Bernard Shaw từng nói: “Tự giác kỷ luật là bản năng của kẻ mạnh nhất”. Vậy nên càng kiên trì với mục tiêu và xây dựng tinh thần kỷ luật, bạn sẽ càng ưu tú.
Quá trình tự giác kỷ luật của một người chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nếu kiên trì bạn sẽ thu về kết quả xứng đáng.
1. Tại sao con người cần phải có kỷ luật tự giác?
Nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy sự xuất sắc của người khác mà thường bỏ qua những nỗ lực mà họ đã bỏ ra vì điều đó.
Một người có kỷ luật tự giác cao nhìn qua có vẻ không nổi bật, nhưng trong lúc người khác ra ngoài vui chơi, họ lại ngồi đó đọc sách một mình; trong khi người khác thưởng thức đồ ăn ngon thì họ lại đổ mồ hôi đầm đìa trong phòng tập; cuối tuần, nhiều người sẽ lười biếng ngủ đến trưa, họ vẫn dậy sớm, chạy, đọc sách và làm nhiều việc khác.
Bạn nói rằng những người tự kỷ luật, là ép mình, là tự bó mình trong khuôn khổ, cuộc sống trôi qua vô vị và nhàm chán, chẳng bao giờ có tự do. Nhưng sự thật là người biết tự kỷ luật tự do hơn rất nhiều so với người không tự kỷ luật.
Nếu bạn luôn làm theo trái tim mình, không biết cách nỗ lực, khi người khác chơi, bạn cũng chơi, và bạn vẫn chơi khi người khác đang làm việc chăm chỉ, bạn vẫn nuông chiều bản thân như vậy thì cuộc sống sau này của bạn sẽ không có nhiều sự lựa chọn.
Một ngày, hai ngày, hay một tháng, hai tháng, nhưng một năm, hai năm, hay mười mấy năm sau, bạn sẽ nhìn ra người có kỷ luật và không có kỷ luật sẽ đi trên hai con đường hoàn toàn khác nhau.
Vì vậy, nhìn qua thì có vẻ bây giờ bạn được tự do, nhưng bạn sẽ thấy rằng càng sống lâu, bạn càng có ít tự do và ít sự lựa chọn. Khi việc sử dụng điện thoại di động nhanh và tiện lợi, người ta có thể nói rằng họ có tất cả mọi thứ trên thế giới chỉ với một chiếc điện thoại di động, nhưng họ lại không tìm thấy chính mình trong đó.
Kant cho rằng: “Cái gọi là tự do không phải là làm theo ý mình mà có thể kiểm soát được bản thân. Bạn càng tự giác, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống”.
Cho đi và nhận lại là quy luật của đời người. Nếu biết cần cù và tự kỷ luật bản thân, lượng đủ thì chất cũng đủ. Người có kỷ luật tự giác càng cao thì họ càng hiểu rõ mình thực sự muốn gì nên sẽ không lãng phí thời gian, sức lực vào những việc vô nghĩa mà thực sự biết tận dụng thời gian để phát triển bản thân.
2. Quyết tâm là điểm khởi đầu của kỷ luật tự giác
Có câu nói rất hay rằng: “Không có quyết tâm thì không thể làm được việc gì trên đời.”
Năm 1483, Vương Dương Minh theo học tại một trường tư thục ở Bắc Kinh. Một ngày nọ, anh nghiêm túc hỏi thầy của mình: “Điều gì là quan trong nhất trong cuộc đời một con người?”
Thầy của anh rất ngạc nhiên vì chưa có học trò nào hỏi một câu như vậy. Nhưng thầy giáo vẫn nhanh chóng đưa ra câu trả lời chắc chắn: “Điều quan trọng nhất, tất nhiên là phải học, để lấy công danh và làm quan lớn”.
Vương Dương Minh nghiêm túc nhìn vị thầy và nói: “Con nghĩ điều quan trọng nhất là học tập và trở thành một nhà hiền triết”. Điều này cũng đã trở thành một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi.
3. Đằng sau những người ưu tú đều có tinh thần kỷ luật vượt trội
Có nhiều người nói rằng bản thân cần phải có kỷ luật tự giác, nhưng lại có rất ít người kiên trì kỷ luật tự giác đó, giống như việc leo lên một ngọn núi dốc, càng đến gần đỉnh núi thì càng ít người có thể làm được. Tính kiên trì tốt cũng chính là một loại kỷ luật tự giác.
Tôi còn nhớ năm ngoái có một cụ ông 96 tuổi tên Thẩm Hoa nổi tiếng trên mạng, ông đã tập thể dục 26 năm, thân hình cường tráng, nhìn không giống một người gần trăm tuổi chút nào, mọi người đều gọi ông là “Chú Hoa”.
Lịch trình hàng ngày của ông rất đều đặn, ông luôn đi ngủ trước mười giờ tối và thức dậy lúc bốn giờ sáng để tập thể dục và đến phòng tập vào mỗi buổi chiều. Nhiều đồng nghiệp của ông không còn ở bên cạnh nữa, ông cho biết: “Bây giờ sức khỏe và thể dục là những người bạn thân nhất của tôi”.
Khi Thẩm Hoa đã ngoài bảy mươi tuổi, lần đầu tiên bước vào phòng gym, ông luôn gặp phải rất nhiều ánh nhìn, nhiều người cho rằng ở tuổi của ông sẽ không thể trụ được lâu, nhưng thực tế là rất nhiều người trẻ đã trở thành người qua đường ở phòng tập, nhưng Thẩm Hoa đã trở thành người kiên trì hai mươi mấy năm ở đó.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami bắt đầu viết văn ở tuổi 30, tính đến nay đã gần 40 năm, ông đã sáng tạo ra một số lượng lớn tác phẩm kinh điển có giá trị cao và trở thành một hiện tượng văn học vào năm 1987 khi cuốn tiểu thuyết thứ 5 – Rừng Na uy được xuất bản.
Haruki Murakami có thói quen viết lách rất đặc biệt, ông chỉ viết 4.000 từ mỗi ngày, 400 từ mỗi trang và dừng lại sau khi viết 10 trang mỗi ngày. Ngoài ra, ông cũng dành một giờ mỗi ngày để chạy bộ, và chính mức độ kỷ luật tự giác cao này đã mang lại cho ông nguồn năng lượng để tiếp tục tạo ra những tác phẩm xuất sắc.
Lý Gia Thành có thể thành công đến thế mà vẫn kiên trì thói quen như trước, mỗi ngày sau khi ăn cơm tối xong, ông đều xem ti vi tiếng Anh, không chỉ xem, còn lớn tiếng đọc ra, sợ bản thân bị tụt hậu; mỗi ngày trước khi đi ngủ vẫn kiên trì đọc sách.
Bill Gates trong bao nhiêu năm nay vẫn kiên trì mỗi tuần xem ít nhất hai quyển sách.
Bạn càng có kỷ luật với bản thân thì bạn càng giỏi
Có câu nói trong “Đột phá nhận thức”: “Mọi sự lười biếng, buông thả, thiếu tự chủ đều bắt nguồn từ khả năng nhận thức hạn chế. Bạn càng có kỷ luật tự giác thì khả năng nhận thức của bạn càng mạnh mẽ, từ đó khoảng cách giữa mọi người dần được nới rộng.”
Mức độ kỷ luật tự giác của một người sẽ quyết định đỉnh cao cuộc đời của người đó. Nếu muốn thành công, bạn đừng chỉ nhìn vào thành công của người khác mà hãy nhìn vào những nỗ lực, sự kỷ luật bản thân của chính họ.
Những người thực sự có thể leo lên đỉnh cao và nhìn xa trông rộng luôn là những người luôn tập trung đầu óc, kiên trì và không ngừng tiến về phía trước. Mong rằng chúng ta thực sự trở thành người có kỷ luật tự giác và có được cuộc sống mà mình mong muốn. Trên đời này không có con đường tắt, nhưng mỗi bước bạn đi đều có ý nghĩa. Càng cố gắng, càng nỗ lực, càng tự kỷ luật, bạn sẽ càng xuất sắc.
Thùy Dung biên dịch
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)
Vạn Điều Hay