Monday, September 16, 2024

Ẩn ý sâu xa trong những giấc mộng nhìn thấy ‘Trời’ (Phần 2)

Liên Quan

Tiếp theo Phần 1.

Đặng Tuy mộng thấy Trời, thành tựu sự nghiệp

Hòa Hi Hoàng hậu (81-121), nguyên danh Đặng Tuy, là cháu gái của Thái phó Đặng Vũ thời Hán Quang Vũ Đế. Đặng Vũ là gia tộc quyền thế ở Nam Dương, khởi nghiệp từ thời Quang Vũ Đế. Ông đã giúp Hán Quang Vũ Đế bình định thiên hạ, lập được công lao hiển hách, trở thành người đứng đầu trong số “Vân Đài nhị thập bát tướng” (28 viên đại tướng đã phò tá đắc lực cho Hán Quang Vũ Đế trong quá trình kiến lập nhà Đông Hán). Phụ thân của ông là Đặng Huấn, từng làm Hộ Khương Hiệu Úy, có công lớn trong việc trấn giữ biên cương. Mẫu thân của ông họ Âm, là con gái của em họ Hoàng hậu Âm Lệ Hoa. Đặng Tuy là thứ nữ của Đặng Huấn, có chị là Đặng Yến và em trai Đặng Dung.

Khi Đặng Tuy năm tuổi, bà nội của Đặng Tuy tự mình cắt tóc cho cháu. Bà tuổi đã cao, mắt không còn nhìn rõ, không cẩn thận làm trán của Đặng Tuy bị thương, nhưng nàng nhịn đau không nói gì. Người bên cạnh nhìn thấy lấy làm lạ, liền hỏi nàng vì sao lại thế. Đặng Tuy bèn trả lời: “Không phải là không cảm thấy đau. Thái phu nhân yêu thương ta, lại cắt tóc cho ta. Ta kêu lên sẽ làm tổn thương tâm ý của bà, cho nên ráng chịu đau một chút.”

Năm Đặng Tuy sáu tuổi, nàng bắt đầu đọc sách “Sử Trứu Thiên,” năm bảy tuổi học “Luận Ngữ,” mười hai tuổi thông hiểu “Kinh Thi” và “Luận Ngữ.” Khi các huynh trưởng đọc sách, Đặng Tuy thường cùng các huynh thảo luận những vấn đề khó còn nhiều nghi vấn. Chí hướng của Đặng Tuy là tìm hiểu các kinh thư điển tịch, không thích hỏi han đến chuyện vặt trong nhà. Đặng mẫu thấy thế, liền trách mắng nàng rằng: “Nha đầu này, không học nữ công gia chánh, lo việc trang điểm ăn mặc, lại thay đổi bổn phận nữ nhi đi học Kinh thư, lẽ nào con muốn ứng cử làm Bác sĩ sao?” (Bác sĩ là chức quan trong xã hội thời cổ đại). Đặng Tuy khó có thể trái lời mẫu thân, lại không muốn từ bỏ sở thích của mình, thế là ngoài việc ban ngày học nữ công, buổi tối nàng vẫn chăm chỉ đọc kinh sách. Cha Đặng Tuy cảm thấy nữ nhi này không tầm thường, cũng không phản đối nàng đọc sách, ngược lại việc lớn nhỏ gì đều trao đổi với nàng. Việc này thật sự khiến học thức và đạo đức của Đặng Tuy tiến bộ rất nhanh.

Vĩnh Nguyên năm thứ 4 (năm 92), Đặng Huấn, phụ thân của Đặng Tuy qua đời. Đặng Tuy ngày đêm đau buồn, thành kính thủ hiếu ba năm, không chỉ sắc mặt tiều tụy, mà dung mạo gần như tàn tạ, khiến cho người thân cũng không nhận ra. Chính vào thời gian đó, Đặng Tuy đã có một “giấc Thiên mộng.” Nàng mộng thấy bản thân mình sờ thấy “Trời,” bầu trời bằng phẳng rộng lớn, màu xanh. “Trời” đôi khi lại hình thành một số thứ giống như thạch nhũ, thế là Đặng Tuy liền ngửa mặt lên mút nó.

Có thể vì giấc mộng này quá chân thực, vì vậy người nhà bèn tìm người đến giải giấc mộng này. Người giải mộng thông hiểu các câu chuyện về giấc mộng xưa nay, vừa nghe được về giấc mộng của Đặng Tuy thì hết sức kinh ngạc, vội vàng lấy điển cố về giấc mộng thời xưa, giải nói rằng: “Thời cổ đại, Thánh nhân Nghiêu đã từng mơ leo lên trời, sau này ông ấy trở thành Thánh chủ một đời; Vua Thang, vị Quân chủ khai quốc nhà Ân Thương, cũng từng mộng thấy “Trời,” hơn nữa còn liếm chất lỏng từ trời, sau này Vua Thang mở ra vương triều Ân Thương tồn tại trong 600 năm. Loại giấc mộng này, chính là điềm báo người đó sẽ trở thành Thánh vương. Đặng Tuy có giấc mộng thần kỳ như thế, là điềm lành đến mức không thể diễn tả được.”

“Giới sức tông tộc” trong “Lịch triều hiền hậu cố sự đồ,” miêu tả sự tích Hòa Đế Hoàng hậu thời Đông Hán, tức Hòa Hi Đặng Hoàng hậu, do Tiêu Bỉnh Trinh, người thời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
“Giới sức tông tộc” trong “Lịch triều hiền hậu cố sự đồ,” miêu tả sự tích Hòa Đế Hoàng hậu thời Đông Hán, tức Hòa Hi Đặng Hoàng hậu, do Tiêu Bỉnh Trinh, người thời Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Người nhà nghe được những lời này của người giải mộng, vừa mừng vừa sợ, cũng có chút nghi hoặc. Mọi người cho rằng, khi đó Đặng Tuy vì phụ thân qua đời mà khóc tang giữ hiếu ba năm, cơ thể gầy còm, không còn ra hình người nữa, lấy đâu ra nhiều may mắn như vậy? Thế là, người nhà lại mời đến một thầy tướng số đến xem thử. Kết quả là, không xem không biết, vừa nhìn thì đã giật mình, thầy tướng số kinh ngạc nói rằng “Đây là cốt pháp của Thành Thang,” sau đó không nói thêm gì nữa. Một người bác cổ thông kim của gia tộc họ Đặng vừa nghe liền biết rằng: Đây chẳng phải dự báo Đặng Tuy sẽ trở thành người có thành tựu và địa vị giống như Quân chủ Ân Thương Thành Thang hay sao? Đặng Tuy là phận nữ nhi, nữ nhi có thể thành tựu địa vị của cấp Quân chủ, đó chẳng phải là cấp bậc Hoàng hậu hay sao? Đặng gia mừng thầm trong bụng, nhưng không dám nói ra.

Sau này khi Đặng Tuy tuyển nhập vào cung, từng bước được Hán Hòa Đế Lưu Triệu tín nhiệm và sủng ái trở thành Hoàng hậu thứ hai của Hán Hòa Đế. Sau khi Hán Hòa Đế băng hà, Đặng Tuy lấy thân phận Hoàng hậu lâm triều lo liệu chính sự suốt 16 năm. Trong thời gian chấp chính, bà tự mình thực hành tiết kiệm, dốc sức cứu tế, bình định ngoại xâm, văn hóa hưng thịnh. Thời kỳ Đặng Tuy chấp chính, đã từng giúp đỡ Thái Luân cải tiến kỹ thuật chế tạo giấy; đặc biệt mời Trương Hành vào triều, nghiên cứu chế tạo máy Hỗn thiên nghi (máy đo thiên văn) và máy đo địa chấn; bổ nhiệm nhà kinh tế học Hứa Thận chỉnh sửa và quy phạm chữ Hán, thúc đẩy sự ra đời của cuốn tự điển “Thuyết văn giải tự.” Bà còn chú trọng giáo dục văn hóa, sáng lập có tính khai phá học đường dành cho cả nam và nữ, cung cấp giáo dục học đường cho phái nữ.

Sức ảnh hưởng về văn hóa được hình thành trong thời kỳ Đặng Tuy nắm giữ triều chính, nhất là tại phương diện phát minh kỹ thuật tạo giấy và quy phạm nguồn gốc chữ viết, đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá và mở rộng văn hóa Trung Hoa. Những thành tựu này không kém gì những thành tựu vĩ đại của Thành Thang triều Ân Thương. Điều này chẳng phải phù hợp với ẩn ý “giấc mộng trời” của Đặng Tuy hay sao?

