Tác giả: Thạch Phương Hành
[ChanhKien.org]
Nhớ lại cách đây nhiều năm tôi từng nghe qua một bài hát tên là “Nhớ cố hương”, trong đó có câu rằng: “Cừu dê khắp đồng, đẹp biên ải. Tuấn mã phi nhanh, đuổi trời mây”, đó là chỉ cảnh sắc nơi thảo nguyên Mông Cổ. Khi đó dường như tôi đã cảm nhận được mỹ cảm kỳ diệu ấy hiển hiện trước mắt mình.
Ngoài ra hai hôm nay tôi đã đọc được thông tin rằng Trung Cộng đang cưỡng chế các trường học ở Nội Mông phải học Hán ngữ, mục đích là muốn xoá tan văn hoá và ngôn ngữ của dân tộc Mông Cổ. Cách làm của Trung Cộng đã bị người dân Mông Cổ phản đối mạnh mẽ. Cũng chính vì vậy tôi thấy mình nên dùng câu chuyện đi tìm Pháp của một đôi vợ chồng trên thảo nguyên để bày tỏ sự yêu mến đối với văn hóa Mông Cổ và các nền văn hoá ngoài văn hóa của dân tộc Hán.
Tôi nhớ rằng tôi đã đến vùng Nội Mông cách đây nhiều năm và gặp một nữ đồng tu người Mông Cổ ở đó. Cô ấy bảo với tôi rằng khi lần đầu tiên chồng cô đọc về trải nghiệm của “cô gái áo đỏ” trong bài “Luân hồi ký sự: Tìm Phật Pháp trên cao nguyên Mông Cổ” do tôi viết dưới bút danh khác, anh ấy đã khóc và cảm thấy dường như mình đã từng là cô gái mặc áo đỏ. Tôi trả lời nữ đồng tu rằng chồng cô không phải từng là cô gái áo đỏ, mà là anh trai của cô ấy.
Thông thường thì màn diễn bình thường này đã qua từ lâu, nhưng hai ngày nay do thay đổi công việc, một người bạn đã chụp được vài bức ảnh khiêu vũ trong trang phục Mông Cổ, điều này lập tức đã khơi dậy linh cảm trong tôi, khiến tôi nhớ lại trải nghiệm cưỡi ngựa khắp thảo nguyên để tìm Pháp của vị nữ đồng tu và chồng cô ấy.
Có bài thơ rằng:
Thanh mai trúc mã đạp thảo hành
Hỗ tương phù trì tế đinh ninh
Thương mang thiên địa nhậm ngã hành
Tâm niệm hợp nhất thân khinh doanh!
Diễn nghĩa:
Thanh mai trúc mã bước chân trên cỏ
Giúp đỡ lẫn nhau dặn dò nhau tỉ mỉ
Trời đất xanh mênh mang ta tùy ý cất bước
Tâm niệm cùng hợp nhất thân thể nhẹ nhàng!
Dịch thơ:
Đôi lứa thanh xuân dạo cỏ xanh
Lẫn nhau tương trợ nguyện đinh ninh
Thiên địa mênh mang rong ruổi khắp
Tâm đầu ý hợp thân nhẹ tênh!
Đôi nam nữ này có thể nói là thanh mai trúc mã, môn đăng hộ đối, họ đều là con nhà vương công quý tộc Mông Cổ, và đều cùng sinh ra vào thời Khang Hy triều Thanh.
Cả hai luôn sẵn lòng cùng nhau cưỡi ngựa đi chăn cừu hoặc đến đâu đó chơi đùa. Họ cưỡi trên lưng ngựa, tay cầm roi da, cùng vươn mình đón ánh nắng ban mai, làm bạn cùng gió mát, chuỗi ngày ấy quả thật vô cùng phóng khoáng và mãn ý:
Tuấn mã bôn trì thiên địa gian
Thải vân tương bạn các tranh tiên
Thanh phong phất diện hướng thiên tiếu
Thảo nguyên nhi nữ triển chân nhan
Huy tiên tiếu thanh kinh lạc nhạn
Tuấn mã trường tê phá kinh thiên
Nhĩ truy ngã cản bôn hướng tiền
Khoái ý nhân sinh tố Thần Tiên!
Diễn nghĩa:
Tuấn mã rong ruổi khắp thiên địa
Những áng mây rực rỡ tranh nhau đến làm bạn
Làn gió mát thổi qua khuôn mặt mỉm cười hướng lên trời
Cô gái thảo nguyên triển hiện dung nhan thật
Tiếng roi vun vút cùng với tiếng cười làm chim nhạn giật mình rơi xuống
Tiếng tuấn mã hí dài kinh động cả bầu trời
Chàng rượt thiếp đuổi chạy về phía trước
Cuộc đời vui vẻ như là Thần Tiên!
Dịch thơ:
Vó ngựa bôn ba giữa đất trời
Ráng mây bầu bạn khắp muôn nơi
Gió vờn bên má cười xanh thẳm
Thảo nguyên em gái hiển xuân thời
Roi huơ còi hú nhạn giật mình
Chiến mã hí vang Thiên thượng kinh
Nối nhau ruổi ngựa về phía trước
Thần Tiên, nguyện ước thế nhân sinh!
Người dân Mông Cổ bất kể là nam hay nữ đều có khí khái hào sảng, phóng khoáng, cởi mở, ở người nữ còn thể hiện ra vẻ dịu dàng ôn nhu như nước, đó là đặc điểm mà Thần tạo ra cho dân tộc này.
Từ nhỏ đến lớn hai người đã cùng nhau trải qua những ngày chơi đùa vô tư vô nghĩ như thế. Đến tuổi kết hôn cha mẹ hai nhà liền dự tính hôn sự cho họ. Nhưng chỉ một ngày trước khi họ kết hôn, cha của người thanh niên bị bệnh nguy kịch rồi qua đời, hôn sự của họ đành phải hoãn lại. Nhưng đợi đến ngày cưới lần sau thì mẹ cô gái lại qua đời, không những vậy túp lều của nhà gái cũng bị lửa thiêu rụi. Lúc bấy giờ trong bộ tộc của họ có tin đồn lưu truyền rằng hai người họ không có duyên để kết hôn (không thích hợp để kết hôn).
Tuy vậy họ vẫn kiên trì với duyên phận của mình như trước, kết quả là gia cảnh nhà trai dần dần lâm vào cảnh khốn khó, còn nhà gái cũng bị vương công khác công kích. Ngay lập tức không ai trong bộ tộc có cái nhìn lạc quan về họ.
Có một hôm hai người lại hẹn nhau cùng ra du ngoạn, bỗng hôm ấy trời đổ mưa rất to, mỗi người cưỡi trên một con ngựa đi về trước một cách vô định:
Thanh mai trúc mã quá khứ thời
Lưỡng tiểu vô sai dĩ tạc nhật
Tiền lộ mang mang tại hà phương
Tâm như đao giảo chẩm an thích?
Diễn nghĩa:
Trước kia đôi thanh mai trúc mã
Đã qua những ngày hai người cùng lớn lên
Con đường mù mịt phía trước đang ở phương nào
Lòng đau như dao cắt làm sao buông xuống được?
Dịch thơ:
Thanh mai trúc mã của ngày xưa
Hôm qua đôi lứa thuở ngây thơ
Lối trước mịt mùng đâu phương hướng
Buông xuống phiền tâm khó chẳng vừa?
Sau đó hai người buộc ngựa vào gốc cây rồi ngồi thụp xuống đất khóc lóc thảm thiết mãi không thôi. Mười mấy năm ròng sớm tối có nhau, làm sao có thể nói buông tay là buông tay được? Cả hai đều thấy rất không cam lòng.
Một lúc sau cơn mưa lớn ấy tạnh dần rồi trời trong trở lại. Trên bầu trời hiện lên một chiếc cầu vồng khổng lồ, cô gái nhìn thấy cầu vồng thì trong lòng rất vui và hưng phấn chỉ cho chàng trai thấy.
Chàng trai nhìn cầu vồng thì cũng vui vẻ được một lúc rồi lại thấy tương lai của hai người thật chẳng có ánh sáng.
Lúc này từ giữa cầu vồng bắt đầu hiện ra một vầng sáng kỳ diệu rồi một vị nữ Thần mỹ lệ xuất hiện, chỉ thấy vị nữ Thần ấy:
Lam sắc bảo quan đầu đỉnh đái
Lam sắc tiên y lam quần bãi
Thủ trì lam sắc ngọc cảnh bình
Bảo lam tịnh liên cước hạ thải
Diễn nghĩa:
Trên đỉnh đầu có dải ngọc màu lam
Y phục tiên màu lam váy cũng xanh lam
Tay cầm một bình ngọc màu lam
Chân đặt trên đài tịnh liên cũng màu lam
Dịch thơ:
Vương miện xanh lam đội trên đầu
Tiên y xiêm áo tỏa lam châu
Tay nâng lam sắc bình Ngọc Cảnh
Gót hài sen nở ánh lam màu
Hai người vội đứng dậy hành lễ, chỉ nghe vị nữ Thần nói rằng: “Dân tộc Mông Cổ cũng là một dân tộc do Thần tạo ra, là một dân tộc giúp triển hiện đặc điểm cương nhu tương tế của Thần, cũng đều là con cháu của Viêm Hoàng, cũng là được Sáng Thế Chủ trực tiếp tạo tựu. Chỉ là do trong tương lai, nền văn minh của dân tộc Trung Nguyên (đặc biệt chỉ dân tộc Hán) sẽ phát triển hơn, nhưng tính kiên cường không đủ nên cần một dân tộc khác bổ sung khiếm khuyết, là để cùng bảo vệ huyết mạch của nền văn minh; đồng thời cũng là để triển hiện tính đa dạng của nền văn hóa Thần truyền, những điều này đều là do Thần tạo ra.
Những gì các ngươi gặp phải trong đời này ta đều biết cả, kỳ thực các ngươi chớ nên thấy thương tâm và đau buồn, những gì các ngươi trải qua chính là để nói với các ngươi rằng, giữa con người tuy có sự phóng khoáng và tình yêu kiên trinh không đổi nhưng cũng có những việc vô thường và những chuyện bất đắc dĩ. Có rất nhiều thứ mà con người không thể dự liệu và quyết định được, nên các ngươi chớ nên mong tưởng quá nhiều đến những thứ mỹ hảo của cuộc đời, vô thường và bất đắc dĩ mới là trạng thái thực sự của kiếp nhân sinh”.
Chàng trai nói: “Xin hỏi nữ Thần, có phải là ngài vị Thần bảo hộ cho dân tộc chúng con không?” Nữ Thần đáp: “Ta đã từng quản dân tộc các ngươi một đoạn thời gian, nhưng về sau ta không quản nữa, hiện tại việc quản dân tộc các ngươi là do một vị Thần khác, bởi vì không bao lâu nữa ta cũng sẽ phải đến nhân gian tôi luyện, đồng thời cũng bởi vì ta có mối duyên phận với dân tộc Mông cổ, nên ta mới đến đây gặp các ngươi”.
Cô gái nói: “Hai chúng con nên làm gì bây giờ? Những thứ mỹ hảo trước kia đều phải buông bỏ hết sao?” Nữ Thần mỉm cười, sau đó nói một cách uy nghiêm: “Những gì các ngươi từng trải qua đều rất tiêu sái và vô cùng lãng mạn, các ngươi cảm thấy mọi thứ đều có thể đi đến thiên trường địa cửu, nhưng lại quên đi một điều quan trọng nhất: các ngươi sống ở nơi con người, mà con người thì có khổ, đau và vô thường cũng như các việc không được như ý. Có rất nhiều việc mà sức người không kham nổi. Vì vậy, những khổ nạn mà các ngươi gặp phải sau này đều là để nói cho các ngươi biết những điều này”.
