Monday, September 16, 2024

Ẩn ý sâu xa trong những giấc mộng nhìn thấy ‘Trời’ (Phần 1)

Liên Quan

Vốn dĩ, sự tồn tại của “Trời” mang đến cho con người cảm giác đó là một thứ rất khó nắm bắt, nhưng lại luôn hiện hữu bất cứ nơi nào, ở bất cứ nơi đâu. Trên, dưới, phải, trái, trước, sau, hầu như chúng ta đều có thể tùy ý chỉ ra “Trời” ở đâu. Có một hiện tượng càng thêm thần bí khó lường và không thể tưởng tượng, đó là cổ nhân từng nằm mộng được tiếp xúc với “Trời,” hơn nữa không chỉ là một trường hợp. Nếu nói một người nào đã tiếp xúc với “Đất,” điều này còn dễ hiểu. Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu như một người trong mộng tiếp xúc được với “Trời,” quý vị hãy thử đoán xem tình huống đó sẽ như thế nào?

Chu Vũ Vương nằm mộng được Trời báo có con trai

Đường Thúc Ngu là thủy tổ của Tấn quốc. Ông là một trong những người con trai của Chu Vũ Vương, cũng chính là em trai của Chu Thành Vương. Ban đầu, sau khi Chu Vũ Vương và mẫu thân của Thúc Ngu kết hôn, có một lần, Chu Vũ Vương nằm mộng. Người mà Chu Vũ Vương gặp trong mộng lại chính là ông “Trời.” Ông ấy nói với Chu Vũ Vương rằng: “Ta sẽ cho ngươi sinh được con trai đúng theo thiên mệnh, đặt tên nó là Ngu. Ta cũng muốn phân phong cho nó quốc thổ là ‘Đường.’”

Về sau, mẫu thân của Thúc Ngu sinh hạ một người con trai, phát hiện trong lòng bàn tay của nhi tử có đường vân hình chữ “Ngu” (虞). Chu Vũ Vương nhớ lại giấc mộng của mình, nên đã đặt tên cho con trai là “Ngu.”

Ngoài ra, chuyện Thúc Ngu được phong “đất Đường” cũng khiến mọi người cảm thấy câu chuyện vô cùng thú vị và có sự an bài của số mệnh. Sau khi Chu Vũ Vương diệt nhà Ân Thương không lâu thì băng hà, Chu Thành Vương kế vị. Khi đó Chu Thành Vương còn tương đối nhỏ tuổi, em trai của Chu Vũ Vương là Chu Công nắm giữ triều chính, vừa lúc vùng đất thuộc nước Đường phát sinh phản loạn. Chu Công đem quân bình định phản loạn, diệt xong Đường quốc.

Sự việc diễn ra cũng rất khéo trùng hợp. Bởi vì Chu Thành Vương còn nhỏ tuổi, một lần cùng chơi đùa với em trai Thúc Ngu, Chu Thành Vương nhặt một lá cây ngô đồng, cẩn thận cắt tỉa thành hình dạng ngọc khuê rồi đưa cho Thúc Ngu, còn nói một câu: “Cái này là phong thưởng cho đệ.” Ngọc khuê là lễ khí thời cổ đại, đại biểu tượng trưng cho đẳng cấp và địa vị trong xã hội. Trong vô ý Chu Thành Vương lại phong thưởng cho em mình. Quan viên chép sử bên cạnh, nghe được chuyện này, rất trịnh trọng tâu với Chu Thành Vương: “Thỉnh cầu Đại Vương (Chu Thành Vương) chọn ngày lành, để ban thưởng thực sự cho Thúc Ngu.” Chu Thành Vương vội vàng đáp: “Ta chỉ vui đùa, nói vui mà thôi.” Sử quan vẫn nghiêm túc thưa: “Thiên tử không nói lời vui đùa. Lời Thiên tử nói, sử quan đều ghi chép lại, lễ quan phải sắp đặt thành lễ nghi, nhạc quan phải xướng tấu lên.” Thế là, các vị đại thần dựa theo lễ nghi và đẳng cấp quân thần, phân phong Đường quốc cho Thúc Ngu. Thúc Ngu đã trở thành thủy tổ của nước Đại Tấn trong thời kỳ Xuân Thu sau này.