Có một điểm đáng chú ý rằng, Đặng Tuy “mộng nhìn thấy trời”, lại có thể hút “nước của trời.” Xét về một ý nghĩa văn hóa nào đó, điều này có lẽ sẽ phá vỡ nhận thức vật lý học của chúng ta đối với “Trời.” Chẳng lẽ “Trời” chính là người mẹ của sinh mệnh chúng ta trong không gian vũ trụ sao? Quý vị nghĩ sao về vấn đề này?

Đào Khản mộng thấy mọc tám cánh bay lên trời

Đào Khản (259-334), tự Sĩ Hành, là người quận Bà Dương, Giang Châu, sau chuyển đến huyện Tầm Dương quận Lư Giang, là danh tướng triều Tấn. Đào Khản xuất thân nghèo khó, sau khi được Lưu Hoằng (236-306) là Thứ sử Kinh Châu trọng dụng, nhờ võ công và tài thao lược mà an định xã hội, làm nên sự nghiệp. Bắt đầu từ việc thảo phạt bình định loạn Trương Xương, từ đó ông thăng tiến, trải qua các loại khó nạn và trắc trở, cuối cùng lên đến chức Thái Úy, nắm giữ trọng binh, Đô đốc quân sự tám châu, đồng thời đảm nhận chức Thứ sử Kinh Châu và Giang Châu. Ở triều đại Đông Tấn, khi các thế gia thế tộc lũng đoạn chính trị, thì Đào Khản là một trường hợp điển hình, khá đặc biệt.

Đào Khản tòng quân 41 năm, “hùng nghị hữu quyền, minh ngộ thiện quyết đoán” (mạnh mẽ, kiên nghị, sáng suốt, giỏi quyết đoán). Ông không chỉ có võ công trác tuyệt, giỏi dùng binh, hơn nữa còn tinh thông, chuyên cần trong việc làm quan quản lý dân chúng. Hai trấn Kinh Châu dưới sự cai quản của ông, “từ Nam Lăng mãi đến Bạch Đế mấy nghìn dặm, suốt dọc đường không ai nhặt của rơi.” Ông có công lớn trong việc củng cố chính quyền Đông Tấn và ổn định xã hội Nam Giang, xứng đáng để đời sau ca ngợi.

Một lần, Đào Khản ra ngoài du ngoạn, nhìn thấy một người tay cầm một nắm mạ non. Ông tiến đến hỏi: “Xin hỏi, anh lấy cây mạ này để làm gì?” Người đó trả lời: “Đi trên đường, nhìn thấy thì thuận tay nhổ mà thôi.” Đào Khản tức giận, liền trách hỏi: “Ngươi đã không làm ruộng, mà lại đùa bỡn lấy trộm mạ của người khác?” Thế là ông sai người bắt anh ta lại, đánh roi trừng phạt.

Khi Đào Khản chuyến đến Quảng Châu làm Thứ sử, phương Nam là mảnh đất vô sự. Thế nhưng, mỗi ngày Đào Khản đều không hề nhàn rỗi. Sáng sớm, ông chuyển một trăm viên gạch ra sân nhà bên ngoài, đến chập tối lại đem gạch ở sân ngoài chuyển vào trong nhà, mỗi ngày đều hết sức kiên trì như vậy. Người ngoài nhìn thấy không hiểu, liền hỏi Đào Khản: “Ngài làm như vậy để làm gì?” Đào Khản đáp: “Bây giờ nam bắc cát cứ, hiện tại vô sự chỉ là tình hình ở bề mặt. Tôi đang dốc sức để thu phục đất đai đã mất của Trung nguyên. Nếu như nhàn rỗi an dật quá, một khi phát sinh chiến sự, e rằng không thể gánh vác đại sự.” Đây chính là câu chuyện “Đào Khản chuyển gạch” nổi tiếng trong lịch sử.

“Tấn thư. Đào Khản truyện” ghi lại lời bình rằng: “Đào Công cơ thần minh giám tự Ngụy Vũ, trung thuận cần lao tự Khổng Minh.” Ý tứ là, Đào Khản về mặt cơ thần minh giám, rất giống với Tào Tháo; về mặt trung thuận cần lao thì giống như Gia Cát Lượng. Nếu đánh giá về con người cũng như thành tích, công lao của Đào Khản, thì những lời này quả thực rất xác đáng.

