Trong dòng chảy của văn hóa truyền thống, văn hóa e thẹn của phụ nữ không chỉ là một nét đẹp tinh tế mà còn là biểu tượng sâu sắc của đạo đức và phẩm hạnh.
Từ phong tục sử dụng quạt che mặt trong lễ cưới đến những giá trị đạo lý được gửi gắm qua từng hành động nhỏ, sự e thẹn đã trở thành một phần không thể thiếu, phản ánh lối sống khiêm nhường và ý thức cộng đồng của xã hội xưa.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá nguồn gốc, ý nghĩa và những biến chuyển của văn hóa e thẹn, từ những nét đặc trưng trong nghi lễ truyền thống đến những suy ngẫm về giá trị của nó trong bối cảnh hiện đại, nhằm tìm hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của phẩm chất này trong việc định hình bản sắc văn hóa.
Văn hóa e thẹn
Trong lễ cưới, một người hầu cận mang đến một chiếc quạt và đưa cho cô dâu. Chiếc quạt này là một chiếc quạt tròn (đoàn phiến), cán quạt và mặt quạt đều trong suốt như băng, phần tua quạt cũng trong suốt, rất tinh khiết. Đây chính là chiếc quạt “Sơ Thấu Thủy Liêm”.
“Sơ Thấu Thủy Liêm” được dùng như một cách nói ẩn dụ để miêu tả sự tinh tế, sự trong suốt hoặc sự dễ dàng nhìn thấu của một điều gì đó.
Cô dâu cầm chiếc quạt lên, đưa ra trước mặt. Qua chiếc quạt, dung nhan của cô trở nên dịu dàng, nhu mì, toát lên vẻ từ bi, hiền hậu, không còn chút nào dáng vẻ mạnh mẽ, quyết liệt như trước kia.
(Quạt trong tiếng Hán đồng âm với chữ “thiện”, mang ý nghĩa tốt lành. Theo phong tục xưa, cô dâu phải dùng quạt để che mặt trong lễ cưới, chỉ sau khi bái đường mới được bỏ quạt xuống. Hành động này mang hai ý nghĩa: một là che đi sự e thẹn, hai là nhắc nhở người phụ nữ rằng từ nay về sau phải giữ vẻ mặt từ bi, hiền hậu, sống nhu mì, nhân hậu.)
Chữ “thẹn” (羞) có ý nghĩa gì? Trong văn tự giáp cốt, bên trái là chữ “dương” (羊), bên phải là chữ “xú” (丑), chữ “dương” dài hơn, che khuất chữ “xú”. Đến thời chữ Triện, “dương” ở trên, “xú” ở dưới, vẫn che khuất chữ “xú”. Sau này, “dương” vừa ở trên vừa ở bên trái, “xú” nằm ở góc phải dưới, nhưng vẫn bị “dương” che khuất. Chữ “dương” tượng trưng cho sự thiện lương, chỉ người thiện lương mới biết đến sự e thẹn. Biết thẹn là ranh giới đạo đức cơ bản nhất của con người.
Với phụ nữ, việc biết e thẹn được coi là điều vô cùng quan trọng. Nếu một dân tộc mà ngay cả phụ nữ cũng không còn biết thẹn, thì dân tộc đó được xem là đã suy tàn hoàn toàn.
Chữ “thẹn” thường xuất hiện trong các từ ghép liên quan đến dung nhan, như “thẹn thùng”, “nhan thẹn”, “e lệ”… Dù một người phụ nữ có dung mạo xinh đẹp đến đâu, nhưng nếu cô ấy không biết giữ gìn, thường xuyên phô bày vẻ đẹp của mình một cách không phù hợp, thì đó cũng là một điều xấu, gọi là “không biết thẹn, không biết xấu”.
Bởi lẽ, trên đời này không chỉ có phụ nữ mà còn có đàn ông. Là con người, chúng ta cần nghĩ cho người khác. Khi một người phụ nữ phô bày vẻ đẹp của mình, có thể cô không có ý nghĩ gì sâu xa hay dục vọng, nhưng hành động đó có thể khơi dậy dục vọng trong lòng đàn ông. Một khi lòng dục vọng của đàn ông bị kích thích, điều này dễ dẫn đến những hậu quả tiêu cực, thậm chí làm gia tăng sự hỗn loạn trong quan hệ nam nữ.
Có người sẽ nói: “Tại sao lại có quá nhiều ràng buộc với phụ nữ như vậy? Đàn ông động lòng thì cũng đổ lỗi cho phụ nữ sao? Mọi thứ đều quy tội cho phụ nữ à? Vậy phụ nữ phải ăn mặc xuề xòa, trở thành người xấu xí hết sao?” Không phải như vậy.
Vẻ đẹp là một món quà trời ban, việc thể hiện vẻ đẹp một cách phù hợp không có gì sai. Trong truyền thuyết, khi Thiên Bồng Nguyên Soái động lòng với Hằng Nga, Ngọc Hoàng chỉ trừng phạt Thiên Bồng, không hề trách Hằng Nga. Mọi việc đều nằm ở cái “tâm”, không chỉ ở hình thức bên ngoài. Điều muốn nói ở đây là phụ nữ cần giữ gìn sự thanh tịnh, vừa để bảo vệ phẩm hạnh của mình, vừa để tránh gây ảnh hưởng không tốt đến người khác.
Ngày đại hôn, cô dâu đẹp đẽ biết bao, dễ khiến người khác động lòng. Để tránh những rắc rối không cần thiết, cô dâu cần che mặt, cũng gọi là che đi sự e thẹn. Đây cũng là một biểu hiện của lòng thiện.
Chữ “thẹn” có ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội, mang nội hàm sâu sắc. Hơn nữa, “thẹn” (羞) đồng âm với “tu” (修), hàm ý rèn luyện, tu dưỡng. Nếu phụ nữ không còn biết thẹn, phong thái xã hội sẽ suy đồi đến mức đáng sợ. Thậm chí, hiện nay có những quan niệm như “nữ truy nam” (phụ nữ chủ động theo đuổi đàn ông), nói một cách thẳng thắn, đó chẳng phải là không biết thẹn sao? Tuy nhiên, bản chất của vấn đề này không hoàn toàn là lỗi của phụ nữ, mà là do văn hóa truyền thống đã bị mai một.
Dù là nam hay nữ, cho dù bề ngoài có vẻ “mạnh mẽ” đến đâu, bạn vẫn là con người. Nếu đi ngược lại đạo trời, chắc chắn sẽ bị tổn phúc, tổn lộc, tổn thọ – điều này không cần bàn cãi.
Quay lại phong tục bỏ quạt trong lễ cưới, chiếc quạt còn mang ý nghĩa của sự “thiện”. Sau khi xuất giá, người phụ nữ cần trở nên dịu dàng, nhu mì, từ bi, hiền hậu.
Dù thời gian và xã hội hiện đại đã mang đến nhiều thay đổi, tinh thần e thẹn – với ý nghĩa của sự khiêm nhường và trách nhiệm – vẫn giữ một giá trị đáng trân trọng. Trong bối cảnh ngày nay, việc giữ gìn tinh hoa văn hóa e thẹn không phải để áp đặt khuôn khổ, mà để tiếp nối những bài học về đạo đức và sự hài hòa, góp phần xây dựng một xã hội cân bằng và nhân văn hơn.
Mỹ Mỹ biên tập
Xem thêm
Vạn Điều Hay