Họa cốc điêu an hiệp lộ phùng,
Nhất thanh trường đoạn tú liêm trung.
Thân vô thái phượng song phi dực,
Tâm hữu linh tê nhất điểm thông.
Kim tác ốc, ngọc vi lung,
Xa như lưu thủy mã như long.
Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn,
Cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng.
(Bài thơ “Giá cô thiên” của Tống Kỳ)
Đây là một đoạn thơ rất được yêu thích, không chỉ phác họa hình ảnh một cuộc gặp gỡ tình cờ với giai nhân, mà còn biểu đạt tình cảm sâu sắc khi đem lòng ái mộ ai đó ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều khiến người ta ngạc nhiên hơn là, đây chính là câu chuyện tình lãng mạn của tác giả Tống Kỳ. Ban đầu cứ ngỡ rằng câu chuyện tình ấy không thể nào có cái kết đẹp, chỉ có thể là một cái kết buồn bã, nhưng nào ngờ nó lại có một sự chuyển dịch to lớn. Thượng Thiên thuận theo ý nguyện con người, đôi nhân tình cuối cùng đã trở thành người một nhà. Câu chuyện đẹp đẽ về mối lương duyên này khiến các văn nhân đời sau ngưỡng mộ không thôi.
Tại sao Tống Kỳ lại có được vận may như vậy? Ông không những là người vô cùng tài hoa, mà còn bởi vì ông đã được sinh ra đúng thời, gặp được minh quân Tống Nhân Tông giúp ông thành công. Hóa ra đằng sau câu chuyện lãng mạn là một tấm lòng quảng đại, nhân hậu – Vị Thiên tử đức hạnh này thực sự rất phi thường!
‘Đôi trạng nguyên’ anh em Tống gia
Tống Kỳ (998-1061) là người An Lục ở An Châu (nay là huyện An Lục, tỉnh Hồ Bắc). Năm Thiên Thánh thứ hai (1024) thời Tống Nhân Tông, ông cùng với anh trai là Tống Tường Đồng tham gia khảo thí. Kết quả thành tích của hai anh em nhà họ Tống còn cao hơn so với Tô Thức và Tô Triệt. Em trai Tống Kỳ đỗ đầu bảng và anh trai Tống Tường đỗ hạng ba.
Nhưng sau khi quan bộ Lễ tấu lên kết quả khảo thí, Thái hậu lại cho rằng lớn nhỏ phải có trật tự, không thể xếp em đứng trên anh được. Các quan viên đại thần nhận được lệnh phải điều chỉnh thứ hạng của khảo sinh. Thế là, Tống Kỳ được xếp vào hạng thứ mười, Tống Tường lại được xếp vào hạng thứ nhất, trở thành Trạng nguyên. Điều này cũng vừa ứng nghiệm với lời dự đoán của Hạ Tủng.
Theo ghi chép trong “Thanh sương tạp ký” quyển 4 của Ngô Xử Hậu, vài năm trước khi anh em nhà họ Tống tham gia kỳ thi, lúc đó có một vị Thái thú An Châu nổi tiếng thời Bắc Tống tên là Hạ Tủng đã đặc biệt để mắt đến họ. Ông đề nghị cả hai viết một bài thơ với tựa là “Lạc hoa thi.” Trong bài thơ của Tống Tường có một câu đối: “Hán cao bội giải lâm giang thất, kim cốc lâu nguy đáo địa hương.” Tống Kỳ làm một câu đối khác: “Tương phi canh tác hồi phong vũ, dĩ lạc do thành bán diện trang.” Hạ Tủng bình luận: “Ngâm thơ về hoa rơi nhưng lại không nói về hoa rơi, đại công tử Tống gia đây sẽ trở thành người đứng đầu trạng nguyên. Cậu lại còn rất tuấn tú và có khí phách cương nghị, một ngày nào đó sẽ trở thành Tể tướng.” Rồi ông lại nói: “Tiểu công tử Tống gia cũng vô cùng xuất sắc, tất nhiên sẽ được thăng lên vị trí khá quan trọng. (Người em trai Tiểu Tống – Tống Kỳ, tuy rằng không được thăng lên vị trí như anh trai Tống Tường, nhưng tương lai cũng sẽ được làm cận thần bên Hoàng thượng!)”
