Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Bài viết này sẽ viết về câu chuyện tìm Pháp của một nữ lang xinh đẹp cùng ca ca (anh trai) của mình (đã được đề cập đến trong bài “Chân trời tìm Pháp: Cuộc tìm kiếm ở Kinh Tân”), trải qua các vùng đất Trường Trị, Kỳ Huyện, Bình Diêu, Thái Cốc, v.v. thuộc địa giới tỉnh Sơn Tây ngày nay.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, chúng ta hãy cùng giới thiệu sơ qua một chút về hoàn cảnh địa lý của các khu vực Bình Diêu, Kỳ Huyện, Thái Cốc vào thời điểm giữa thế kỷ 19.
Năm 1822, trong tác phẩm “Tây vực chí hành tỉnh nghị” nhà tư tưởng Cung Tự Trân có đề cập tới việc những năm dưới thời Càn Long đời sống người dân ở nông thôn cực khổ, thành thị xuất hiện rất nhiều người thất nghiệp và vô sản, họ di chuyển về phía Tây sau đó tìm kiếm được việc làm và thu thập được rất nhiều tài sản. Đối với Sơn Tây, Cung Tự Trân có viết: “Sơn Tây được mệnh danh là khu vực giàu có nhất trong đất liền, người dân nơi đây không muốn dời đi đâu cả” (dẫn từ trang 106 cuốn “Cung Tự Trân toàn tập”, Nhà Xuất bản Nhân dân Thượng Hải). Từ đó có thể thấy được mức độ giàu có của vùng Sơn Tây khi đó.
Năm 2011 mấy người chúng tôi có đến thăm quan thành cổ Bình Viễn, tại đây chúng tôi đã lần lượt tham quan hai nơi. Đó là di tích vết bánh xe ở cổng thành và cửa hàng đổi tiền “Nhật Thăng Xương”. Khi đứng tại đó tôi thiết nghĩ rằng: năm xưa tại vị trí cổng thành này hàng ngày đã có biết bao nhiêu xe lớn chở vàng bạc và thương phẩm đi qua đi lại mới có thể khiến cho những miếng đá lót đường bị lún sâu xuống đến như vậy! Còn cửa hàng thu đổi tiền tệ “Nhật Thăng Xương” này thật cao lớn và uy nghiêm, điều đó cho thấy chủ nhân nơi này đã dốc hết tâm huyết như thế nào để điều hành công việc thu đổi tiền tệ trên toàn quốc.
Trong lúc dạo bộ trên đường lớn, tôi có nhã ý muốn mời hướng dẫn viên địa phương hát cho chúng tôi nghe một bài hát dân gian có tên: “Tẩu tây khẩu” (ngả đường về phía Tây). Khi cô ấy vừa cất giọng hát được hai ba câu trước mắt tôi dường như phảng phất một cảnh tượng: trên biểu hiện bề mặt thì do cuộc sống nghèo khó nên người dân ở Sơn Tây mới phải đi làm ăn buôn bán ở các nơi khác nhưng thực ra mục đích Thần an bài sự tình như vậy là để đặt định cơ sở cho con người hôm nay có thể nhận thức được Pháp. Người ta sống ở vùng đất nghèo khó là bởi vì đức hạnh không đủ, phải chịu khổ. Nếu muốn thoát khỏi sự ước thúc này thì phải cần cù lao động và tu đức hành thiện. Đây là quá trình tích lũy đức hạnh tiêu trừ nghiệp chướng. Những Tấn Thương (danh từ cũ chỉ thương nhân vùng Sơn Tây trong thời Minh Thanh) năm đó vì sao có thể nổi danh toàn quốc, người nào hiểu biết đều biết rằng đó là do họ có tầm nhìn xa trông rộng, lại thêm việc trọng tín nghĩa, về phương thức quản lý thì lại vô cùng nghiêm cẩn chặt chẽ.
