Năm 1405, ba anh em thiếu niên người Flemish là Herman, Pol, và Jean Limbourg bắt đầu một công việc theo đơn đặt hàng mà thành quả của họ làm thay đổi nghệ thuật tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng (illumination) và hội họa.
Hoàng tử Jean, Công tước xứ Berry và là con trai thứ ba của Vua Jean Đệ nhị của Pháp quốc, là một nhà bảo trợ nghệ thuật xa hoa. Ông đã ủy thác cho ba anh em tạo ra tác phẩm “The Beautiful Hours of Jean of France, Duke of Berry” (Sách tụng kinh đẹp mắt của Jean nước Pháp, Công tước xứ Berry.)
Nhiều đôi tay đã tham gia tạo ra 172 tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng trong bản thảo này, công việc mất tới bốn năm để hoàn thành. Công tước xứ Berry đã thuê riêng một người chép lại những cuốn sách tụng kinh hàng ngày của mình (lúc đó ông có 14 cuốn). Hai họa sĩ tạo các đường viền và một người khác viết các chữ cái bắt đầu cho cuốn bản thảo, đó là những chữ cái được sơn son thiếp vàng ở đầu các phần hoặc đoạn văn.
Trong mỗi cuốn sách tụng kinh hằng ngày (kinh nhật tụng), các họa sĩ đã làm cho bức tranh về Đức mẹ Đồng trinh Maria trở nên sang trọng nhất. Làm việc trong cung điện của công tước đã giúp ba anh em họ có được những loại bột màu quý hiếm và xa xỉ. Họ mài bột để tạo ra màu keo có màu giống đá quý. Tác phẩm “Annunciation” (Thiên sứ truyền tin) là một ví dụ điển hình về việc sử dụng các loại bột màu này trên thực tế, và đó là trang duy nhất trong tác phẩm “Beautiful Hours” mà các anh em nhà Limbourg hoàn thành.
Bức tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng phong phú về cả màu sắc và ý nghĩa. Thiên sứ Gabriel cầm ba nhành hoa huệ tây (mỗi đóa hoa đang nở ở một giai đoạn khác nhau) tượng trưng cho sự thánh khiết của Đức Mary. Đức Mary và thiên sứ Gabriel đều chắp tay trước ngực, thể hiện sự khiêm nhường của họ. Thiên sứ Gabriel chỉ ngón trỏ về phía Đức Mẹ Mary, tượng trưng cho việc ngài đang nói và hình ảnh Chúa trên thiên đàng đang giữ thế tay làm cử chỉ ban phước. Những tia nắng vàng (tượng trưng cho Lời Chúa) rơi xuống Đức Mẹ Maria trong khi một chú chim bồ câu (tượng trưng cho Thánh Linh) bay lượn trên đầu bà.
Các anh em đã vẽ những thiên thần, nhà tiên tri, các nhạc sĩ thiên sứ, và gia huy của công tước trong đường viền màu xanh rực rỡ, cùng với hình ảnh những chú gấu và thiên nga (các biểu tượng trên huy hiệu của công tước) tinh nghịch len lỏi qua những cuộn lá hoa lan tây (acanthus) của Ý.
Những bức tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng truyền cảm hứng
Phong cách trang trí hiệu ứng ánh sáng tiên phong của anh em nhà Limbourg đã nâng tầm giá trị của loại hình nghệ thuật này và ảnh hưởng đến sự phát triển của các truyền thống tranh phong cảnh và miêu tả sinh hoạt đời thường phương Bắc.
Các bức tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng của họ minh họa cho phong cách Gothic Quốc tế, một phong cách tao nhã đã đạt đến độ hoàn thiện vào những năm 1400 khi phong cách hội họa của Pháp và Ý hội tụ. Trong phong cách này, “Sự trang nhã của đường nét, sự tinh tế của màu sắc, và độ sắc nét như ngọc được đánh giá cao hơn tất cả,” theo cuốn “A World History of Art” (Lịch Sử Nghệ Thuật Thế Giới) của tác giả Hugh Honor và John Fleming.
