Một học sinh tiểu học lớp 6 bỗng nhiên muốn nhảy lầu tự tử tại trường. Bởi vì tên của cậu bé không được tôn trọng. Hóa ra từ lớp 1, các bạn cùng lớp đã đặt cho cậu bé một biệt danh dựa theo âm giống với của tên của cậu. Cậu bé đã chịu đựng biệt danh vô cùng “đáng ghét” này trong suốt 5-6 năm. Cuối cùng cậu bé đã bùng phát… Như vậy, chúng ta nên đặt tên cho con của mình như thế nào?
Bạn có còn nhớ khi mình 7-8 tuổi, hoặc thời thơ ấu, mọi người gọi và xưng hô với bạn như thế nào không?
(Người dẫn chương trình): Nói chung, ở Trung Quốc đại lục, bạn sẽ có một cái tên ở bên ngoài và một cái tên ở nhà. Những người trong gia đình sẽ gọi bạn bằng tên ở nhà. Bị người nhà gọi thì không sao, nhưng nếu bị người ngoài gọi bạn bằng tên ở nhà thì sẽ cảm thấy rất xấu hổ, bởi vì tên ở nhà thường là một tên không được hay lắm.
Đặt tên không hề khó, chỉ cần nắm vững hai phương diện
Trên thực tế, việc đặt tên rất quan trọng. Có lần một học sinh hỏi tôi: “Cô ơi, vợ của em sắp sinh con rồi, em nên đặt tên gì cho tốt đây? Cô có thể cho em chút gợi ý không?”
Bây giờ có những người rất thích tìm thầy bói để đặt tên cho con mình. Nếu muốn xem bói thì vị học sinh này nên tìm người khác. Nhưng cái tên thực sự có một chức năng rất quan trọng – đó là cách người khác gọi bạn. Một cháu bé 7-8 tháng tuổi, khi có ai đó gọi tên, bé sẽ biết là có người đang gọi mình và cháu sẽ có phản ứng. Vì vậy, cháu bé nhất định sẽ quay đầu lại và nhìn vào biểu cảm trên gương mặt của người đã gọi tên mình. Do đó, tôi nói với học sinh của mình một nguyên tắc rất đơn giản: Bất kể ai đặt tên cho con trẻ, cho dù ý nghĩa của cái tên đó hay đến đâu, bạn chỉ cần quan tâm đến hai điều: Thứ nhất là âm điệu, thứ hai là phản ứng trên gương mặt của người gọi tên cháu.
Có nghĩa là, âm thanh của cái tên này không nên tạo ra cảm giác là đang đi xuống hoặc không còn hy vọng. Tiếp theo, khi người khác gọi cái tên này, biểu cảm của họ sau khi phát âm xong thì khóe miệng sẽ hướng lên và cảm giác khuôn mặt tươi cười. Những tên gọi như vậy thì khá ổn rồi.
Chúng tôi cũng phát hiện ra, có rất nhiều từ ngữ tốt đẹp, cho dù là Đức ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ hay Hoa ngữ… khi được phát âm xong gương mặt sẽ có nét cười. Đây là điều rất kỳ diệu. Ngôn ngữ và cảm xúc của con người có mối liên hệ mật thiết với nhau như vậy đó, và có thể tạo ra rất nhiều mối quan hệ rất tốt đẹp giữa người với người.
Tôi rất chú trọng điều này trong công việc của mình. Cho dù tôi nhận được một giấy giới thiệu hay phiếu đăng ký, trên đó đều sẽ có tên của trẻ em, nhưng tôi sẽ không trực tiếp gọi tên của các em. Chắc chắn sẽ có phụ huynh hoặc giáo viên đi cùng cháu bé, tôi sẽ gọi tên của người lớn và hỏi: Phụ huynh (nào đó) có ở đây không?. Lúc đó, người lớn sẽ trả lời là “có”. Sau khi người lớn dẫn cháu bé vào, đợi cháu ngồi xuống. Tôi sẽ hỏi cháu rằng: “Chào con, cô có thể gọi con như thế nào đây?”. Tại sao lại hỏi như vậy? Thứ nhất, tôi tôn trọng cháu bé. Thứ hai, nhiều cháu trong cuộc sống thường bị đặt biệt hiệu, biệt danh.
“Đừng gọi tôi bằng biệt danh nữa!”
Có một ví dụ như thế này, một em học sinh lớp 6 đến để được tư vấn khẩn cấp. Lúc ấy tại trường học, em học sinh này muốn nhảy lầu, một chân của cậu bé đã bước ra ngoài lan can rồi, làm cho mọi người vô cùng sợ hãi. Vì vậy, giáo viên đã nhanh chóng gọi điện đến phòng khám của tôi, hy vọng sẽ có thể nhanh chóng giải quyết. Tuy lúc đó đã sắp tới giờ tan làm rồi, nhưng đương nhiên tôi lập tức tiếp nhận giải quyết trường hợp này. Khi cháu bé đến, tôi vẫn hỏi cháu: “Con muốn cô gọi tên con như thế nào?”. Cháu bé vừa nghe xong liền khóc lớn.
