Tác giả: Quá Khách
[ChanhKien.org]
Nói về lục đạo luân hồi ở trong truyền thuyết, đạo thiên thần được xếp vào vị trí thứ nhất, còn gọi là đạo thiên nhân; sự sắp xếp này căn cứ chiểu theo mức độ phúc đức lớn nhỏ mà sắp đặt, đạo thiên thần là nơi tốt đẹp nhất trong lục đạo, tầng thứ càng cao thì phiền muộn càng nhỏ và phúc báo càng lớn.
Phúc báo của thiên nhân còn được thể hiện ở ngoại hình; họ vô cùng xinh đẹp, mỗi người đều là những mỹ nữ tuấn nam, so với con người thế gian thì đẹp không biết là bao nhiêu lần. Thọ mệnh được quyết định bởi tầng trời họ ở, tầng càng cao thì thọ mệnh cũng dài lâu hơn, ít nhất cũng là vài trăm năm; nhưng không phải là thời gian ở nhân gian, một ngày của họ phải tương đương với rất nhiều năm ở thế gian. Có hành tinh trong hệ mặt trời phải mất hơn một trăm năm để quay hết một vòng quanh mặt trời, vì vậy một năm ở đó tương đương với hơn một trăm năm trên địa cầu.
Trong các đạo khác đều phải chịu khổ, duy chỉ có nơi đây là không có khổ, sinh vào nơi đây chính là đến để hưởng phúc. Cuộc đời của thiên nhân rất hạnh phúc, tầng thứ cao của thiên nhân cũng tựa hồ như bên ngoài tam giới vậy, nhưng họ vẫn có kỳ hạn; cho dù sinh mệnh ở đây có thể sống được bao nhiêu trăm năm, một khi thời hạn đến, họ vẫn sẽ phải nhập luân hồi trở lại.
Đời người chính là tu hành, nhưng không nhất thiết cứ phải tu luyện một cách rõ ràng minh xác thì mới nhập đạo thiên nhân; mà con người khi ở trong mê, khi còn sống nếu an phận giữ mình, không làm điều ác, làm nhiều việc thiện, giữ gìn phẩm hạnh thanh liêm, gieo phúc lành rộng khắp, nếu mà một đời kiên trì giữ vững được như thế thì cũng có thể vào thiên đạo để làm thiên nhân.
Đạo thiên thần có rất nhiều tầng trời. Trong ba giới là dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều có không gian trong đạo thiên thần; thế nên tầng thứ của thiên nhân cũng có khác biệt rất lớn, và quả báo cũng là không giống nhau. Ví như Đâu Suất Thiên nơi Phật Di Lặc ở chính là tầng trời thứ tư của cõi dục giới. Nhưng Ông ở đó không có nghĩa là cảnh giới của Ông thấp; Ông chỉ là thiết lập một điểm dừng chân tại tầng không gian đó; Phật Đà độ nhân cần hiển hiện ở trong mỗi từng cảnh giới, như thế mới không làm cho các sinh mệnh trong các tầng không gian đó cảm thấy kỳ lạ và khó hiểu. Khi Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về Phật Di Lặc đã nói rằng Ông là vạn Vương chi Vương, vạn Phật chi Phật (Vương của vạn Vương, Phật của vạn chư Phật), có nguồn gốc cực cao, do đó Ông mới có thể cứu độ chúng sinh vào thời mạt Pháp khi mà hết thảy Pháp đã không còn được nữa. Nếu không thì chỉ cần Phật Thích Ca Mâu Ni hạ thế một lần nữa là được rồi.
Thiên giới ở tầng thứ cao rất tốt đẹp, không nhiễm bụi trần; con người thế gian quét sạch đường phố trong thành thị liền cảm thấy rất tốt đẹp; thế nhưng ở nơi thiên giới ấy, toàn thể không gian, bất kể ở góc ngách nào cũng đều là không nhiễm bụi trần; các công trình kiến trúc đều được làm từ ngọc bích, mã não, vàng kim. Thiên nhân không cần phải lao động làm việc, bởi vì họ đến đây chính là để hưởng phúc, không lao động vậy thì thức ăn đến từ đâu? Tài nguyên ở đây vô cùng phong phú, dồi dào đến mức khắp nơi đều có thức ăn; chẳng hạn như hoa quả kết trái trên cây ở ven đường vô cùng ngọt, sau khi hái xong lại mọc trở lại. Người có phúc phận lớn ở thế gian thông thường khi ngồi ở nhà cũng được người ta đưa cho tiền, ra ngoài liền nhặt được tiền, muốn làm việc gì đều có người giúp đỡ, có người phục vụ; ý tứ đại khái là như vậy. Con người chúng ta luôn hy vọng tiết kiệm đủ tiền và tìm được một nơi ở an nhàn thoải mái sống hết nửa phần đời còn lại, trên thiên thượng đều là những người đã tích lũy được rất nhiều phúc phận nên ở không gian đó họ không có khổ phải chịu.