Nói đến công việc kinh thương chúng ta không thể không nhắc tới người được mệnh danh là Đào Chu Công Tỳ Tổ (Phạm Lãi), ngôn hành của vị ấy vẫn còn ghi chép trong “Sử ký”. Sau khi công thành danh toại, giúp Việt Vương Câu Tiễn đánh bại Ngô Vương Phù Sai, Phạm Lãi liền từ bỏ chức vị, đây là một dạng trí huệ hiếm có. Kỳ thực Phạm Lãi là một người tu luyện. Sau khi kinh qua thời đoạn binh đao khói lửa, hoàn thành an bài của thiên tượng, ông lại tiếp tục dấn thân vào con đường kinh doanh để khai sáng những điều mới. Còn Lã Bất Vi xuất thân từ một thương nhân, thông qua mánh khóe mà tiến nhập vào quan trường, sau vì cuồng si trong dục vọng mà kết cục thật bi thương. Cuộc đời của hai con người này là lời giải thích trọn vẹn cho hai mặt trong nội hàm của chữ “thương nhân”. Nói đến Lã Bất Vi chúng ta nhắc đến Doanh Chính một chút. Những ghi chép trong “Sử ký” về Tần Thủy Hoàng có rất nhiều điều không đúng sự thật. Điểm này sẽ được nói rõ trong phần viết về Thiểm Tây.
Định nghĩa về nội hàm của “thương Đạo” thông qua sự đặt định của Phạm Lãi và Lã Bất Vi cho đến cận đại đã trở nên rất phong phú. Vậy thì nội hàm tầng sâu của “thương Đạo” là gì? Đây chính là vấn đề mà bài viết này cần đề cập đến.
Lại nhắc đến nữ lang xinh đẹp và ca ca của cô sau khi đến vùng Sơn Tây, đầu tiên họ tìm đến Trường Trị để hỏi thăm người dân nơi đây về việc trong tương lai “Chuyển Luân Thánh Vương” bao giờ hạ thế và sẽ truyền Pháp vào thời điểm nào? Họ đã đi hỏi rất nhiều người nhưng không ai biết cả. Về sau có một lão nhân nói cho họ rằng: “Nghe nói người ở Bình Viễn, Thái Cốc, Kỳ Huyện rất giàu có lại có hiểu biết rộng, hay hai người hãy đến nơi đó dò hỏi xem sao!”
Hai huynh muội liền gấp rút lên đường, đầu tiên họ tìm đến Kỳ Huyện. Tại đây hai huynh muội bắt gặp một biệt phủ của một thương nhân, nữ lang nói với anh trai rằng: xem ra người dân ở đây đều rất giàu có. Ngày hôm đó, mẫu thân của một gia đình thương nhân nọ vừa qua đời, vậy nên mọi người ở đây đang chuẩn bị tang sự, khung cảnh người ngựa qua lại tất bật thì khỏi cần phải nhắc đến nữa. Trong tang sự này có một vị cao tăng chủ trì Pháp sự. Những lúc không mấy bận rộn, vị cao tăng sẽ ra bên ngoài phủ để đi dạo một chút.
Đúng lúc hai huynh muội đi ngang qua, thì vừa hay gặp vị cao tăng này đi ra ngoài, hai người tiến lại hành lễ rồi hỏi: Xin hỏi cao tăng, ngài có biết phương pháp nào có thể giải thoát khỏi sinh tử hay không? Nghe vậy cao tăng khẽ nhíu mày hai mắt lim dim rồi trong miệng lẩm bẩm đọc:
“Phú giáp thiên hạ anh khí hào,
Sinh lão bệnh tử vô xứ đào;
Nhược vấn giải thoát tại na trảo,
Nhĩ lưỡng tốc khứ đáo Bình Diêu!”
Tạm dịch:
Giàu có bao nhiêu cũng đành vậy,
Sinh lão bệnh tử thoát sao đây;
Nếu hỏi giải thoát tìm đâu thấy,
Tức tốc tìm đến Bình Diêu ngay!
Vị cao tăng nói xong liền quay người vào trong sân nhà phú thương nọ và tiếp tục công việc Pháp sự.
