Kể từ buổi bình minh của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ bắt đầu hơn 100 năm trước, thì những người đam mê xe hơi vẫn luôn tranh luận xem đâu là chiếc xe có giá trị sưu tập nhất trong tất cả các loại xe.
Một vài chiếc trong đó, như là chiếc Chevrolet Bel Air 1957, và chiếc Ford Mustang giữa năm 1964, là những chiếc xe đứng đầu trong danh sách của những nhà sưu tập, tuy nhiên hầu hết họ đều đồng ý rằng chiếc Tucker 48 thực sự là chiếc xe hoàn hảo nhất nên có trong bất kỳ một bộ sưu tập nào. Thậm chí nếu bạn không có một bộ sưu tập, thì một chiếc Tucker cũng hơn hẳn hàng tá những chiếc xe cổ khác.
Tucker là ai và là gì?
Ngay từ thuở thiếu thời, ông Preston Tucker đã quen thuộc với ngành công nghiệp xe hơi. Mặc dù ông chưa bao giờ được đào tạo chính thức hoặc có bất kỳ bằng cấp chính quy nào, nhưng ông lại hiểu biết tường tận về cách thức các chi tiết cơ khí hoạt động, đặc biệt là đối với xe hơi.
Giấc mơ thời thơ ấu của ông Tucker là thiết kế và sản xuất hàng loạt những chiếc xe hơi dành cho thị trường Mỹ sử dụng các chi tiết là phát minh của ông hoặc những chi tiết ít từng được sử dụng trước đây. Sau chiến tranh, ông đã kêu gọi thành công 20 triệu USD tiền vốn (tương đương với khoảng 259 triệu USD ngày nay) để làm chính xác những gì ông mong muốn thông qua Công ty Tucker.
Ông Tucker và đội ngũ của mình đã chế tạo ra 51 chiếc xe bằng tay. Có một số khác biệt nhỏ giữa các chiếc xe này và các nhà thiết kế liên tục thực hiện những cải tiến nhỏ trong suốt quá trình sản xuất. Các bộ phận của chiếc xe này hoàn toàn không thể 100% hoán đổi sang chiếc xe khác.
“Bạn chắc chắn không thể tháo cửa của chiếc xe này và gắn lên một chiếc xe khác” ông Mark Lieberman, một nhà sử học và là người sở hữu xe Tucker nói. “Ở bộ phận động cơ cũng có một số thay đổi đã được tiến hành. Hệ thống giảm xóc cũng có sự thay đổi.”
Mỗi chiếc xe được nhận biết bởi số thứ tự. Có một chiếc là nguyên mẫu, mang số hiệu là No. 1000, cũng được gọi là Con Ngỗng Sắt [Tin Goose]. Và có tổng cộng 50 chiếc Tucker 48s, được đánh số 1001 đến 1050. Tuy nhiên, có trước cả chiếc Tin Goose là chiếc Tucker Torpedo. “Tuy nhiên đó không phải là một chiếc xe hơi, đó chỉ là một mẫu vật bằng thạch cao”, ông Lieberman cho biết. Thậm chí để làm cho mọi việc trở nên phức tạp hơn nữa, thì hai chiếc xe có số No.1026 và No.1042 được gọi là Tuckermatics bởi vì bộ truyền số độc đáo của chúng.
Những cải tiến
Vấn đề an toàn chính là ưu tiên hàng đầu của ông Tucker. Trong tất cả các chiếc xe, ông đều lắp đặt kính chắn gió loại có thể bật ra nếu như tài xế hoặc hành khách bị văng vào đó, như vậy có thể tránh được các vết thương do bị kính cắt vào.
Bạn sẽ ngay lập tức biết được mình đang nhìn thấy một chiếc Tucker bởi vì nó có đến ba chiếc đèn pha. Ông Tucker đã lắp thêm một chiếc đèn nằm ở giữa đầu xe và được kết nối trực tiếp vào tay lái của xe.
