Tác giả: Lâm Hòa
[ChanhKien.org]
Qua quá trình tu luyện Đại Pháp chúng ta biết được rằng lịch sử là một kịch bản, cứ 5000 năm là một lần kịch bản, chúng Thần theo Sáng Thế Chủ hạ thế cùng diễn dịch, đặt định ra văn hóa và tư tưởng, hành vi cho con người, ở tại nhân gian mà lưu lại nền văn hóa Thần truyền, có thể nói là:
Ngũ thiên văn minh thị kịch bản,
Vạn lý sơn hà đại vũ đài,
Trung Hoa nhi nữ xướng đại hý,
Thần truyền văn hóa Thiên thượng lai,
Huy hoàng trung tạo tựu lý niệm,
Phồn hoa gian Thần triển phong tháiTạm dịch:
Văn minh năm nghìn là kịch bản,
Vạn dặm giang sơn đại vũ đài,
Nam nữ Trung Hoa ca vở lớn,
Văn hóa Thần truyền xuống từ trời,
Trong huy hoàng thành tựu lý niệm,
Giữa phồn hoa Thần triển phong thái(Cần thực hiện lời hứa với Thần, Hồng Ngâm III)
Văn hóa truyền thống Trung Hoa chính là tư tưởng kính Thiên kính Thần, lý niệm Thiên nhân hợp nhất, các phẩm đức trung, hiếu, tiết, nghĩa cho đến ngũ đức của Nho gia như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín v.v. Những điều này đều cần có người đến diễn dịch, triển hiện ra, ví như tinh thần “trung” của Nhạc Phi, cái “nghĩa” của Quan Vũ, sự “chính khí” của Văn Thiên Tường…, tất cả đều là đang diễn giải các nhân vật trong kịch bản được định trước, lưu lại các lý niệm làm người cho con người.
Bài viết này sẽ kể về hai nhân vật mà tôi đã từng đóng vai trong luân hồi: Lục Tú Phu trong thời Nam Tống và Viên Sùng Hoán sống vào cuối thời nhà Minh.
Cả Lục Tú Phu và Viên Sùng Hoán đều sống trong giai đoạn vương triều sắp diệt vong, Lục Tú Phu phải đối mặt với quân đội hùng mạnh của nhà Nguyên nước Mông Cổ; Viên Sùng Hoán thì càng bi thảm hơn, ngoài Nỗ Nhĩ Cáp Xích và Hoàng Thái Cực là hai vị hoàng đế hùng tài đại lược của nhà Thanh ra thì ông còn có một đối thủ rất hay hãm hại đồng đội của chính mình, đó là hoàng đế Sùng Trinh. Cả Lục Tú Phu và Viên Sùng Hoán đều làm hộ vệ của mạt triều, tuy nhiên dẫu là bi tráng hay oanh liệt họ cũng chỉ là những nhân vật trong vở kịch lớn của lịch sử mà thôi.
Những gì được kể trong bài viết này chỉ là một phần nội dung của vở kịch lớn mà tôi có thể biết được ở tầng thứ và cảnh giới của mình, cũng như một số việc nhân quả tiếp nối ở đời này, có thể đã có những người cũng đóng các vai tôi từng đóng, lại còn có nhiều phiên bản khác của lịch sử nên bài viết này chỉ là một chút nhận thức cá nhân, nếu có điều chi không đúng kính mong độc giả và các đồng tu lượng thứ. Hợp thập!
Phần 1: Lục Tú Phu và Văn Thiên Tường
1. Lục Tú Phu cõng tiểu hoàng đế nhảy xuống biển, tuẫn tiết báo đền quốc gia
Kỳ nhân Thiệu Ung thời Bắc Tống có viết một đoạn trong tập “Mai Hoa Thi” như thế này:
Hồ Sơn nhất mộng sự toàn phi,
Tái kiến Vân Long hướng Bắc phi.
Tam bách niên lai chung nhất nhật,
Trường thiên bích thủy thán di di
Tạm dịch:
Một giấc mộng Hồ Sơn mà hỏng cả,
Lại thấy Rồng Mây hướng phía Bắc bay.
Ba trăm năm hết chỉ nội một ngày,
Trời cao nước biếc ôi còn đâu nữa
Đoạn thơ này ám chỉ rằng cơ nghiệp nhà Tống 300 năm của họ Triệu sẽ diệt vong, tiếp theo đó Lục Tú Phu cõng tiểu hoàng đế Triệu Bính nhảy xuống biển, “trời cao nước biếc” đã nhấn chìm tia hy vọng cuối cùng của nhà Nam Tống.
Lục Tú Phu sinh ra ở Trường Kiến Lý, huyện Diêm Thành, Sở Châu (nay là thị trấn Kiến Dương, huyện Kiến Hồ, tỉnh Giang Tô), năm ba tuổi theo cha mẹ chuyển đến huyện Trấn Giang tỉnh Giang Tô, năm 19 tuổi thi đậu tiến sĩ, cùng khoa với trạng nguyên Văn Thiên Tường. Lục Tú Phu cùng Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt được xưng là “Tống mạt tam kiệt” (ba vị hào kiệt cuối thời Tống). Ông là tả thừa tướng của nhà Nam Tống, là danh thần chống quân Nguyên.
Lục Tú Phu tài năng vượt bậc, tính cách trầm tĩnh, không thích phô trương, ngay cả trong bữa yến tiệc cũng im lặng không mở miệng. Mọi người cho rằng ông là người lập dị và khó gần. Kỳ thực ông là người thận trọng, giỏi giang, xử trí mọi việc thỏa đáng nên được chế sứ trấn giữ trấn Hoài Nam là Lý Đình Chi đánh giá cao và trọng dụng.
Năm 1275 đại binh mã của nhà Nguyên ồ ạt tấn công Nam Tống, vùng Lưỡng Hoài gặp nguy khốn, mạc phủ của họ Lý tan rã, các quan ùn ùn kéo nhau xin từ chức, duy chỉ có Lục Tú Phu gặp nguy không sợ, cùng Lý Đình Chi đồng tâm hiệp lực, quyết thề chết sống mái với giặc. Lý Đình Chi vô cùng cảm động trước phẩm cách của ông, cảm thấy ông là người trung nghĩa hiếm có, xem ông như ngọn núi Quân Sơn sừng sững vươn lên giữa dòng nước cuộn chảy, đã tiến cử ông với triều đình. Sau này Lục Tú Phu làm quan đến chức Lễ bộ thị lang.
Lục Tú Phu nhiều lần dâng sớ xin được ra tiền phương tổ chức quân đội kháng Nguyên nhưng đều bị triều đình từ chối. Thừa tướng Bá Nhan của nhà Nguyên dẫn quân vào thành Kiến Khang uy hiếp Lâm An, khi biết được những việc trung nghĩa của Lục Tú Phu và các thần tử khác đã không khỏi tán thán rằng: “Nhà Nam Tống có những trung thần như thế này lại không biết trọng dụng, nếu họ được trọng dụng thì ta còn có thể ở đây sao?”
Năm 1276, Văn Thiên Tường khi được cử đi đàm phán với quân Nguyên đã khảng khái mắng chửi triều Nguyên, còn mắng Bá Nhan đến không còn mặt mũi. Sau khi đàm phán thất bại, triều đình thấy Lâm An quả thật không thể giữ được nữa nên đã dâng thành đầu hàng. Tống Cung Đế Triệu Hiển chưa đầy sáu tuổi cùng mẹ, bà nội, các quan viên và cung nhân bị giải đến Đại Đô (Bắc Kinh). Đến đây thì triều Nam Tống hoàn toàn diệt vong.
Tháng 05 năm 1276, một số văn thần võ tướng nhà Nam Tống không chịu khuất phục đã dựng lập nên chính quyền Phúc Châu, người thời đó gọi là “Hải Thượng hành triều”. Trong cơn nguy biến Lục Tú Phu được bổ nhiệm làm tả thừa tướng, cùng Trương Thế Kiệt chống đỡ cục diện đang lâm nguy.
Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt phái hàng tướng người Hán là Trương Hoằng Phạm đi tấn công chính quyền Phúc Châu. Ngày 06 tháng 02 năm 1279 tại vùng biển Nhai Sơn, Giang Môn, Quảng Đông tàn quân Nam Tống và quân Nguyên phát động cuộc tiến công cuối cùng, trận hải chiến ấy rất khốc liệt, kết quả quân Tống đại bại. Lục Tú Phu thấy không thể bảo vệ được tiểu hoàng đế Triệu Bính đột phá vòng vây nên đã quyết liều thân vì nước tuẫn tiết. Ông vận triều phục, giục vợ con nhảy xuống biển trước; rồi nói với tiểu hoàng đế rằng: “Sự nghiệp quốc gia đến nay đã thất bại hoàn toàn, bệ hạ cũng nên chết vì đất nước, chớ bao giờ dẫm lên vết xe đổ của hoàng đế Đức Hữu. Hoàng đế Đức Hữu đang bị lăng nhục ở Đại Đô xa xôi, bệ hạ không thể lại bị người khác làm nhục nữa”. Rồi Lục Tú Phu cõng Triệu Bính trên lưng, dùng tấm lụa trắng trói chặt hai người lại và gieo mình xuống biển. Năm ấy ông 43 tuổi.
Vì để ngăn tàu chiến rơi vào tay kẻ địch, quân Tống đã tự đục thủng hàng trăm tàu chiến của mình, mấy mươi vạn quân dân Nam Tống không muốn khuất phục chính quyền Mông Cổ trong đó gồm cả thái hậu, thừa tướng, quan viên, binh sĩ, phụ nữ, bách tính … đã lũ lượt trầm mình xuống biển, oanh oanh liệt liệt vì nước tuẫn tiết! Văn Thiên Tường khi bị bắt giữ trên chiến thuyền của quân Nguyên đã tận mắt chứng kiến trận Sơn Nhai, tận mắt nhìn thấy sự diệt vong của quốc gia mình!
Lịch sử nhà Tống do nhà Nguyên biên soạn cũng ghi nhận một cách khách quan sự thật lịch sử này: “Bảy ngày sau trên biển nổi lên hơn mười vạn xác chết…”. Đây là một trang bi tráng nhất của lịch sử Trung Hoa, vương triều Đại Tống huy hoàng xán lạn đến đây là kết thúc.
Trong bài viết này tôi muốn nói nhiều hơn về Văn Thiên Tường, chính là Văn Thiên Tường trong lịch sử và cuộc đời của ông. Về câu chuyện của Văn Thiên Tường, nhiều người Trung Quốc ngày nay không biết rằng sách giáo khoa của ĐCSTQ không nói về lịch sử chân chính và văn hóa truyền thống chân chính của Trung Quốc, những gì nó nhồi nhét vào đầu trẻ em ngay từ khi còn nhỏ là thuyết vô thần, thuyết tiến hóa và văn hóa đảng “giả, ác, đấu” hòng làm biến dị tư duy và băng hoại đạo đức của con người. Hôm nay chúng ta hãy cùng ôn lại câu chuyện về Văn Thiên Tường và cảm nhận một chút phong thái của kẻ sĩ thời Trung Quốc cổ đại.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/284912
Ngày đăng: 24-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org