Có người nói rằng, cha là cây đại thụ, còn con là quả ở trên cây. Quả muốn to và thơm ngọt, thì cây phải rễ sâu lá tốt.
Người xưa nói, làm cha có 5 cái Đức: sự độ lượng, nhân từ, tự trọng, trí tuệ và chí khí rộng lớn. Nếu có 5 đức tính này là đã xây dựng được một hình ảnh người cha cao lớn trong lòng con trẻ rồi.
1. Sự độ lượng
Tào Tháo đã đánh bại Viên Thiệu tại trận đánh Quan Độ. Sau đó phát hiện có rất nhiều thư trong doanh trướng của Viên Thiệu, trong đó có một số thư là thuộc hạ của Tào Tháo gửi cho Viên Thiệu. Mọi người đều kiến nghị, tìm ra những người này, rồi đem giết tất cả bọn họ. Nhưng Tào Tháo nói: “Hãy đốt hết những lá thư đó, ta không muốn biết những người này là ai. Lúc đó ta cũng không thể tự bảo vệ mình, huống chi là người khác?”.
Chuyện này sau khi được truyền ra bên ngoài, Tào Tháo càng giành được sự trung thành của nhiều người hơn.
Để nuôi dưỡng tính cách độ lượng cho con trẻ, thì cần phải độ lượng với trẻ.
Khi con trẻ có thành tích học tập không tốt, một số phụ huynh chưa hỏi rõ phải trái đúng sai đã mắng nhiếc con một trận. Khi con trẻ chơi đùa, chẳng may làm đổ chậu hoa của nhà hàng xóm, cha mẹ chưa gì đã mất bình tĩnh mắng con một trận, thậm chí là đánh con…
Ai có thể không phạm sai lầm? Khổng Tử nói rằng chỉ có một đệ tử hiếu học, chính là Nhan Hồi, bởi vì ông “không tức giận, không tái phạm”. Khổng Tử có 3.000 đệ tử, trong 72 hiền nhân thì người mà không tức giận, không tái phạm sai lầm thì chỉ có duy nhất Nhan Hồi.
Tất cả chúng ta đều là những người bình thường, đặc biệt là trẻ em, khó tránh khỏi phạm phải những sai lầm tương tự. Vì vậy cha mẹ không nên tức giận, mà nên hướng dẫn, giúp trẻ dần dần minh bạch được đạo lý làm người.
Nói chung, la mắng không chỉ không mang lại hiệu quả tốt mà còn khiến trẻ càng có tâm lý nổi loạn, tạo thành những tính cách nhút nhát, mặc cảm và không hòa hợp.
2. Nhân từ
Các nhân viên bảo vệ ở cổng rất cô đơn, tuy là có người tấp nập đến và đi, nhưng chưa chắc có người biết mặt họ. Có một người nhân viên nọ, mỗi lần ra vào cổng đều chào hỏi nhân viên bảo vệ rất niềm nở. Một ngày nọ trời mưa rất to, người nhân viên này quên mang theo ô, đang loay hoay không cách nào từ chỗ nhà xe đi vào cổng. Và thật bất ngờ, người bảo vệ mang ô ra đón anh khiến anh rất xúc động.
Anh nói rằng, tôi chưa bao giờ giúp đỡ bác bảo vệ điều gì, nhưng không ngờ bác có thể đối xử tốt với tôi như vậy.
Mọi người đều cần sự tôn trọng và tôn trọng người khác. Đây là khởi đầu của lòng nhân từ.
Chúng ta thường giáo dục con cái hãy biết yêu thương và giúp đỡ người khác. Một số cha mẹ còn đưa con cái họ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo, đi nhặt rác, các hoạt động phóng sinh… nhưng khi trẻ về nhà, cha mẹ đã đối đãi với trẻ bằng cách ‘vung tay múa chân’.
Một số phụ huynh còn sĩ diện hão, đem lòng hư vinh của mình áp đặt lên thân con trẻ, bắt trẻ luôn phải làm theo ý mình…
Trẻ em không phải là phụ kiện của cha mẹ, chúng không phải là công cụ cho cái tâm hư vinh của cha mẹ. Người đời sau tự có phúc của người đời sau, chúng ta không thể áp đặt ước mơ của mình lên thân con cái. Cũng không thể nhất định phải lấy lý do “Cha mẹ là muốn tốt cho con” để ngang ngược can thiệp lên con trẻ.
Tôn trọng con trẻ, coi con trẻ như một người bạn đồng hành, đây chính là khởi đầu của tình yêu thương.
3. Tự trọng
Tự trọng là nền tảng của con người.
Kinh Thánh nói rằng con người được tạo ra bởi Thiên Chúa, giáo lý nhà Phật cũng nói rằng ‘thân người khó được’, Nho giáo nói rằng con người là anh linh của vạn vật.
Vì vậy, con người là vô cùng trân quý, làm người đừng bao giờ đánh giá thấp bản thân mình.
Khổng Tử khen Tử Lộ rằng: “Người mặc áo vải gai rách đứng với người mặc áo da quý mà không xấu hổ, người đó là Trọng Do (tức Tử Lộ) đó chăng? Không ghen ghét, không cầu cạnh, chẳng phải tốt đẹp lắm sao?”.
Người có lòng tự trọng mới biết coi trọng chính bản thân mình, sẽ không vì phú quý trước mặt mà mất phương hướng, mới có thể không kiêu ngạo không siểm nịnh, thong dong tự tại, vân đạm phong khinh (mây gió điềm nhiên).
Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ? Cha mẹ hãy biết lắng nghe, đừng nên răn dạy trẻ bằng cách quở mắng, cũng đừng dùng giọng điệu ra lệnh để nói với con, đừng làm trẻ xấu hổ trước mặt người khác.
Cha mẹ càng bảo vệ lòng tự trọng của con cái, thì con trẻ càng coi trọng danh dự của chính mình. Ngược lại, cha mẹ càng coi thường con, thì trẻ càng nhạy cảm, hình thành tính cách ‘chua cay’, người khác không đụng đến được.
Trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đã được tôn trọng sẽ biết cách tôn trọng người khác, biết tôn trọng người khác mới có lòng tự trọng.
4. Trí tuệ
Gia Cát Lượng đã nhắc nhở con trai mình: “Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi“. Tĩnh tâm là có trí khôn, không theo thói tục, không mộ hư vinh, trong lòng có thơ, trong lòng có chí hướng, nghìn dặm vạn dặm, đường ở dưới chân.
Người ta nói rằng trẻ em Trung Quốc học các môn toán lý hóa thành tích đạt được rất cao, nhưng tại sao các giải thưởng khoa học hàng đầu thế giới thì người Trung Quốc giành được rất ít? Người Do Thái chiếm 0,2% dân số thế giới, nhưng trong số ba, bốn nghìn định lý khoa học hỗ trợ nền văn minh hiện đại, thì người Do Thái chiếm 20%, trong khi người Trung Quốc chiếm 22% dân số thế giới thì chiếm còn chưa tới 0,5%.
Có nhiều lý do, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là trẻ em Trung Quốc chỉ học sao cho điểm số đạt được cao, để tìm được một công việc tốt trong tương lai và có một sự nghiệp tốt. Không có hứng thú tìm kiếm chân lý, làm sao anh ta có thể suốt một đời cống hiến cho việc nghiên cứu đây? Thành tích tại trường tiểu học và trung học dẫu có tốt, cũng không thể chứng minh có thể đi thật xa
Trí tuệ chân chính, không phải lợi dụng các mối quan hệ xã hội để kiếm tiền, mà là thông qua việc giải quyết các vấn đề xã hội để kiếm tiền; người biết ăn vì sống, nhưng sống không phải là vì ăn…
Hãy làm một người cha trí tuệ, nói không với rượu và thuốc lá, biết nhiều một chút các thú vui tao nhã cầm kỳ thư họa, lo lắng một chút dầu muối tương dấm trà.
Một người cha trí tuệ sẽ giúp con cái bớt đi đường vòng, sớm khai mở trí tuệ.
5. Chí khí rộng lớn, hiểu biết về thế giới
Tấm lòng rộng rãi đến đâu thì cuộc đời rộng mở đến đó.
Cổ nhân đọc vạn quyển sách, đi ngàn dặm đường, chính là vì để mở rộng tầm mắt, thực hiện chí lớn.
Một ngày nọ, một vị khách đến cửa và gặp Tử Lộ. Người này hỏi Tử Lộ rằng một năm có mấy mùa. Tử Lộ trả lời: “Một năm có bốn mùa, Xuân, Hạ, Thu, Đông”.
Vị khách lắc đầu: “Không đúng, chỉ có ba mùa”.
“Ông sai rồi, có bốn mùa!”
“Ba mùa!”
Hai người họ không ngừng tranh cãi, liền đặt cược: Nếu là bốn mùa, vị khách sẽ dập đầu trước mặt Tử Lộ ba cái. Nếu là ba mùa, Tử Lộ phải dập đầu vị khách ba cái.
Vừa hay Khổng Tử đi ra cửa, hai người bèn tiến lên mời Khổng Tử phân xử. Khổng Tử liếc nhìn vị khách và nói: “Ba mùa”.
Tử Lộ không còn cách nào khác, đành phải ngoan ngoãn dập đầu vị khách kia ba cái.
Khi vị khách kia rời đi, Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Một năm rõ ràng có bốn mùa, vì sao thầy lại nói có ba mùa?”
Khổng Tử nói: “Ta vừa mới nhìn thì thấy toàn thân người đó toàn là màu xanh. Ông ta là châu chấu, sinh vào mùa xuân, chết vào mùa thu, nào biết rằng có mùa đông”.
Chí khí rộng lớn thì tầm nhìn cũng rộng mở. Ếch ngồi đáy giếng không thể luận bàn về biển cả, côn trùng mùa hạ không thể bàn luận về băng tuyết mùa đông… Không thể nhìn xa, làm sao có thể nhìn được một cách bao quát?
Người có khuôn mẫu sẽ không tính toán chi li, không tranh chấp, họ sẽ sống thoải mái, không đố kị người, tự do tự tại. Người có khuôn mẫu sẽ không trễ bại bởi họ có phương hướng. Người có khuôn mẫu lòng dạ thản nhiên, tâm tình luôn luôn trong sáng.
Ý chí của người cha ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của con trẻ. Người cha phải là một người có khuôn mẫu, mực thước và có trái tim nhân hậu.
Như người ta thường nói: “Giáo dục con người bằng hành động gương mẫu quan trọng hơn dạy bằng lời”. Là một người cha, có được năm đức tính ở trên, chắc chắn sẽ là trụ cột vững chắc của gia đình, bồi dưỡng nên những đứa trẻ kiện toàn khỏe mạnh.
Nguồn: DKN
Xem thêm
Vạn Điều Hay