Vậy là hai huynh muội lại tiếp tục hành trình tới Bình Diêu. Khi tới nơi, đứng trước cửa hiệu “Nhật Thăng Xương” nhìn thấy cảnh tượng từng dòng người tấp nập ra vào buôn bán, ca ca liền nói với tiểu muội rằng: “Muội xem bọn họ cả ngày bận bịu làm ăn kiếm tiền; thế nhưng không làm sao thoát khỏi sinh lão bệnh tử, vậy thì rút cuộc tiền tài vật chất có thực sự quan trọng như vậy không? Lẽ nào chỉ dùng chúng để thỏa mãn cuộc sống thôi sao?” Tiểu muội chưa kịp trả lời thì hai người liền bắt gặp một tăng nhân trong tay cầm theo rất nhiều châu ngọc từ từ đi tới. Hai người đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ hiếu kỳ, trong lòng tự hỏi: tăng nhân này cầm theo nhiều châu báu thế để làm gì? Sửa chùa, dựng tượng Phật thì cũng không nên giữa thanh thiên bạch nhật cầm theo nhiều đồ quý giá đến vậy chứ. Chưa hết, vẻ ngoài tăng nhân này tuy có vẻ gầy ốm, đạo bào cũng đã cũ kỹ nhưng khí chất lại rất tinh anh. Nghĩ vậy, hai huynh muội liền lẳng lặng theo chân vị tăng nhân này ra đến tận ngoại thành. Qua nửa ngày đường, vị tăng nhân lúc này dừng chân ở một lầu vọng vắng người qua lại rồi ngồi xuống xếp bằng hai chân, sau đó đem tất cả châu báu trong người lấy ra bên ngoài rồi ngoảnh đầu lại vẫy tay gọi lớn thành tiếng: “Hai ngươi đã theo ta cả nửa ngày đường rồi, còn nấp đó làm gì, mau qua bên này đi. Ta có lời muốn nói”.
Biết mình không lẩn trốn được nữa, cả hai cùng bước lên phía trước nói rõ nghi vấn trong lòng. Sau khi nghe xong, tăng nhân bật cười đáp: “Hai ngươi chớ vội, hãy quan sát kỹ nhé…”, nói rồi vị tăng nhân liền thi triển pháp thuật phi phàm, biến những vàng bạc châu báu bên mình thành một đám “linh vật”, rồi giải thích: “Nếu khi nãy hai ngươi nói chuyện với chúng thì chúng nói gì các ngươi sẽ không nghe được. Ta vừa dùng chút tiểu thuật khiến chúng nói gì hai ngươi cũng có thể nghe thấy được”. Tiểu muội vốn mang bản tính con gái, trông thấy châu báu thì rất lấy làm thích thú nên liền hỏi ngay: “Này châu báu, các em đến thế gian để làm gì vậy?”. Chẳng ngờ rằng đám châu ngọc lại nức nở kêu khóc thành tiếng: “Mục đích chúng em đến thế gian để khiến cho con người hiểu rằng ngoài cảnh giới của con người thì còn có những cảnh giới mỹ hảo hơn, thế nhưng con người lại đem chúng em tạc khắc thành các hình thù khác nhau để sưu tầm, cất giữ, làm đồ trang sức. Vốn dĩ mục đích đến nhân gian của chúng em là để con người càng thêm trân quý cơ hội làm người và cơ duyên trong đời, hiểu rằng mục đích của việc con người đến thế gian là để trở về những cảnh giới mỹ hảo hơn, thế mà con người lại chìm đắm trong sự thích thú với bảo vật mà làm ra những chuyện đi ngược lại với luân thường đạo lý. Chúng em không những không có tác dụng dẫn dắt con người mong muốn hướng đến cảnh giới cao hơn mà lại còn khiến con người khởi lòng tham, càng ngày càng trầm mê trong vàng bạc châu báu. Đây là nguyên nhân khiến chúng em buồn khổ đến vậy”. Ca ca nghe vậy liền dò hỏi: “Vậy thì rút cuộc các em đến thế gian để làm gì? Người ta sau khi phát hiện ra các em sẽ khởi lên rất nhiều lòng tham đấy”. Lúc này, đám châu ngọc không nói nữa mà chỉ có một cảnh tượng hiện ra: Trên một tầng thứ Thiên quốc có một thế giới vốn dĩ vô cùng mỹ hảo, tất cả đều cấu thành từ vàng, nơi đây Phật thể ánh lên sắc vàng lóng lánh, các vị Bồ Tát phát ra ánh sáng trắng màu bạch kim, sau này trải qua thời gian lâu dài, tầng Thiên quốc đó dần dần trở nên không còn mỹ hảo nữa. Cuối cùng theo từng đợt tạc nổ kinh thiên động địa, vàng bạc thay nhau rớt xuống các tầng thứ thấp hơn,…. (Tại đây tác giả chỉ có thể nói một cách khái quát cảnh tượng diễn ra khi đó, nếu như độc giả nào cần tìm hiểu kỹ hơn về điều này, xin tìm đọc “Giảng Pháp tại miền Tây Mỹ quốc” của nhà sáng lập Pháp Luân Công ngài Lý Hồng Chí). Khi rơi xuống đến nhân gian, châu ngọc đã ẩn mình trong một khoảng thời gian rất lâu dài, sau này con người dần phát hiện ra chúng, họ liền bắt đầu sử dụng để làm vật trao đổi và tiền tệ. Những người đạo đức cao thượng thì dùng chúng làm rất nhiều việc tốt. Những kẻ đạo đức thấp kém thì lợi dụng chúng để làm ra rất nhiều chuyện xấu. Sau khi xem xong cảnh tượng này, tăng nhân liền nói: “Kỳ thực việc châu báu hạ thế cũng là để nói với con người rằng siêu xuất khỏi cảnh giới con người này còn có những điều giá trị hơn mà con người có thể theo đuổi”.
Hai huynh muội nghe xong câu chuyện liền mơ hồ cảm thấy rằng vị tăng nhân này chính là người mà bọn họ cần tìm. Vậy nên cả hai đã đem câu chuyện tìm Pháp của mình kể cho tăng nhân một lượt, cuối cùng thỉnh cầu tăng nhân thu nhận họ làm đệ tử.
Thấy vậy tăng nhân liền bật cười đáp: “Thực tình ta không làm sư phụ của hai ngươi được, ta nhận được ký thác của người khác đến đây điểm hóa cho hai ngươi mà thôi. Hai ngươi có biết vì sao phải đến mấy vùng giàu có ở Sơn Tây này tìm Pháp hay không?” Hai huynh muội đứng ngây người không biết trả lời ra sao. Thấy cảnh tượng như vậy tăng nhân liền cười đáp: “Vậy hãy để Phượng Vũ tiên nhân nói cho hai ngươi rõ nhé!” Nói rồi, tăng nhân dùng tay chỉ thẳng lên bầu trời thi triển thần thông, trong không trung liền xuất hiện một tiên nữ phi thiên với xiêm y vô cùng mỹ lệ. Tiên nữ rất giỏi biến hóa nên từ hai tay cho đến cả phần chân nàng đều hóa hiện ra rất nhiều trang sức và pháp khí muôn màu muôn vẻ. Không chỉ có vậy, cung điện nơi tiên nữ bước vào lại còn tráng lệ hơn nữa, trong đó trang sức của các tiên nữ và tiểu đồng đều là những thứ chưa từng xuất hiện ở nhân gian. Ngoài ra, cùng với vũ điệu mỹ diệu của tiên nhân còn có cả thiên nhạc nơi Thiên giới, đây chính là:
Tường vân liễu nhiễu thái lăng phi,
Nghi thái vạn phương triển Thần huy;
Từ bi tường hòa vũ trong vận,
Mỹ diệu thù thắng phán nhân quy!
Tạm dịch:
Mây lành vấn vít lụa màu bay,
Dáng vẻ thướt tha triển Thần huy;
Từ bi tường hòa trong vũ điệu
Mỹ diệu thù thắng đợi người về!
Ca ca mê đắm trong vũ điệu thần tiên đến ngơ ngẩn cả người, trong khoảnh khắc khi anh bất giác cúi đầu nhìn xuống thì phát hiện ra đám châu ngọc bên dưới cũng đang “cử động” theo từng điệu múa của Phượng Vũ tiên nhân, điều này khiến anh vô cùng kinh ngạc. Lúc này, ca ca ngẩng đầu nhìn lên thì thấy Phượng Vũ tiên nhân đã dừng múa, khung cảnh điện đài tráng lệ dần dần biến mất, chỉ nhìn thấy mây trắng trên bầu trời tụ lại thành một chữ “Phú” rất lớn.
Dường như đã chiêm nghiệm hồi lâu, nữ lang cất lời nói: “Phượng Vũ tiên nhân triển hiện chữ ‘Phú’; vào cảnh cuối như để nói rằng sau khi siêu xuất khỏi cảnh giới con người này thì tại cảnh giới cao hơn kia của sinh mệnh tất cả đều rất phong phú và mỹ hảo thậm chí là vĩnh hằng, cơ bản là không cần phải khổ não về những chuyện sinh lão bệnh tử nữa”. Nghe thấy tiểu muội nói vậy, ca ca đáp lời: “Lý giải này của muội quả là có lý. Vừa nãy khi Phượng Vũ tiên nhân đang múa trong không trung thì những tiểu linh vật châu ngọc bên dưới cũng theo đó mà múa theo, không biết như vậy là có ý gì?” Tăng nhân trả lời: “Đây chính là nhân duyên vì sao hai ngươi phải hành trình tới một số vùng giàu có tại Sơn Tây để tìm kiếm, mấy ngày nữa hai ngươi hãy đến Thái Cốc xem xem, hãy từ từ mà lĩnh hội sự khác biệt giữa cái “phú” (giàu có) của Thiên giới và nhân gian có gì khác nhau. Khi nãy hai ngươi cũng đã hiểu rằng những châu ngọc kia do không đạt tiêu chuẩn trong tầng thứ ấy nữa nên mới bị tạc nổ, vì vậy mới có nhân duyên xuất hiện ở thế gian con người. Con người trong cảnh giới này dù cho có giàu có đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề sinh lão bệnh tử, mà vàng bạc châu báu ngoài việc có giá trị làm tiền tệ ra thì nó còn mang một ý nghĩa về sự “giàu có” nữa, đó là: cần phải khiến cho sinh mệnh của mình biến thành kim ngân thuần khiết thì mới đạt được sự vĩnh hằng của sinh mệnh. Hai ngươi thấy đó, con người thường mạ vàng lên các bức tượng Phật hoặc trực tiếp tạc tượng vàng, tượng bạc, điều đó là để thể hiện sự thành kính đối với tín ngưỡng. Kỳ thực nếu con người có thể suy nghĩ một cách ngược lại, ví như người ta có thể phóng hạ sự truy cầu đối với vật chất và lợi ích trong nhân gian con người, khiến thân thể và tư tưởng của mình thực sự đạt được tiêu chuẩn cảnh giới của Thần, thì bản thân sinh mệnh ấy chính là vàng hoặc bạc thuần khiết cấu thành, còn có thể trường tồn cùng trời đất, như vậy thì tốt biết bao! Con người vì trầm mê trong lợi ích trước mắt trong thế gian mà quên đi mục đích thực sự trước khi đến nơi đây. Từ đó trong xã hội con người mới hình thành xu hướng thường những ai nghèo khổ sẽ nguyện ý bước lên con đường tu luyện, còn người giàu thông thường sẽ rất khó phóng hạ chấp trước về vật chất và địa vị, rất khó tu luyện. Nếu như người giàu có thể phóng hạ chấp trước thì sẽ tu luyện rất mau lẹ. Bởi vì họ đã làm được bên ngoài có mà trong tâm không có. Còn những người nghèo thì bên ngoài không có, trong tâm cũng không có. Nhưng điều đó không quyết định được rằng, khi họ sở hữu được vật chất thì có thể đạt được sự vô vi bên trong hay không”.
Tiểu muội nghe xong đáp: “Những điều ngài nói dường nhưng chính là nội hàm thâm sâu của ‘thương Đạo’, chúng tôi đã nghe ngài nói chuyện rất lâu rồi, vậy mong ngài hãy cho tôi biết chúng tôi cần đi đến đâu để tìm ra chân Pháp khiến sinh mệnh có thể đạt được sự giải thoát thực sự đây?” Tăng nhân lặng thinh không đáp, một lúc sau tăng nhân và đám châu ngọc bỗng từ từ biến mất trong không trung. Hai huynh muội đều không kịp phản ứng gì nên cứ đứng ngây người ra ở đó, vừa hay phía đối diện có một người mang dáng dấp thương nhân từ từ đi tới, vừa đi vừa nói: “Đi cả ngày đường rồi, cần tìm chỗ nghỉ chân cái đã”. Nói rồi người này rẽ thẳng vào chiếc đình, cùng nói chuyện với hai huynh muội họ.
Trong lúc nói chuyện nữ lang liền kể với thương nhân về mục đích của hai huynh muội khi đến Sơn Tây và câu chuyện của hai tăng nhân gặp được trên đường. Sau khi nghe xong, thương nhân này tỏ ra rất đỗi kinh ngạc, anh nói rằng mấy ngày trước anh cũng bắt gặp tăng nhân kia (chỉ tăng nhân vừa biến mất cùng đám châu ngọc), tăng nhân ấy nói với anh mấy câu như thế này:
“Bản thân vi phú đức hạnh cao,
Thân tâm thao lao bệnh nan tiêu,
Dịch tri sinh tử tổng nan liệu,
Thượng hạ cầu tác phán tiêu diêu.
Quân vấn hà xứ tầm chính đạo?
Đãi Thần Trung thổ trì luân tiếu,
Ngũ thiên điện định cơ duyên liễu,
Viên mãn hồi chân Thần quang diệu!”
Tạm dịch:
Thân vì phú quý đức hạnh nhiều,
Vất vả thân tâm bệnh khó tiêu,
Đã biết tử sinh đều khó liệu,
Ngược xuôi tìm kiếm chút tiêu diêu.
Anh hỏi nơi đâu tìm chính đạo?
Đợi Thần Trung thổ trì luân tiếu
Năm ngàn năm định đủ cơ duyên
Viên mãn quy chân Thần vinh diệu!
Ca ca nói: “Vị tăng nhân nhắc đến rằng: ‘Đãi Thần Trung thổ trì luân tiếu’. có phải nói rằng tương lai vị Thần truyền Pháp trong tay sẽ cầm một vật giống như chiếc bánh xe đồng thời Ngài ấy còn hiển lộ ra dáng vẻ rất đỗi từ bi?” Lúc này nữ lang liền nói: “Trước đây muội cũng đã từng có giấc mơ về ‘Chuyển luân Thánh Vương’ hạ thế truyền Pháp, muội vẫn đang tìm kiếm Ngài…”
Vị thương nhân đứng bên nói: “Xem ra ngộ tính của hai ngươi cũng không tồi. Tôi cũng nghĩ như vậy. Tăng nhân kia nói với tôi rằng ông ấy biết trong vũ trụ có một vị Chuyển Luân Thánh Vương sẽ đến thế gian con người để truyền Pháp, để thực hiện điều này, Chuyển Luân Thánh Vương đã hạ thế từ rất sớm và nhiều lần kết duyên cùng các đệ tử trong tương lai sẽ đắc Pháp của Ngài. Vị Thánh giả ấy sẽ dùng hình thức “Pháp Luân” để giúp đỡ người tu luyện. Vị tăng nhân mà tôi gặp được ấy vốn dĩ là đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, đây là điều mà Thích Ca Mâu Ni nói cho vị ấy biết, để vị ấy khi cơ duyên đến thì đừng vì phân biệt môn phái mà lỡ mất cơ duyên này”.
Mọi người đang nói đến đây thì phía trước bất chợt xuất hiện một người ăn xin tìm tới xin đồ ăn, xin xong người đó lẩm bẩm nói một mình: “Hôm qua lúc ta đói bụng muốn chết, sắp không chịu nổi thì gặp một tăng nhân trung tuổi (chính là người mà thương nhân giàu có gặp được), ta liền xin tăng nhân đó ít đồ ăn, tăng nhân vừa cho thức ăn vừa nói: “Anh cứ ăn xin như thế này đến khi nào nữa?” Ta bất lực trả lời rằng: “Tôi làm người hầu người ta cũng chẳng có ai cần. Không đi ăn xin thì lấy gì mà sống?” Tăng nhân trả lời: “Người giàu có nếu một ngày làm ăn thua lỗ hoặc dùng hết phúc phận của mình, thì có thể trong đời này hoặc đời sau sẽ phải đi ăn xin. Ý của ta là anh cần phải tìm cách giải thoát khỏi bể khổ này!” Ta nghe vậy thấy phấn chấn hẳn lên liền vội hỏi: “Vậy hẳn là có cách hay sao, lẽ nào tôi cần phải theo ngài xuất ra tu hành?” Tăng nhân lắc đầu nói: “Tương lai tại vùng Trung thổ bao gồm cả khu vực Thái Nguyên này của chúng ta sẽ có Đại Pháp được truyền xuất có thể thực sự khiến sinh mệnh đạt được giải thoát, đến lúc đó nếu ngươi muốn thực sự đạt được sự hồi thăng chân chính và thoát khỏi hồng trần trùng trùng này thì phải cố mà trân trọng đó nhé!”, “Lúc đó là lúc nào thưa ngài?”, người ăn xin hỏi. Vị tăng nhân đáp lời: “Sau thời kỳ Đại Thanh, có một giai đoạn con người ta ngày đêm hô lớn hai chữ ‘Vạn tuế’, chính là vào sau thời điểm đó không lâu”.
Kể đến đây, người ăn mày liền lăn ra đất ngủ ngáy khò khò. Hai huynh muội thấy vậy cũng rời đi. Vì người thương nhân giàu có cần phải đến Bình Diêu để xử lý công chuyện, còn hai huynh muội cần phải đi đến Thái Cốc nên họ đã chia tay nhau từ đây.
