Nhưng không chỉ vẻ đẹp của nàng đã chinh phục được tôi;
Ôi không, sự ngay chính trong đôi mắt nàng luôn bừng sáng,
Điều đó khiến tôi yêu nàng Mary, Bông hồng của Tralee.
Cứ mỗi năm kể từ năm 1959, thị trấn Tralee ở Ireland lại tôn vinh lịch sử và văn hóa phong phú của mình bằng cách tổ chức lễ hội The Rose of Tralee International Festival (Lễ hội Quốc tế Bông hồng Tralee). Lễ hội này diễn ra trong nhiều ngày, nổi bật với âm nhạc truyền thống Ireland, các cuộc diễn hành, và hội chợ nghệ thuật. Sự kiện chính là cuộc tuyển chọn “Bông hồng Tralee” — một cuộc thi dành cho phụ nữ nhằm tìm kiếm người được trao vương miện “The Rose of Tralee.” Mỗi cô gái chiến thắng đều sở hữu nhân cách và vẻ đẹp nội tâm tuyệt vời, giúp cô trở thành đại sứ lý tưởng cho các sự kiện liên quan đến lễ hội này trong tương lai.
Kể từ khi ra mắt, The Rose of Tralee International Festival đã trở thành một trong những sự kiện lớn nhất và kéo dài nhất đất nước. Cảm hứng của lễ hội này đến từ một nguồn độc đáo — một bản ballad dân ca Ireland từ thế kỷ 19. Bản tình ca kể về một chàng trai yêu say đắm một cô gái, và chính vẻ đẹp đức hạnh của nàng đã khiến anh đặt tên cho nàng là “Bông hồng Tralee.”
Vậy, nàng Mary — nguyên mẫu của “Bông hồng Tralee,” người từng truyền cảm hứng cho lễ hội nổi tiếng này là ai?
Một giai thoại ở Tralee
Được viết vào khoảng thế kỷ 19, “The Rose of Tralee” (Bông Hồng Tralee) là một bản ballad dân ca của Ireland, và câu chuyện gốc vẫn còn là điều bí ẩn suốt hơn 100 năm qua. Bản tình ca với nhân vật chính hát về một cô gái ở thị trấn Tralee tên là Mary. Cô có nụ cười, giọng nói dịu dàng và tính cách ngay chính khiến anh thán phục. Anh say mê vẻ đẹp của Mary đến nỗi tôn vinh nàng với danh hiệu “Bông hồng Tralee.”
Ngay cả trong thế kỷ 21, bài hát này cũng từng được gán cho nhiều người khác nhau. Một số người tin rằng, lời bài hát là do nhà thơ Edward Mordaunt Spencer, một thi sỹ sống vào giữa thế kỷ 19 viết, và nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ vĩ cầm Charles William Glover, sống cùng thế kỷ 19, là người phổ nhạc.
Nhiều người khác lại tin rằng, nguồn gốc thực sự của bài hát được tìm thấy trong một giai thoại địa phương ở Tralee. Người ta cho rằng một thi sỹ người Ireland tên là William Pembroke Mulchinock, sinh khoảng năm 1820 ở Tralee, đã viết những lời này như một lời tri ân dành cho người hầu gái theo đạo Công Giáo tận tâm của gia đình.
Mặc dù ông Mulchinock sống ở Tralee khoảng 20 năm đầu đời, nhưng sau đó ông đã chuyển đến New York. Cuối cùng, ông trở về quê nhà và giúp thành lập tờ báo Kerry Star, đặt theo tên quận nơi thị trấn Tralee tọa lạc — Quận Kerry, một phần của tỉnh Munster, Ireland. Tờ báo định kỳ này cũng là tờ báo Công Giáo đầu tiên trong vùng.
Mức độ nổi tiếng của bài hát này ngày càng tăng trong thế kỷ 20, và cuối cùng được công nhận như một tác phẩm tiêu chuẩn trong vô số những đóng góp của Ireland cho nền âm nhạc dân gian. Khi độ phổ biến của bài hát tăng lên, thì cuộc tranh luận về nguồn gốc của nó lại tiếp tục.
Trở thành một đóa hồng
Vào năm 1957, một nhóm các chuyên gia kinh doanh ở địa phương Tralee đã cùng nhau nghĩ cách để nâng cao tinh thần của thị trấn. Trong suốt những năm 1920, Quận Kerry chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến đang diễn ra ở Ireland, khiến cho nhiều cư dân Tralee phải rời bỏ quê hương. Các thương nhân muốn khởi xướng một sự kiện gì đó nhằm tôn vinh lịch sử Tralee và khuyến khích những người tha hương trở về nhà.
Trong vài năm đầu, lễ hội này được gọi là “Race Week Carnival” (Lễ hội Tuần lễ Đua xe), và trùng với một trong những thời điểm bận rộn hơn của thị trấn Tralee trong các sự kiện đua ngựa. Không lâu sau, những người phụ trách việc lập kế hoạch cho lễ hội này, như giám đốc điều hành Dan Nolan của tờ báo The Kerryman, muốn tổ chức một sự kiện độc lập.
Đến năm 1959, lễ hội “The Rose of Tralee Festival” ra đời — lễ kỷ niệm di sản Ireland đặt theo tên của một trong các tác phẩm âm nhạc dân gian được yêu thích nhất của quốc gia này.
Kể từ sự kiện mở màn vào năm 1959, đỉnh cao của lễ hội là cuộc tuyển chọn Bông hồng Tralee. Cuộc thi này nhằm tìm kiếm một cô gái gốc Ireland có những đức tính của người phụ nữ trong bài hát nói trên. Ban giám khảo của sự kiện sẽ tìm hiểu “khát vọng, hoài bão, và trí tuệ” của các thí sinh, và chọn ra người chiến thắng, giống như nàng Mary, vừa “đáng yêu vừa ngay chính.” Sự kiện này khác biệt với một số cuộc thi sắc đẹp thông thường. Cô gái đăng quang trong cuộc thi “Hoa hồng Tralee” sẽ đại diện cho vẻ đẹp của nhân cách cao quý và những đức hạnh nội tâm, đồng thời trở thành đại sứ cho các sự kiện “Hoa hồng Tralee” trong tương lai.
Dù khởi đầu chỉ là một sự kiện địa phương, nhưng cuộc thi này đã có bước chuyển mình đáng kể, và hiện được gọi là “The Rose of Tralee International Festival” (Lễ hội Quốc tế Hoa hồng Tralee), do phạm vi tiếp cận ngày càng mở rộng. Giờ đây, người dân từ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến sự kiện này. Mặc dù trước đây cuộc thi chỉ dành cho phụ nữ Ireland tại địa phương, nhưng giờ đây, các cô gái trẻ mang dòng máu Ireland từ bất cứ đâu trên thế giới, đều có thể tranh tài để được trao vương miện “Bông hồng Tralee” chính thức.
Dự kiến diễn ra từ ngày 16/08-20/08 năm nay, cuộc thi Rose of Tralee năm 2024 hiện đang nhận hồ sơ ghi danh tham dự.
Tìm kiếm sự thật trong một giai thoại Ireland
Năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập sự kiện này, những người điều phối lễ hội muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Vì bí ẩn về bài hát “The Rose of Tralee” (Bông Hồng Tralee) vẫn xoay quanh tên gọi của lễ hội này, cho nên họ quyết định mời nhà ngôn ngữ học pháp y Andrea Nini nghiên cứu sâu hơn về quá khứ của bài hát.
Ông đã thành lập một nhóm cộng sự để giúp mình nghiên cứu, và sau một năm dài nỗ lực, ông kết luận rằng bài dân ca “The Rose of Tralee” (Bông Hồng Tralee) ban đầu là một bài thơ do ông William Pembroke Mulchinock sáng tác. Ông là nhân vật chính trong giai thoại địa phương Tralee nói trên. Về sau, tác giả Edward Mordaunt Spencer đã xuất bản bài thơ này trong một trong các tuyển tập cá nhân, cuốn “The Heir of Abbotsville” (Người Thừa Kế của Gia Tộc Abbotsville) phát hành vào năm 1846, dẫn tới sự nhầm lẫn về tác giả gốc.
Vào năm 2019, một sự kiện nhằm vinh danh ông William mang tên “Hội thảo chuyên đề về Mulchinock” được Lễ hội Quốc tế Hoa hồng Tralee tổ chức. Đây là năm thứ hai diễn ra hội thảo này. Các khách mời tề tựu để lắng nghe các nhà sử học và chuyên gia địa phương trình bày các nghiên cứu về gia tộc Mulchinock cùng những đóng góp của họ cho cộng đồng Quận Kerry. Một trong những người thuyết trình thuộc nhóm nghiên cứu của tiến sỹ Nini là giám đốc nghệ thuật biểu diễn kiêm điều phối viên của buổi hội thảo, ông Bryan Carr.
Ông đã chứng minh được lịch sử trao đổi thư từ lâu dài giữa nhà thơ William và nhiều nhà xuất bản, tờ báo, và biên tập viên. Ông Carr phát hiện rằng, ông William đã gửi một trong những bài thơ của mình, “Smile, Mary My Darling” (Cười Lên Nào, Marry Yêu Dấu của Tôi) cho một nhà soạn nhạc người Anh vào đầu những năm 1840. Nhà soạn nhạc này là ông Stephen Ralph Glover, và rồi ông Glover đã cộng tác cùng anh trai mình, nhà thơ Charles, để phổ nhạc cho bài thơ của tác giả William. Cả hai người đều hợp tác với ông Edward Mordaunt Spencer để chuyển thể bài thơ này thành tác phẩm âm nhạc. Điều này cho thấy cả 2 lý thuyết ban đầu đều có phần đúng. Dẫu vậy, thông qua bài thơ của mình, ông Mulchinock mới đúng là tác giả đã viết nên lời bài hát “The Rose of Tralee.”
Vậy nàng Mary đáng yêu và đoan chính trong bài hát này, với “sự ngay chính trong đôi mắt nàng luôn bừng sáng” là ai mà khiến cho chàng William phải lòng nàng?
Người phụ nữ trong câu hỏi trên chính là người hầu gái theo đạo Công Giáo của nhà Mulchinock, cô Mary O’Connor, con gái của một thợ đóng giày. Sau này, cô trở thành mối tình đầu đắm say của ông William.
Epoch Times Tiếng Việt