Chúng ta thường ghen tị với người xưa vì mối quan hệ vợ chồng kiên định và không thay đổi. Các cặp vợ chồng thời xưa quả thực hơn hẳn người thời nay về lễ nghĩa và tình nghĩa. “Thi Kinh” nói, “Yến nhĩ tân hôn, như huynh như đệ” có nghĩa là “Chàng vui với vợ mới cưới, như anh như em”. Vợ chồng Trung Quốc cổ đại thường gọi nhau là huynh đệ, quân khanh, cách xưng hô này hàm chứa ý nghĩa tôn trọng và thương mến lẫn nhau.
Ở Trung Quốc cổ đại, người ta chủ trương coi trọng lễ nghĩa và tình nghĩa giữa vợ chồng, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Đây là những đạo đức và nghi thức truyền thống của dân tộc Trung Hoa, vốn là sợi dây liên kết duy trì và điều chỉnh cách mọi người hòa hợp với nhau trong hàng ngàn năm.
Tiêu Ý Tân là vợ của Gia Luật, người Liêu Quốc, cha cô là Hoàng tử Đào Tô Oát và mẹ cô là Công chúa Hutu. Tiêu Ý Tân xinh đẹp và có học thức tốt, khi cô hai mươi tuổi, cô kết hôn với Gia Luật. Cô là thành viên trong gia tộc, coi trọng lễ nghĩa, đồng thời sở hữu những mỹ đức truyền thống của người phụ nữ Trung Quốc cổ đại và được các thế hệ tương lai coi là tấm gương.
Một lần, Tiêu Ý Tân đang ở cùng với các chị dâu của mình và họ đang tranh luận dùng loại yểm mị tà pháp nào (ám chỉ việc dùng loại linh thể cấp thấp, loại quỷ quái hèn hạ mê hoặc người) để có thể được chồng sủng ái. Tiêu Ý Tân khuyên giải an ủi nói: “Dùng tà pháp không bằng dùng lễ pháp”. Mọi người đều hỏi nàng nguyên nhân.
Tiêu Ý Tân nói: “Hãy tăng cường tu dưỡng bản thân và bản thân phải cư xử đúng mực và phù hợp với các chuẩn mực; hầu hạ trưởng bối cung kính hiếu thuận; đối đãi với chồng ôn nhu cùng thuận; đối đãi với tiểu bối đại lượng và khoan hồng. Đây chính là những lễ pháp. Nếu có thể làm được những điều này, thì tự nhiên sẽ được chồng sủng ái và tôn kính. Nếu như dù tà pháp, dùng thủ đoạn xấu xa để được sủng ái, thì có thể không cảm thấy xấu hổ với lương tâm sao?”. Nghe xong, mọi người đều cảm thấy rất hổ thẹn.
Sau này, chồng cô là Gia Luật bị một kẻ gian vu oan và bị đày đi nơi khác. Bởi vì Tiêu Ý Tân chính là con của công chúa nên hoàng đế muốn Tiêu Ý Tân ly hôn với Gia Luật.
Tiêu Ý Tân nói với hoàng đế: “Bệ hạ có thể nghĩ đến tình cảnh của chúng con và muốn cứu con thoát khỏi nỗi khổ đi đày. Đây thực sự là đại nhân ái. Tuy nhiên, vợ chồng phải giữ đạo nghĩa, sống chết cùng nhau và hoạn nạn có nhau. Con đã kết hôn với Gia Luật từ khi còn trẻ. Bây giờ, ngay khi Gia Luật gặp nguy hiểm, con rời xa chàng ngay lập tức. Điều này trái với luân thường đạo lý. Như vậy chẳng phải không bằng cầm thú sao? Con mong bệ hạ thương xót chúng con. Hãy để con đi cùng Gia Luật, và con sẽ không oán giận dù có chết”. Sau khi nghe điều này, hoàng đế rất cảm động và đồng ý yêu cầu của Tiêu Ý Tân.
Khi đến nơi lưu đày, Tiêu Ý Tân cả ngày làm việc chăm chỉ, nhọc nhằn lao khổ nhưng cô không hề phàn nàn hay oán hận gì và đối đãi với chồng mình càng thêm giữ lễ và cung kính.
Vì sao mối quan hệ vợ chồng hiện đại ngày càng trở nên mong manh? Những gì người xưa nói “tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”, tương kính như tân, kính nhau như khách, đồng cam cộng khổ giờ đây ngày càng trở thành những mỹ đức, những lời nói đẹp đẽ hướng đến. Bởi vì đạo đức và lễ nghi truyền thống của Trung Quốc cổ đại đã bị phá hủy trong thời hiện đại chính là sợi dây ràng buộc đã duy trì và điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với nhau trong hàng ngàn năm. Sự cung kính, trọng đạo nghĩa và lòng cảm ân là những điều mà người xưa rất coi trọng để hòa hợp vợ chồng và đó chính là điều mà các gia đình hiện đại bỏ qua và thiếu sót.
Nếu mối quan hệ giữa vợ chồng chân thành thì quả thực họ sẽ vui vì người kia vui và buồn trước nỗi buồn của người kia. Vợ chồng vốn là chim cùng rừng, làm sao có thể bay riêng khi tai họa ập đến được? Từ lúc kết hôn, vốn là trói chặt lại với nhau, nên phải biết cùng đồng cam cộng khổ, tương kính như tân, hoạn nạn có nhau, như vậy mới có thể trăm năm hạnh phúc.
Kỳ Mai biên dịch
Lưu Bạch – soundofhope
Xem thêm
Vạn Điều Hay