Cổ nhân có câu, thế gian Trời cao đất rộng. Nhiều người cứ nghĩ rằng Thần, quỷ dường như chẳng liên quan gì đến con người. Nhưng thực ra, họ vẫn luôn dõi theo từng ý nghĩ và hành động của chúng sinh nơi nhân gian. Đôi khi, người ta sẽ cảm nhận thấy phản ứng của Thần linh đối với nhân gian lại chính xác, và kịp thời như tiếng chuông kêu, dù có dùng hết trí lực của con người cũng không cách nào tưởng tượng được.
Chuyện kể về nhà họ Giáp ở Thượng Hà, Thương Châu đã hứa gả con gái cho con trai nhà họ Ất. Gia cảnh hai bên đều đều khá giả. Ngày kết hôn của hai con cũng đã được ấn định trong vòng một hoặc hai năm sau đó.
Mọi chuyện tưởng chừng đã đâu vào đấy, nhưng đột nhiên ngày nọ, có một thầy tướng số đang đi trên đường thì mắc mưa đành phải đến nhà họ Giáp nhờ tá túc qua đêm. Biết ông là thầy tướng số nên đêm hôm đó, Giáp Mỗ (người họ Giáp) mời ông đoán mệnh cho con gái của mình.
Thầy bói trầm ngâm một hồi lâu rồi nói: “Tôi không mang theo sách xem bói nên mệnh này tôi không tính được”.
Giáp Mỗ nghe xong không tin, cứ liên tục hỏi đi hỏi lại.
Thấy rằng không thể từ chối, người xem bói kia bèn nói: “Xem bát tự của cô ấy, trong mệnh chủ định là làm vợ lẽ của nhà người ta, nhưng hoàn cảnh gia đình của tiên sinh chắc không thể như vậy được, hơn nữa nghe nói ngày gả chồng của con gái đã định xong xuôi rồi, mà tuổi của hai đứa lại không xung khắc nhau, không có lý do gì để làm vợ lẽ cả, cho nên, tôi thấy rằng vấn đề này rất khó xác định”.
Những lời này vô tình lọt vào tai của một kẻ tinh ranh xảo quyệt. Biết Giáp Mỗ cũng là một người xem trọng vật chất, liền vịn vào lời của thầy xem tướng và nhân cơ hội này mà buông lời xúi giục, mục đích là kiếm chút tiền nếu chuyện được thành công.
Anh ta thuyết phục Giáp Mỗ rằng: “Gia đình ông có thể có bao nhiêu tiền chứ, gả con gái thì sẽ phải tốn kém, hao tài tốn của, không chống đỡ nổi, mà trong mệnh con gái ông chủ định phải làm vợ lẽ, vậy chi bằng nói dối là cô ấy bị bệnh và đã chết. Sau đó ta mua một chiếc quan tài rỗng, rồi mau chóng hạ huyệt, chờ đến tối thì đưa con gái lên thẳng kinh thành, đổi tên họ, bán vào nhà giàu làm thiếp. Như vậy, ông chỉ cần ở nhà ngồi chờ, tự nhiên sẽ có nhiều tiền mang đến tận cửa cho”.
Giáp Mỗ nghe xong không hề do dự, không thương xót con gái mà còn cho là ý kiến hay, liền làm đúng như kế hoạch. Cô con gái cũng vậy, nghĩ rằng cho dù làm thiếp, nhưng được gả vào nhà giàu ở kinh thành cũng tốt, ít ra cũng khá hơn làm dâu nơi địa phương này, nghĩ vậy nên cô không một lời phản đối, thuận theo phụ thân mà làm.
Sau khi đến kinh thành, thì gặp một đại quan đúng lúc đang muốn tìm mỹ nữ làm của hồi môn. Thấy con gái nhà họ Giáp cũng xinh, nên đã dùng hai trăm lượng bạc để mua.
Sau hơn một tháng, vị đại quan kia đang trên thuyền đưa cô gái về quê nhà ở phương Nam thì không may thuyền bị đắm. Cả gia đình đều bị làm mồi cho cá, chỉ có con gái của nhà họ Giáp là được cứu sống. Vì thân là một thiếu nữ, nên không ai dám nhận cô làm con nuôi, do đó người dân bèn đưa cô đến quan phủ.
Khi quan phủ hỏi cô vì sao lại lạc đến đây? Cô bắt đầu kể về việc thuyền bị đắm, nhưng vì đi cùng với vị đại quan kia trong thời gian rất ngắn nên chỉ biết họ của chủ nhân, còn về chức quan và quê quán thì không biết, vì thế cô đã nói ra tên họ và quê quán cha mẹ đẻ của mình.
Sau khi công văn của quan phủ được gửi đến Thương Châu, chuyện Giáp mỗ bán con gái cũng từ đó mà bại lộ. Lúc này, con trai của nhà họ Ất đã kết hôn với một cô gái khác. Nhưng do con gái nhà họ Giáp đã trở về, theo thông lệ thì hôn ước trước đây vẫn sẽ được tiến hành, không có lý do gì để từ chối.
Sau khi nghe nói về việc nhà họ Giáp bày mưu cho con gái giả chết, hơn nữa còn bán con và có được rất nhiều tiền, anh ta đã rất tức giận và muốn kiện quan. Giáp mỗ bị lâm vào tình thế khó xử, nên đã ngỏ ý gả lại con gái cho nhà họ Ất.
Tuy nhiên, khi người vợ mới cưới của con trai nhà họ Ất nghe được chuyện này, cô ấy cũng muốn kiện lên quan. Trong lúc nhất thời, mâu thuẫn đã khiến bất hòa chồng lên nhau thành một vụ kiện lớn.
Người thân và bạn bè của hai bên gia đình đều đứng ra giúp hòa giải, yêu cầu Giáp mỗ bỏ tiền ra để đón con gái về, đồng thời gả cô ấy cho con trai nhà họ Ất làm thiếp, từ đó tranh chấp này mới lắng xuống.
Sau khi cô gái trở về nhà, chàng trai nhà họ Ất đích thân đánh xe đến cửa đón dâu. Khi vào đến nhà họ Ất, đi đến vẫn an mẹ chồng cô liền khóc lóc giãi bày rằng: Cô bị bán đến kinh thành để gả cho người khác, chứ không phải tự mình tình nguyện muốn đi.
Mẹ chồng nói: “Nếu không phải cô tình nguyện, vậy thì tại sao lại bị đưa đi một cách dễ dàng như vậy? Còn khi bị bán, cô không có mở miệng nói bản thân mình là gái đã có chồng sao?”
Nói đến đây cô gái không còn nói được lời nào. Sau đó mẹ chồng đưa cô đến bái kiến vợ cả, nhưng cô chần chừ không muốn đi. Mẹ chồng thấy vậy liền nói: “Cô đã bị bán cho người ta làm thiếp, bây giờ lại được Ất gia nhận cưới về, vậy mà còn dám không đi bái kiến chị cả sao?”
Cô lại không nói nên lời, đành phải làm theo lời mẹ chồng. Kể từ đó, mẹ chồng từ đầu đến cuối như một, đều xem con gái nhà họ Giáp như một người hầu gái, không hơn không kém.
Điều này xảy ra vào những năm cuối cùng của Ung Chính (niên hiệu vua Thế Tông thời Thanh, Trung Quốc, 1723-1735). Vào thời điểm đó, Trương thái phu nhân biết rất rõ chuyện này, lúc đang hóng mát ở gác Thủy Minh, bà từng nói với các tỳ nữ rằng: “Giáp mỗ tham lam tiền bạc, con gái lại ham phú quý xa hoa nên mới làm ra âm mưu ma quái này. Không ngờ, chẳng những không được lợi mà còn ‘xôi hỏng bỏng không!’ Các ngươi nên lấy đây làm lời cảnh báo mà loại bỏ vọng niệm nhé!”
Nguồn: tinhhoa
Xem thêm
Vạn Điều Hay