Vào thời nhà Thanh, ở Trùng Khánh có vị Hiếu liêm Chúc Xuân Hải. Thời nhà Hán, “Hiếu liêm” vốn là một loại khảo hạch khoa mục lúc quan viên mới nhận chức, đến thời Minh và Thanh, chuyển thành danh xưng chỉ cử nhân. Chúc Xuân Hải là thần đồng siêu việt, lúc mới sinh đã có thể nói được, lên tám tuổi đã học thuộc 13 bộ kinh điển của Nho gia như “Kinh Thi”, “Hiếu Kinh”, chín tuổi thì vào trường học, 14 tuổi thi trúng cử nhân.
Cha mẹ muốn tìm cho anh ta một cô nương có gia cảnh môn đăng hộ đối để kết hôn, nhưng Chúc Xuân Hải kiên quyết không đồng ý. Cha mẹ gặng hỏi mãi, Chúc Xuân Hải mới nói ra một bí mật đã giữ kín hơn mười năm: Kiếp trước anh ta là Đinh Thời Tương, người làng Hà Trạch, tỉnh Sơn Đông, năm 18 tuổi vì học hành khắc khổ, tâm sức cạn kiệt thổ huyết mà chết. Vợ anh ta là Chân Thị, lúc ấy mới mới 17 tuổi, là con gái nhà gia thế ở vùng đất ấy, không chỉ xinh đẹp mà còn hiền tuệ. Lúc anh sắp chết, hai người đã phát lời thề nguyền “kiếp sau vẫn kết làm phu thê”. Trên tay Chúc Xuân Hải nay vẫn có dấu tích chu sa, chính là ký hiệu mà người vợ Chân Thị đã khắc lên. Cha mẹ nghe xong vô cùng kinh ngạc, chấn kinh hồi lâu, mới nói: “Nếu sự tình quả thực như lời con nói, Chân Thị năm nay đã gấp đôi tuổi của con rồi, khoảng cách tuổi tác chênh lệch quá lớn, mà con gái nhà thế gia vì bảo toàn danh tiết rất khó đồng ý tái giá”. Chúc Xuân Hải nói: “Xin cha mẹ phái người đến đó dò hỏi đã rồi nói, nếu tình hình quả thực có thay đổi sẽ bàn bạc lại sau.”
Cha mẹ thấy sự việc như vậy cũng không miễn cưỡng việc con trai kết hôn nữa, chỉ có thể chiếu lệ, tạm thời trì hoãn cho qua. Mùa xuân năm sau, Chúc Xuân Hải đến Bắc Kinh tham dự cuộc thi ở bộ Lễ. Nhân cơ hội này, anh cố ý đi đường vòng qua Sơn Đông thăm cha mẹ kiếp trước, những điều anh nói đều hoàn toàn thống nhất nên mọi người đều nhận ra nhau. Tuy nhiên, người vợ kiếp trước của anh, Chân Thị trốn tránh không gặp, chỉ cho một tỳ nữ mang ra một bức thư. Sau khi đọc thư xong, Chúc Xuân Hải đã viết lên bìa thư tám chữ “Nguyện thỉ lai sinh nhưng vi phu thê” (Nguyện kiếp sau vẫn kết làm phu thê) như một lời đáp. Chân Thị nhìn thấy đây là lời thề viết tay của người chồng đã mất Đinh Thời Tương, lúc này mới hoàn toàn tin: Chúc Xuân Hải là người chồng Đinh Thời Tương đã mất chuyển kiếp tái sinh. Cô nhất thời kích động òa khóc.
Chúc Xuân Hải nhờ một người mai mối làm bà mối, và Chân Thị cũng đồng ý tái hôn, mối quan hệ của họ sau khi kết hôn rất tốt. Mặc dù Chân Thị đã ngoài ba mươi nhưng cô ấy trông giống như một phụ nữ ở độ tuổi đôi mươi vậy. Chúc Xuân Hải đã viết “Lưỡng thế duyên truyền kỳ” (Truyền kỳ nhân duyên ở hai kiếp) để ghi nhớ sự việc này.
Câu chuyện này không chỉ được ghi lại trong “Dực quynh bại biên” do Thang Dụng Trung thời nhà Thanh viết, mà trong quyển 5 của “Thanh bại loại sao” cũng ghi chép “Chúc Xuân Hải tái kết duyên vợ chồng”, điều này cho thấy tuyệt không phải là không có chứng cứ, độ tin cậy rất cao.
Câu chuyện này cho thấy rõ con người không chỉ có nhục nhân, mà nguyên thần mới là gốc rễ của sinh mệnh. Nhục thân mất đi nhưng nguyên thần sẽ luân hồi chuyển thế, thuyết hữu thần mới là chân tướng của sinh mệnh, còn thuyết vô thần là một giả thuyết phi lý. Hơn nữa, sự việc này cũng cho thấy tầm quan trọng của lời thề, khi Chúc Xuân Hải sắp qua đời ở kiếp trước đã có lời thề “Kiếp sau vẫn kết làm phu thê”, kết quả là kiếp này hai người đã thực sự vượt qua khoảng cách tuổi tác để kết nhân duyên thêm lần nữa. Mặc dù từ trên bề mặt có vẻ là kết quả của những nỗ lực mang tính chủ động của Chúc Xuân Hải, nhưng từ một mặt khác cũng thấy đó là sức mạnh thực hiện lời thề ước.
Có thể thấy rằng khi con người thề thốt, Thần sẽ ghi chép và giám sát việc thực hiện lời thề, cho dù con người không chủ động thực hiện lời thề, thì Thần cũng sẽ an bài để nó được thực hiện trong tương lai.
Đức Huệ thực hiện
Lý Mai biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt