Lần đầu tiên khi tôi tình cờ nhìn thấy những tàn tích của Nhà thờ Sheldon, tôi đã rất kinh ngạc. Bốn cột trụ gạch đứng sừng sững trước một công trình kiến trúc bằng gạch đồ sộ, với các ô cửa hình vòm thấp thoáng. Kiến trúc này tọa lạc giữa những cây sồi già cỗi phủ đầy rêu tóc tiên Spanish. Những tấm bia mộ hơn 200 năm tuổi nhô lên từ nền đất đã lâu không được chăm sóc xung quanh nhà thờ bỏ hoang, khiến cho nơi đây thêm phần huyền ảo.
Dù địa điểm hẻo lánh này nằm cách đường Cao tốc Liên bang 95 ở tiểu bang South Carolina khoảng 15 đến 20 phút lái xe, nhưng tôi luôn chú ý đến nó. Việc nghiên cứu về lịch sử [của nhà thờ] thậm chí còn truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi, và thôi thúc tôi sử dụng hình ảnh của tàn tích này cho bìa sách.
Để tìm thấy nhà thờ, đầu tiên chúng ta lái xe theo hướng thành phố Charleston xuống Quốc lộ 17 ở vùng nông thôn, rồi rẽ xuống con đường được đặt tên theo tàn tích này — Đường Nhà thờ cổ Sheldon (Old Sheldon Church Road). Đậu xe bên lề đường vắng vẻ và ngắm nhìn Nhà thờ Sheldon lần đầu tiên — ngay lập tức sẽ gợi lên đủ loại tưởng tượng về cuộc sống của nhà thờ này đã từng như thế nào hồi thế kỷ 18 và 19, trước khi trở thành một tàn tích bí ẩn [như hiện nay]. Khám phá lịch sử chân thật của nhà thờ này giúp chúng ta vẽ nên bức chân dung rõ ràng hơn.
Lịch sử Nhà thờ Sheldon
Nhà thờ Sheldon có hai giai đoạn tồn tại riêng biệt, mà ban đầu được biết đến với vai trò là Giáo xứ của Hoàng tử William (trước khi kiến lập Mỹ quốc). Khoảng từ năm 1745 đến năm 1753, nhà thờ được xây dựng theo phong cách Phục hưng Hy Lạp cho những người định cư đến Tân Thế Giới. Năm 1779, quân đội Anh của Tướng Augustine Prevost đã phóng hỏa nhà thờ ấn tượng này, vì đây là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, và là nơi huấn luyện quân sự của quân đội Lục Địa.
Người ta cho rằng nhà thờ được đặt tên là Sheldon, vì gia tộc họ Bull thời đầu đã quyên tặng mảnh đất này, và ngôi nhà tổ tiên của gia đình họ ở Hạt Warwickshire, Anh quốc, cũng có tên là Sheldon Hall. Một chi tiết lịch sử độc đáo về Nhà thờ Sheldon là, bên trong tàn tích này có cột mốc đánh dấu nơi chôn cất Đại tá William Bull, người cùng với Tướng James Edward Oglethorpe, từng giữ vai trò then chốt trong việc thiết lập cấu trúc vật lý của thị trấn Savannah, tiểu bang Georgia, chỉ cách Nhà thờ Sheldon khoảng 50 dặm về phía nam.
Đến đầu những năm 1800, nhà thờ được trùng tu và phát triển mạnh mẽ một lần nữa, lần này có sự tham gia của các gia đình từng thành lập những đồn điền ở khu vực trồng bông và trồng lúa trù phú. Tuy nhiên, vào tháng 02/1865, Tướng William Tecumseh Sherman của Quân đội Liên bang đã tiến hành cuộc tấn công cuối cùng qua vùng Carolina để kết thúc Nội Chiến. Dọc đường đi, ông cho phép đốt cháy nhà cửa và nhà thờ; từ lâu người ta đã đồn thổi rằng quân đội phục vụ dưới trướng của Tướng John Logan, sỹ quan chỉ huy Quân đoàn 15 của Tướng Sherman, đã thiêu rụi Nhà thờ Sheldon một lần nữa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của chính quyền quận Beaufort, nơi Nhà thờ Sheldon tọa lạc, tin rằng một nhóm nô lệ được phóng thích đã cướp phá nhà thờ này để lấy đi các vật liệu khi chiến tranh sắp kết thúc, và chỉ để lại lớp vỏ của kiến trúc.
Nhà thờ Sheldon không bao giờ được trùng tu lại nữa. Tuy nhiên, Quận Beaufort, thành lập vào năm 1769, đã chia sẻ trong tư liệu lịch sử của mình rằng: “Những tàn tích của nhà thờ vẫn giữ nguyên nét mộc mạc cổ điển. Hàng cột tường dày 3.5 feet (~ 1.1m) nguyên bản được xây theo kiểu Flemish bond (*), và bốn cột trụ ở mái hiên được xây theo kiểu all-header bond (*) vẫn còn nguyên vẹn. Mặt tiền phía tây có mái hiên trang nhã, trên đỉnh là trán tường hình tam giác với cửa sổ mắt bò và gờ mái có hoa văn răng cưa. Cổng lớn phía trước có một ô cửa sổ hình bán nguyệt bên trên và hai cửa sổ hình vòm, đặt đối xứng ở hai bên. Ở phía bắc, 5 gian trống giữa các cột trụ liền tường được lấp đầy bằng một dãy cửa sổ cao, hình vòm. Gian còn lại được để trống làm mái hiên. Ở cuối phía đông, bên trên bệ thờ, là ô cửa sổ theo phong cách Palladian, với một cửa sổ hình vòm ở mỗi bên.”
Dạo quanh những tàn tích bằng gạch cao vút, quan sát kỹ chất lượng và tính đối xứng của kiến trúc giống kiểu Gothic này cũng như tay nghề xây dựng điêu luyện [của người xưa], giúp tôi hiểu được lý do và bằng cách nào mà phần khung của Nhà thờ Sheldon vẫn còn nguyên vẹn. Bất chấp sự tàn phá của vô số cơn bão ven biển, cùng sức nóng và độ ẩm khắc nghiệt trong nhiều thập niên, thời gian dường như đã rất ưu ái cho nhà thờ được xây dựng kiên cố này.
Tính chất ấn tượng của Nhà thờ Sheldon cùng ý nghĩa lịch sử của nó đã giúp nhà thờ này được liệt kê trong Sổ bộ Địa danh Lịch sử Quốc gia vào ngày 22/10/1970; hơn thế, khu vực mà có nhà thờ này tọa lạc còn được chỉ định là Con đường Thắng cảnh South Carolina (South Carolina Scenic Byway).
Theo gợi ý của cá nhân tôi, thì tàn tích Nhà thờ cổ Sheldon hẻo lánh này rất đáng để chúng ta mạo hiểm rời xa cung đường chính, để đắm mình trong vẻ đẹp và bề dày lịch sử của một địa danh thực sự độc đáo ở Mỹ quốc.
Chú giải:
Flemish bond: một kiểu bố trí gạch truyền thống mà trong đó chiều dài (stretcher) và phần đầu (header) của viên gạch được xếp xen kẽ theo một hàng đơn.
Epoch Times Tiếng Việt