lên nhiều lớp sơn khác nhau cũng như việc thể hiện chủ thể của mình. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Khi bức tranh được hoàn thiện, chúng ta có thể thấy cách mà họa sĩ Paula Wilson đã vẽ lên nhiều lớp sơn khác nhau cũng như việc thể hiện chủ thể của mình. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)

Cô thích tính biểu cảm tự nhiên của nghệ thuật truyền thống cổ điển. “Nghệ thuật này cho phép biểu đạt sự chuyển động, cảm giác, và cảm xúc,” nghệ sĩ Wilson nói với The Epoch Times. Cô giải thích rằng khi vẽ tranh theo phong cách cổ điển, người họa sĩ đạt được sự uyển chuyển trong bức tranh bằng cách chọn phần nào cần tập trung và phần nào làm mờ nhẹ. Tuy nhiên, một họa sĩ theo trường phái cực thực (hyperrealism) sẽ tập trung thể hiện rõ toàn bộ bố cục, nên thường khiến tác phẩm thiếu đi chiều sâu.

Cô ví việc dùng sơn như là điêu khắc. “Bạn thực sự đang điêu khắc và tạo hình [sơn dầu] bằng một cây cọ tốt, mà không để lại bất kỳ vết cọ nào trên đó,” cô nói.

Vẽ tranh có mục đích

Nghệ sĩ nào cũng có điểm yếu. Hiện tại, cô Wilson đang cố gắng với giai đoạn vẽ dựng hình ban đầu, khi cô phải phác thảo bố cục bằng các đường thẳng và hình chóp. Đó là nền tảng cơ bản của toàn bộ bức tranh. Nếu các yếu tố của bản vẽ dựng hình như kích thước, tỷ lệ, và phối cảnh không chính xác, thì bố cục sẽ sụp đổ ở giai đoạn sau đó. Cô giải thích rằng bạn càng luyện tập nhiều thì trí não của bạn càng nhận ra các góc độ để vẽ chính xác hơn.

Khi đặt cọ vẽ của mình lên bức tranh, nghệ sĩ Wilson thường cảm nhận được sự hiện diện của Thần đang dẫn dắt mình. Cô đã từng đọc điều đó được mô tả như là “có một cây gậy của các vị Thần.”

Cô nói: “Có những ý niệm cá nhân xuất hiện mà bạn thậm chí không thể tưởng tượng được khi tâm trí tỉnh táo.”

Thầy Smith dạy cô Wilson phương pháp vẽ cổ điển bằng cách sử dụng chì conté, một loại bút chì màu làm từ than nén hoặc than chì và đất sét, chứa nhiều dầu hơn than củi một chút. Cô thích những hiệu ứng ánh sáng ấn tượng mà chì conté tạo nên, giống như bức chân dung mà cô vẽ về nhà điều tra nhân quyền Ethan Gutmann. Cô rất hài lòng với hiệu ứng này. “Cảm giác như ông ấy đang bước ra từ bóng tối,” cô cho hay.

Bức tranh “Ethan Gutmann,” của họa sĩ Paula Wilson vẽ năm 2019. Chì Conté trên giấy hot pressed (bề mặt nhẵn mịn). (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép bởi cô Paula Wilson)
Bức tranh “Ethan Gutmann,” của họa sĩ Paula Wilson vẽ năm 2019. Chì Conté trên giấy hot pressed (bề mặt nhẵn mịn). (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép bởi cô Paula Wilson)

Tầm quan trọng khi những người đồng sự trợ giúp lẫn nhau

Họa sĩ Wilson đã mất nhiều tháng để hoàn thành bức chân dung của ông Gutmann vì bận rộn công việc gia đình. Thời hạn của cuộc thi và sự thúc giục nhẹ nhàng từ một họa sĩ đồng nghiệp đã giúp cô chú tâm hoàn thiện bức tranh mà không truy cầu sự hoàn hảo.

Sau khi hoàn thành bức chân dung này, cô Wilson đã có thêm tự tin để tham gia cuộc thi Giải thưởng Chân dung BP danh giá, được tổ chức tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia ở London. Cô đã vẽ một bức chân dung tự họa mà cô đã hoàn thành trong sáu ngày vẽ trước gương. Bức tranh này đang treo trên tường nhà cô. Cô xem đây như một kỷ lục về sự tiến bộ nghệ thuật của mình, và giờ đây coi đó như một bức tranh nền cần trau chuốt hơn. Mỗi tác phẩm mà cô tạo ra đều là một bước đệm để tiến tới sự điêu luyện.

Nghệ sĩ Wilson tham gia Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD với một bố cục mà cô nhìn thấy trong khi thiền định. Cô làm việc một mình để tạo ra tác phẩm này, sử dụng các nhân vật từ trí tưởng tượng của mình thay vì vẽ từ người mẫu. Ở thời điểm này, cô muốn trung thành với khải tượng của mình. “Tôi muốn chứng minh bản thân,” cô nói. “Tôi không muốn có sự can thiệp từ bất kỳ ai khi nói với tôi rằng nên như thế này hay như thế kia.”