“Vậy chúng con phải làm sao?”, chàng trai bối rối hỏi.
Nữ Thần đáp: “Kỳ thực nhân gian có sự vô thường là bởi vì vạn vật đều tồn tại nơi con người, nếu như sinh mệnh thật sự hiểu được rằng bản thân có thể thăng hoa, thì vạn vật sẽ trở nên chân thực hơn, vĩnh hằng hơn. Nghĩa là khi tìm được một Đại Pháp có thể khiến sinh mệnh quay trở về, thì sinh mệnh ấy tự nhiên sẽ có được hạnh phúc và niềm vui chân thực”.
Chàng trai sốt sắng hỏi: “Vậy chúng con phải đến đâu mới có thể tìm ra được Đại Pháp giúp sinh mệnh thực sự được giải thoát?” Vị nữ Thần trả lời rằng: “Điều này ta cũng không rõ lắm. Dù sao từ giờ các ngươi có thể từ từ tìm kiếm pháp môn ấy trên thảo nguyên bao la này. Cũng có thể các ngươi sẽ tìm được”. Nói xong nữ Thần liền biến mất.
Sau khi nghe khải thị như vậy từ nữ Thần, trái tim họ tràn ngập ánh sáng. Thế là họ quyết định rời khỏi bộ tộc, cùng quất ngựa bắt đầu cuộc hành trình tìm Pháp trong đời ấy:
Xuân
Thiển thảo một đề mã tật trì
Xuân phong tống noãn ngô tích thời
Vi tầm Đại Pháp bất kế khổ
Hoa khai lạn mạn tiếu ngô si
Dịch thơ:
Mùa xuân
Ngựa không guốc ruổi cỏ xanh rì
Gió xuân thổi ấm lúc xuân thì
Đại Pháp tìm cầu đâu kể khổ
Ngàn hoa khai nở nhạo kẻ si
Hạ
Tật phong sậu vũ mạn thảo nguyên
Âm phong tứ ngược vị tằng hoàn
Khổ trung kiên trinh mạc đình bộ
Diễm dương cao chiếu bất mang nhiên
Dịch thơ:
Mùa hạ
Gió rít mưa gào khắp thảo nguyên
Phong ba cuồng nộ chưa từng yên
Khổ quyết kiên trung không chùn bước
Ánh dương chiếu rọi xóa mù viên…
Thu
Thu phong tống sảng thảo tương hoàng
Sơn dã xử xử ngưu dương tráng
Đa thải thu ý vô tâm thưởng
Sách mã dương tiên bôn lộ thượng
Dịch thơ:
Mùa thu
Gió thu thổi rát áng cỏ vàng
Sơn cước dê cừu khắp mênh mang
Ý thu muôn sắc vô tư hưởng
Thúc ngựa vung roi ruổi khắp đàng
Đông
Tuyết hoa phiêu phi lạc thảo tràng
Thiên địa nhất phiến bạch mang mang
Tuấn mã bôn trì vị đình hiết
Khoái bộ tầm Pháp bả tiên dương
Dịch thơ:
Mùa đông
Hoa tuyết bay bay khắp cỏ vàng
Đất trời chung khoảng trắng miên man
Tuấn mã bôn ba không dừng lại
Tìm Pháp vung roi ngựa sẵn sàng
Bốn mùa xuân hạ thu đông, hết cái rét qua đi tới cái oi bức đến, hai người đều quất ngựa rong ruổi khắp thảo nguyên tìm kiếm Pháp, trong quá trình đó, hàng loạt những vấn đề như kế sinh nhai, sức khỏe, tình cảm v.v… đều khiến họ phải thấy phiền não, chưa kể rằng họ đều xuất thân từ gia đình quý tộc, chưa từng sống một cuộc sống độc lập. Lần này điều đầu tiên họ phải đối mặt là vấn đề sống tự lập, vì thế sẽ có rất nhiều ma sát và tranh chấp, nhưng cuối cùng họ đều vượt qua được.