Vì thế nên hai anh em nhà họ Tống có danh hiệu là “Đôi trạng nguyên.” Để phân biệt họ, mọi người gọi Tống Tường là “Đại Tống” và gọi Tống Kỳ là “Tiểu Tống.” Tiểu Tống cũng là tác giả của câu “Hồng hạnh chi đầu xuân ý náo” trong “Ngọc lâu xuân – Xuân cảnh”. Vậy nên, ông có nhã hiệu là “Thượng thư Hồng Hạnh.”
Gặp nhau nhưng không quen biết, làm ra bài từ phú về giai nhân
Khi Tống Kỳ còn là học sỹ Hàn Lâm trong triều đình, một ngày nọ, ông đi dạo trên con phố Phồn Đài sầm uất, dòng người qua lại trên phố rất tấp nập. Đột nhiên, phía trước xuất hiện một đoàn xe của cung đình đi tới. Con đường Phồn Đài vốn rộng rãi, thế nhưng bởi vì đoàn người và xe ngựa quá đông, nên khiến cho người ta cảm giác như nó đã bị thu hẹp lại. Những người trên phố chen chúc nhau nép vào bên đường, nhường đường cho đoàn xe ngựa đi qua. Đương nhiên, Tống Kỳ khi ấy cũng không ngoại lệ.
Đột nhiên, có một giọng nói trong trẻo, ngọt ngào vọng ra từ một chiếc xe ngựa: “Kìa, đó là Tiểu Tống!” Tống Kỳ cảm thấy kỳ lạ, là ai đang gọi tên của mình vậy? Ngẩng đầu lên nhìn, Tống Kỳ chỉ thấy tấm màn thêu trên xe ngựa từ từ buông xuống, phía sau tấm màn thêu là một cung nữ trẻ tuổi. Trong chốc lát Tống Kỳ thoáng nhìn thấy nụ cười duyên dáng của nàng. Cung nữ ấy đã nở một nụ cười ngọt ngào với ông. Trái tim Tống Kỳ đột nhiên chấn động, nhưng ông lại hoàn toàn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, đoàn người ngày càng đi xa hơn, rất nhanh đã đi xa khuất khỏi tầm nhìn của ông.
Sau khi Tống Kỳ quay trở về phủ, hồi tưởng lại những cảnh tượng vừa xảy ra. Âm thanh ấy vẫn vang vọng, nhưng giai nhân như mộng ảo, trôi đi trong tiếc nuối! Đột nhiên ý nghĩ dâng trào như suối, Tống Kỳ vung tay viết nên một bài tân từ mang tên “Giá cô thiên.” Đoạn cuối ông viết: “Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn, cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng.” Ý tứ là có thể gặp lại nhau là điều viển vông, không biết đến bao giờ mới có cơ hội tương phùng, mối tình tương tư này rõ ràng đang ngày càng sâu đậm.
Thưởng thức ‘Giá cô thiên – Kim tác ốc, ngọc vi lung’
Toàn bài tân từ có 55 chữ, vần điệu ngắn, ít câu chữ. “Giá cô thiên” ở đây là tên gọi từ điệu, tức là tên làn điệu của từ. Nghe nói danh xưng từ điệu này bắt nguồn từ câu thơ của Trịnh Ngung thời Đường “Xuân du kê lộc tắc, gia tại giá cô thiên”. Cũng có người gọi bài thơ này là “Tư giai khách”, “Vu trung hảo.”
Tự so sánh với chim phượng rực rỡ, ý nghĩa đặc biệt của linh tê
Phố Phồn Đài ở kinh đô Bắc Tống lẽ ra phải là con phố chính rộng rãi và tấp nập. Tại sao lại nói là “con đường hẹp” (hiệp lộ phùng)? Đây là cách miêu tả mang tính tượng trưng, ẩn ý. Nếu là con đường lớn của xe ngựa quan lại, ai cũng đi ở một bên đường, thì sẽ không có chuyện gặp nhau “tình cờ” như vậy. Mặt khác, nếu con đường Phồn Đài vốn dĩ đã rộng rãi, thì cũng tại vì đoàn người và xe ngựa kia quá đông đúc, nên khiến cho người ta cảm thấy con đường này bị thu hẹp lại. “Họa cốc điêu an” là chỉ những chiếc xe và ngựa quý được trang hoàng lộng lẫy, ngụ ý rằng thân thế của người ngồi trong xe không tầm thường.
“Thân vô thái phượng song phi dực, tâm hữu linh tê nhất điểm thông.” Đây là câu từ được tác giả mượn của nhà thơ Lý Thương Ẩn sống vào cuối thời Đường. Ông tự so sánh mình với chim phượng rực rỡ và loài linh tê, để nói lên hai tầng ý nghĩa đặc biệt.
Một là để biểu đạt sự tương thông về tâm ý và nỗi niềm hạnh phúc của mình với giai nhân. Theo như ghi chép, trong chiếc sừng của tê giác Thông Thiên có một sợi dây màu trắng nối hai đầu sừng lại với nhau, khiến cho nó có khả năng cảm ứng rất kỳ diệu. Cổ nhân thời xưa gọi nó là linh tê. Nếu hai người có sự tương hợp về tâm ý, họ sẽ giống như hai đầu sừng của con vật này, tâm ý sẽ tương thông với nhau.
Hai là, ông đã ẩn ý mượn hình ảnh của hai linh vật là chim phượng hoàng rực rỡ và linh tê thần bí để bày tỏ rằng, tuy cuộc gặp gỡ giữa ông và giai nhân chỉ là tình cờ, nhưng ông đã đem lòng yêu mến nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, nó không phải là kiểu tình yêu phù phiếm, vô đạo đức. Bởi vì trong văn hóa truyền thống, đối với tình yêu, phượng hoàng luôn là biểu tượng chung thủy, một lòng một dạ. Đối với chính nghĩa và chân lý, phượng hoàng luôn là linh vật có thể xả thân vì công lý.
Bài thơ ngắn nhưng súc tích và bao hàm được cả tình cảm của Tống Kỳ. Hình ảnh nhân vật hiện lên một cách sống động trên giấy. Cảnh tượng đầu tiên là: (Ta) bắt gặp một chiếc xe ngựa được trang trí lộng lẫy trên đường, có một nữ tử đã cất tiếng gọi từ phía sau chiếc rèm thêu, khiến người ta khó lòng mà quên được. Ta đã đem lòng yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên. Tuy rằng chúng ta không có đôi cánh giống như chim phượng hoàng rực rỡ (chim phượng hoàng rực rỡ có đôi cánh để có thể bay đến bên người nó thương yêu), nhưng chúng ta có sự tương thông về tâm ý giống như hai đầu sừng của linh tê.
Nhà vàng và lồng ngọc, ý chỉ giai nhân là người trong hoàng cung
“Kim tác ốc, ngọc vi lung”, tác giả đã ẩn ý sử dụng hai điển cố lịch sử là “Kim ốc tàng kiều” (Nhà vàng cất giấu người đẹp của Hán Vũ Đế) và nước Tất Lặc dùng ngọc nhốt chim Vy Ô. Câu thơ này có hàm ý đặc biệt, lấy “nhà vàng” và “lồng ngọc” để hình dung nơi mà giai nhân ở là nơi hoa lệ. Từ đó ám chỉ rằng thân phận của giai nhân không hề tầm thường, nàng là người trong chốn Hoàng cung. Đồng thời ẩn ý rằng cũng bởi vì nguyên nhân này mà hai người không thể có cái kết viên mãn. Đây có thể chỉ là lần tương phùng ngắn ngủi, không dám có những suy nghĩ quá phận nào.
