Các đường phố, công viên, thị trấn và thành phố được đặt theo tên của chồng bà, nhưng lòng nhân hậu và đức tính kiên trì của bà – Đệ nhất phu nhân Martha Washington cũng đáng được người đời tưởng nhớ.
Không có nhiều thông tin về Đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Mỹ, thậm chí từ những thư từ của chính bà để lại. Bà đã đốt hầu hết các lá thư của bà với George, chồng bà, ngay sau khi ông qua đời. Nhưng vài dòng ông để lại cho bà và những bức thư của các thành viên khác trong gia đình, bạn bè đã nói về phu nhân Martha Dandridge Custis Washington như một người vợ và người mẹ tận tụy, một bà chủ nhân hậu và cũng là một phụ nữ tề gia không biết mệt mỏi.
Trở thành Đệ nhất phu nhân được coi là công việc khó khăn chỉ đứng sau việc làm Tổng thống. Nếu vợ của mục sư bị “soi bằng kính lúp”, thì Đệ nhất phu nhân có lẽ cũng cùng chung số phận, nếu không nói là còn bị soi xét gắt gao hơn. Và đó thực chất là một công việc cô đơn và không được ai ghi nhận. Martha là người đầu tiên đảm nhiệm trọng trách ở một vị trí không chính thức, nhưng bà đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và tạo thành tiền lệ cho những Đệ nhất phu nhân tương lai noi theo.
Được nuôi dưỡng trong một gia đình truyền thống
Bà Martha sinh ngày 02/06/1731 trong một đồn điền gần Williamsburg, tiểu bang Virginia, là con gái đầu lòng của ông bà John và Frances Dandridge. Mặc dù bà không được giáo dục theo cách mà chúng ta vốn quen thuộc ngày nay, nhưng bà đã học được những gì là điển hình của một cô gái trong gia đình ở thế kỷ 18: các kỹ năng xã hội và gia đình. Bà cũng yêu thích học âm nhạc, khiêu vũ và thêu thùa. Và, không giống nhiều tiểu thư khuê các khác, bà yêu ngựa và thích cưỡi ngựa, tất nhiên là ngựa đã được thắng yên.
Tháng 05/1750, cô gái 18 tuổi nhỏ nhắn với mái tóc sẫm màu đã kết hôn với ông Daniel Parke Custis – chủ một đồn điền giàu có ở Virginia hơn cô 20 tuổi. Bảy năm sau, ông qua đời, có lẽ vì bệnh ban đỏ hoặc viêm họng, để lại cho Martha hai đứa con nhỏ, John Parke Custis và Martha Parke Custis. Liên tiếp trải qua mất mát khi chứng kiến sự ra đi của hai đứa con nhỏ khác vì bệnh tật khiến bà trở nên mạnh mẽ và chính điều này đã làm cho George Washington khi ấy mới 26 tuổi phải lòng. Hai người cưới nhau một năm sau khi Daniel qua đời và họ cùng hai con của Martha chuyển đến sống ở Mount Vernon, một trang trại của nhà Washington từ năm 1674 khi cụ nội của George Washington, John Washington được tặng một khu đất rộng 5000 mẫu Anh.
Vai trò đòi hỏi cao và nguy hiểm của chồng bà trên cương vị Tổng chỉ huy trưởng trong Chiến tranh giành độc lập (từ mùa hè năm 1775 đến tháng 12/1783) có lẽ đã củng cố thêm sức chịu đựng dẻo dai của bà và giúp ích cho bà rất nhiều ở vị trí Đệ nhất phu nhân sau này. Bà đến thăm chồng một số lần tại nơi đóng quân, dành thời gian ghi chép lại những bức thư của George, đan áo cho binh lính và thăm hỏi những người bị thương hoặc đang hấp hối. Bà thậm chí còn phối hợp với một nhóm phụ nữ để gây quỹ mua áo lính và những vật dụng quân trang cần thiết khác.
Tình yêu và sự cảm kích mà George dành cho vợ mình được thể hiện trong rất nhiều bức thư, bao gồm cả một bức hồi đầu chiến tranh, trong đó có đoạn: “Anh ôm giữ một tình yêu không lay chuyển dành cho em mà thời gian hay khoảng cách đều không thể thay đổi”.
Đệ nhất phu nhân cô đơn
Martha thể hiện nỗi sợ hãi và sự e dè với người khác, nếu không phải là George. Bà không muốn rời khỏi ngôi nhà của mình ở Mount Vernon khi chồng bà đắc cử vị trí Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Trong một lá thư gửi cho một người cháu của mình, bà viết: “Cô thực sự rất lấy làm tiếc thông báo với cháu rằng George đã đến New York [thủ đô đầu tiên]. …. chỉ có Chúa mới biết khi nào và liệu ông ấy có trở về nhà nữa hay không. Cô nghĩ đã quá muộn để ông ấy trở lại cuộc sống tự do trước kia, nhưng điều đó là không thể tránh khỏi.”
Sau đó, trong một bức thư gửi cháu gái, Martha đã mô tả cảm xúc của mình về vai trò Đệ nhất phu nhân. Trong thời gian ở New York, bà viết, “Cô nghĩ cô giống như một tù nhân của nhà nước hơn bất cứ điều gì khác. Có những giới hạn đặt ra cho cô mà cô không được rời bỏ.” Bà nói thêm rằng bà “thà ở nhà còn hơn.” Nhưng bà cũng viết cho bạn mình, Mercy Otis Warren, “Mình vẫn quyết tâm để trở nên vui vẻ và hạnh phúc trong bất kỳ tình huống nào mình có thể gặp phải.”
Một bà chủ nhà thân thiện
Phu nhân Martha Washington trở thành bạn với bà Abigail Adams, vợ của Phó Tổng thống John Adams, họ cùng nhau lên kế hoạch và tổ chức những bữa tiệc tối cũng như những sự kiện cho các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm. Nhưng ngay từ đầu, bà đã mong muốn thủ đô không chỉ là nơi dành cho giới tinh hoa của Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài. Theo ý tưởng “Levees” vốn được gọi là những buổi tiếp đãi buổi sáng chính thức ở Âu châu, bà kiến tạo thành những buổi tiếp đãi phi chính thức của người Mỹ, thứ Sáu hàng tuần, bà mở cửa các ngôi nhà trên phố Cherry để chào đón những người lính, cựu chiến binh và những người dân thường. “Quý bà Washington,” tên mọi người gọi bà trong nhiệm kỳ tổng thống của ngài George, được cho là đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi không chỉ bởi những sự kiện mà bà tổ chức mà còn bởi phong thái khiêm nhường và sự chân thành của bà.
Trong cuốn sách “Các Đệ nhất phu nhân,” xuất bản năm 1995, tác giả Margaret Truman Daniel, con gái của vị Tổng thống thứ 33, Harry Truman, đã viết “Đệ nhất Phu nhân đầu tiên do vậy đã trở thành người đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giữa chức vị Tổng thống và khả năng tiếp cận dân chủ – một vai trò mà các Đệ nhất phu nhân khác đã tiếp nối với mức độ thành công khác nhau cho đến ngày nay.”
Cho đến năm 1797 khi nhiệm kỳ tổng thống của George kết thúc, ông và bà Martha mới có thể quay trở lại Mount Vernon. Trong hai năm tiếp theo, ngôi nhà của họ tràn ngập tiếng cười gần như bất tận của những người muốn gặp Tổng thống đầu tiên cũng như những chuyến thăm của con cháu phía gia đình bà Martha.
Khi George qua đời năm 1799, Martha đã nói với bạn bè rằng bà “sẵn sàng ra đi cùng ông ấy,” nhưng bà đã sống thêm 3 năm nữa đến 70 tuổi. Khi bà qua đời vì một căn bệnh kéo dài, bà được bao quanh bởi những cháu chắt của mình. Những tờ báo đương đại trên toàn quốc khi đó đã tôn vinh bà là “Người bạn đời xứng đáng của người đàn ông xứng đáng nhất.”
Viên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Epoch Times Tiếng Việt