Một nàng dâu nghèo và một nàng dâu giàu gặp gỡ nhau hai lần, nhưng số phận hai người trước sau đã đổi chỗ, cuối cùng họ cùng nhau chia sẻ thiện tâm hiếm có trên đời. Vì một cặp túi thêu có chứa thỏi vàng mà họ đã kết được thiện duyên, thay đổi cuộc sống của nhau.
Vào thời cổ đại, ở những khu vực đông dân cư, mỗi khi đến ngày lành tháng tốt để thành hôn thì thường sẽ có hơn chục gia đình đồng thời tổ chức hôn lễ. Một ngày nọ, có hai gia đình chuẩn bị gả con gái, một nhà rất giàu có, còn một nhà thì rất nghèo. Khi họ đi được nửa đường thì kiệu rước dâu của hai gia đình gặp nhau. Lúc này trời bỗng đổ mưa to, phu khiêng kiệu của hai gia đình đều đưa kiệu vào trong bưu đình (nhà trạm trên đường dành cho người truyền tin hoặc đưa thư nghỉ ngơi) rồi tự đi tìm chỗ trú mưa.
Nàng dâu nhà nghèo ngồi trong kiệu khóc lóc rất thương tâm, nàng khóc mãi không dừng. Nàng dâu nhà giàu nghe được tiếng khóc thì cảm thấy động lòng, liền sai tỳ nữ đến hỏi nàng ấy vì sao lại thương tâm như vậy. Nàng dâu nhà nghèo trả lời: “Nhà mẫu thân tôi nghèo lắm, giờ lại gả cho con của một người ăn mày, không biết sau này sẽ khổ cực như thế nào nữa, thế nên tôi rất buồn.” Nàng dâu nhà giàu cảm động trước những lời này, cảm thấy tội nghiệp và đồng cảm, liền lấy ra hai túi thơm được thêu hoa sen từ của hồi môn của mình, mỗi túi đựng một thỏi vàng nặng chừng hơn 20 lạng. Nàng sai tỳ nữ trao tận tay nàng dâu tội nghiệp kia, nói rằng bởi vì tình cờ gặp nhau, không biết tặng quà gì tốt hơn, những thỏi vàng này có thể dùng để đổi lấy một ít tiền, tránh sau này phải chịu cảnh đói lạnh. Nàng dâu nghèo đã nhận những thỏi vàng này.
Đang lúc nàng định hỏi tên họ của đối phương thì trời cũng vừa tạnh, phu kiệu thúc giục mọi người khiêng kiệu, sau đó đường ai nấy đi. Sau khi nàng dâu nghèo về nhà chồng, nàng đã giao lại cho trượng phu hai thỏi vàng mà nàng dâu nhà giàu kia tặng, dùng làm vốn liếng để kinh doanh. Hai phu thê họ rất chăm chỉ, bắt đầu từ buôn bán nhỏ, dần dần việc buôn bán càng làm càng lớn, gia đình họ rất nhanh trở nên giàu có. Nàng dâu nghèo nhanh chóng trở thành một thương nhân lớn ở địa phương, sau đó mua được rất nhiều đất đai và trang viên. Tuy nhiên tài sản nàng mua đều mua theo cặp, mua đất nhất định phải mua hai mảnh, mua nhà cũng nhất định phải là hai căn giống hệt nhau, tiền lãi kiếm được từ việc kinh doanh cũng được chia thành hai phần, người khác đều không hiểu được ý định của nàng. Nàng rất hào phóng rộng rãi, được người dân bản xứ gọi là “thiện nhân.”
Sau khi kết hôn hơn mười năm, nàng dâu nghèo mới sinh được một cậu con trai, nàng coi con như châu báu, cẩn thận tuyển chọn nhũ mẫu cho con. Sau khi nhũ mẫu đến, tỳ nữ và người hầu chỉ vào một tòa nhà nhỏ ba tầng ở phía sau nhà, dặn dò nhũ mẫu rằng: “Mỗi sáng sau khi tắm rửa sạch sẽ, chủ mẫu (danh từ xưa chỉ người vợ cả, chính thất) đều cầm lư hương lên lầu. Cô không được lên lầu, nếu làm trái quy định, cô sẽ bị phạt.” Nhũ mẫu hỏi lý do thì mọi người đều bảo: “Chúng tôi đã ở đây hơn mười năm rồi, tất cả mọi người đều không biết, chỉ biết là phải tuân thủ quy định mà thôi.”
Nhũ mẫu nuôi nấng cậu bé lớn dần lên, đến ngày có thể chạy nhảy khắp nơi trong nhà. Một hôm cậu bé muốn leo lên lầu, nhũ mẫu ngăn lại, cậu bé òa khóc, nhũ mẫu đành phải theo cậu đi lên lầu. Chỉ thấy trong lầu chẳng có vật gì ngoại trừ một lư hương và một cái khám hướng về phía Nam, phía trước có một bức màn che chắn lại. Nhũ mẫu vén bức màn lên nhìn hồi lâu, đột nhiên bật khóc nức nở. Người hầu nghe thấy tiếng khóc bèn thưa với chủ mẫu, sau đó dẫn nhũ mẫu đến trước mặt chủ mẫu để hỏi tội.
Nhũ mẫu nhận tội, thật thà nói: “Tiểu lang muốn leo lên lầu, tôi sợ cậu bé ngã, trong lúc vội vàng không suy nghĩ thấu đáo, đã mạo phạm quy định. Nên xử phạt như thế nào, tôi đều không có lời oán trách.”
Chủ mẫu hỏi nàng tại sao lại khóc, nhũ mẫu rưng rưng nước mắt thưa: “Tôi nhìn thấy túi thơm thêu hoa sen treo ở bên trong, nó rất giống với chiếc mà tôi đã cho vào tay áo khi xuất giá. Vào ngày hôm đó, ở trên đường đi, tôi đã tặng chiếc túi thơm cùng thỏi vàng đựng bên trong cho một tân nương khác. Khi đó, cả nhà mẹ đẻ và nhà chồng tôi đều rất giàu có, vậy nên tôi không để tâm đến hai thỏi vàng này, cũng không biết chúng trân quý như thế nào. Không ngờ hôm nay tôi lại sa sút đến bước này.” Nói xong, nàng lại khóc lớn, các tỳ nữ đều quát to ngăn nàng lại.
Chủ mẫu hỏi nàng: “Cô xuất giá ngày nào, tháng nào, năm nào?” Nhũ mẫu trả lời chính xác ngày xuất giá. Chủ mẫu lại hỏi: “Ngày hôm đó gặp trời mưa đúng không?” Nhũ mẫu đáp: “Nếu trời không mưa thì túi thơm hoa sen đó vẫn ở đây với tôi.” Chủ mẫu nghe xong thì trầm mặc không nói, cũng không trách móc, chỉ đi tìm trượng phu. Nhũ mẫu cho rằng mình sẽ bị đuổi việc, càng trở nên buồn bã hơn.
Ngày hôm sau, chủ nhân sai người giăng đèn kết hoa trang trí ngôi nhà, còn mời một gánh hát, giống như chuẩn bị tiệc lớn chiêu đãi khách quý, tất cả mọi người thân thích họ hàng đều được mời tới. Đến lúc khai tiệc, trong sảnh sắp xếp hai bàn tiệc, phía trên sảnh đặt hai chiếc ghế, bên cạnh đặt hai chiếc bàn nhỏ, trên đó chất đầy sổ sách cao khoảng một thước. Chồng của nhũ mẫu ở bên ngoài, chủ mẫu sai bốn người hầu mời anh ta đến, bốn tỳ nữ khác cũng mời nhũ mẫu ra khỏi phòng, dặn họ ngồi ở hai chiếc ghế phía trên, ngồi yên chờ đợi.
Sau đó, vợ chồng chủ mẫu bước tới cúi lạy hai vợ chồng nhũ mẫu, sau khi đứng dậy thì nói rằng: “Người nhận thỏi vàng của ân nhân năm xưa chính là hai phu thê chúng tôi. Nếu không có hai thỏi vàng đó, chúng tôi cũng không có ngày hôm nay. Vì vậy, chúng tôi đã cất túi thơm thêu hoa sen của ân nhân trên gác, chính là để bày tỏ sẽ vĩnh viễn không quên ân đức của ân nhân. Ngày nào tôi cũng thắp hương lễ bái, mong có ngày gặp lại ân nhân, vậy nên gia sản đều chia làm hai, một mình tôi không dám độc chiếm. Hôm nay, chúng tôi đã được ông trời chiếu cố, cuối cùng đã không cô phụ ân tình này. Bây giờ đất đai và tài sản ở đây đều đã chia thành hai phần, chúng tôi giữ một nửa, xin ân nhân nhận nửa còn lại.” Đồng thời, họ hướng tới người nhà biểu thị rằng không nên có bất kỳ dị nghị nào.
Vợ chồng nhũ mẫu bối rối đến mức không biết phải làm sao, chỉ có thể nói đi nói lại rằng “Không dám, không dám.” Chủ nhà thúc giục mọi người ngồi xuống, bắt đầu kính rượu. Yến tiệc bắt đầu, tiếng nhạc của gánh hát cũng vang lên. Yến tiệc vui vẻ kéo dài mãi đến hai giờ sáng, sau đó họ sai người hầu thắp đèn đưa phu phụ nhũ mẫu đến nghỉ lại ở căn nhà phía đông, giường chiếu, chăn mền và đồ đạc trong nhà không khác gì của chủ nhân.
Có người hoài nghi, phải chăng vợ chồng nhũ mẫu chỉ ngồi mát ăn bát vàng, may mắn có được kết cục tốt như vậy? Kỳ thực, chính nhờ lòng trắc ẩn và hành động thiện lương của nàng năm đó, nàng dâu nghèo mới có ngày giàu có hôm nay. Còn nàng dâu nghèo sau khi trở nên giàu có thì mong muốn báo đáp ân nhân. Đây chính là vận mệnh an bài, lẽ nào ông trời lại tùy tiện ban phúc cho con người hay sao?
Epoch Times Tiếng Việt