Trong quá trình phát triển của trẻ em, tên gọi là một trong những khái niệm rất quan trọng. Có những lúc cháu bé vì bị gọi tên như vậy mà đã xảy ra những trải nghiệm không vui vẻ, cho nên cháu cũng rất ghét tên gọi đó. Khi vào mẫu giáo, trẻ sẽ được gọi bằng tên chính thức, nhưng khi được giáo viên gọi bằng tên chính thức lại thường gắn liền với những trải nghiệm rất không vui. Chẳng hạn như khi trẻ được gửi đến nhà trẻ, trẻ cứ khóc mãi cho đến khi cháu bị đưa vào nhà vệ sinh và bị nhốt. Điều này khiến trẻ có một liên kết trí nhớ mạnh mẽ, bất cứ khi nào nghe thấy tên chính thức, cháu sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Vì vậy, khi tôi nhìn thấy tên của học sinh này, có lẽ tôi đã đoán được điều gì đó. Cậu ấy cho biết, từ năm lớp 1 cho đến bây giờ, mọi người đều gọi cậu bằng biệt danh (biệt danh có phát âm giống với tên gọi của cháu) khiến cậu ấy rất buồn. Cậu đã gắng sức thay đổi 5-6 năm rồi, nhưng rất nhiều đứa trẻ khác vẫn kiên trì gọi cậu như vậy. Cứ 2 năm, cậu bé lại chuyển lớp khác, những bạn học mới lại bắt đầu gọi cậu như thế. Thế nên, hôm đó cậu bé không thể chịu đựng được nữa. Cậu nói: “Nếu các bạn còn gọi mình như vậy thì mình sẽ nhảy lầu cho mọi người xem”. Có đứa trẻ bên cạnh còn trêu đùa nói: “Nhảy đi, nhảy đi!”. Lúc đó, cậu bé cũng biết rằng nhảy xuống dưới rất đau, nhưng nếu không nhảy cũng không được. Cậu không biết phải làm sao? Cuối cùng, một chân cháu đã bước ra ngoài lan can, lúc này một số học sinh phát hiện có điều không ổn nên chạy đi tìm giáo viên nhờ giúp đỡ.
Em học sinh chọc tức cậu bé có phải là cố ý không? Thực ra, cậu bé cũng chưa hiểu chuyện. Có một điểm quan trọng ở đây, bạn có biết cháu bé học câu “Nếu bạn gọi tôi như vậy một lần nữa, tôi sẽ nhảy lầu” từ ai không? Đó là những gì cậu bé học được trong thực tế cuộc sống. Chính là những gì cha mẹ cậu bé nói khi họ tranh cãi. Vì vậy, tôi đã dành nhiều thời gian, không phải để giải quyết vấn đề của trẻ em mà là vấn đề của người lớn. Sau khi giải quyết vấn đề của gia đình xong thì tình trạng con trẻ sẽ ổn.
Học hỏi từ thế giới tự nhiên
Tôi nghĩ rằng, thực ra con người chúng ta luôn muốn làm thế nào để sống tốt. Và tôi nghĩ chúng ta có đối tượng để học hỏi, đó chính là toàn bộ vũ trụ và thế giới tự nhiên. Thế giới tự nhiên này có lý tương sinh tương khắc, có sự thống nhất hai mặt đối lập, đây là một nguyên tắc rất thực tế. Chúng ta dựa theo những phép tắc này để học cách đối nhân xử thế. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng, vì bạn có “cái tên” này, có thể có tác động tiêu cực về mặt này, nhưng bạn có thể nhận được gì tốt đẹp ở phía mặt bên kia? Tôi nghĩ đây là một câu hỏi đáng suy nghĩ. Tôi đã từng nói về việc, khi con tôi bị đánh, tôi vẫn có thể thuận theo sự việc đó mà ảnh hưởng tích cực đến những cháu bé khác. Nếu không thì tôi đã tức giận không chịu nổi nữa rồi.
(Người dẫn chương trình): Hồi đó con tôi ném đá con người khác, chúng tôi đã xin lỗi họ và đưa cháu đi bệnh viện kiểm tra, may mắn là không có vấn đề gì nhưng cháu bé vẫn gây khó dễ. Nên chúng tôi mua những món quà mà cháu yêu thích. Bây giờ, con tôi đã lớn, nhưng cháu vẫn còn nhớ rất sâu sắc sự việc đó. Vì vậy, thực sự để chuyển biến những chuyện như vậy theo chiều hướng tốt không dễ chút nào.
Tại sao tôi tên là “Trần Ngạn Linh”
Cuối cùng, liên quan đến việc đặt tên, còn có một chìa khóa khác: Ai đã đặt cái tên này? Điều này thể hiện sự mong đợi của người đó đối với đứa trẻ. Giống như việc cha mẹ đặt tên cho tôi. Tôi có về hỏi cha mẹ tại sao lại đặt tên mình như thế này? Cái tên này thể hiện sự kỳ vọng của cha mẹ đối với việc nuôi dưỡng tôi. Chữ “Ngạn” thực ra là một cái tên nam tính, ngụ ý là có tri thức uyên bác. Vì vậy, tôi biết rất rõ những gì cha mẹ kỳ vọng ở tôi. Vậy tại sao lại gọi là “Linh”? Kỳ thực, lúc đầu không phải chữ “Linh”, mà gọi là chữ “Du” trong từ “Chu Du”. Nhưng lúc đó mẹ tôi nghĩ rằng “Ngạn Du” quá nam tính nên đã đổi thành “Ngạn Linh”.
Cái tên có ý nghĩa sâu sắc đối với sự trưởng thành trong cuộc đời của một con người. Thông thường, để chúng ta hỗ trợ các giáo viên dạy học, cũng như giúp đỡ kỹ năng cho các phụ huynh, thì đây là một bài học rất quan trọng.
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 49
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Lý Âu biên tập
Tử Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt