Trong số nhiều tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế lần thứ sáu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân, tác phẩm đạt giải bạc “The Infinite Grace of Buddha” (Phật Ân Hạo Đãng) nổi bật như một tác phẩm đặc biệt ấn tượng. Mỗi bức tranh trong bộ tam liên họa này — tác phẩm nghệ thuật gồm có ba phần — là do ba họa sỹ khác nhau vẽ: cô Trần Hồng Dư (Hung-Yu Chen), ông Lý Viên (Yuan Li), và anh Thái Thiếu Hàng (Shao-Han Tsai).
Bức tranh đồ sộ bên phải trong bộ ba tác phẩm này do anh Thái, một họa sỹ người Đài Loan vẽ, miêu tả chủ đề bất hủ về sự trừng phạt vĩnh hằng. Ở trên cùng bức tranh, nửa vòng tròn các vị Phật đang lùi dần vào những đám mây rực màu khi một Pháp Luân vàng kim áp xuống, phóng ra những tia sáng xuyên qua bóng tối. Phía bên dưới, một cơn lốc xoáy cuốn theo những nhân vật vẹo vọ lao thẳng xuống vực thẳm rực lửa mở ra những đại dương vô tận.
Bức tranh bên phải cân bằng với cảnh tượng cứu rỗi ở bức tranh bên trái và sự khải hoàn của Thần ở bức tranh trung tâm. Bố cục và nghệ thuật sắp xếp các chuyển động phức tạp của vô số nhân vật trong bức tranh này, có thể sánh ngang với tính kịch nghệ trong các tác phẩm của những bậc thầy thời kỳ Baroque Ý. Các khung cảnh vũ trụ dọc theo nền vải canvas cũng gợi lên những góc nhìn thay đổi huyền ảo — như trong một cuộn tranh treo vẽ phong cảnh thoát tục của Trung Hoa.
Con đường nghệ thuật của anh Thái gắn liền với Cuộc thi Vẽ tranh Nhân vật Quốc tế của Đài truyền hình Tân Đường Nhân. Người thầy đầu tiên của anh, họa sỹ Bắc Thúy (Dương Thúy Hoa), từng đạt huy chương đồng trong Cuộc thi Hội họa thường niên lần thứ hai của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD). Bà chính là người đặt nền tảng đào tạo nghệ thuật cho anh Thái, giới thiệu anh đến với hội họa, tranh màu nước, tranh thủy mặc, và thư pháp.
Bắt đầu từ thời trung học, anh Thái được đào tạo tại xưởng vẽ của ông Lý Viên, một họa sỹ người Nhật và từng đạt huy chương vàng trong Cuộc thi hội họa lần thứ nhất của Đài truyền hình NTD. Dưới sự dẫn dắt của ông, anh Thái được đào tạo chính quy về truyền thống nghệ thuật Âu Châu. Khi tiếp tục làm phụ tá cho ông Lý trong hơn một thập niên, họ đã nảy ra ý tưởng vẽ bộ tam liên họa “The Infinite Grace of Buddha” (Phật Ân Hạo Đãng) cùng cô Trần, đồng môn của anh Thái.
Phỏng vấn nghệ sỹ
Tôi có cơ hội gặp anh Thái trong cuộc triển lãm tranh chung kết ở New York, và đã mời anh chia sẻ đôi chút về quá trình sáng tác tác phẩm này cũng như kinh nghiệm của anh đối với tranh sơn dầu cổ điển.
The Epoch Times: Anh có thể chia sẻ về chủ đề và kỹ pháp trong tác phẩm tham dự cuộc thi năm nay của mình không? Quá trình sáng tác một bức tranh đồ sộ như vậy diễn ra như thế nào?
Anh Thái Thiếu Hàng: Tôi chịu trách nhiệm chính cho bức tranh bên phải trong bộ tam liên họa “The Infinite Grace of the Buddha” (Phật Ân Hạo Đãng), bao gồm việc vẽ bố cục ban đầu, các bản phác thảo, các bản phác thảo nhỏ, chụp ảnh người mẫu trực tiếp, và vẽ trên nền vải canvas. Bức tranh tượng trưng cho sự xung đột của các lực lượng tinh thần khác nhau trong vũ trụ và những biểu hiện cụ thể của họ ở thế giới con người.
Trung tâm thị giác của bức tranh này là Pháp Luân màu vàng kim [một bánh xe Pháp cấu thành từ chữ Vạn của Phật Gia và thái cực âm-dương của Đạo Gia]. Phía trên là hình tượng các vị Phật, tượng trưng cho lực lượng chính diện trong vũ trụ, và phía dưới là những linh hồn bại hoại tượng trưng cho lực lượng phụ diện. Biểu tượng Pháp Luân đại diện cho cơ chế vận hành của vũ trụ, “Pháp” của vũ trụ.
Khi Pháp Luân phóng ra tia sáng, các linh hồn bại hoại vốn đã lệch rời khỏi bản tính thiện bị đánh rớt xuống dưới cùng những đám mây xoáy tròn. Lực lượng phụ diện này phản ánh trong thế giới loài người chính là làn sóng chủ nghĩa cộng sản hiện đại, mà về mặt lịch sử, nó không chỉ là một tư tưởng chính trị hay một mô hình chính phủ. Thay vào đó, nó bắt nguồn từ hệ tư tưởng phản Thần, vốn gây ra ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin tôn giáo, đạo đức, giáo dục, văn hóa, và địa chính trị suốt hơn một thế kỷ qua. Thế lực phụ diện này đã thực sự mở ra một hố sâu địa ngục vô biên cho nhân loại, và được hình tượng hóa ở phần dưới cùng của bức tranh với biểu tượng búa liềm.
Về góc độ thủ pháp, bố cục bức tranh này lấy ý tưởng từ nhiều tác phẩm nghệ thuật trong truyền thống Tây Phương — đặc biệt là các chủ đề về “Sự Phán Xét Cuối Cùng” (Last Judgment).
Để tạo ra một bố cục nhiều nhân vật là điều rất khó khăn: Làm thế nào để vừa nắm bắt được kích thước, số lượng, và mối liên hệ không gian giữa các nhân vật, … lại vừa thể hiện được sự thù thắng ở mức độ phù hợp, những yếu tố này cần phải thử nghiệm và điều chỉnh rất nhiều lần. Giai đoạn đầu trong quá trình sáng tác chứng kiến sự ra đời của gần 30 bản phác thảo, và chúng tôi đã dành tới ba, bốn ngày để chụp ảnh các người mẫu trực tiếp.
The Epoch Times: Theo quan điểm của anh thì sáng tạo nghệ thuật theo phong cách truyền thống cổ điển có gì đặc biệt so với các phương pháp đương đại khác?
Anh Thái: Tôi nghĩ có một sự khác biệt lớn giữa sáng tạo nghệ thuật cổ điển và sáng tạo nghệ thuật hiện đại. Mục đích của nghệ thuật cổ điển là tái hiện các tầng diện khác nhau về vẻ đẹp và chân lý mà người nghệ sỹ có thể cảm thụ được — chứ không phải là theo đuổi tính sáng tạo và mới lạ … hay bộc lộ cảm xúc cá nhân. Tôi cũng cố gắng đạt được điều này trong các tác phẩm của chính mình.
Để tạo nên một bức tranh sẽ liên quan đến rất nhiều chi tiết cụ thể, từ bố cục cho đến kỹ pháp lẫn những vấn đề khó khăn có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện. Và để giải quyết những vấn đề đó, người họa sỹ cần dựa vào những năm tháng đào tạo kỹ năng cơ bản, cũng như tham chiếu các kiệt tác trong quá khứ, [và] đôi khi là dựa trên sự tích lũy kinh nghiệm cùng những khám phá cá nhân. Và đôi lúc, người nghệ sỹ chỉ có thể chờ đợi cảm hứng ngẫu nhiên đến từ Thiên thượng. Mỗi một tác phẩm mới đều là một hành trình đầy khảo nghiệm, thử thách, và cơ hội để đề cao.
Giống như một quá trình tu dưỡng bản thân và giác ngộ, giá trị tối hậu của nghệ thuật cổ điển nằm ở chỗ, nó cho thấy cuộc đời và thái độ sống của người sáng tạo nghệ thuật. Nếu không thì việc thể hiện bất kỳ hiệu ứng thị giác nào, cùng lắm cũng chỉ là sự thay đổi của hình dạng và màu sắc.
The Epoch Times: Từ quan điểm của một nghệ sỹ cổ điển, anh đánh giá như thế nào về những kiệt tác qua các thời đại? Đối với những người mới học và một số người nghiệp dư như chúng tôi, làm sao để nhận biết được một bức tranh đẹp và hiểu được các kỹ pháp cao siêu của nó?
Anh Thái: Cá nhân tôi khuyên những ai mới bắt đầu học nghệ thuật cổ điển nên nghiên cứu một ấn bản “Divine Comedy” (Thần Khúc) của Dante, có tranh minh họa của danh họa người Pháp thế kỷ 19, Gustave Doré. Một mặt, ông Doré đã lĩnh hội các hiệu ứng về bố cục và thủ pháp chiaroscuro (kỹ thuật tương phản sáng sáng tối) của các bậc thầy cổ điển, ông rất giỏi trong việc tái hiện lại phân cảnh. Mặt khác, bản thân kiệt tác “Divine Comedy” (Thần Khúc) cũng chứa rất nhiều cảnh tượng giàu trí tưởng tượng, từ “Inferno” (Hỏa ngục) kỳ quái, đáng sợ cho đến “Paradiso” (Thiên đàng) thánh khiết, mỹ lệ, một tác phẩm rất thú vị và đầy cảm hứng để đọc.
Kỳ thực, chính tôi cũng trở nên say mê nghệ thuật cổ điển khi đọc ấn bản tiếng Trung của tác phẩm “Divine Comedy” (Thần Khúc) có tranh minh họa của Doré, thời niên thiếu. Sau đó, có lẽ họ có thể xác định một thần thoại cổ điển nào đó hoặc một câu chuyện trong kinh thánh, và sưu tầm nhiều tác phẩm của các bậc thầy thời xưa về câu chuyện đó, rồi so sánh cách các nghệ sỹ diễn giải cùng một cốt truyện hoặc khung cảnh khác nhau như thế nào. Tôi nghĩ điều này có thể khơi dậy hứng thú lớn hơn, giúp những người mới học dần trau dồi khiếu thẩm mỹ và khả năng cảm thụ nghệ thuật của mình.
The Epoch Times: Lịch sử nghệ thuật Âu Châu đã truyền cảm hứng cho anh như thế nào? Tại sao hôm nay anh muốn bảo tồn và quảng bá truyền thống nghệ thuật này? Là một họa sỹ gốc Hoa, anh thấy giữa truyền thống cổ điển phương Đông và phương Tây có những điểm khác biệt và tương đồng như thế nào?
Anh Thái: Tôi từng học tiếng Hoa tại trường đại học và có một chút nền tảng về cổ văn. Tôi luôn rất quan tâm đến nền văn hóa truyền thống Đông phương. Đồng thời, tôi cũng nhận thấy có một sự kết nối sâu sắc giữa lịch sử nghệ thuật và triết học ở phương Tây. Sự hình thành nghệ thuật cổ điển ở châu Âu gắn liền với những hiểu biết về vũ trụ theo triết học và thần học.
Thay vì so sánh những điểm khác biệt trên bề mặt giữa nền nghệ thuật Đông và Tây phương, thì tôi chú trọng hơn đến các tín ngưỡng văn hóa truyền thống và vũ trụ học đằng sau đó. Tôi cảm thấy giữa hai nền nghệ thuật này có nhiều điểm tương đồng hơn phần lớn những gì mọi người thường nghĩ. Các quốc gia và dân tộc khác nhau trên thế giới có những phong tục, tập quán, tính cách, và sở thích khác nhau, nhưng những khái niệm nghệ thuật hoặc nguyên tắc thẩm mỹ — vốn đã trở thành tiêu chuẩn suốt hơn ngàn năm qua — thường bắt nguồn từ điều gì đó cơ bản và phổ quát hơn. Đây có lẽ là ý nghĩa của một câu nói Trung Hoa, “Thủ pháp có thể được tinh luyện để đạt đến Đạo, và nghệ thuật có thể câu thông với Thần.”
Tôi tin rằng các truyền thống nghệ thuật của Đông và Tây phương đều thống nhất về phương diện “Đạo” — Đạo của vũ trụ. Tôi rất hào hứng tìm hiểu về các giá trị văn hóa cơ bản và phổ quát này, vì tôi cho rằng, chúng hẳn phải chạm đến một số chân lý về nhân loại, sinh mệnh, và vũ trụ.
Tôi nghĩ toàn bộ nền văn minh nhân loại đang phải đối diện với một kiểu suy thoái do sự tan rã của tất cả các hệ thống và mạng lưới truyền thống thời hậu hiện đại. Bây giờ nhiều người có lý giải rất nông cạn và rời rạc về mọi thứ, họ đang dần mất khả năng suy nghĩ siêu hình về nhiều hiện tượng văn hóa khác nhau — trong đó gồm cả nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật cổ điển là một quá trình luyện tập nhìn vào nội tâm, và chỉ có thông qua luyện tập thì chúng ta mới có thể thực sự lĩnh hội được những ý nghĩa uyên thâm hơn. Tôi nghĩ đây là lý do tại sao tôi nguyện ý bước tiếp trên con đường này.
Epoch Times Tiếng Việt