Và ở đó có một bảng điều khiển hấp thu va chạm bằng cao su bọt biển, thứ mà về căn bản chính là một bảng điều khiển có lớp đệm đầu tiên. Ông Tucker cũng lắp loại vật liệu này trên các cánh cửa, điều này đã làm cho chiếc Tucker 48 trở thành chiếc xe đầu tiên có các vị trí hấp thụ lực va chạm. Kể từ đó toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi đã áp dụng chức năng này. “Nó trở thành thứ trang bị mặc nhiên kể từ đó”, ông Lieberman nói.
Ông Tucker cũng muốn chiếc xe của mình phải có dây an toàn, thứ mà không có bất kỳ hãng xe nào ở thời kỳ đó áp dụng. Tuy nhiên, bộ phận tiếp thị của công ty lại cho rằng dây an toàn sẽ gửi thông điệp về sự kém an toàn của xe hơi, và ý kiến của ông Tucker đã bị bác bỏ khi đó.
Chiếc Tucker 48 có bốn bánh xe với hệ thống giảm xóc độc lập. “Chưa hề nghe nói đến kỹ thuật này ở thời điểm đó”, ông Lieberman nói. “Đến thời nay thì công nghệ này đã được áp dụng phổ biến trên nhiều loại xe cộ”
Ba Ông Lớn và SEC
Vào thời kỳ này ở Hoa Kỳ, hầu hết những người sử dụng xe hơi đều sở hữu một chiếc xe được sản xuất bởi một trong ba ông lớn là Ford Motor, Chrysler hoặc là General Motors.
Các hãng xe hơi ở Detroit không hài lòng với các phương pháp sản xuất và quảng cáo không chính thống của ông Tucker và coi ông là một mối đe dọa. Lịch sử đã tô vẽ cho Ba Ông Lớn này như những kẻ phản diện trong giai thoại này, tuy nhiên điều đó là không thật sự cần thiết.
Một chiến dịch bôi nhọ đã được thực hiện với những lời buộc tội gian lận sai sự thật, do Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thực hiện. Ông Tucker và giám đốc điều hành của mình đã bị xét xử và rồi được tuyên bố vô tội, tuy nhiên SEC cũng đã thành công trong việc loại Công ty Tucker khỏi ngành kinh doanh này.
Những chiếc xe đã đi về đâu?
Sau sự tan rã của Công ty Tucker, cả 51 chiếc xe đã bị phân tán rải rác khắp đất nước. Trong những năm 1950, một nhân vật ngành giải trí là Nick Jenin đã mua lại 10 chiếc trong số đó và đưa đi trình diễn khắp đất nước, ông mang chúng đến hội chợ các tiểu bang bằng hai chiếc xe chuyên dụng vận chuyển xe hơi, ở đó ông đã quảng bá câu chuyện về ông Preston Tucker.
Ông Lieberman cho biết: “Ezra Schlipf là một quý ông khác đã mua khá nhiều chiếc và sau đó đã bán lại. Cũng có những người được gọi là chuyên gia về xe Tucker”. Nhà sưu tập David Cammack đã mua ba chiếc, và ông thậm chí không hề nổ máy hay lái thử bất kỳ chiếc nào, vì sợ làm chúng bị hỏng. Ông Cammack cũng sưu tập cả những món đồ kỷ vật của ông Tucker, như là những tài liệu nguyên bản cũng như bản vẽ thiết kế, điều này đã làm cho bộ sưu tập của ông trở thành bộ sưu tập có giá trị lớn nhất.
Chiếc thứ hai trong hai chiếc Tuckermatics, có số hiệu 1042, đã “nằm xuống” mãi mãi tại Hội Chợ Tiểu Bang Michigan, mặc dù nó thuộc sở hữu của ông Jenin. Người có quyền đã quyết định cách tốt để vứt bỏ chiếc xe ra khỏi tài sản của mình là tổ chức một sự kiện mà ở đó người ta chỉ cần trả một USD là có thể đập phá chiếc xe này bằng búa tạ.
Vào năm 1988, hãng phim Paramount Pictures đã công chiếu một bộ phim truyện mang tên “Tucker: The man and His Dream” (tạm dịch: ‘Tucker: người đàn ông và giấc mơ của mình’), ngôi sao điện ảnh Jeff Bridges đóng vai Tucker. Bộ phim được sản xuất một phần bởi công ty Lucasfilm của ông George Lucas, và do ông Francis Ford Coppola đạo diễn. Bộ phim tiểu sử này đã không bán được nhiều vé tại rạp hát, tuy nhiên nó đã góp phần giới thiệu về ông Preston Tucker với công chúng. Ông Lieberman đã nói rằng “Giá trị của những chiếc Tuckers sẽ không được như ngày nay nếu không có bộ phim này”. Ông Lucas cũng sở hữu một chiếc Tucker 48 và ông Coppola cũng vậy.
Phục hồi chiếc xe số No.1006
Ông Lieberman là một người đam mê xe hơi trong suốt cuộc đời của mình. Vào năm 1992, khi ấy ông mới 29 tuổi, một người bạn đã nói với ông rằng có một chiếc Tucker đang rao bán. Câu chuyện mà người bạn kể lại là trong một bãi đậu xe ở khu trung tâm thành phố Detroit, nơi ông đậu chiếc xe của mình trong suốt mùa đông, tại đó có một chiếc Tucker có lẽ là để bán. Ông Lieberman thấy sự việc này khá là khó tin. Ông đã đi đến tận tòa nhà, nơi “bị chất đầy kín những chiếc xe hư và cũ nát.” Ông gặp được chủ sở hữu, là một sĩ quan cảnh sát về hưu, người đã dẫn ông đi đến một “góc tường tối tăm và tồi tàn.”
“Nhìn kìa, có đến ba chiếc đèn pha đang nhìn về phía tôi từ trong góc tường”, ông Lieberman nói. Bên ngoài chiếc xe bị phủ kín bởi bụi bặm, và phần nội thất thì bị sử dụng như một chiếc thùng rác, theo đúng nghĩa đen. Chúng gồm một đống giấy gói và bao bì của hãng thức ăn nhanh Wendy’s, một chiếc máy chế biến thực phẩm, và một chiếc cân dùng trong phòng tắm. Thêm nữa, cửa sổ bên hông đã bị vỡ. “Tôi không quan tâm những thứ đó. Tôi muốn chiếc xe này”, ông Lieberman nói.
Sau một vài phút thương lượng, ông Lieberman đã viết một tấm chi phiếu và gọi xe chuyên dụng đến để lấy kho báu vừa đào được của mình về. Trên đường quay về nhà thì trời đổ mưa như trút nước, và đó cũng là lần đầu tiên chiếc xe được tắm rửa sau nhiều thập niên, “để lại cả con đường đầy vết đen dơ bẩn phía sau”. Ông Lieberman đã không hề nhận ra cho đến khi ông về tới nhà, đó là cả một đoàn xe đang chạy theo phía sau, họ là những người muốn mua lại chiếc Tucker của ông. Kể từ đó, ông Lieberman đã phục hồi chiếc xe để trở về vẻ đẹp lộng lẫy nguyên bản của nó (xem ảnh) và theo thời gian trôi qua, ông Lieberman đã sở hữu đến 5 chiếc Tucker.
Một nhà sưu tập ở Long Island hiện đang sở hữu chiếc Tucker số hiệu No.1044, chiếc xe đã từng thuộc về ông Lieberman. “Tôi đã kéo chiếc xe ra khỏi một kho thóc nơi nó đã nằm đó từ những năm 1970”, ông nói. Kho thóc đó ở tiểu bang Ohio, và ông đã mua lại chiếc xe vào khoảng năm 2016. “Tôi đã làm cho chiếc xe chạy được và lái được, và bán lại tại một buổi đấu giá”, ông Lieberman cho biết rằng người chủ sở hữu hiện tại đã mua chiếc xe với giá 1.3 triệu USD.
Câu Lạc Bộ Xe Tucker Hoa Kỳ (The Tucker Automobile Club of America)
Ông Lieberman sở hữu năm chiếc xe Tucker 48s và ông cũng là giám đốc cao cấp của Câu Lạc Bộ Xe Tucker Hoa Kỳ ở thành phố Hershey, tiểu bang Pennsylvania. Câu lạc bộ này là một phần của Bảo Tàng AACA, nơi mà ông Lieberman mô tả như là “trung tâm của vũ trụ Tucker”. Tại đây trưng bày ba chiếc Tucker của ông Cammack có số hiệu No.1001, 1022, và 1026, cũng như đồ vật tạo tác mà ông sưu tập được. Chiếc xe số hiệu No.1026 là chiếc duy nhất còn tồn tại trong hai chiếc Tuckermatics.
Trong khi Công ty Tucker đã không còn từ lâu, thì công ty Preston Tucker LLC vẫn tồn tại đến ngày nay, tọa lạc ở thành phố Lancaster, tiểu bang Pennsylvania. Được thành lập vào năm 2012 bởi hai người cháu chắt của ông Tucker là Sean và Mike Tucker. Hai người cháu này đã làm việc rất gần gũi với ông Lieberman trong việc phục hồi lại những cỗ xe. “Ba người chúng tôi hiểu rõ từng chiếc ốc vít, mỗi sợi dây buộc, và từng bộ phận của những chiếc xe này,” ông Lieberman cho biết.
Một người cháu chắt khác, là Bob Ida và hãng Ida Automotive của ông, cùng với Bruce Devlin là thợ máy đã phục hồi chiếc Tucker No.1044, từ một kho thóc ở tiểu bang Ohio, bằng những phụ kiện do ông Lieberman cung cấp. Hiện tại, tất cả họ đều đang cùng nhau phục hồi thêm ba chiếc Tucker 48s khác.
Và những địa điểm khác
Viện bảo tàng Tốc Độ Mỹ ở thành phố Lincoln, tiểu bang Nebraska, hiện đang trưng bày một chiếc Tucker, việc này cũng diễn ra tương tự ở Bảo Tàng Xe Hơi Tallahassee ở tiểu bang Florida. Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia của viện Smithsonian ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn trưng bày chiếc Tucker số hiệu No. 1039, được thu mua lại sau một vụ bắt giữ ma túy của lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ. Bảo tàng xe hơi ở Khách sạn và Sòng bạc Imperial Palace ở thành phố Las Vegas cũng trưng bày xe Tucker trong nhiều năm liền. Cơ sở này ngày nay được gọi là The Linq, và viện bảo tàng này cũng không còn tồn tại nữa. Chiếc xe mang số hiệu No.1008, hiện tại đang trưng bày tại bảo tàng ở thành phố Chicago. Còn chiếc Tucker có số No.1030 thì hiện đang có mặt tại Bảo Tàng Xe Hơi Petersen ở thành phố Los Angeles.
Bộ sưu tập LeMay tại thành phố Marymount ở tiểu bang Washington trưng bày thường xuyên chiếc Tucker số hiệu No.1007. Chiếc này được mua vào năm 2002 tại một buổi đấu giá với mức giá 334,800 USD. Mặc dù động cơ nguyên bản của chiếc xe đã bị thay thế vào năm 1948, tuy nhiên hộp số vẫn còn nguyên vẹn. “Chiếc xe được trang bị hộp số bán tự động Cord từ khi sản xuất và vẫn còn nguyên vẹn trong xe”, tình nguyện viên Tim Hallen cho biết. Việc phục hồi gần đây nhất của chiếc xe là vào năm 1993. Màu sắc nguyên bản của nội thất và ngoại thất của chiếc xe là màu xanh lá, tuy nhiên cả hai đều đã được đổi lại thành màu xanh không thuộc thế hệ xe Tucker.
Ở Nhật Bản cũng có một chiếc Tucker, ở Đức cũng có một chiếc, ở Úc cũng có một chiếc, và ở tận đất nước Kuwait ở vùng Trung Đông cũng có một chiếc. Thành phố Cacapava, tiểu bang Sao Paolo, đất nước Brazil sở hữu chiếc Tucker số hiệu No.1035, và Viện Bảo Tàng Xe Cổ Điển Maine cũng có trưng bày chiếc Tucker số hiệu No.1028.
Viện Bảo tàng Đổi mới Hoa Kỳ Henry Ford (The Henry Ford Museum of American Innovation) cũng trưng bày một chiếc Tucker, đó đúng là một sự mỉa mai bởi vì Hãng Ford Motor là một trong Ba Ông Lớn được cho là chịu trách nhiệm chính trong việc đóng cửa Công ty Tucker. Tuyên bố từ chối trách nhiệm trên trang thông tin của họ được đọc như sau:
“Tucker đã sản xuất 51 chiếc xe hơi trước khi bị thiếu hụt tài chính kết hợp với kế hoạch tiếp cận thị trường không tốt đã khiến hãng này phải đóng cửa. Một số người nghĩ rằng Ba Ông Lớn trong ngành công nghiệp xe hơi đã âm mưu hủy hoại ông Tucker. Dường như đúng hơn là ông ta đã bị choáng ngợp bởi chi phí khổng lồ để xây dựng một hãng xe hơi từ con số không. Ông Tucker đã kêu gọi được hơn 20 triệu USD tiền vốn, nhưng chắc chắn là phải cần gấp mười lần con số đó để bảo đảm tương lai chắc chắn cho công ty của ông.”
Ông Lieberman cảm thấy rằng tuyên bố này “tất cả đều rất thật”.
“Toàn bộ các chiếc Tucker đều được tính đếm”, ông Lieberman cho biết. “Trong tất cả cả 51 chiếc xe ban đầu, trong đó có chiếc nguyên mẫu, thì có 47 chiếc còn tồn tại”. Ông ước tính rằng trong 47 chiếc xe, chỉ có hơn một nửa trong đó là thực sự còn khởi động và di chuyển được tuy nhiên cũng không thật sự phù hợp với các chuyến đi. Ông cũng ước tính rằng chỉ khoảng 10 chiếc hoặc hơn một chút là có thể chạy được một quãng đường dài mà thôi.
Di sản của ông Tucker
Ông Preston Tucker đã qua đời vào năm 1956 ở độ tuổi 53. Vì vậy ông không bao giờ được chứng kiến những chiếc xe mà ông sáng tạo ra có mức giá vượt quá một triệu USD. Ông cũng không thể được xem cuộc đời của mình do người khác diễn lại trên màn ảnh rộng. Vì vậy, điều đó là tùy thuộc vào những nhà sưu tập với mong muốn lưu giữ những chiếc xe Tucker 48s một cách nguyên vẹn, và những người thợ lành nghề như ông Lieberman, Ida và những người cháu chắt của ông để giúp họ làm điều đó, để giữ cho di sản của ông Tucker được tiếp tục sống.
Có lẽ nếu ông Tucker có thể chứng kiến những điều này, thì ông sẽ biết rằng đó chính là 47 cỗ máy đại diện cho sự khéo léo của người Mỹ, đại diện cho tinh thần khởi nghiệp của người Mỹ, và cũng chính là đại diện cho Giấc Mơ Mỹ.
Và những điều này sẽ luôn luôn tồn tại, thậm chí là ngay cả khi 47 chiếc xe này không còn nữa.
Epoch Times Tiếng Việt