Ở đây ám chỉ đến điển cố “Kim ốc tàng kiều” của Hán Vũ Đế. Khi Hán Vũ Đế còn nhỏ, ông thích con gái của trưởng công chúa tên là A Kiều, ông nói: “Nếu lấy được A Kiều làm thê tử, thì ta sẽ làm ngôi nhà bằng vàng để cất giữ nàng ấy.” “Kim ốc tàng kiều” ban đầu có nghĩa là xây một ngôi nhà sang trọng cho người mình yêu thương ở. Vốn dĩ nó được dùng để diễn đạt một cảnh quan đẹp đẽ, thế nhưng con người hiện đại thời nay thường sử dụng câu “Kim ốc tàng kiều” này để nói về người đàn ông có gian tình bên ngoài, hoặc chỉ các việc làm trái đạo đức của những tên sở khanh.
“Ngọc vi lung” ở đây là chỉ người con gái được sủng ái bội phần. Theo ghi chép, thời Hán Vũ, Tất Lặc Quốc đã tiến cống hàng trăm con Vy Ô, có hình dạng như những con ruồi, tiếng kêu như tiếng chim thiên nga. Chúng được nâng niu, yêu chiều trong những chiếc lồng làm bằng ngọc quý vuông vức.
Giữa biển người mênh mông, người ấy đang ở nơi đâu?
Câu “Xa như lưu thủy mã như long” ở đây ý chỉ về điển cố “Xa thủy mã long.” Theo “Hậu Hán thư – Minh Đức Mã Hoàng hậu ký”: “Khi đến trước Trạc Long Môn, Mã Thái hậu bắt gặp người nhà ngoại tấp nập, đông đúc. Xe nối tiếp nhau như nước chảy, ngựa nhiều tựa như con rồng đang bơi. Y phục người hầu màu xanh, quần áo chủ nhân màu trắng. Đến người đánh xe ngựa cũng ra vào không ngớt.” “Xa thủy mã long” dùng để miêu tả khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp không ngừng nghỉ của dòng người và xe ngựa qua lại.
Đồng thời, Tống Kỳ đã dùng một câu trong bài “Vọng Giang Nam – Đa thiếu hận” của Lý Dục: “Đa thiếu hận, tạc dạ mộng hồn trung. Hoàn tự cựu thì du thượng uyển, xa như lưu thủy mã như long. Hoa nguyệt chính xuân phong.” Tác giả đã đổi chữ “như” thành chữ “du”, để làm rõ nét hơn về cảm giác sinh động của cảnh vật, cũng làm nổi bật tâm tình chán nản, thất vọng của tác giả vì giai nhân đã đi và không còn hy vọng được gặp lại nhau nữa.
Duyên phận chỉ có thể gặp chứ không thể cầu, không biết khi nào, ở đâu mới được gặp nhau
“Lưu lang dĩ hận Bồng sơn viễn, cánh cách Bồng sơn kỷ vạn trùng.” Bồng sơn tức là núi Bồng Lai, là núi Tiên ở trong truyền thuyết cổ đại, thường dùng để chỉ chốn Thần Tiên. Truyền thuyết kể rằng vào thời Đông Hán, Lưu Lãng (Lưu Thần) và Nguyễn Triệu vào núi hái thảo dược, vô tình lạc vào Tiên cảnh. Họ lạc đường và không thể ra khỏi núi. Ở trong núi họ gặp hai người con gái, được mời đến nhà của hai người này và ở lại đó nửa năm. Đợi sau khi họ trở về quê hương thì phát hiện con cháu mình đã sống qua bảy đời. Lúc này, hai người mới nhận ra rằng cả hai người con gái đã gặp trong núi kia đều là Tiên Nữ. Họ liền đi vào núi để tìm kiếm hai vị Tiên Nữ ấy nhưng không thể gặp được nữa.
Tác giả đã dùng câu nói nổi tiếng của Lý Thương Ẩn trong “Vô đề”: “Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung.” Không những thế, ông đổi “nhất vạn trùng” thành “kỷ vạn trùng”, khiến cho kết cục gần như tuyệt đối vô vọng này càng trở nên rõ nét hơn. Điều đáng nói là, mặc dù ở đây có câu: “Lưu lang dĩ hận”, nhưng người xưa sẽ không vì bất mãn mà ứng xử thiếu chuẩn mực với nhân duyên. Giống như Lưu Thần một lần nữa vào núi tìm Tiên nhưng không tìm được gì, thì ông liền cho đó là do “duyên phận”! Họ không dễ oán giận như người hiện đại.
