Vào đầu thời nhà Thanh, ở vùng Thuận Ninh tỉnh Vân Nam có một gia đình dân thường, trong nhà có một bé trai đã 7 tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói. Một hôm, đứa bé này đột nhiên nói với phụ thân rằng: “Tào Thạch Hà người Hồ Bắc là môn sinh của con, hôm nay người này sẽ đến Thuận Ninh, con cần phải đi gặp anh ta một chút.”
“Ta chờ ngươi đã rất lâu rồi”
Người trong nhà lần đầu tiên nghe thấy bé trai này nói chuyện thì rất kinh ngạc vui mừng. Lại thấy lời nói của bé chín chắn già dặn, hơn nữa còn nói đến chuyện kiếp trước kiếp này, mọi người đều cảm thấy nghi hoặc và kỳ quái, không ai tin lời cậu bé nói. Vì thế, cậu bé 7 tuổi này tự mình đi trước, cha mẹ đi theo ở phía sau, đi đến đường cái lớn, quả nhiên có một người ngồi trên cỗ kiệu đi tới. Cậu bé từ trong đám người chui thẳng về phía trước, dừng lại trước cỗ kiệu. Sau đó, cậu bé gọi to: “Thạch Hà, ta chờ ngươi đã rất lâu rồi!”
Người ngồi trong kiệu chính là Tào Thạch Hà, nghe được một câu “ta chờ ngươi đã rất lâu rồi!” của cậu bé thì kinh ngạc nói không nên lời.
Tào Thạch Hà có tên là Dận Xương, đỗ giải Nhất vào năm Sùng Trinh Kỷ Mão (năm 1639), đỗ Tiến sĩ vào năm Quý Mùi (năm 1643), có tài về văn chương, vào thời đó rất nổi tiếng. Tào Thạch Hà sống ở Hoàng Châu, lần này đi xa ngàn dặm đường đến Vân Nam, là vì phải đưa phụ thân về an táng ở quê nhà. Phụ thân của ông trước đây là phán quan phủ Vĩnh Xương, qua đời khi đang giữ chức quan ở Thuận Ninh tỉnh Vân Nam, quan tài đang chờ người thân đưa về quê nhà an táng.
Không ngờ, ngay trên con đường nơi xứ lạ xa ngàn dặm này, một cậu bé bảy tuổi lại gọi đúng tên của ông, lại còn nói: “Ta chờ ngươi đã rất lâu rồi!” Chuyện này thật khiến ông kinh ngạc không nói nên lời.
Cậu bé đó đến gần rồi nói: “Nơi đây không phải chỗ để nói chuyện, đến nơi ở của ngươi rồi nói.”
Duyên phận kiếp trước
Khi họ đến nơi tá túc của Tào Thạch Hà, cậu bé với bộ dáng người lớn nói với ông rằng: “Hãy cho người lui ra ngoài, đóng cửa lại.” Tào Thạch Hà nghe theo lời cậu, lệnh cho người lui ra, trong phòng chỉ còn lại hai người họ đối diện nhau. Lúc này cậu bé ngồi xuống ở hướng nam rồi nói: “Ta chính là Chương Cách Am, Chính Thần đây, vì sai lầm một niệm, ba lần rơi vào luân hồi, lần đầu sinh ở vùng Dự (Hà Nam), tiếp đó chuyển sinh ở Quảng Đông, đời này chuyển sinh ở vùng đất Thuận Ninh, Vân Nam này, đã chờ đợi ngươi mấy năm rồi. Bây giờ có thể theo ta quay về không?”
Tào Thạch Hà vừa nghe xong thì không khỏi kinh ngạc, hồi tưởng lại chuyện cũ: Chương Cách Am (Chương Chính Thần, tự Vũ Hầu) là vị ân sư đã thay đổi cuộc đời ông. Năm Sùng Trinh thứ 12 (năm 1639), Tào Thạch Hà tham gia thi Hương vùng Hồ Quảng. Lúc ấy, Chương Chính Thần giữ chức phó chủ khảo thi Hương, từ trong một chồng quyển dự thi đã tuyển chọn Tào Dận Xương đỗ hạng Nhất. Trong cuốn “Hội Kê huyện chí” có ghi chép lại chuyện này.
Chương Chính Thần là người vùng Hội Kê, năm Tân Mùi, Sùng Trinh thứ 4 thì thi đỗ Tiến sĩ, học hành rất xuất sắc. Trong cuốn “Hội Kê huyện chí” có ghi: “Chương Chính Thần, hiệu là Cách Am, tính tình đoan chính cương trực, không màng danh lợi.” Ông đã anh minh công chính tuyển chọn Tào Dận Xương từ trong một chồng quyển dự thi, chuyện này từng khiến cho nếp sống nhân văn ở vùng Hồ Quảng phát triển mạnh trong suốt một thời gian. Chương Chính Thần khuyên Hoàng Đế Sùng Trinh noi theo Chu Công và Khổng Tử, tôn sùng đạo nhân nghĩa, bãi bỏ sách lược coi trọng thương nghiệp giàu mạnh của Quản Tử, Thương Ưởng. Lời lẽ của ông chính trực, thiện ý khiến triều đình xúc động. Hoàng Đế Sùng Trinh đã từng thẳng thắn gọi ông là “Thiết Hán tử”. Nhưng cũng vì ông thẳng thắn phân biệt gian trung, không hùa theo tiểu nhân, không tư lợi, không trái đạo, dâng sớ thẳng thắn can gián, không dung cho kẻ quyền quý, nên từng bị hạ chiếu giam vào ngục.
