Tác giả: Chân Hàm
[ChanhKien.org]
Một hôm, tôi đột nhiên cảm thấy lưng rất ngứa liền đem cây gãi ngứa ra để gãi lưng, cảm thấy rất thoải mái. Cây gãi lưng nói: “Chủ nhân à, cô thấy thoải mái rồi sao, cô có thể viết về con không?” Tôi không nói gì, quan sát cây gãi lưng một hồi, muốn nhìn xem nó có phải là một sinh mệnh thích khóc không?
Đột nhiên cây gãi lưng cười lớn lên và nói: Chủ nhân bị ấm trà sứ nhỏ thích khóc dọa cho sợ mất rồi, con không khóc, con là một sinh mệnh lạc quan, bất kể gặp phải chuyện gì con đều nhìn nhận một cách tích cực, tự tìm niềm vui cho bản thân, tự chơi cũng rất vui. Ngày mà chủ nhân mua con, lúc đó con đang chơi lộn nhào, nhìn thấy chủ nhân đi qua, con nhanh chóng trở về chỗ, xoay người trở lại. Khi chủ nhân ngắm nghía con, con cũng đang quan sát lại chủ nhân, con nghĩ: “Hãy nhanh chóng mua con đi! Con có chuyện muốn nói với cô”.
Tôi nghĩ: Nó rất giỏi nói chuyện, điệu cười cũng khá là ngang tàng như người trong giang hồ.
Trong một khoảnh khắc như thế, tôi lại có một cảm giác mong đợi viết về nó, đây là chuyện chưa từng có trước đây.
Khi tôi cầm bút viết về nó, nó nói với tôi: Chủ nhân, con có tên, tên con là Minh Hạo.
Tôi nói: Tên rất hay, hy vọng câu chuyện của ngươi cũng tuyệt vời như thế.
Minh Hạo nói: Con không muốn khoe khoang bản thân đâu, nhưng câu chuyện của con có điểm nhấn thú vị.
Tôi nói: Hy vọng chúng ta hợp tác vui vẻ.
Minh Hạo nói: Đương nhiên rồi, chủ nhân ở cùng với con chắc chắn sẽ rất vui vẻ! Con từng ở cả ba đời Hạ Thương Chu, con từng là tay vịn tại cung điện nguy nga của nhà Hạ, con đã nhìn thấy vua Kiệt và phi tần của ông ta Muội Hỉ.
Tôi nói: Đây là khi nhà Hạ sắp bại vong, lịch sử có ghi chép lại, vua Kiệt là một quân vương rất tàn bạo, bóc lột dân chúng, hành hạ thần dân đến chết. Ông ta từng cho người thả hổ ra chợ, sau đó từ trên cao quan sát sự hoảng loạn của người dân trong chợ. Ông ta sủng ái Muội Hỉ, Muội Hỉ thích nghe tiếng xé lụa, Kiệt liền ra lệnh cho những cung nữ khỏe mạnh xé lụa cho Muội Hỉ nghe, bọn họ rất hợp nhau trong việc làm lụn bại nhà Hạ.
Minh Hạo nói: Trong triều Thương, con đã từng làm một cái vá múc cơm, con đã từng nhìn thấy Thái Giáp, Y Doãn đày Thái Giáp đến Đồng Cung.
Tôi nói: Y Doãn đày Thái Giáp, sự việc này rất nổi tiếng. Thái Giáp là quân vương, chính sách của ông ta chuyên chế và tàn bạo, Y Doãn là lão thần của Thành Thang, không nỡ lòng nhìn thiên hạ bị chôn vùi dưới tay của Thái Giáp, nên ông đã cho lưu đày Thái Giáp, cho đến khi Thái Giáp cải chính lại hành vi sai sót của mình, mới để ông ta quay trở về, Y Doãn thật sự là một trung thần.
Minh Hạo nói: Vào thời nhà Chu, con là một cái ghế ở nước Tề, con đã nhìn thấy Khương Tử Nha. Khương Tử Nha có lúc ngồi đả tọa trên chiếc ghế.
Tôi nói: Sau khi Vũ Vương đánh bại nhà Thương, phong cho Khương Tử Nha đất ở ven biển Đông Hải, để ông ấy bảo vệ biển Đông Hải của nhà Chu, Khương Tử Nha lao tâm khổ tứ đã tạo phúc cho chúng sinh một phương.
Minh Hạo nói: Trong thời Chiến Quốc, con trở thành một thanh kiếm, khi đó con rất hăng hái, sau đó con phát hiện ra quá là nguy hiểm, chủ nhân của con khi ấy là kiếm khách, thường hay chém giết. Con thấy chuyện này quá là xấu. Cuối cùng có một ngày con bị chém đứt, chủ nhân cũng chết.
Tôi nói: Thời Chiến Quốc, có nhiều cuộc chiến, nên ắt xuất hiện xu thế thống nhất thiên hạ.
Minh Hạo nói: Trong triều đại nhà Tần, con chính là một hũ dưa muối, không có gì đáng nói, đến triều đại nhà Hán thì lại rất thú vị. Con đã từng làm nha hoàn của một gia đình chuyên chăm sóc một bé gái tên là Đề Oanh.
Tôi nói: Đề Oanh rất nổi tiếng trong lịch sử, “Sử Ký” có ghi chép về chuyện “Đề Oanh cứu cha”. Cha của Đề Oanh là Thuần Vu Ý bị người ta vu khống hãm hại. Quan phủ nghe tin theo lời vu khống, đưa ra phán quyết “nhục hình” cho Thuần Vu Ý, và ông bị áp giải đến Trường An để chịu nhận hình phạt. Thuần Vu Ý chỉ có năm người con gái. Khi sắp chịu nhận hình phạt, ông đau buồn vì không có con trai đi cùng, con gái nhỏ nhất là Đề Oanh quyết định cùng cha đến kinh thành Trường An để nghĩ cách giải cứu phụ thân.
Sau khi đến Trường An, cha cô bị đưa vào thiên lao, Đề Oanh còn nhỏ tuổi nhưng do tình thế cấp bách nên đã không chút do dự quyết định dâng thư cho triều đình, nói rõ cha cô vô tội. Trong thư cô nói rõ ràng ngọn ngành về việc cha bị đưa vào tù ra sao, và nguyện ý làm nô tỳ để đổi lấy sự tự do cho cha. Cô viết: “Người chết không thể sống lại, người chịu hình phạt nhục hình không thể khôi phục lại trạng thái ban đầu, dù muốn hối cải sửa sai, cũng không có cách nào nữa. Thần thiếp xin chịu làm nô tỳ nhà quan, chuộc tội thay cho phụ thân, để cho cha một con đường sống”.
Thư của Đề Oanh rất nhanh được gửi đến tay Văn Đế. Văn Đế xem thư xong đã bị tấm lòng hiếu thảo của Đề Oanh làm cảm động, lập tức ban hành một chiếu thư, xá tội cho Thuần Vu Ý và bãi bỏ nhục hình. Hành vi hiếu thảo dâng thư để cứu cha của Đề Oanh nhanh chóng truyền khắp thiên hạ.
Minh Hạo nói: Vào thời Hán Vũ Đế, con chuyển sinh thành một đồng tiền, ở trong một cái chum trong phủ của Chu Mãi Thần. Con ở cùng những đồng xu khác, mọi người nói về trải nghiệm của bản thân rất thú vị. Có một anh đồng xu nói bản thân mình kiếp trước là một cái máng cỏ ở trong phủ của công chúa Bình Dương, anh ấy đã gặp Vệ Thanh.
Tôi nói: Anh ấy đánh giá Vệ Thanh như thế nào?
Minh Hạo nói: Anh ấy nói Vệ Thanh khá điển trai, kỹ thuật cưỡi ngựa tuyệt vời, can đảm mà thận trọng, đối với người khác cẩn trọng dè dặt, không nhiều lời.
Tôi nói: Vệ Thanh rất nổi tiếng, ông đã đánh bại quân Hung Nô, lập nên công trạng xuất sắc sau đó lấy được công chúa. Chị gái Vệ Tử Phu là hoàng hậu, cháu trai Hoắc Khứ Bệnh cũng là đại tướng quân. Ông trời khiến cho Vệ Thanh phải nhọc cái gân cốt, khổ cái tâm chí, sau đó mới có được thành đạt, là để ma luyện ông ấy! Thực ra Vệ Thanh là võ linh của thiên giới chuyển thế, có hẹn với Vũ Đế mà đến, là một trong những vị tướng trụ cột, có công lớn bảo vệ cương thổ.
Minh Hạo nói: Trong khi con ở trong ngân khố, còn nhìn thấy Chu Mãi Thần.
Tôi nói: Chu Mãi Thần khi còn trẻ là một học trò nghèo, hơn 40 tuổi vẫn sống bằng nghề kiếm củi, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng luôn kiên trì đọc sách, miệng luôn lẩm nhẩm đọc sách. Vợ là Thôi Thị ly hôn với ông rồi cưới người khác. Sau này một người đồng hương là Nghiêm Trợ đã tiến cử Chu Mãi Thần với Vũ Đế, Chu Mãi Thần đến kinh thành theo chiếu chỉ. Trước mặt Hán Vũ Đế ông nói về Xuân Thu, Sở từ, vô cùng lưu loát, rõ ràng mạch lạc. Ông còn hiến kế cho Hán Vũ Đế dập tắt cuộc nổi loạn ở Đông Việt quốc (tỉnh Phúc Kiến ngày nay). Sau khi cuộc phản loạn được dẹp yên, Hán Vũ Đế vô cùng hài lòng nói: “Khanh vừa có tài lại có công, ta cho khanh về quê làm Thái thú quận Cối Kê”. Chu Mãi Thần khấu đầu cảm tạ Hán Vũ Đế, rất nhanh về đến quận Cối Kê, có thể nói ông áo gấm về làng.
Minh Hạo nói: Khi Chu Mãi Thần làm Thái thú, con ở trong thương khố của phủ thái thú, trong chum chứa đầy tiền đồng, dưới chân chum có một cái hộp đựng bạc, có người chuyên trách ghi chép tài sản của cải trong thương khố của phủ. Con nghe nói còn có cả vàng nữa. Con còn nghe thấy người tiểu lại quản lý thương khố nói, Thái thú đã nhìn thấy vợ cũ của mình Thôi thị trong đám dân chúng nghênh đón Thái thú nhậm chức, ông ấy sai người đưa hai vợ chồng Thôi thị đến phủ. Hơn một tháng trôi qua, nghe tiểu lại nói Thôi thị đã tự vẫn, trong phủ có người cười nhạo Thôi thị. Lúc đó, giữa những đồng xu chúng con tranh luận sôi nổi, có phải là vì Thái thú làm chuyện không nên làm hay là do Thôi thị quả thật là không có phúc phận?
Tôi nói: Có kết luận nào cho cuộc tranh luận sôi nổi của các ngươi không?
Minh Hạo nói: Đương nhiên là mỗi người đều cho rằng ý kiến của mình là đúng, không có kết luận. Sau đó con chuyển sinh, chuyển sinh thành một cái chum, lần này con đã sống rất lâu!
Tôi nhịn không được liền bật cười, ấm trà cũng từng chuyển sinh thành cái chum.
Minh Hạo nói: Con từng chuyển sinh thành một đôi giày cỏ của một người tu luyện vào thời Bắc Tống. Đó là một tăng nhân rất nổi tiếng tên là Đàm Diệu.
Tôi nói: Đàm Diệu là một hòa thượng rất nổi tiếng, Thái Vũ Đế Thác Bạt Đạo của triều đại Bắc Ngụy ra chính sách diệt Phật, Đàm Diệu dưới sự bảo hộ của Thái tử đã trốn thoát một kiếp nạn. Hoàng đế Văn Thành sau này muốn chấn hưng Phật Pháp, trong một chuyến du hành về phía đông, gặp Đàm Diệu trên đường, con ngựa kéo xe của Văn Thành Đế mở miệng ngậm chặt y phục của Đàm Diệu, khiến ông không thể đi tiếp. Văn Thành Đế vô cùng kinh ngạc, bèn cùng Đàm Diệu trò chuyện, cảm thấy Đàm Diệu Phật Lý cao thâm, nên bái ông làm tôn sư, và phong Đàm Diệu là “Sa Môn Thống” quản lý các sự việc của tăng ni trên toàn quốc. Đàm Diệu – người đã trải qua nạn diệt Phật, nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc hoằng dương Phật Pháp và cảnh thị cho người đời sau biết được, bèn thưa với Hoàng đế về việc tạc hang đá điêu khắc tượng Phật, giáo hóa nhân dân. Nhận được sự ủng hộ của Văn Thành Đế, Đàm Diệu chọn một vách đá yên tĩnh ở chân núi phía nam Vũ Châu Sơn để đục. Đây là hang động quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc được khai tạc bởi hoàng thất – hang động Vân Cương, vô cùng nổi tiếng.
Minh Hạo nói: Đàm Diệu đi khắp nơi để chọn địa điểm khai tạc hang đá, khi ông ấy nhìn thấy vách đá, vách đá bị mây lượn lờ bao quanh. Đàm Diệu lúc đó rất chấn động! Đôi giày cỏ mà Đàm Diệu đi lúc đó chính là con, con rất hạnh phúc.
Tôi nói: Ngươi thật sự rất may mắn, sau đó ngươi lại chuyển sinh thành cái gì?
Minh Hạo nói: Vào thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế ngồi thuyền rồng tuần hành khắp thiên hạ, con là một mái chèo dùng để chèo thuyền, con nghe nói, Hoàng đế đã phát hiện có một mỹ nữ trong những cô gái chèo thuyền, cả thuyền rồng đều biết chuyện đó.
Tôi nói: Cô gái này tên là Ngô Giáng Tiên. Tên hôn quân Dạng Đế này, từ trước đến giờ chỉ có ăn uống chơi bời là giỏi.