Bệnh tật và tuổi già là cái khổ ở thế gian con người, nhưng trên thiên thượng thì không có những thứ này; khi bạn già đi, các chức năng cơ quan của thân thể bạn sẽ không suy giảm thoái hóa đi chút nào; chỉ có điều ánh quang huy tỏa ra từ thân thể bạn sẽ dần dần yếu đi. Giống như bóng đèn điện, đến khi hoàn toàn không còn phát quang nữa thì họ chính là đã chết rồi; căn cứ theo những việc họ làm ở đời này mà sẽ quyết định cõi mà họ chuyển sinh đến. Các thiên nhân ở tại cảnh giới ấy không thể làm điều ác gì lớn, họ hầu hết vẫn sẽ chuyển sinh nơi thiên thượng hoặc là chuyển sinh vào đạo A Tu La và đạo nhân gian.
Trong Phật giáo có một câu chuyện kể rằng: Khi Phật Đà còn tại thế, có vị đệ tử tại gia tên là Jīvaka tinh thông y thuật, trong tăng đoàn có người bệnh đều sẽ tìm đến ông ấy để trị bệnh. Bởi vì công đức này mà sau khi Jīvaka qua đời, ông đã được chuyển sinh làm thiên nhân. Khi ấy, trong tăng đoàn lại có người mắc bệnh, tôn giả Mục Kiền Liên đã thi triển thần thông lên thiên thượng tìm ông, muốn Jīvaka trở lại nhân gian để trị bệnh.
Jīvaka đang dẫn các các thiên nữ đến tham dự vũ hội, trên thiên thượng quả thật có rất nhiều điều để thưởng ngoạn vui chơi hơn ở nhân gian. Sau khi nhìn thấy tôn giả, Jīvaka không dừng xe mà cứ ngang nhiên đi qua. Mục Kiền Liên trước đây là sư thầy đã quy y cho Jīvaka, ông cảm thấy Jīvaka đã rất vô lễ; ta đến thiên thượng để tìm ông, mà ông lại liếc một cái rồi bỏ đi. Vì thế liền dùng thần thông giữ chặt xe lại để hỏi cho rõ ngọn ngành, Jīvaka trả lời lại rằng: “Thời gian hưởng lạc yên vui ngắn ngủi, niệm nghĩa thầy trò thế nên mới nhìn ngài một cái, nếu là người khác thì đã chẳng quan tâm để ý đến rồi”.
Đây là điều hạn chế của thiên nhân, ở nơi đây muốn gì có nấy, có đủ điều thú vị; người ta sẽ trầm mê trong đó, thậm chí sinh xuất ra tâm ngạo mạn và lười biếng. Ở nhân gian cũng có tình huống tương tự, vì vậy người ta không thể quá thoải mái, chẳng phải có câu rằng “Sinh vu ưu hoạn, tử vu an lạc” (sinh tồn do ở ưu hoạn, tử vong do ở an lạc) hay sao?
Thiên nhân nơi cao tầng có thể hiểu rõ việc nhân quả; họ thấy rõ ràng rằng khi làm điều xấu sẽ có báo ứng, có tâm bất hảo nào sẽ sản sinh kết quả bất hảo như thế; như vậy họ tự nhiên sẽ không làm người xấu nữa. Không có mê thì rất khó tu luyện lên cao. Người thế gian sở dĩ có thể tu luyện rất nhanh, là bởi vì ở đây có mê. Có người lúc nào cũng truy cầu công năng, truy cầu khai thiên mục, nếu như để họ thấy rõ ràng minh bạch thì họ sẽ rất khó mà tu luyện lên được; người đã viên mãn hầu như không có cách nào tu tiếp nữa, cũng chính là vì nguyên nhân này. Khi người tu luyện ở thế gian xuất công năng, thông thường công năng của họ cũng rất hạn chế, có thể thấy không rõ, có thể thấy không toàn diện, có thể thấy đều là giả tượng. Chỉ có những điều Đại Giác Giả độ nhân nhìn được mới là chân tướng, giảng ra mới thực sự là chân Pháp.
Thiên nhân sở dĩ được gọi là thiên nhân, là bởi có nguyên do, thiên nhân ở nơi đây về cơ bản đều xuất thân từ phàm nhân nơi thế gian; súc sinh, ngạ quỷ và chúng sinh trong địa ngục khó có thể trực tiếp được đầu thai làm thiên nhân, trước tiên họ phải được đầu thai làm người mới có cơ hội tu thành thiên nhân. Nhưng thiên nhân nếu như làm phải việc không tốt, họ vẫn có thể bị chuyển sinh vào bất kỳ một đạo nào khác ở bên dưới. Sinh mệnh học những điều tốt thì rất khó, nhưng học những điều xấu thì lại rất dễ dàng.
Có người lo lắng nhọc tâm, vất vả gian khổ tu luyện lên, hễ không cẩn thận liền bị rơi rớt xuống, vậy còn cần thiết phải tu luyện không? Sinh mệnh dễ dàng bị rơi rớt xuống, đây là nói đến tình huống nội trong Tam giới; còn ở bên ngoài Tam giới muốn rớt xuống thì quá khó rồi, hầu như đều là chủ động hạ xuống để hoàn thành một số sứ mệnh nào đó. Vậy nên khi tu luyện cần phải hạ quyết tâm tu luyện đến cùng, tu thành chính quả, nhảy xuất khỏi tam giới, thì mới không uổng phí một đời này.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286951
Ngày đăng: 20-01-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org