Trên đường đi đến Thái Cốc, nữ lang nói với anh trai: “Lúc ở trên đình nhìn thấy Phong Vũ tiên nhân múa rất đẹp, nếu như trong tương lai mà có cơ hội thì muội cũng muốn dùng vũ đạo để triển hiện sự mỹ hảo và Thần thánh của Thần”. Ca ca nói: “Huynnh cũng muốn dùng vũ đạo để triển hiện vẻ đẹp khỏe khoắn cương cường nghị lực”. Nghe ca ca nói vậy tiểu muội bèn nhớ đến người mà hai huynh muội gặp ở Thiên Kinh khi trước, không biết giờ người ấy đã tìm được Đại Pháp khiến sinh mệnh thực sự hồi thăng được hay chưa. Ca ca nói rằng không cần nhớ nhung nhiều đến người đó nữa, chuyện gì cũng cần đặt xuống, những sự tình này đều tùy duyên, chỉ có thể dựa vào cơ duyên mà thôi…
Sau khi dạo quanh một vùng Thái Cốc, hai người họ đã có lý giải sâu sắc hơn về mục đích của việc Thần khiến cho con người trở nên giàu có: một phương diện là để cho con người có thể sinh sống được trong thời gian chờ đại Đại Pháp tại nơi đây, một phương diện khác là để triển hiện trạng thái giàu có siêu việt khỏi cảnh giới con người này, khiến cho con người thông qua việc phóng hạ những chấp trước về sự hư ảo, vô thường của sự giàu có trên tầng bề mặt này để đạt đến tất cả mọi điều của sự giàu có thực sự trong cảnh giới kia.
Thời nay, sau khi khẩu hiện “vạn tuế” ngày đêm reo vang khắp nơi của cách mạng văn hóa qua đi, thì vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Pháp Luân Công cuối cùng cũng đã được truyền xuất ra. Những con người trải qua vô số lần đặt định cơ duyên đã ùn ùn kéo tới, chỉ trong vài năm ngắn ngủi bộ môn Pháp Luân Công đã thu hút hàng trăm triệu người tham gia tu luyện. Đến thời điểm hiện tại Pháp Luân Công đã truyền xuất ra khắp các nơi trên thế giới.
Phong Vũ tiên nhân đời này chuyển sinh thành một thành viên quan trọng trong Đoàn Nghệ thuật Shen Yun (Thần Vận) Mỹ quốc.
Nữ lang và ca ca đời này đã đắc Pháp từ sớm, hai người họ trở thành đội trưởng dẫn dắt múa trong Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Mỗi năm họ đều đi khắp thế giới để biểu diễn, đem sự mỹ hảo của Thần truyền rộng khắp nhân gian.
Vị thương nhân giàu có trong đời này chuyển sinh tại Hồng Kông, bởi vì khởi tố Giang Trạch Dân mà bị Trung Cộng bức hại.
Người ăn xin chuyển sinh vào Nhật Bản, đời này rất giàu có, và cũng đã sớm đắc Pháp.
Đây chính là:
Tây khẩu tẩu xuất phổ thương tấn
Phú giáp thiên hạ tài phú huyến
Nhãn vọng hào môn trầm tư xứ
Nhân dụng tài phú vi na ban
Bất giải sinh tử bất xuất phàm
Tha nhật nhất thiết như yên tản
Hạnh đắc thiện căn tổng thường tại
Ngộ đáo cao nhân kết Pháp duyên
Kim triều đắc Pháp đồng tinh tiến
Phóng hạ phàm khiên tiếu thiên biên!
Tạm dịch:
Thương nhân Sơn Tây rời tây khẩu
Tạo lập tài phú khắp gần xa
Ngước nhìn cổng lớn trầm tư nghĩ
Người dùng tài phú để làm chi?
Không hiểu sinh tử vẫn người phàm
Ngày kia hết thảy thành sương khói
May thay thiện căn vẫn trường tồn
Gặp được cao nhân kết Pháp duyên
Đời này đắc Pháp cùng tinh tấn
Cắt sợi duyên trần cười vang xa!
Chú thích: Vì loạt bài này viết cho tất cả mọi người đọc, nên tôi không dùng phương ngôn địa phương để biểu đạt mà dùng phương thức minh bạch dễ hiểu nhất để viết.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/253724
Ngày đăng: 23-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org