Monday, September 16, 2024

Danh sơn cổ tự: Sự thần kỳ của ba tòa tháp chùa Sùng Thánh

Liên Quan

Ba tòa tháp của chùa Sùng Thánh ở Đại Lý nằm dưới chân đỉnh Trung Hòa của dãy núi Thương Sơn, cách thành phố cổ Đại Lý 1km về phía Tây Bắc. Bên trong chùa Sùng Thánh là biểu tượng lịch sử của Đại Lý, là nhân chứng cho sự thịnh hành của Phật giáo ở Đại Lý, là công trình kiến trúc cổ xưa nhất hiện còn tồn tại ở Vân Nam. Ba tòa tháp do một tòa tháp lớn và hai tòa tháp nhỏ hợp thành. Ba tòa tháp đứng sừng sững, khí thế hùng vĩ nguy nga, là một trong những thắng cảnh của Đại Lý.

Tháp chính của ba tòa tháp được đặt tên là tháp Thiên Tầm, có hình vuông, kiến trúc tháp theo dạng nhiều mái hiên bằng gạch ống rỗng, cao 69.3m, có 16 tầng, là một tòa tháp cổ có số tầng nhiều nhất trong các tòa tháp cổ có tầng chẵn ở Trung Quốc. Phong cách tạo hình của tòa tháp này tương tự với tháp Tiểu Nhạn nổi tiếng ở Tây An. Thân tháp được kết cấu theo dạng tường dày xây vòng, vách bên trong thẳng đứng, trên dưới thông nhau, có cầu thang bằng gỗ leo lên tới đỉnh tháp, có thể ngắm toàn bộ thành cổ Đại Lý từ những ô cửa nhỏ trên thân tháp.

Tháp chính Thiên Tầm đứng sừng sững trên một nền cao hai tầng, trên bức bình phong đá phía Đông trước tháp có khắc 4 chữ “Vĩnh Trấn Sơn Xuyên” với lực khắc mạnh mẽ cứng cáp, mỗi chữ cao 1.7m, do Mộc Thế Giai – cháu của Kiềm quốc công Mộc Anh triều Minh viết. Về nguyên nhân viết bốn chữ này thì có hai cách giải thích: Một là, trong lịch sử khu vực Đại Lý lũ lụt nhiều, ác long quấy phá, vì thế muốn trị thủy phải trị ác long trước, nhưng ác long chỉ tôn kính tháp và sợ đại bàng. Bởi vậy chỉ cần có sự tồn tại của tháp và đại bàng vàng trên tháp, thì ác long không dám quấy phá, tất nhiên lũ lụt cũng sẽ giảm.

Một cách giải thích khác là: Vào thời Minh, khu vực Đại Lý nằm ở biên cương đã trở thành lãnh thổ triều Minh, để thể hiện ý nghĩa phải giữ vững vùng lãnh thổ này, không gì thích hợp hơn là “Đề tự khắc bi” (Viết chữ khắc bia) đặt trên nền của ngọn tháp sừng sững này.

Cách tháp chính 70m về phía Bắc và phía Nam đều có một tháp xây bằng gạch hình bát giác, mỗi tháp có 10 tầng, cao 42.19m, trên đỉnh của mỗi tháp này có ba quả bầu hồ lô bằng đồng nối liền nhau và chuông đồng hình tán. Theo kết luận sơ bộ của các chuyên gia, tháp chính Thiên Tầm được xây dựng vào thời Khai Thành của triều Đường, cũng là vào thời Đại Vương thứ 10 Khuyến Phong Hữu của Vương quốc Nam Chiếu (824-859), thời cuối của Vương quốc Nam Chiếu.

Giai đoạn giữa của Vương quốc Nam Chiếu, phong trào tôn sùng Phật giáo phát triển hưng thịnh, đến thời Khuyến Phong Hữu thì đã đạt đến đỉnh cao, chùa chiền Phật giáo phổ biến khắp Vân Nam, có 3.000 ngôi chùa nhỏ và 800 ngôi chùa lớn. Sau Nam Chiếu, thời nước Đại Lý thì Phật giáo càng phát triển hơn. Vì vậy, nước Đại Lý còn được gọi là “Phật quốc”, “Diệu Hương quốc”. Sau khi chùa Sùng Thánh được xây dựng xong cũng là trung tâm hoạt động của Phật giáo ở thời Nam Chiếu và Đại Lý. Vị “Thánh” được tôn sùng của chùa Sùng Thánh là Quán Âm. Thời đó, tôn thờ Quán Âm vô cùng phổ biến ở vùng Đại Lý.

Hai tháp phụ nhỏ ở hai bên được xây dựng muộn hơn tháp chính Thiên Tầm, tức vào khoảng thời kỳ Ngũ Đại (năm 907-960).

Theo sử sách ghi lại, khi xây dựng tháp chính, triều Đường đã phái thợ thủ công đến hướng dẫn. Việc xây dựng không sử dụng giàn giáo mà dùng phương pháp xây dựng xong một tầng thì đắp đất xung quanh để tạo thành đường dốc thi công, cho nên trong dân gian có câu nói “ngựa chở gạch đá đến đỉnh tháp”. Ở trung tâm mặt dưới của tháp chính mở một khám thờ hình vòm cuốn, bên trong đặt một pho tượng Phật bằng đá cẩm thạch. Hai tòa tháp nhỏ được điêu khắc các hình tượng Phật, hoa sen, mây lành, bình hoa v.v…

Ba tòa tháp đã được tu sửa nhiều lần. Trong quá trình tu sửa tháp Thiên Tầm, vào năm 1979 và năm 1987, các nhà khảo cổ đã khai quật hơn 680 hiện vật văn hóa khảo cổ thuộc thời kỳ nước Nam Chiếu và Đại Lý. Trong đó bao gồm các hiện vật quý hiếm có giá trị lịch sử rất lớn như cuộn tranh “Kim Cương Bàn Nhược Kinh”, “Đại Đà La Ni Kinh”… Đây đều là tư liệu hiện vật để nghiên cứu lịch sử của vương triều Nam Chiếu và Đại Lý.

Ba tòa tháp của Đại Lý có khả năng chống động đất rất thần kỳ. Theo ghi chép, vào ngày 06 tháng Năm năm Ất Hợi thời Chính Đức triều Minh (năm 1515), tháp Thiên Tầm “nứt gãy như chẻ tre”, mười ngày sau tự động nối liền lại, bình yên vô sự. Năm 1925, ở vùng Đại Lý xảy ra một trận động đất rất mạnh, 99% nhà cửa trong thành phố bị đổ sập, nhưng ba tòa tháp vẫn sừng sững bất động, chỉ có bảo tự trên đỉnh tháp chính bị rơi xuống.

Như vậy có thể thấy được ba tòa tháp đều có giá trị kỹ thuật kiến ​​trúc rất cao. Tại sao ba tòa tháp lại có khả năng chống động đất kỳ diệu như vậy, và có thể tự nối liền sau khi bị nứt? Điều này cho đến nay khoa học cũng chưa có lời giải thích hợp lý. Sự tồn tại của ba tòa tháp dường như cho thấy sự thần kỳ của Phật Pháp vậy.


Do Minh Tâm thực hiện

Tiểu Minh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x