Cuối cùng, dự ngôn trong “giấc mộng về Trời” của Chu Vũ Vương đã trở thành hiện thực. Đa số người đọc giải thích rằng, “Trời” mà Chu Vũ Vương mộng thấy chính là “Thiên Thần.” Tuy nhiên, cách lý giải đơn giản như vậy vẫn có chỗ khiến chúng ta bối rối, đó là: “Trời” mà Chu Vũ Vương mộng thấy rốt cuộc có hình tượng ra sao? Là “Thiên Thần” như thế nào? Hay là hình dạng của “Thiên không”? Hay là một loại “hình tượng của vũ trụ”? Đáng tiếc là, cổ nhân ghi chép về đoạn này bằng văn tự giản lược, chúng ta rất khó có chi tiết cụ thể để suy đoán “Trời” trong giấc mộng của Chu Vũ Vương rốt cuộc là như thế nào? Cộng thêm phong cách văn ngôn cổ của Hán tự, văn tự giản lược nhưng đủ để biểu hiện nội hàm phong phú và trí tưởng tượng đa dạng.

Lý giải của cổ nhân về hình tượng của Thần cũng rất phong phú. Ví dụ như có “Thần hữu hình” và “Thần vô hình.” “Thần hữu hình” luôn luôn là hình người hoặc hình động vật. “Thần vô hình” thường là một loại hình thái khó có thể dùng thị giác nắm bắt và khó lý giải, ví dụ như âm nhạc, hư không và gió. Hơn nữa, Chu Vũ Vương có “giấc mộng về Trời,” lại có thể nghe thấy “Trời” nói chuyện. Miêu tả như vậy đều phù hợp đặc trưng linh tính vốn có của “Thần hữu hình” và “Thần vô hình.” Điều này vô tình khơi gợi cho chúng ta những nhận biết cụ thể đối với các hiện tượng thần bí khó lường về “Trời,” cũng mang đến cho thế nhân rất nhiều trí tưởng tượng.

Chu Thành Vương đem Đường quốc phân phong cho Thúc Ngu. Điển cố “đồng diệp phong đệ” này (đem lá đồng phong tặng cho em trai), khiến cho dự ngôn trong “giấc mộng về Trời” của Chu Vũ Vương trở thành hiện thực. Tranh “Đồng âm thu sướng” của Lưu Đức Chi thời Thanh. (Ảnh do Bảo tàng Cố cung Quốc gia cung cấp)
Chu Thành Vương đem Đường quốc phân phong cho Thúc Ngu. Điển cố “đồng diệp phong đệ” này (đem lá đồng phong tặng cho em trai), khiến cho dự ngôn trong “giấc mộng về Trời” của Chu Vũ Vương trở thành hiện thực. Tranh “Đồng âm thu sướng” của Lưu Đức Chi thời Thanh. (Ảnh do Bảo tàng Cố cung Quốc gia cung cấp)

Thúc Tôn báo mộng thấy Trời, kêu gọi Thụ Ngưu

Thời Xuân Thu, lúc Lỗ Trang Công tại vị (693 TCN-662 TCN), Lỗ quốc xuất hiện ba thế lực Khanh đại phu rất lớn mạnh, theo thứ tự là: Quý Tôn Thị, Thúc Tôn Thị và Mạnh Tôn Thị. Thế lực của ba gia tộc này chi phối hoạt động chính trường của Lỗ quốc, được gọi là “Lỗ Tam Hoàn.”