Mặc dù bài dự thi của cô Wilson không lọt vào vòng trong, nhưng cô đã đạt được những hiểu biết quý giá từ quá trình này và nhận được giấy mời đến New York để đồng hành cùng những thí sinh lọt vào vòng chung kết trong các buổi thảo luận về chuyên môn và tham quan các viện bảo tàng.

Họa sĩ người Anh Paula Wilson làm người mẫu cho các thí sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD tại New York năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Họa sĩ người Anh Paula Wilson làm người mẫu cho các thí sinh lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 5 của NTD tại New York năm 2019. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Nghệ sĩ người Anh Paula Wilson cùng bức chân dung phác thảo mà Họa sĩ Ken Goshen vẽ ở New York. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)
Nghệ sĩ người Anh Paula Wilson cùng bức chân dung phác thảo mà Họa sĩ Ken Goshen vẽ ở New York. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của cô Paula Wilson)

Khi ở cùng khách sạn với họa sĩ Khổng, cô Wilson đã có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống và kỹ pháp vẽ tranh của đồng nghiệp. Cô đã tiếp thu hướng dẫn này, và những hướng dẫn của các họa sĩ khác, thấm nhuần mọi thứ như một miếng bọt biển. Theo cô, đón nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp và những đánh giá mang tính xây dựng là một phần quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.

Cô sớm nhận ra mình đã sai ở đâu khi tham gia cuộc thi này. Cô đã cố gắng tạo ra bức tranh hoàn hảo mà không có công cụ hoặc kỹ năng phù hợp. Trong thế kỷ 19, các họa sĩ vĩ đại như William-Adolphe Bouguereau đã sử dụng những người mẫu, vẽ một người mẫu ở nhiều vị trí khác nhau cho một bức tranh. Cô cũng nhận ra rằng những tác phẩm lọt vào vòng chung kết chưa phải đã hoàn hảo, nhưng họ chấp nhận sự không hoàn hảo như một phần trong quá trình vẽ tranh của mình.

Kể từ cuộc thi lần trước của NTD vào năm 2019, họa sĩ Wilson đang tiếp cận bức tranh của mình theo một cách khác. Mặc dù, trước kia cô Wilson từng làm việc một mình, nhưng môi trường cạnh tranh này đã đem đến cho cô trải nghiệm gần như làm việc tại xưởng, nơi các cộng sự trao đổi những ý tưởng sáng tạo với nhau. Cô học hỏi từ việc quan sát các họa sĩ khác để giữ cho quá trình vẽ tranh của mình trở nên đơn giản, theo một truyền thống nhất định. Để chuẩn bị cho Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ 6 của NTD, cô đang sáng tác một tác phẩm có sử dụng tỷ lệ vàng — một phép tính hình học cổ xưa mô phỏng theo tự nhiên và khiến bố cục trở nên hài hòa nhất — giống như danh họa Leonardo da Vinci đã từng vẽ. Cô cũng đang làm việc với một người mẫu, chuẩn bị canvas lót keo da thỏ, vẽ phác thảo sơ bộ, và tham vấn lời khuyên trong quá trình thực hiện.

Giống như họa sĩ Khổng, cô Wilson muốn nghệ thuật của mình giúp mọi người biết được sự thật và hướng mọi người đến điều thiện. “Những gì tôi đang làm chắc chắn là để thức tỉnh thế nhân,” cô nói. Đối với cô Wilson, điều đó không chỉ có ý nghĩa là thể hiện lòng tốt của con người, mà còn nhắc nhở mọi người rằng chúng ta phải đối diện với sự trừng phạt của Thần nếu suy nghĩ của chúng ta không ngay chính.

Họa sĩ Wilson hy vọng rằng câu chuyện của cô sẽ giúp ích cho các nghệ sĩ đầy khát vọng, những ai ngại thử sức hoặc nghĩ rằng họ không thể sáng tạo nghệ thuật tả thực. “Quả thật là rất khó. Nhưng hãy cố gắng và xem xem điều gì sẽ xảy ra — hãy đặt trái tim của bạn vào đó,” cô nói.

Triển lãm và lễ trao giải của cuộc thi sẽ được tổ chức tại New York vào tháng 11/2023. (Ngày và địa điểm sẽ được công bố trên trang web của cuộc thi.) Để tìm hiểu thêm, mời quý vị hãy truy cập trang OilPainting.NTDTV.com

Để tìm hiểu thêm về họa sĩ Paula Wilson, mời quý vị hãy truy cập trang WilsonPaula.com


Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Lorraine Ferrier

BTV Epoch Times Tiếng Anh

Lorraine Ferrier, nữ tác giả chuyên viết về mảng mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Bài viết của cô chủ yếu xoay quanh các nghệ sĩ và nghệ nhân đến từ vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những nghệ sĩ với phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sinh sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x