Đào Khản không chỉ võ công trác tuyệt, biết dụng binh, hơn nữa còn tinh thông chuyên cần trong việc làm quan. Dưới sự cai quản của ông, “từ Nam Lăng mãi đến Bạch Đế mấy nghìn dặm, suốt dọc đường không ai nhặt của rơi”; “Tấn thư. Đào Khản truyện” đánh giá: “Đào công cơ thần minh giám tự Ngụy Vũ, trung thuận cần lao tự Khổng Minh.” (Ảnh: Tài sản công)
Đào Khản không chỉ võ công trác tuyệt, biết dụng binh, hơn nữa còn tinh thông chuyên cần trong việc làm quan. Dưới sự cai quản của ông, “từ Nam Lăng mãi đến Bạch Đế mấy nghìn dặm, suốt dọc đường không ai nhặt của rơi”; “Tấn thư. Đào Khản truyện” đánh giá: “Đào công cơ thần minh giám tự Ngụy Vũ, trung thuận cần lao tự Khổng Minh.” (Ảnh: Tài sản công)

Đào Khản cũng có “giấc mộng trời” kì lạ được ghi chép: Có một lần, trong giấc mộng, Đào Khản thấy mình mọc ra tám cái cánh, ông liền bay lên, sau đó bay lượn giữa trời. Cổng trời cao vút, tổng cộng có chín tầng trời, Đào Khản bay lượn, đã vào được tám cổng, còn một cổng trời không được vào. Thế là, ông dùng cánh hết sức túm lấy “Trời.” Trong lúc dùng sức, Tiên nhân canh giữ cổng trời dùng Thần trượng đánh, Đào Khản giật nảy mình, liền rơi xuống. Khi rơi xuống đất, cánh trái của Đào Khản bị gãy mất. Đào Khản sau khi tỉnh dậy, phát hiện nách trái của mình sưng đau.

Câu chuyện “Mộng Trời” của Đào Khản này được miêu tả chi tiết, trong “Tấn Thư • Đào Khản truyện” và bút ký “Dị uyển” có chút khác biệt. Trong “Dị uyển” suy luận rằng, Đào Khản sau khi nắm giữ trọng binh và quân quyền thì nảy sinh chí soán vị giống Tào Phi và Tư Mã Viêm, vì thế mà có giấc mộng này. Tuy nhiên, tác giả (bài viết) cho rằng, giấc mộng bay lên tận trời này của Đào Khản, là một loại truy cầu cảnh giới cao, tìm kiếm một loại thành tựu vĩ đại và sự giải thoát Thần Thánh. Với tâm tính và công đức của Đào Khản, ở thời đại Đông Tấn lúc bấy giờ, ông là người có đạo đức thuần chính, cũng là mẫu mực cho giới quyền thần đời sau: Không tham luyến danh lợi, không tranh đoạt địa vị. Cho nên, Đào Khản mới có thể mọc ra tám cánh mà bay lên trời. Đương nhiên, không biết quý vị độc giả liễu giải như thế nào?

Đáng chú ý là: “Trời” trong giấc mộng của Đào Khản, là có tầng thứ, có cảnh giới. Hơn nữa “Trời” của mỗi cảnh giới đều có “cổng trời,” bên cạnh cổng trời cũng có Tiên nhân canh giữ. Vậy, “Trời” trong câu chuyện này và “Trời” của các giấc “mộng trời” ở phần trước, có gì khác nhau?

Sự sâu xa trong văn hóa về “Trời,” sự phức tạp và thần bí của “Trời,” làm sao chúng ta có thể giải khai được?

Tư liệu tham khảo:

“Sử ký ‧ Tấn thế gia”, Chu Vũ Vương mộng trời đắc Ngu sự;
“Tả truyện ‧ Chiêu công tứ niên”, Thúc Tôn Báo mộng thiên dẫn Thụ Ngưu sự;
“Hậu Hán thư ‧ Quyển 10 ‧ Hoàng hậu kỷ thượng ‧ Hòa Hi Đặng Hoàng hậu truyện”;
“Tấn thư ‧ Quyển 65 ‧ Đào Khản truyện”, Đào Khản mộng xung Thiên tao kích đả trụy địa sự;
“Dị uyển ‧ Quyển 7 ‧ Mộng sinh bát dực”;
“Thái bình ngự lãm” quyển 1 và quyển 2.


Tác giả: Mai Hoa Nhất Điểm
Lâm Phương Vũ biên tập

Sương Sương biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x