Tống Nhân Tông giúp trạng nguyên hoàn thành ý nguyện
Vào thời nhà Tống, từ ngữ không chỉ dùng để “đọc” mà còn là để “xướng.” Bởi vì vốn dĩ Tống từ là ca từ để phối nhạc, nên tên đầy đủ ban đầu là “Khúc tử từ”, ý nghĩa có chút giống với ca khúc lưu truyền trong thời hiện đại ngày nay. Chính vì nét đặc trưng của văn học là “hòa nhạc”, nên phạm vi lưu truyền của từ càng rộng rãi hơn, sức ảnh hưởng cũng lớn hơn. Huống hồ tác giả của khúc tân từ là một đấng nam nhân tài ba đỗ Trạng nguyên lẫy lừng của triều đại. Vì vậy, bài tân từ của Tống Kỳ đã được lan truyền nhanh chóng. Nó rất nhanh đã truyền đến kinh thành, thậm chí còn truyền vào tận trong cung đình.
Nếu là người bình thường, tình cờ gặp và yêu nhau, sau đó vì nhớ nhung mà hát, thì không có gì đặc biệt. Tuy nhiên nhân vật chính trong câu chuyện này là tài tử và cung nữ trong triều. Cung nữ đó tuy rằng không nằm trong số phi tần của Hoàng đế, nhưng suy cho cùng thì vẫn nằm trong phạm vi của triều đình. Việc nhớ nhung một cung nữ, nói một cách nghiêm khắc thì cũng thuộc về tội khi quân, đây là điều đại kỵ.
Quả nhiên, sau khi Hoàng đế Tống Nhân Tông đọc được tác phẩm mới của Tống Kỳ, ông liền tra hỏi nội cung: “Vào ngày đi ngang qua phố Phồn Đài hôm đó, là cung nữ của xe ngựa nào đã gọi tên Tiểu Tống?” Vị cung nữ kia không dám che giấu, thừa nhận rằng: “Trong buổi phụng tiếp đón ở ngự yến lúc trước, nô tỳ từng nhìn thấy một tiến sỹ Hàn Lâm được tuyên triệu vào cung. Các đại thần xung quanh đều gọi người ấy là Tiểu Tống. Không ngờ, ngày hôm ấy, nô tỳ đang trên xe đi ngang qua phố Phồn Đài thì gặp người ấy, nên đã gọi người ấy một tiếng.” Đương nhiên vị cung nữ ấy dám thừa nhận, một mặt là do phẩm chất của nàng, một mặt là do nàng cũng hiểu rất rõ về tâm tình rộng lượng và nhân hậu của Tống Nhân Tông. Tại sao lại nói như vậy?
Theo ghi chép của “Bắc song chích quả lục”: Một đêm nọ, khi nghe thấy tiếng cười đùa và tiếng đàn sáo ca hát trong cung, Nhân Tông hỏi: “Ở đây nên đi đâu để vui chơi?” Cung nhân đáp: “Ở chốn thường dân này thì tửu lầu là nơi để vui chơi.” Cung nhân lại nói: “Các vị quan gia nghe nói thế giới bên ngoài rất vui, không giống với chốn hoàng cung lạnh lẽo.” Nhân Tông đáp: “Ngươi biết không? Bởi vì ta ở chỗ vắng vẻ thế này, cho nên họ mới có thể vui vẻ như thế. Nếu ta là họ, họ sẽ càng lạnh nhạt rồi.” Bởi vì bản tính lương thiện của Tống Nhân Tông, ông tự cảm thấy không thể ích kỷ tư dục. Ông suy nghĩ cho bách tính, để người dân Biện Lương có sự phồn hoa, ngay cả cung nữ cũng hiểu rõ điều này.