Khi ông Pol đến thăm nước Ý, ông đã lấy cảm hứng từ những bức bích họa của các danh họa người Ý là Taddeo Gaddi (con đỡ đầu của họa sĩ Giotto) và Ambrogio Lorenzetti. Sau chuyến đi của mình, những hình trang trí hiệu ứng ánh sáng của ông Pol đã bắt chước và vượt qua cách vẽ theo trường phái tự nhiên và phối cảnh tuyến tính đơn giản của các họa sĩ người Ý. Ngoài ra, cả ba anh em đều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Byzantine, nền nghệ thuật mà họ đã quan sát thấy trong Trường phái hội họa Sienese – trường phái đi theo truyền thống Byzantine.
Ba anh em đã sử dụng phối cảnh, và bằng cách kết hợp các hình khối và kiến trúc, thậm chí bằng cách đưa vào các bóng đổ, họ đã vẽ ra [các tác phẩm] vô cùng chân thực. Nhưng những hình khối này vẫn có vẻ ngoài dài hẹp hơn, đó là đặc trưng của phong cách hội họa Gothic Quốc tế.
Tác phẩm “Beautiful Hours” đặc biệt ở chỗ ba anh em đã đưa vào trong đó bảy loạt câu chuyện miêu tả các nhân vật hoặc sự kiện của Cơ Đốc Giáo mà vị công tước cảm thấy tâm đắc, chẳng hạn như Thánh Catherine tử vì đạo. Ngoài ra, thay vì kết hợp các hình ảnh trang trí hiệu ứng ánh sáng vào phần văn bản, ba anh em đã đưa vào những tiểu họa độc lập được đặt riêng biệt với phần chữ viết.
Di sản
Nhiều người xem tác phẩm “Beautiful Hours” nổi bật của anh em nhà Limbourg là một thử nghiệm cho kiệt tác “The Very Rich Hours of the Duke of Berry” (Sách cầu nguyện tráng lệ của Công tước xứ Berry), được ca ngợi là ví dụ điển hình nhất còn sót lại của tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng phong cách Gothic Quốc tế. Đáng buồn thay, ba anh em và công tước đều qua đời vào năm 1416, có lẽ là do bệnh dịch, để lại tác phẩm “The Very Rich Hours of the Duke of Berry” còn đang dang dở.
Mặc dù cả ba anh em đều qua đời trước tuổi 30, nhưng họ đã để lại một di sản lâu dài. Nhà sử học nghệ thuật E.H. Gombrich trong cuốn sách “The Story of Art (Câu Chuyện Nghệ Thuật)” đã nói về họa sĩ ưu tú người Hà Lan thế kỷ 15 Jan van Eyck: “Ông ấy phần nào theo đuổi các phương pháp của anh em nhà Limbourg, và đưa chúng lên một tầm vóc hoàn hảo đến mức ông đã vượt qua cả những ý tưởng của nghệ thuật thời trung cổ.”
Danh họa Van Eyck vượt xa nghệ thuật thời trung cổ, và các tác phẩm của anh em nhà Limbourg tiếp tục truyền cảm hứng cho các họa sĩ Phục Hưng Bắc Âu. Ví dụ: trong “The Beautiful Hours,” ba anh em đã đặt các nhân vật, đồ vật, và các công trình kiến trúc trong các bố cục để thể hiện độ sâu trường ảnh, vốn là điều tiên phong vào thời điểm đó, và là điều mà các họa sĩ Flemish thế kỷ 16 đã phát triển tiếp trong tranh phong cảnh và tranh miêu tả cảnh sinh hoạt đời thường của họ. Một số họa sĩ đã sao chép các nhân vật trong những tranh trang trí hiệu ứng ánh sáng này, và một số thậm chí còn đi xa đến mức sao chép toàn bộ các bố cục đó.
Epoch Times Tiếng Việt