Thời đại Chương Chính Thần sống là vào thời kỳ cuối đầy bất ổn của triều Minh, nhưng ông từ đầu đến cuối vẫn một mực giữ vững lòng trung thành, thành tâm cống hiến sức lực bảo vệ quốc gia. Khi triều Minh kết thúc, ông theo Phúc Vương, Lỗ Vương. Sự nghiệp phục Minh của Lỗ Vương thất bại, Hội Kê thất thủ, cha mẹ của Chương Chính Thần qua đời, sau khi thủ tang cha mẹ xong, ông xuất gia vào chùa làm tăng, về sau thất lạc tung tích.
Chẳng bao lâu sau, ông ba lần chuyển sinh đến kiếp này.
Lựa chọn của kiếp này
Lúc này, câu “Bây giờ có thể theo ta trở về không?” của “Chương Chính Thần” đang chờ câu trả lời chắc chắn của Tào Thạch Hà.
Tào Thạch Hà bái tạ đáp lễ rồi nói: “Bởi vì quan tài của người cha đã mất của Tào mỗ này còn chưa đưa trở về quê hương an táng. Nơi này hoang vu cách nhà nghìn dặm, vẫn chưa thể lập tức đi theo Phu tử trở về, xin ngài chờ thêm chút nữa, đợi ngày khác giải quyết xong mọi việc, tôi sẽ cùng ngài trở về.”
“Chương Chính Thần” nghe xong, im lặng một lúc lâu, bầu không khí trong phòng giống như bị ngưng kết lại. Cuối cùng, ông hạ quyết tâm, nói: “Đã như vậy, thế thì ta rời đi trước một bước, chờ ngươi tới.”
Sau đó, “Chương Chính Thần” rời đi khỏi nơi ở của Tào Thạch Hà và trở về nhà, tối hôm đó thì qua đời. Sau khi Tào Thạch Hà biết tin, đã làm thơ ghi lại cuộc gặp gỡ kỳ lạ này. Nào ngờ mấy tháng sau, Tào Thạch Hà cũng mất tại Thuận Ninh.
Tâm nguyện
Con trai của Tào Thạch Hà đi đến Thuận Ninh hộ tống quan tài của cha mình trở về quê hương. Trên đường đi qua một vách đá của địa phận một quận nọ, quan tài đột nhiên trở nên vô cùng nặng, khiến mọi người nâng lên không nổi. Mọi người thấy trên vách đá có đề một bài thơ, chính là bài thơ của Tào Thạch Hà tưởng nhớ phúng điếu người đồng hương Hoàng Châu là Hồng Bán Thạch (Hồng Thiên Lộc, đốc học Thận Nam) khi ông đến Vân Nam. Hồng Bán Thạch mất đột ngột ở nơi này, đây cũng chính là nơi thảo táng của ông. Nhóm người con trai của Tào Thạch Hà đào huyệt mộ của Hồng Bán Thạch, cầu khấn trước quan tài, thỉnh cầu để cha mình được cùng quy táng. Sau khi cầu khấn xong, dựa theo tâm nguyện của Tào Thạch Hà trong cõi U minh, nhóm người đã hạ táng quan tài của Tào Thạch Hà tại nơi đó
Dương Triệu Kiệt, Binh bộ chủ sự triều Thanh, đã từng kể cho Vương Sĩ Trinh, tác giả của “Trì Bắc Ngẫu Đàm” nghe lại câu chuyện này.
Lời kết
Chương Chính Thần và Tào Thạch Hà đã từng gặp nhau trong cả hai kiếp sống, là duyên phận gì đã đem cuộc đời của hai người buộc vào với nhau? Từ việc giúp đỡ, chờ đợi lâu dài và kỳ vọng sâu sắc của Chương Chính Thần đối với Tào Thạch Hà, có lẽ từ trước đó giữa hai người họ còn có chuyện cũ, chẳng qua Tào Thạch Hà không biết mà thôi. Mà Tào Thạch Hà đối với người đồng hương Hồng Bán Thạch dường như cũng có tình nghĩa khó dứt, sau khi chết nguyện cùng đi theo ông ấy. Ai biết được kiếp này là kiếp nào? Nơi trở về thực sự của con người là ở nơi nao?
Một kiếp, Chương Chính Thần trải qua thời mạt thế loạn lạc, ông đã lựa chọn xuất gia tu hành đến cuối đời. Sau khi chuyển sinh, ông còn nhớ rõ bản thân vì có một niệm sai lầm mà rơi vào vòng luân hồi ba đời. Một niệm rời xa Đạo, khiến cho bản thân rơi vào cảnh khổ luân hồi. Lần này chuyển sinh, đến và đi vội vàng, rất có thể là đến để sửa chữa niệm sai lầm này.
Đâu là quê hương thực sự của sinh mệnh con người? Chỉ có ở nơi cao hơn, cao hơn, ở một thời không gian khác mới có thể thấy rõ được đủ các loại mê mờ của đời người, mới có thể giải thoát khỏi ràng buộc của cái tình nơi nhân gian. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao rất nhiều người sau khi trải qua một phần con đường nhân sinh, đã lựa chọn tu luyện, tìm kiếm sự thăng hoa cảnh giới của sinh mệnh.
Nguồn tư liệu:
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt