Monday, September 16, 2024

Chú khỉ báo án minh oan cho chủ nhân khiến người đời cảm phục

Liên Quan

Thời xưa, người ta thường chạm khắc sư tử và voi trên cột cửa, lan can hoặc trên mái của cổng thành, nhưng Thứ sử Triều Châu lại làm một điều khác hẳn, những hình tượng ấy được thay bằng chạm khắc những con khỉ. Rốt cuộc là duyên cớ gì?

Vào thời nhà Thanh, có một người diễn xiếc rong hành khất trong thành Triều Châu, ông vốn là người Dự Chương, tỉnh Giang Tây, vì nghèo đói nên phải lưu lạc tha hương cầu thực. Ông nuôi một chú khỉ, huấn luyện nó diễn xiếc và hành khất xin ăn sống qua ngày. Ông và chú khỉ ăn chung bát ngủ chung giường, ngày đêm bên nhau, sống nương tựa vào nhau vượt qua nghèo đói, cả hai đều có tâm ý tương thông và rất yêu thương lẫn nhau.

Vài năm sau, người xiếc rong tích được một chút tiền, cả tài sản được cất trong một chiếc rương duy nhất dùng để biểu diễn. Do đó, chú khỉ bên cạnh ông ngoài đảm nhiệm diễn xiếc ra, còn trở thành “thần giữ của” canh giữ rương tiền cho ông.

Một ngày nọ, có một tên ăn mày xấu xa đã cố ép người xiếc rong đi uống rượu, chú khỉ lập tức tỏ ra tức giận, mặt mày hung dữ, la hét ầm ĩ. Người xiếc rong trách móc chú, nhưng chú khua khoắng chỉ trỏ vào tên ăn mày vô lại, như thể muốn nói rằng đừng nên kết giao với kẻ xấu xa ấy. Nhưng người xiếc rong vốn thích uống rượu, hai người ngồi đối diện nhau, sau vài chén thì coi nhau như bằng hữu thân thiết. Sau này, hai người sống cùng nhau, nhưng chú khỉ vẫn luôn theo dõi tên tên ăn mày vô lại, một khắc cũng không lơ là cảnh giác.

Hai người ăn mày đồng hành với nhau, hàng ngày đến các thôn trang diễn xiếc, chút bạc xin ăn được đều đem đi uống rượu. Cả hai thường xuyên uống đến mức say bí tỉ, từ đó về sau người xiếc rong cũng không còn để ra được thêm đồng nào.

Một lần khi gánh xiếc rong đi ngang qua một vùng đất hoang, thì gặp phải thảm kịch “bất ngờ”. Nơi ấy cách thị trấn khá xa, địa hình nhấp nhô sỏi đá, những cây cổ thụ cao chót vót, che khuất cả bầu trời và ánh nắng. Hai người đang đi thì tên ăn mày xấu xa kia bất ngờ lấy trong tay áo ra một hòn đá và ném trúng vào đầu người xiếc rong, khiến ông ngã xuống bất tỉnh nhân sự. Hắn lại lấy đòn gánh đập người xiếc rong mấy chục phát, đến khi ông chết trong tức tưởi.

Chú khỉ nhân cơ hội đã cắn đứt sợi dây và leo lên ngọn cây, tên ăn mày độc ác không còn cách nào khác chỉ biết chỉ vào con khỉ trên cây, cay nghiệt chửi rủa: “Tên trộm lông lá gian xảo kia, hôm nay ông tha mạng cho mày!”. Sau đó, hắn đào chút đất phủ lên để chôn xác người xiếc rong, xong việc liền kéo chiếc rương rời đi. Có lẽ người xiếc rong trong lúc say rượu đã kể với hắn rằng trong rương có bạc.

Sau khi tên ăn mày độc ác bỏ đi, chú khỉ từ trên cây nhảy xuống, nằm trên gò đất nơi chôn người xiếc rong mà gào khóc thảm thiết. Sau đó, nó đến một ngôi nhà dân gần đó, quỳ lạy rất lâu, cúi đầu và khóc như mưa. Dân làng cho nó thức ăn, nó ăn xong lại khóc rên rỉ không ngừng. Nó lại đi đến một ngôi làng khác, làm đủ mọi động tác bi thương buồn bã, thôn dân đều rất thương xót, không nỡ nhốt nó lại, mà cứ để nó đến rồi đi mãi như thế. Về sau, con khỉ đã theo dân làng đến Triều Châu, những người trong thành lúc đầu lấy làm lạ trước những cử chỉ buồn thương của con khỉ, rồi họ bắt đầu cảm thông và quan sát kỹ lưỡng hành vi của nó. Tuy vậy, không ai hiểu được chuyện gì đã xảy ra với chú khỉ.

Một hôm, kiệu của Quan Thái thú tình cờ đi ngang qua, con khỉ chạy tới trước kiệu, quỳ rạp trên mặt đất mà lớn tiếng gào thét như muốn ám hiệu điều gì đó. Kẻ tuỳ tùng lấy roi quất nó, nhưng tiếng hét của nó càng thảm thiết hơn, và không chịu rời đi. Thái thú thấy vậy liền ngăn lại nói: “Đừng đánh nữa.” Ngài sai thuộc hạ đi theo con khỉ dẫn đường, khi đến ngã rẽ phía trước thì nó bắt đầu vừa đi vừa khóc, đi thêm hơn mười dặm cuối cùng dừng lại trước một bụi rậm gần cây cổ thụ. Con khỉ đi quanh cái cây, vừa đấm vào ngực vừa giậm chân khóc lóc không ngớt. Kẻ tuỳ tùng đánh dấu xong rồi quay về bẩm báo Thái thú. Sau đó, ngài đến dưới gốc cây cổ thụ, sai người đào đất thì tìm thấy xác của người xiếc rong. Con khỉ thấy cảnh ấy thì càng buồn thảm hơn. Sau khi khám nghiệm tử thi, con khỉ và thái thú cùng trở về quan phủ, nhưng vẫn chưa tìm được tung tích của kẻ sát nhân.

Thái thú là người tài cao sáng suốt, liệu sự như thần, thấy vụ án không có tiến triển bèn sai người đưa con khỉ đến thẩm vấn. Nhưng con khỉ lại không biết nói, nên dù xét hỏi thế nào cũng vô ích. Thái thú trầm tư suy nghĩ hồi lâu, rồi nói: “Oan khiên biết kêu ai. Giờ có người kêu oan, lại còn xảy ra án mạng, làm sao có thể để tên hung thủ tự tung tự tác? Muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông.” Ngài liền ra lệnh cho tuỳ tùng dẫn con khỉ đi loanh quanh tìm kiếm, hy vọng thu hoạch được thêm chút manh mối.

Ở một nơi khác, sau khi tên ăn mày xấu xa sát hại người xiếc rong xong, trong một tháng, hắn dùng số tiền tìm thấy trong rương để mua một con khỉ khác. Hắn lại lấy đồ trong rương để biểu diễn xiếc khỉ, hành khất trong thành. Một hôm, con khỉ nhìn thấy tên ăn mày xấu xa, lập tức hai mắt lđỏ lên như gặp kẻ thù, nó nhe răng liều mạng lao tới, túm lấy cổ áo tên ăn mày lưu manh, cào cấu cắn xé không buông. Mấy người tuỳ tùng thấy cảnh ấy liền lập tức bắt giữ tên ăn mày lại.

Kẻ vô lại ấy nói: “Tôi chỉ diễn xiếc xin ăn thôi, cớ sao bắt tôi?” Quan sai đáp: “Lúc trước có một người xiếc rong bị mưu sát, anh bị tình nghi là hung thủ.” Hắn bị áp giải đến công đường, sau một hồi tra khảo thì hắn đã nhận tội. Cuối cùng Thái thú phán hắn tội tử hình.

Thái thú lại sai người mang con khỉ đến và hỏi: “Chuyện ngươi cần minh oan đã xong cả rồi, sao vẫn chưa trở về rừng?” Con khỉ bước đến gần chiếc rương, lấy ra bộ quần áo diễn xiếc và mặc vào, nó lại đội chiếc mũ rối lên, học bộ dạng của con người quỳ gối dập đầu. Sau đó, nó leo lên thành lâu của huyện Yết Dương, chơi một hồi khèn rồi nhảy lầu tuẫn táng theo chủ.

Thái thú rất lấy làm thương tiếc, bách tính trong quận lại khen nó thông minh trung thành, bèn chôn nó dưới cổng thành Yết Dương. Kể từ đó, thay vì chạm khắc sư tử và voi trên lan can, mái nhà, cột trụ, thành Triều Châu đã chạm khắc hình tượng chú khỉ để biểu dương lòng trung nghĩa của nó.

Nguồn tư liệu: “Tiểu Đậu Bằng” của Tằng Thất Như, triều nhà Thanh.


Thái Nguyên

BTV Epoch Times Hoa Ngữ


Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x