Sử ghi sau khi Hoàng đế Tống Nhân Tông qua đời, “Hàng quán và chợ ở Kinh sư đều nghỉ, trong các ngõ hẻm tiếng người khóc nhiều ngày không dứt. Dù là người ăn xin hay trẻ nhỏ cũng đốt tiền giấy và khóc lóc trước Đại Nội.” Ngay cả người Yến Cảnh (tức là người nước Liêu) cũng “khóc thương gần xa.” Khi sứ thần nhà Tống đến nước Liêu để cáo phó, Hoàng đế nước Liêu là Gia Luật Hồng Cơ cũng không kiềm được mà cầm tay sứ thần nhà Tống, rồi bật khóc lớn: “Nước ta bốn mươi hai năm rồi không biết đến chiến tranh là gì.” Điều cần nói là, người dân tưởng nhớ Tống Nhân Tông hoàn toàn tự phát, không phải do triều đình cưỡng ép, cũng không phải là màn kịch dưới áp lực của triều đình.
Quay lại câu chuyện trên, Tống Nhân Tông tổ chức một buổi yến tiệc, triệu kiến Tống Kỳ, rồi lệnh cho người hát khúc “Giá cô thiên” kia. Trong bầu không khí thoải mái, ông đề cập đến câu chuyện gặp nhau tình cờ giữa Tống Kỳ và cung nữ. Tống Kỳ nghe thấy, vô cùng hoảng hốt, nhanh chóng quỳ xuống xin tha tội. Nhưng Hoàng đế Tống Nhân Tông lại cười nói: “Ái khanh à, Bồng sơn cách khanh rất gần đấy!” Sau đó, Hoàng đế liền ban vị cung nữ kia cho Tống Kỳ, thành toàn mối lương duyên cho họ.
Câu chuyện lịch sử này sau đó đã được ghi lại trong “Tống nhân dật sự hối biên” do Đinh Truyền Tĩnh thời Thanh biên soạn: “Khi Tống Tử Kinh đi ngang qua phố Phồn Đài, bắt gặp một nữ tử ngồi bên trong xe vén tấm rèm nói: ‘Tiểu Tống kìa.’ Tử Kinh quay về nhà, viết ra bài từ này. Bài từ được hát rộng rãi, truyền đến tận cấm đình. Hoàng đế Nhân Tông biết chuyện liền hỏi: ‘Nội nhân xe thứ mấy, ai đã gọi Tiểu Tống?’ Có một nội nhân kể lại: ‘Khi phụng lệnh tiếp đón trong buổi yến tiệc, thấy Hoàng đế tuyên triệu một người tiến sỹ Hàn Lâm. Các đại thần xung quanh đều gọi người ấy là ‘Tiểu Tống.’ Tình cờ ngồi trong xe nhìn thấy người ấy, nên đã gọi một tiếng.’ Hoàng thượng cho gọi Tử Kinh, ung dung trò chuyện, Tử Kinh hoảng hốt quỳ xuống. Hoàng thượng lại cười nói: ‘Bồng sơn không xa’, bởi vì ta sẽ ban tặng người cung nữ ấy cho khanh.”
Nội hàm văn hóa của câu chuyện tình lãng mạn
Khúc “Giá cô thiên” này của Tống Kỳ, dùng từ tinh tế, trích dẫn điển cố, hạ bút thành văn. Bài từ miêu tả cuộc gặp gỡ giữa tài tử với cung nữ, họ đã mến mộ nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Từ ngữ và tình cảnh hòa quyện, sử dụng nhiều điển cố, lúc thì nói rõ, lúc thì ẩn ý, hàm chứa nhiều nhân tố văn hóa lịch sử. Có thể nói những cảnh tượng hiện ra vô cùng chân thật, chứa rất nhiều tình ý chân thành, cộng thêm cách ngâm lời phối nhạc, nội hàm văn hóa được dâng lên và cứ thế tuôn trào. Làm sao người dân lại không tự nguyện ca hát và lưu truyền nó được chứ?
“Cái đẹp của quân tử khi giúp đỡ người khác”, câu chuyện của Tống Từ được lưu truyền đến tận ngày nay, khiến mọi người càng ngưỡng mộ tấm lòng rộng lượng và nhân hậu của Tống Nhân Tông. Những tưởng sẽ là kết cục không đẹp, nhưng hóa ra lại là cái kết có hậu, khiến cho người ngày nay không khỏi ái mộ.
Epoch Times Tiếng Việt