Trong đó, tông chủ đời thứ năm của Thúc Tôn Thị là Thúc Tôn Báo, từng có trải nghiệm “giấc mộng về Trời.” Nguyên do sự việc như thế này:

Sau khi Thúc Tôn Đắc Thần, phụ thân của Thúc Tôn Báo, chưởng môn dòng họ Thúc Tôn mất đi, anh trai Thúc Tôn Báo là Thúc Tôn Kiều kế thừa chức Khanh, tiếp tục chưởng quản công việc trên chính trường nước Lỗ. Tuy nhiên, Thúc Tôn Kiều dường như bị ảnh hưởng bởi đạo đức bại hoại khi đó, dám tư thông với Mục Khương, mẫu thân của Quốc Quân trẻ tuổi Lỗ Thành Công. Thúc Tôn Báo nhận thấy việc này sớm muộn cũng đem đại họa đến cho cả dòng họ Thúc Tôn, ông liền rời khỏi nước Lỗ chuẩn bị đến nước Tề tránh nạn. Khi Thúc Tôn Báo chạy đến thị trấn nhỏ Canh Tông (thị trấn Tứ Trương, phía đông huyện Tứ Thủy, tỉnh Sơn Đông ngày nay), ông gặp một cô gái lạ, bèn ở lại chỗ nàng ấy dùng cơm, hơn nữa còn sống chung. Không lâu sau, Thúc Tôn Báo nói lời từ biệt tiếp tục lên đường, cô gái đó đành khóc lóc tiễn biệt.

Sau khi Thúc Tôn Báo đến nước Tề, chính thức lấy Quốc Khương, nữ nhi của quan đại thần nước Tề làm vợ. Về sau, họ sinh hạ hai người con là Mạnh Bính và Trọng Nhậm, Thúc Tôn Báo cơ hồ cũng quên luôn cô gái tình cờ gặp ở Canh Tông kia rồi.

Một hôm, Thúc Tôn Báo có một giấc mộng lạ, mộng thấy “Trời” đè lên người, khiến bản thân không thể thoát ra. Ông ta quay đầu lại nhìn thấy một người tướng mạo quái dị, nước da đen kịt, vai so lưng còng, hốc mắt trũng sâu, miệng như miệng heo. Thúc Tôn Báo vội lớn giọng kêu cứu: “Ngưu, mau tới giúp ta!” Dưới sự giúp đỡ của quái nhân này, cuối cùng cũng chống đỡ được “Trời,” Thúc Tôn Báo được cứu thoát khỏi nguy hiểm.

Sau khi tỉnh lại từ trong mộng, Thúc Tôn Báo không biết đây là điềm gì, nhưng đối với quái nhân đã cứu mình trong mộng thì nhớ mãi không quên. Sáng sớm hôm đó, ông cho gọi thuộc hạ, tra hỏi xem trong gia tộc có người nào giống như người mà mình đã gặp ở trong mộng hay không. Kết quả không tìm thấy một ai, bèn dặn dò thuộc hạ: “Hãy nhớ kỹ hình dáng của người này.”

Sau này, Thúc Tôn Kiều sắp bại vong, cũng chạy đến nước Tề. Nước Lỗ phái người triệu hồi Thúc Tôn Báo. Thế là, ông quyết định về nước, được Lỗ quốc lập làm Khanh, tiếp tục nắm giữ địa vị chính trị của gia tộc Thúc Tôn thị. Nữ nhân từng ở chung với ông ta ở Canh Tông thường hay mang gà rừng tới. Thúc Tôn Báo tiếp kiến nàng, còn hỏi tình hình của con trai mình. Bà nói: “Con trai của tôi đã lớn, biết nuôi gà rừng, vẫn luôn đi theo tôi.” Bà gọi đứa trẻ lại. Thúc Tôn Báo vừa nhìn thì thấy đúng là người mà ông đã gặp trong mộng. Thúc Tôn Báo còn chưa hỏi tên, liền trực tiếp gọi cậu bé là “Ngưu.” Đứa nhỏ dĩ nhiên nghĩ gọi mình, liền trả lời “dạ.” Thúc Tôn Báo triệu thuộc hạ tới, dặn dò chăm sóc đứa trẻ này, để nó làm tiểu thần. Từ đó, Ngưu được Thúc Tôn Báo cưng chiều. Sau khi lớn lên, Thúc Tôn Báo để cho anh ta chủ quản mọi việc trong nhà. Hồi đó bề tôi trong nhà chưa thành niên gọi là Thụ, từ đó mọi người liền gọi anh ta là Thụ Ngưu.

Gia đình Thúc Tôn Báo liên tục gặp biến cố. Sau khi Thúc Tôn Báo rời khỏi Tề quốc không lâu, người vợ Quốc Khương đã phải lòng đại thần nước Tề là Công Tôn Minh, sau đó cải giá. Thúc Tôn Báo sau khi biết chuyện thì phẫn nộ không thôi, càng thêm tin cận Thụ Ngưu. Thế nhưng, Mạnh Bính và Trọng Nhâm dù sao cũng là do chính thất cưới hỏi đàng hoàng sinh ra, có quyền thừa kế gia tộc, vì thế ông nghĩ đợi đến khi hai người con trai này lớn lên sẽ đón về từ nước Tề. Thụ Ngưu là đứa trẻ do người vợ thứ sinh ra, so với con do chính thất sinh ra, quyền thừa kế tương đối thấp. Lúc này Thụ Ngưu có tâm tư như thế nào, có lẽ tất cả mọi người cũng có thể suy đoán được.

Thụ Ngưu muốn cùng anh em cùng cha khác mẹ là Mạnh Bính và Trọng Nhâm kết thành thân thiết, muốn tăng cường quan hệ lẫn nhau, nhưng Mạnh Bính và Trọng Nhâm đều cự tuyệt. Vì vậy, trong lòng Thụ Ngưu nảy sinh kế độc, trước sau hại chết Mạnh Bính và Trọng Nhâm. Việc ác của Thụ Ngưu bại lộ, làm bại hoại lễ pháp của gia tộc, Thúc Tôn Nhược và các thành viên khác trong gia tộc đồng loạt phản đối Thụ Ngưu, cuối cùng sát hại anh ta.

Khi Thúc Tôn Báo mơ thấy mình bị “Trời” đè, “Ngưu” mà ông gọi đến, bề mặt thì nói rằng sẽ giúp ông đánh thắng “Trời.” Kết quả lịch sử thực tế là, tư tưởng “chiến thắng Trời” là một loại vọng tưởng vô tri. (Ảnh: Shutterstock)
Khi Thúc Tôn Báo mơ thấy mình bị “Trời” đè, “Ngưu” mà ông gọi đến, bề mặt thì nói rằng sẽ giúp ông đánh thắng “Trời.” Kết quả lịch sử thực tế là, tư tưởng “chiến thắng Trời” là một loại vọng tưởng vô tri. (Ảnh: Shutterstock)

Bi kịch gia đình do Thúc Tôn Báo và Thụ Ngưu dẫn đến đã phản ánh vấn đề đẳng cấp xã hội và đạo đức thời kỳ Xuân Thu. Trong đó, chi tiết “giấc mộng về Trời” của Thúc Tôn Báo đã đóng một vai trò nhất định trong việc nảy sinh bi kịch. Từ góc độ lý giải mộng, chúng ta không chỉ khó luận giải “Trời” trong giấc mộng của Thúc Tôn Báo trông như thế nào, mà còn khó giải đoán được giấc mộng “Trời đè” là điềm báo gì cho bản thân ông ấy. Chỉ có điều, khi Thúc Tôn Báo bị “Trời đè,” thì cảm giác của ông ta là không thể thắng được. “Ngưu” mà Thúc Tôn Báo chiêu gọi đến trong giấc mộng, rõ ràng trên bề mặt đã giúp ông ta đánh bại “Trời.” Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, ý nghĩ “chiến thắng Trời” chỉ là một loại vọng tưởng vô tri; cầu xin cứu giúp, sau đó còn chiều chuộng “quái Ngưu,” ngược lại gần như đã hại chết cả nhà mình. Như vậy xem ra, Thúc Tôn Báo hẳn là nên chấp nhận sự áp chế của “Trời” hay chống lại sự áp chế của “Trời”? Quan điểm của quý vị như thế nào? Quý vị lý giải như thế nào về ý nghĩa của câu chuyện “Giấc mộng về Trời” này?

(Còn tiếp)

Mời quý vị đón đọc “Phần 2


Tác giả: Mai Hoa Nhất Điểm

Lâm Phương Vũ biên tập

Sương Sương biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x