Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) sau khi vô tình gây ra cái chết của Long Vương, bị hồn ma của Long Vương quấy nhiễu. Ông lâm bệnh nặng và chết, hồn xuống âm phủ (U Minh). Vì tuổi thọ vẫn chưa hết nên ông được phép trở lại dương thế.
Trên đường trở về, Thái Tông được dẫn đi qua các cảnh giới của địa phủ, chứng kiến sự phán xét của Diêm Vương và những hình phạt dành cho các linh hồn tội lỗi.
Những tội danh bị luận xử nơi âm ti như sau:
- Kẻ giết người, làm chuyện bất nghĩa bị kéo lưỡi, đẩy vào vạc dầu sôi.
- Kẻ tham tiền, lừa dối thì bị móc mắt, cắt tay.
- Kẻ vô ơn, bất hiếu thì bị rút gân, lột da.
- Kẻ tà dâm thì bị quỷ hành hình bằng chày gai sắt.
- Kẻ vong ân phụ nghĩa, ăn chặn của công thì bị nghiền trong cối đá.
Thái Tông rùng mình, thấu hiểu nỗi khổ trầm luân, nói rằng sẽ sửa mình, làm điều thiện khi trở về trần thế.
Khi đi qua Uổng Tử Thành (nơi các hồn ma chết oan tụ tập), Thái Tông bị đám ma đói cản đường, đòi vàng bạc và muốn được siêu thoát. Để vượt qua, ông phải mượn vàng từ Tướng Lương đang sống ở Khai Phong, Hà Nam, một người được cho là đã tích lũy nhiều vàng ở âm giới nhờ công đức làm việc thiện, hằng ngày hoá vàng xuống địa phủ. Phán quan đã làm chứng giúp Thái Tông mượn vàng mà vượt qua Uổng Tử Thành an toàn.
Sau khi được hồi sinh, Thái Tông ra lệnh cho người mang vàng đến trả cho Tướng Lương ở Khai Phong. Tuy nhiên, Tướng Lương một mực từ chối nhận vàng, thể hiện lòng thanh liêm, không tham lam. Ông nói rằng chỉ nhận những gì thuộc về mình, không lấy của cải không phải của mình, nếu nhận số vàng này e bản thân hao tổn phúc đức.
Tướng Lương được mô tả là người biết lo xa, tích lũy công đức từ khi còn sống, nhờ đó mà “giàu nhất U Minh” (âm phủ). Tuy nhiên, ở dương thế, ông lại sống thanh bần, được ví như “nghèo nhất Khai Phong”. Điều này cho thấy ông không màng vật chất, chỉ làm việc thiện mà không cầu danh lợi, thậm chí không biết rằng mình đã tích được nhiều tài sản ở âm giới.
Vì Tướng Lương không nhận, Thái Tông quyết định dùng số vàng đó để xây chùa, làm việc thiện, nhằm tích lũy công đức giúp siêu thoát cho các linh hồn ở Uổng Tử Thành. Hành động này không chỉ thể hiện lòng từ bi của Thái Tông mà còn là cách ông trả ơn Tướng Lương gián tiếp, đồng thời lan tỏa bài học về làm việc thiện và giữ chữ tín.
Con người nên sống ngay thẳng, làm việc thiện không vì lợi ích cá nhân. Công đức tích lũy từ lòng tốt sẽ mang lại phước báo, dù bản thân có thể không nhận ra. Không chỉ tích lại cho bản thân mà còn có thể giúp được cho người khác. Đồng thời, sự thanh liêm, không tham lam của cải không thuộc về mình là phẩm chất cao quý, đáng để noi theo.
Mỹ Mỹ biên tập
Xem thêm
Vạn Điều Hay