Vì họ đều có thân phận quý tộc, người nhà và họ hàng đều rất có địa vị trong bộ tộc Mông Cổ, nên khi gặp khó khăn về kinh tế, nếu họ tìm gặp bất kỳ một gia đình quý tộc Mông Cổ nào và đề cập đến gia thế của mình thì những người đó đều sẽ giúp đỡ họ. Hơn nữa khi những người ấy biết rằng hai người đang tìm kiếm Đại Pháp giúp sinh mệnh được giải thoát thì đều sẽ vô tư giúp đỡ ủng hộ một việc thần thánh như vậy.
Nguyên ban đầu họ vốn cùng sống trong một bộ tộc, bây giờ họ có cuộc sống độc lập, ngay cả khi không phải lo lắng về kế sinh nhai thì sức khỏe cũng là một vấn đề. Tất cả các loại muỗi và côn trùng trên thảo nguyên đều cắn người ta, nếu xử lý không tốt sẽ bị trúng độc, việc đau đầu phát sốt là chuyện thường gặp. Dù họ có thấy khó chịu đến đâu thì cái tâm tìm kiếm Đại Pháp của họ vẫn không thay đổi, thậm chí khi trong tình huống tinh thần mơ màng họ vẫn khăng khăng tìm hỏi khắp mọi nơi rằng vị Giác Giả truyền Pháp đang ở đâu. Điều thần kỳ là khi họ cứ kiên trì như thế thì mọi cảm giác khó chịu đều tan biến cả.
Cứ như vậy họ đã vượt qua 10 năm mưa gió. Cuối cùng tại dãy núi Khanghai (tên dịch ra tiếng Hán là núi Hàng Ái – thuộc nước Mông Cổ) họ gặp được một người tu Đạo đã tu trong một thời gian rất lâu dài, vị Thần ấy nói với họ: “Ta biết hai vị đã trải qua rất nhiều gian khổ trong quá trình đi tìm kiếm Đại Pháp trong tương lai giúp sinh mệnh có thể thực sự được cứu độ; tình huống mà ta biết được là, tương lai vị Giác Giả ấy sẽ bắt đầu truyền Pháp ở vùng lân cận dãy Trường Bạch. Những điều khác thì ta không được biết”.
Có lẽ hai người họ cảm thấy rất cô đơn tịch mịch sau thời gian dài tìm kiếm Đại Pháp nên đã hỏi: “Ngài có thể nói cho chúng con nghe một chút về tình huống tu luyện của ngài không, xem như là đặt định chút cơ sở cho việc tương lai chúng con đắc Pháp”.
Người tu Đạo ấy nói: “Vì các vị muốn biết nên ta sẽ nói sơ lược cho các vị. Trước kia ta từng là một vương tử của tộc Mông Cổ, vốn có thể sẽ được kế thừa vương vị nhưng về sau do được cao nhân điểm hoá cộng thêm bản thân ta không muốn tham gia vào việc tranh đấu nơi trần thế, nên đã rời xa cha mẹ ta đi đến đây. Hoàn cảnh nơi đây tuy rất gian khổ nhưng khá thanh tĩnh và cũng không có ai đến quấy rầy ta. Tại đây ta đã gặp được sư phụ của mình và ông ấy đã truyền dạy phương pháp tu hành trong môn của ông cho ta. Trong quá trình tu hành này ta đã thể hội được một cách sâu sắc rằng, bình thường chúng ta luôn cảm thấy bản thân rất tốt, có định lực thâm sâu, có thể chịu khổ v.v…, nhưng tất cả đều vô dụng, bởi hết thảy mọi thứ nơi đây hoàn toàn khác biệt với những thứ nơi trần thế. Có những người có nhân tâm thì lúc ban đầu thường không thể chịu đựng được. Ví như để một người nhiều năm không nói một lời, liệu người đó có chịu được không? Huống chi, nơi này không có người, dù không có ai cưỡng chế các vị không được nói chuyện nhưng bởi vì các vị không có người câu thông cùng thì các vị sẽ tự nhiên không muốn nói. Hơn nữa những thú vui và phương thức sinh hoạt cơ bản nhất của con người đều không có ở đây. Qua thời gian lâu dần ta đã hình thành được cách sống phù hợp với chính mình. Rất nhiều khi ta đã nghĩ rằng mình tuy không có thú vui của con người nhưng cũng có niềm vui của riêng mình. Về sau cùng với việc đề cao cảnh giới tu hành thì ta có thể tiếp xúc với những điều thần thánh và mỹ hảo hơn, ta đã kết bạn với những người tu Đạo hoặc các vị Thần khác, cũng thường đến chỗ họ làm khách…” Nói đến đây hai người không bảo mà cùng đồng thanh nói: “Vậy ngài có thể gọi bạn bè của mình đến đây không, chúng con cũng muốn kết bạn với họ nữa”.
Người tu Đạo nhìn họ một chút rồi nói: “Hết thảy đều tùy duyên”. Rồi ông dùng pháp thuật gọi mấy người bằng hữu đến. Những người này đều là những người có tố chất tu luyện, họ đã đưa ra rất nhiều khải thị về phương diện tu luyện cho hai người đi tìm Pháp… Mà những khải thị này đã đặt một cơ sở rất tốt cho việc họ đắc Pháp trong tương lai. Sau đó họ đến bờ biển Bắc Hải (hồ Baikal, thuộc Nga) và sống ở đó, họ có với nhau một người con trai, con trai của họ sau khi lớn lên vẫn tiếp tục tìm kiếm Đại Pháp giúp chúng sinh được đắc cứu… Những việc này chúng ta sẽ không nói chi tiết.
Đến đời này, đôi nam nữ ấy đều đã trở thành đệ tử Đại Pháp. Vào thời điểm đó tôi nghe nói rằng vị nữ đệ tử Đại Pháp này vẫn chưa buông bỏ được sự gián cách và thành kiến giữa các dân tộc. Điều này kỳ thực không nên xảy ra, tôi không biết hiện giờ cô ấy thế nào nữa. Tôi hy vọng những người tu luyện Đại Pháp thuộc tất cả các dân tộc trên thế giới đều có thể trân quý cơ duyên lịch sử khó có được này, đều có thể buông bỏ những thành kiến và khuôn sáo của tự mỗi dân tộc. Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, đã từng bảo chúng ta rằng:
“Không cho phép có tư tưởng cục bộ bài ngoại; độ nhân không phân biệt địa phương, nhân chủng; đâu đâu cũng thể hiện tâm tính của đệ tử chân tu; [hễ] tu Đại Pháp thì đều là đệ tử đồng môn” (Đại Viên Mãn Pháp, phần phụ lục)
Vì vậy, tôi nghĩ rằng đời này bất kể chúng ta là người thuộc về dân tộc hay chủng tộc nào, chỉ cần chúng ta tu luyện cùng một bộ Đại Pháp thì đều cần phối hợp với nhau cho tốt. Do vậy khi viết bài này, tôi cũng hữu ý viết về câu chuyện tìm Pháp của những người thuộc các dân tộc và chủng tộc khác ngoài dân tộc Hán. Bởi vì chúng ta đều cùng là con dân của Thần, hôm nay đến là để đắc Đại Pháp và hiểu rõ chân tướng!
Đây chính là:
Thanh mai trúc mã lai tầm Pháp
Trì sính thảo nguyên lịch đông hạ
Hàng Ái sơn biên ngộ cơ duyên
Phàn đàm quá vãng điện văn hóa!
Diễn nghĩa:
Thanh mai trúc mã đi tìm Đại Pháp
Cưỡi ngựa khắp thảo nguyên qua bao mùa đông hạ
Bên núi Hàng Ái gặp được cơ duyên
Cuộc trò chuyện với khách vãng lai là để đặt định nền văn hóa
Dịch thơ:
Lứa đôi tìm Pháp, kiếm dày công
Ruổi rong đồng cỏ hạ sang đông
Núi cao Hàng Ái cơ duyên đến
Văn hóa Thần truyền nay chấn hưng
ChanhKien.org