Minh Hạo nói: Con lúc ấy thật không may, bị rơi xuống nước, rồi bị mục rữa, sau đó lại chuyển sinh, chính là vào giữa thời nhà Đường, chuyển sinh thành một cái tủ quần áo trong nhà quan, chuyển sinh tới chuyển sinh lui, đều chuyển sinh thành đồ vật rất bình thường. Đến thời nhà Minh, con chuyển sinh thành một con ngỗng trong Yên Vương phủ, ở đó có rất nhiều ngỗng, cả ngày kêu la ầm ĩ.
Tôi nói: Chu Doãn Văn bãi bỏ các phiên chư hầu, và không muốn Yên Vương sống yên ổn, Yên Vương Chu Đệ bất đắc dĩ đành phải cần vương, giương lên ngọn cờ “Thanh Quân Trắc”. Ngỗng có thể bảo vệ nhà cửa, còn có thể che giấu một số âm thanh, ví như âm thanh chế tạo vũ khí, ngỗng à, ngươi đã có đóng góp công lao không hề nhỏ đó!
Minh Hạo nói: Sau đó, con bị người ta ăn thịt, tiếp đó thì chuyển sinh thành một cái chum, chum nuôi cá ở trong công viên, vẫn ở thành Bắc Kinh. Đợi khi chum cá bị đánh vỡ, con đã ở triều nhà Thanh rồi.
Tôi nói: Trong 260 năm triều đại nhà Thanh, nếu ngươi không phải chuyển sinh thành cái chum, có thể đã chuyển sinh thêm nhiều lần rồi.
Minh Hạo nói: Con chuyển sinh thành một cây roi quất ngựa ở bên Hoàng Thái Cực rất lâu. Ở trên thảo nguyên ông đã phải lòng một người con gái xinh đẹp là Hải Lan Châu. Con biết chuyện này, chính mắt con thấy hai người họ chia tay trên thảo nguyên, tình cảm vô cùng nồng nàn.
Tôi nói: Đây là câu chuyện anh hùng gặp mỹ nhân, sau đó Hải Lan Châu qua đời, Hoàng Thái Cực trở nên như người mất hồn.
Minh Hạo nói: Tình cảm càng sâu đậm, chia ly càng đau khổ, thứ tình cảm này đúng là nguy hiểm chết người! Sau đó, con lại chuyển sinh thành một đôi giày thêu hoa xinh đẹp trong hậu cung của Hoàng đế Khang Hy. Nữ nhân trong hậu cung rất xinh đẹp.
Tôi nói: Lúc đó ngươi chắc hẳn là một đôi giày thêu hoa xinh xắn, so với làm một cái chum thì có lẽ tự do hơn phần nào. Vả lại trang phục của cung nữ thời nhà Thanh rất đẹp.
Minh Hạo nói: Con đã từng ở trong vườn Viên Minh làm một cái giá để đồ, ở phía trên đặt nhiều thứ rất quý giá. Sau đó con bị loại bỏ rồi đưa vào nhà kho, rất nhanh sau đó bị tháo bỏ.
Tôi nói: Như thế cũng tốt, nếu như cứ làm cái giá, ta e là vào năm 1860 ngươi sẽ bị ngọn lửa ấy thiêu cháy.
Minh Hạo nói: Sau đó, con đã làm một cái ấn quan của Lâm Tắc Từ.
Tôi nói: Đấy có phải là cái ấn khi ông làm sứ giả của triều đình không?
Minh Hạo nói: Không phải, là cái ấn khi ông làm tổng đốc, sau đó sinh mệnh của con chuyển sinh nhiều lần đều rất tầm thường, nhưng cũng khá ý nghĩa, con chuyển sinh thành ấm trà, mũ cỏ, cái mâm, con quay đồ chơi trên băng, chiếu cói, vải bố… Trước khi làm một cây gãi lưng, con đã từng là đôi dép lê của một người đàn ông, bị đôi chân hôi thối của ông ta dẫm lên, nghẹt thở muốn chết. Bây giờ được chủ nhân cầm nắm trong tay, cảm giác thật sự khác biệt, con rất thích chủ nhân.
Tôi cười không phải là vì được cây gãi lưng nịnh nọt, mà là vì bài viết này cuối cùng cũng đã viết xong rồi.
Bài viết này, viết không được liền mạch cho lắm, nhưng cuối cùng cũng đã viết xong, có thể gửi bài đi, nên trong tâm tôi cũng nhẹ nhàng phần nào.
Tôi muốn nói rằng: Mỗi một sinh mệnh đều có trải nghiệm của mình, vạn vật đều có linh, quả thật không sai, hy vọng độc giả sẽ thích bài viết này, tôi cảm thấy Minh Hạo cũng có nguyện vọng như thế.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286073
Ngày đăng: 29-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org