Ca dao tục ngữ là một loại hình văn hóa dân gian ổn định và có tính quần chúng rộng rãi. Nó là những câu nói mang đầy trí tuệ của người xưa, được đúc kết từ những kinh nghiệm sống quý báu qua hàng nghìn năm. Những câu nói này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trạng thái tâm lý của người xưa mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.
Mạnh tử đã từng nói rằng “Nhân chi sơ tính bản thiện”, Con người khi mới sinh ra vốn có bản tính lương thiện và tốt lành. Trong quá trình lớn lên, do chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường sống mà có thể thay đổi tâm tính. Vậy nên bố mẹ cần chú trọng giáo dục con cái của mình ngay từ nhỏ, để con sau này có thể trở thành một hiền tài.
Đối lập với tư tưởng của Mạnh tử, Tuân tử lại nói “nhân chi sơ tính bổn ác”, nghĩa là con người khi sinh ra tính ban đầu vốn là tính ác, có nhiều dục vọng: hám lợi, hám sắc,…phải nhờ sự dạy dỗ, bồi dưỡng trong môi trường tốt mà bản tính lương thiện mới phát triển khi lớn lên. Như vậy, cần hướng con người đến “lễ” trong phép tắc, biết xấu tốt, biết kính trọng, học được lễ nghi đạo đức.
Trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm đã xuất hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt, đó là những câu ca dao tục ngữ, câu nói ngụ ngôn do người dân truyền miệng. Những câu ca dao tục ngữ không phức tạp như các dạng ngôn ngữ khác, mọi người ở mọi trình độ đều có thể hiểu và giao tiếp trôi chảy. Một số câu nói thông thường còn sử dụng lối nói hài hước để diễn đạt một cách ẩn ý những sự kiện nóng hổi lúc bấy giờ, làm cho cách nói trở nên thú vị hơn. Những câu nói đó được đúc kết từ những kinh nghiệm sống quý báu và đầy trí tuệ của người xưa. Ví như câu “nghìn năm làm vua, vạn năm làm rùa, con thỏ trăm năm chưa từng bị đuổi”, chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về cách nhìn người của cổ nhân.
Thoạt nhìn vào câu đầu tiên “nghìn năm làm vua, vạn năm làm rùa” chắc bạn sẽ nghĩ rằng đây là câu nói giải thích ý nghĩa của những người có cuộc sống trường thọ. Vào thời xưa, người ta thường phân tích đặc điểm của con người dựa trên những sự vật và hiện tượng bề ngoài, và điều này cũng đúng với câu này.
Tất nhiên con người ta ai cũng thích trường thọ, nhưng điều mà người ta thích hơn chính là tính cách thâm trầm của người trường thọ. Con người càng lớn tuổi thì càng ngộ ra được triết lý nhân sinh, trong dòng sông dài của thời gian, có thể gặp đủ loại sóng gió, trải qua đủ loại phiền não, nhưng chỉ cần cố gắng cuối cùng đều có thể vượt qua. Ở lâu với người trầm tĩnh bạn sẽ cảm thấy một loại cảm giác bình yên, gặp khó khăn gì cũng không quá lo lắng, chỉ cần thuận theo tự nhiên sẽ đều trải qua được sóng gió cuộc đời.
Trong văn hóa Phương Đông, rùa được biết đến là biểu tượng của sự trường thọ. Tuổi thọ của ba ba mà chúng ta thường thấy là khoảng 20-30 năm, nhưng tuổi thọ của rùa thì lâu hơn, chúng có thể sống hơn một trăm tuổi. Mọi người đều biết rằng rùa di chuyển rất chậm, vì vậy câu tục ngữ này là một cách nói ẩn dụ về kiểu người có kinh nghiệm xã hội sâu sắc, sống khôn ngoan, đã trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc đời. Kiểu người này khi làm việc gì cũng không hoảng sợ, rất bình tĩnh.
Trên thực tế xét ở một khía cạnh khác, thì câu này có ý mỉa mai nhất định, miêu tả một người mưu mô, từng trải, rất có quyền lực, lại vừa nham hiểm xảo quyệt, bề ngoài là giúp đỡ người khác, chẳng qua là giúp mình mà thôi. Vì sao lại ví von rùa và ba ba như vậy? Bởi vì điều này là do một số người tin rằng rùa và ba ba có thể sống lâu là do chúng có kinh nghiệm sinh tồn phong phú, tinh vi và thông minh hơn nhiều so với các loài động vật khác.
Nửa câu sau của câu tục ngữ ít được biết đến nhưng lại chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh sâu sắc: “con thỏ trăm năm chưa từng bị đuổi”. Nói về con thỏ, người xưa cũng có một câu thành ngữ nổi tiếng “ba cái hang cho con thỏ tinh ranh”, chủ yếu được người xưa dùng để miêu tả về chỉ số IQ của thỏ, tinh ranh, thông minh và khả năng ngụy trang rất cao.
Kỳ thực tuổi thọ của thỏ không dài, có thể nói là rất ngắn so với tuổi thọ của con người, nhưng câu ngạn ngữ lại nói rằng thỏ có thể sống hàng trăm năm. Kỳ thực bản thân con thỏ vốn đã hoạt bát, nếu là một con thỏ có thể sống trăm năm thì nó nhất định không phải một con thỏ bình thường, nó sẽ càng lanh lợi hơn và khó có thể đuổi theo nó được. Bởi vậy người xưa dùng con thỏ trăm tuổi để miêu tả kiểu người sống rất xảo quyệt, tuy biết nhiều nhưng đồng thời cũng có trí tuệ thâm sâu và có nhiều mưu kế.
Ở những thành phố lớn, chúng ta luôn có thể bắt gặp loại người tâm cơ thâm hiểm này, họ luôn lặng lẽ trong một góc, ít nói và lạnh lùng, không ai biết họ đang nghĩ gì hay sẽ làm gì, nhưng họ lại có thể biết được bí mật của mọi người. Một ngày nào đó, người này lại đột nhiên có quyền lực vượt bậc, và không ai biết họ làm điều đó như thế nào. Kiểu người này như những con thỏ thông minh, vượt lên trong giông tố nhưng lại luôn ẩn mình.
Người xưa dùng cách nói ẩn dụ để biểu đạt về những người có chỉ số IQ cao sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn trong cuộc sống. Nhưng kiểu người này lại không được lòng người, vì họ quá tinh ranh nên sẽ tương đối gian xảo, trong cuộc sống tốt nhất nên thận trọng kết giao với những người như vậy. Bởi nếu không cẩn thận bạn sẽ có thể bị đi vào đường cùng, đó cũng là lời cảnh báo mọi người nên cẩn trọng trong cách ứng xử với người khác, không làm những việc trái với lương tâm của mình.
Câu nói của cổ nhân đã truyền đạt lại kinh nghiệm sống và chân lý sâu sắc về cách nhìn người cho chúng ta một cách dễ hiểu, lời nói đơn giản mà ấn tượng, nhưng lợi ích thu về lại vô tận. Đừng bị những hình ảnh bên ngoài của một người làm mê hoặc mà hãy nhìn hành động của người đó ra sao. Bất kể là trong công việc hay cuộc sống bên ngoài, nếu có gặp kiểu người như rùa vạn năm hay thỏ trăm tuổi thì cũng phải luôn đề cao cảnh giác, cẩn thận lời nói và cử chỉ của họ.
Người xưa đã trải qua rất nhiều thăng trầm mới đúc kết cho chúng ta bài học xương máu, giúp chúng ta ít bị vấp ngã và mạnh mẽ vượt qua giông tố trong cuộc đời. Bởi vì lòng người rất khó đoán, thời thế cũng sẽ thay đổi, nên chúng ta chỉ việc quản tốt tâm của mình, sống thuận theo tự nhiên, làm nhiều việc thiện, từ đó vận khí cũng tốt, sự nghiệp từ đó cũng hanh thông.
Thùy Dung biên tập
Nguồn: aboluowang (Vương Hòa)
Xem thêm
Vạn Điều Hay