Monday, September 16, 2024

Biểu tượng thời trang mang phong cách Pháp

Liên Quan

Thi nhân kiêm văn sĩ người Ireland Oscar Wilde từng châm biếm rằng: “Thời trang là phù du. Còn nghệ thuật là vĩnh cửu. Thật vậy, thời trang thực sự là gì? Thời trang chỉ đơn thuần là một hình thức xấu xí đến nỗi chúng ta hoàn toàn không thể chịu đựng nổi mà phải thay đổi nó mỗi sáu tháng một lần!” Đúng thật là những người mẫu, xu hướng thời trang, và ngay cả các nhà thiết kế cũng thường đến rồi đi. Hiếm khi có điều gì hoặc ai đó trở thành một biểu tượng bất hủ. Tuy nhiên, có một số phong cách thời trang dường như vẫn giữ được sức sống theo thời gian.

Trong khi Pháp quốc vốn nổi tiếng khắp thế giới về ngành thời trang sang trọng (và Paris là kinh đô hoa lệ hàng đầu của ngành này), thì nơi đây cũng sản sinh ba quý bà trong lịch sử — Nữ hoàng Marie Antoinette, Hoàng hậu Joséphine, và Hoàng hậu Eugénie — những người vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế, các cuốn sách, các bộ phim, chương trình truyền hình, các cuộc triển lãm, các nhà sưu tầm, cũng như những người yêu thích lịch sử và thời trang. Các vị vương hậu này đã đặt định ra xu hướng cho thời đại của mình và vẫn là biểu tượng thời trang trường tồn của Pháp quốc. Những bức chân dung còn lưu lại của họ giúp người xem thời nay hiểu được phong vận của mỗi vị phu nhân này đã vượt xa thời đại và biên giới như thế nào.

Nữ hoàng Marie Antoinette

Bức tranh “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng) của họa sĩ Élisabeth-Louise Vigée Le Brun, năm 1783. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Cung điện Versailles, Pháp quốc. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Bức tranh “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng) của họa sĩ Élisabeth-Louise Vigée Le Brun, năm 1783. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Cung điện Versailles, Pháp quốc. (Ảnh: Tài sản công)

Nữ hoàng Marie Antoinette được khắc họa trong nhiều bức tranh xuyên suốt cuộc đời bà, từ thời thơ ấu trong những cung điện ở Vienna của mẫu thân, Hoàng hậu của Thánh Chế La Mã (Holy Roman), cho tới thời thiếu nữ trong vương triều của Pháp với vai trò là thái tử phi (phu nhân của người thừa kế ngai vàng Pháp quốc), và đến tuổi trung niên với tư cách là nữ hoàng của Pháp quốc. Họa sĩ vẽ bà đẹp nhất là nữ danh họa Élisabeth-Louise Vigée Le Brun.

Bà Vigée Le Brun là một trong những họa sĩ tài hoa nhất ở Pháp vào thế kỷ 18 và, trên thực tế, bà cũng là một trong những nữ họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Khi họa sĩ Vigée Le Brun và nữ hoàng Marie Antoinette gặp nhau lần đầu, họ trạc tuổi nhau và sớm nảy sinh tình bằng hữu thân thiết. Nữ hoàng đã giúp họa sĩ này được nhận vào Viện hàn lâm Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia danh giá, và trong suốt nhiều năm, họa sĩ Vigée Le Brun đã được mời đến để sáng tác nên 30 bức chân dung cho nữ hoàng.

Chẳng hạn như, tác phẩm “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng) với màu sắc tuyệt đẹp và những chi tiết tinh tế. Bức tranh này miêu tả nữ hoàng trong “chiếc váy dài theo phong cách Pháp” bằng vải lụa màu xanh xám, điểm xuyết với những dải ruy băng và ren thêu. Người may chiếc váy này có thể là bà Rose Bertin, thợ may váy của nữ hoàng, và cũng là người đặt nền móng cho thời trang cao cấp. Trong bức tranh này, kiểu tóc phồng pouf phủ bột của nữ hoàng để lộ ra một chiếc khăn xếp sọc mỏng đính lông đà điểu. Bức tranh vẽ thủ công tỉ mỉ toàn bộ chiếc váy đã cho thấy địa vị vương giả và bản sắc Pháp của nữ hoàng Marie Antoinette.

Đồ trang sức của nữ hoàng Marie Antoinette được trưng bày tại trung tâm đấu giá Sotheby’s. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Đồ trang sức của nữ hoàng Marie Antoinette được trưng bày tại trung tâm đấu giá Sotheby’s. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Bức tranh này cũng thể hiện tình yêu huyền thoại của nữ hoàng Marie Antoinette dành cho trang sức. Trong tác phẩm này, bà đeo một chuỗi vòng cổ đôi làm bằng ngọc trai và vòng tay đồng bộ. Trong thời đại này, ngọc trai có giá trị hơn kim cương. Vào năm 2018, một chiếc mặt dây chuyền ngọc trai cỡ lớn từng thuộc sở hữu của nữ hoàng Marie Antoinette, được truyền lại qua gia đình con gái bà, đã được bán với mức giá kỷ lục là 36 triệu USD tại trung tâm đấu giá Sotheby’s. Trong một buổi thảo luận về nữ hoàng Marie Antoinette tại trường nghệ thuật trang sức L’ÉCOLE, sử gia trang sức Gislain Aucremanne cho hay, giá trị của mặt dây chuyền bằng ngọc trai này “một lần nữa cho thấy niềm hứng thú và say mê mà tất cả mọi người, công chúng nói chung cũng như các nhà sưu tầm nhiệt thành, luôn dành cho nữ hoàng Marie Antoinette.”

Chiếc váy chemise của nữ hoàng

Bức tranh “Marie Antoinette in a Chemise Dress” (Nữ hoàng Marie Antoinette trong chiếc váy chemise) của một họa sĩ ẩn danh thực hiện sau năm 1783, sau họa sĩ Élisabeth-Louise Vigée Le Brun. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bộ sưu tập Timken, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Bức tranh “Marie Antoinette in a Chemise Dress” (Nữ hoàng Marie Antoinette trong chiếc váy chemise) của một họa sĩ ẩn danh thực hiện sau năm 1783, sau họa sĩ Élisabeth-Louise Vigée Le Brun. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bộ sưu tập Timken, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Tài sản công)

Cùng năm mà nữ họa sĩ Vigée Le Brun vẽ bức tranh “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng), trước đó bà đã sáng tác và cho trưng bày bức tranh “Marie Antoinette in a Chemise Dress” (Nữ hoàng Marie Antoinette trong chiếc váy chemise). Bức tranh này đã khiến công chúng tức giận vì miêu tả nữ hoàng đang mặc một chiếc váy “en chemise” giống như váy ngủ, hay còn gọi là “chemise à la reine” (chiếc váy chemise của nữ hoàng).

Nữ hoàng vốn mệt mỏi khi phải mặc những bộ váy cầu kỳ và nặng nề ở cung điện, vì vậy bà đã rất yêu thích diện mạo mới của chiếc váy trơn đơn giản bằng vải muslin có phần dây lưng buộc lỏng này, và kiểu váy này cũng trở thành phong cách được các quý cô tân thời ở Pháp quốc và nhiều quốc gia khác lựa chọn. Như sử gia trang sức Aucremanne đã giải thích trong buổi trò chuyện ở trường L’ÉCOLE rằng, suốt thế kỷ 18, “mọi người dân ở châu Âu đều sống theo phong cách Pháp.” Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình người Pháp lại thấy bất bình vì chiếc váy này trông như chiếc váy lót chemise thời đó.

Bức tranh “Marie Antoinette in a Chemise Dress” (Nữ hoàng Marie Antoinette trong chiếc váy chemise) đã bị gỡ xuống vì sự phản đối kịch liệt này, và bức tranh “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng) nhanh chóng được sáng tác để thay chỗ cho bức tranh kia. Tuy nhiên, chính “chiếc váy dài theo phong cách Pháp” ở tác phẩm mới này lại trở nên lỗi thời trong cuộc Cách mạng Pháp, trong khi chiếc váy mang phong cách chemise của nữ hoàng Marie Antoinette lại tiếp tục thịnh hành trong thời đại Napoleon.

Quý bà Bonaparte

Bức chân dung của hoàng hậu Joséphine, vợ vua Napoleon, do họa sĩ François Gérard thực hiện, năm 1801. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Hermitage, thành phố Saint Petersburg, nước Nga. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Bức chân dung của hoàng hậu Joséphine, vợ vua Napoleon, do họa sĩ François Gérard thực hiện, năm 1801. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Hermitage, thành phố Saint Petersburg, nước Nga. (Ảnh: Tài sản công)

Hoàng hậu Joséphine sinh ra ở Martinique. Bà đã đặt ra các tiêu chuẩn thời trang hàng đầu trong vương triều của chồng mình — vượt qua những giới hạn của ngành may mặc, đồng thời bà cũng là nhà bảo trợ vĩ đại trong lĩnh vực nghệ thuật và thực vật học. Vương triều Napoleon lấy cảm hứng mang tính biểu tượng từ cả hai triều đại là Pháp và Đế chế La Mã thời trung cổ sơ khai, đồng thời cố ý bỏ qua nền quân chủ Pháp đã bị phế truất trước đó.

Giống như chiếc áo tunic của người La Mã, chiếc váy chemise cũng là một kiểu thời trang hoàn hảo để nâng cao hình ảnh của vua Napoleon như là một người kế tục của các vị hoàng đế La Mã. Dưới thời hoàng hậu Joséphine, chiếc váy chemise mỏng manh không còn gợi liên tưởng đến những thiếu nữ chăn cừu hay các cô gái vắt sữa trong truyện cổ tích, như thời mà nữ hoàng Marie Antoinette từng mặc nó; thay vào đó, nó được may mỏng hơn với đường viền cổ thấp hơn. Kiểu váy này buộc chặt ngay phần dưới ngực và được gọi là phong cách thời trang Empire silhouette; đây vẫn là phong cách thịnh hành cho tới thời nay.

Chúng ta có thể thấy hoàng hậu Joséphine mặc kiểu váy này trong bức chân dung do họa sĩ François Gérard thực hiện tại Cung điện Malmaison. Công chúng bị thu hút bởi những gì hoàng hậu Joséphine sẽ mặc tiếp theo. Bà Carol Woolton, một biên tập viên của tạp chí Vogue Anh quốc, chia sẻ trong một tập của chương trình phát thanh “If Jewels Could Talk” (Nếu trang sức có thể trò chuyện) rằng hoàng hậu Joséphine vẫn là “nguồn cảm hứng tối hậu cho những gì diễn ra ở Paris.”

Chiếc vương miện của hoàng hậu Bonaparte

Chiếc vương miện bằng vàng chạm đá và tráng men của nghệ nhân Jacques-Amboise Oliveras, khoảng năm 1808, được cho là của Hoàng hậu Joséphine Bonaparte. (Ảnh: DANIEL LEAL/Getty Images)
Chiếc vương miện bằng vàng chạm đá và tráng men của nghệ nhân Jacques-Amboise Oliveras, khoảng năm 1808, được cho là của Hoàng hậu Joséphine Bonaparte. (Ảnh: DANIEL LEAL/Getty Images)

Bức tranh của họa sĩ Gérard vẽ hoàng hậu Joséphine đang đội một chiếc vương miện. Bà đã lựa chọn vương miện như một món đồ trang sức vì vương miện có từ thời La Mã cổ đại và các nữ hoàng thời trước của Pháp quốc đã không đội vương miện. Hoàng hậu đội vương miện thấp trên trán, theo một phong cách gọi là “à la Joséphine” (phong cách Joséphine). Hơn một trăm năm sau, trong thời kỳ Roaring ’20s (Thập niên 1920), phong cách này đã trở nên thịnh hành một lần nữa. Khác với nữ hoàng Marie Antoinette, hoàng hậu Joséphine đã không phủ bột lên tóc và để những lọn tóc xoăn mềm mại.

Trong bức chân dung của hoàng hậu Josephine tại Cung điện Malmaison, bà đặc biệt đội một chiếc vương miện đính đá. Trong suốt thời đại Napoleon, cơn sốt về nghệ thuật chạm ngọc (glyptics) cổ đại — cameo (viên đá quý được khắc với hình chạm nổi) và intaglio (viên đá quý với một mẫu hoa văn khắc lõm trên bề mặt) — đã lên cao thông qua những phát hiện khảo cổ học đương đại. Vào năm 2021, hai chiếc vương miện được cho là mẫu vật từ bộ sưu tập trang sức cameo và intaglio đồ sộ của hoàng hậu Joséphine, được bày bán tại trung tâm đấu giá Sotheby’s và được bán với giá tổng cộng là 763,000 USD.

Hoàng hậu Eugénie

Bức tranh “The Empress Eugénie” (Hoàng hậu Eugénie) của họa sĩ Franz Xaver Winterhalter, năm 1854. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Ảnh: Tài liệu công cộng)
Bức tranh “The Empress Eugénie” (Hoàng hậu Eugénie) của họa sĩ Franz Xaver Winterhalter, năm 1854. Tranh sơn dầu trên vải canvas. Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (Ảnh: Tài sản công)

Hoàng hậu Eugénie sinh ra trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha, bà là vợ của Hoàng đế Napoleon III, cháu trai của Napoleon I và cháu nội của hoàng hậu Joséphine. Trái ngược với hoàng hậu Joséphine, hoàng hậu Eugénie bị cuốn hút bởi nữ hoàng Marie Antoinette và yêu thích phong cách thời trang của nữ hoàng. Bà đã điều chỉnh phong cách đó sao cho phù hợp với thời trang ở giữa thế kỷ 19. Bức chân dung có tựa đề “The Empress Eugénie” (Hoàng hậu Eugénie) của họa sĩ Franz Xaver Winterhalter, một họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ các bức chân dung lộng lẫy của hoàng gia, gợi hoài niệm về tác phẩm “Marie Antoinette With a Rose” (Nữ hoàng Marie Antoinette cùng một đóa hồng) của nữ danh họa Vigée Le Brun. Hoàng hậu Eugénie được miêu tả trong chiếc váy bằng vải lụa vàng sang trọng và cầu kỳ với các phần viền, ren thêu, những dải ruy băng, nơ bướm, và tua rua, cùng kiểu tóc phủ bột và các chuỗi ngọc trai.

Giống như nữ hoàng Marie Antoinette và hoàng hậu Joséphine, hoàng hậu Eugénie cũng quảng bá các phong cách và thương hiệu mới. Bà Marion Fasel, nhà sáng lập kiêm tổng biên tập của tạp chí The Adventurine, mô tả hoàng hậu Eugénie như một “biểu tượng phong cách thực sự của thời đại. Bà nổi tiếng là người đã thay đổi y phục và trang sức ba hoặc bốn lần mỗi ngày và hiếm khi mặc cùng một bộ xiêm y hai lần. Nhà thiết kế Charles Frederick Worth đã may những bộ váy cho bà. Nhà thiết kế Louis Vuitton đã chế tác thủ công những chiếc rương cho bà.”

Ông Worth, nhà thiết kế người Anh thường trú tại Paris được xem là cha đẻ của thời trang cao cấp. Nữ hoàng Eugénie là một nhà bảo trợ tận tâm. Với sự hỗ trợ của bà, ông Worth đã tạo nên những thay đổi hợp thời cho “de rigueur crinoline,” một loại tùng váy cứng mặc bên dưới lớp váy dài, và sau đó giới thiệu [đến công chúng] một phong cách thời trang mới tân thời hơn mà đã trở thành mốt thịnh hành thời đó: tùng váy phồng (bustle).

Trâm cài áo hình nơ

Sau khi vua Napoleon Đệ tam bị phế truất, chính phủ mới của Pháp (Đệ tam Cộng hòa Pháp) đã rao bán một kho trang sức hoàng gia đồ sộ của Pháp quốc tại “phiên đấu giá thế kỷ.” Mặc dù phát ngôn chính thức nói rằng đây là những món đồ xa xỉ hủ bại mà lợi nhuận thu được từ nó sẽ được dùng vào mục đích tốt hơn, nhưng lý do thực sự là vì chính phủ lo ngại nếu những người tuyên bố họ có quyền thừa kế ngai vàng Pháp có thể đeo các trang sức này kèm theo quyền lực chính trị và văn hóa, thì họ sẽ là mối đe dọa cho sự ổn định của chính phủ mới.

Tại phiên đấu giá này, hãng trang sức Tiffany’s của Hoa Kỳ đã mua hơn hai phần ba bộ sưu tập. Một trong những vật phẩm nổi bật nhất và, trên thực tế, là một trong những món trang sức nổi tiếng nhất của thời đại này là một chiếc trâm cài áo hình nơ cỡ lớn khảm kim cương được chế tác riêng cho Hoàng hậu Eugénie. Chiếc trâm cài áo này đã được mua nhân danh nữ hoàng Astor của xã hội Mỹ quốc trong Thời kỳ Vàng son (Gilded Age).

Vào năm 2008, món trang sức này đã tái xuất hiện ở phiên đấu giá, lần này là tại công ty đấu giá Christie’s. Trong những năm gần đây, Pháp quốc đã đang háo hức khôi phục di sản văn hóa của quốc gia mình. Chiếc trâm cài áo này được môi giới để bán riêng cho tổ chức Những bằng hữu của Louvre (Friends of the Louvre organization) với mức giá 10.5 triệu USD. Hiện nay, nó được trưng bày cùng những đồ trang sức được truy thu khác tại Bảo tàng Louvre và rất được du khách yêu thích.

Mặc dù Nữ hoàng Marie Antoinette, Hoàng hậu Joséphine, và Hoàng hậu Eugénie có những phong cách và câu chuyện của riêng mình, nhưng họ cũng có nhiều điểm chung. Tất cả họ đều kết hôn với những vị vua mà sau cùng đều bị phế truất. Và dù tất cả họ không sinh ra ở Pháp quốc, nhưng họ là những phần thiết yếu, không thể tách rời của lịch sử và văn hóa Pháp. Vào thời đại của họ, Paris là kinh đô xa hoa bậc nhất, cũng như bây giờ. Thuở ấy, họ từng là những người dẫn dắt xu hướng thời trang ở Paris, và cho đến nay, họ vẫn được mến mộ như vậy.


Thanh Ân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x