Lưu Thương là thi sỹ thời Đường, sở trường về thơ Nhạc phủ. Ông là người đã viết bài “Hồ Già thập bát phách” (Kèn Hồ Già mười tám điệu phách), đương thời rất được mọi người ưa thích, phù hợp mọi lứa tuổi. Trẻ em, phụ nữ đều hát nó, thuộc lòng toàn bộ. Trong tuyển tập “Toàn Đường thi” tập hợp các bài thơ thời Đường do Hoàng đế Khang Hy chỉ đạo thực hiện lưu chép rất nhiều bài thơ của Lưu Thương.
Lưu Thương không chỉ là một nhà thơ mà còn là một họa gia. Ông đã sớm bái Trương Tảo làm thầy. Trương Tảo giỏi vẽ tranh sơn thủy, cây cối, đá núi, vẽ cây tùng thì càng “xuất chúng xưa nay”, người đương thời xưng là “Thần phẩm” (vật phẩm do Thần tạo ra). Câu thành ngữ “song quản tề hạ” (hai bút cùng vẽ) chính là bắt nguồn từ Trương Tảo. Nó dùng để chỉ việc ông một tay cầm hai cây bút đồng thời vẽ tranh. Một cây bút vẽ cành cây xanh biếc, cây bút kia vẽ cành cây khô, chỉ một lần là xong, bức tranh sống động chân thật.
Vì có danh sư chỉ dạy, Lưu Thương sau đó chuyên học vẽ sơn thủy, cây cối, đá núi. Đương thời có họa gia Tất Hoành cũng có sở trường vẽ cây tùng và đá. Vì vậy, người thời đó chỉ mong có được bức tranh vẽ cây tùng, đá núi do Lưu Thương và Tất Hoành vẽ. Ai có được đều cảm thấy trân quý muôn phần. Đương thời, người ta miêu tả thế này: “Lưu Lang trung tùng thụ cô tiêu, Tất Thứ tử tùng căn tuyệt diệu.” (Cây tùng của Lưu Lang trung cao khiết, gốc tùng của Tất Thứ tử tuyệt diệu.) [Lang trung và Thứ tử là chức quan của Lưu Thương và Tất Hoành.]
Lưu Thương, không rõ năm sinh và năm mất, thi đỗ tiến sĩ trong những năm Đại Lịch (766 – 779). Tính cách của ông cao thượng hào phóng. Ông sinh ra trong một gia đình quan chức, phụ thân là Hình bộ Thượng thư Lưu Đức Uy, tổ phụ (ông nội) Lưu Tử làm Thứ sử Tề Châu, Thông thủ quận Bì Lăng, tằng tổ (cố nội) Lưu Chẩn giữ chức Gián nghị Đại phu của Bắc Tề.
Lưu Thương tinh thông cả văn lẫn họa. Ông cũng dấn thân vào con đường làm quan giống như phụ thân và các vị tổ tiên. Vào những năm Trinh Nguyên thời Đường Đức Tông (785 – 805), Lưu Thương giữ chức quan Tỷ bộ ty Viên ngoại lang, sau đổi sang giữ chức Ngu bộ ty Viên ngoại lang. Vài năm sau, ông được chuyển sang làm Kiểm hiệu Binh bộ Lang trung. Sau đó, ông lại làm Phán quan quan sát Biện Châu.
Nhưng, người tài hoa như Lưu Thương không mong quan chức mà chỉ thích tu Đạo. Mỗi lần ông gặp được Đạo sỹ đều bái làm thầy, trợ lực giúp đỡ. Bản thân Lưu Thượng cũng cần mẫn luyện đan phục khí mỗi ngày.
Ngày tháng dần qua, Lưu Thương thấy được thân thể của mình ngày càng già đi, cũng cảm thấy thế sự vô thường, nhất là khi tận mắt chứng kiến thầy của mình là Trương Tảo vì liên can đến loạn An Sử mà bị giáng chức và buộc phải rời khỏi kinh thành. Khi đó, Lưu Thương vì những điều thầy mình gặp phải đã vô cùng đau buồn mà viết bài thơ:
“Đài thạch thương thương lâm giản thủy, khê phong niệu niệu động tùng chi.
Thế gian duy hữu Trương thông hội, lưu hướng Hành Dương na đắc tri.”
(Tạm dịch: Rêu đá thẫm xanh soi nước suối, gió khe tha thướt động cành tùng.
Thế gian chỉ có Trương hiểu rõ, trôi dạt Hành Dương ai biết chăng.)
Ông cảm thán ngày tháng quá vội vàng ngắn ngủi, sống trên đời mệt mỏi khổ đau, cầu được vinh quang phù phiếm hay quan chức thế gian thì có ích gì? Lưu Thương nghĩ, tất cả các bậc hiền nhân cổ đại đều từ quan, tìm cầu Đạo thuật, hầu hết trong số họ có thể siêu thoát trần thế thành Tiên. Các con của ông cũng đều đã thành gia lập thất. Ông cho rằng bản thân thực sự không nên lụy vào thế tục nữa.
Vì vậy, ông lấy lý do thân thể có bệnh để từ chức Phán quan quan sát Biện Châu.
Lưu Thương cởi bỏ quan phục, mặc lên Đạo phục, rời nhà vân du về phía đông.
Một ngày nọ, Lưu Thương đến Quảng Lăng (nay là Dương Châu, tỉnh Giang Tô), khi đi vào chợ trong thành, ông nhìn thấy một Đạo sỹ đang bán thuốc. Mọi người vây kín xung quanh sạp hàng, khen ngợi thuốc Đạo sỹ bán rất linh diệu. Lưu Thương cũng theo đám đông vây quanh. Lúc này, Đạo sỹ nhìn thấy Lưu Thương trong đám đông, ông đột ngột đặt thuốc trong tay xuống, im lặng không rao bán nữa. Sau đó, Đạo sỹ đi tới trước mặt Lưu Thương, nắm lấy tay ông dẫn về phía một tửu lâu. Nguyên nhân là vì Đạo sỹ nhìn ra được Lưu Thương khác với người thường, là một người phi phàm.
Lưu Thương đi theo Đạo sỹ vào tửu lâu. Đạo sỹ gọi ngay một bàn đồ ăn và rượu. Hai người ngồi xuống, Đạo sỹ thường xuyên mời rượu Lưu Thương, rồi ung dung bàn luận chuyện lịch sử các triều đại từ thời Tần Hán. Mỗi câu chuyện Đạo sĩ nói đều rất chân thực như thể ông ấy tận mắt chứng kiến. Lưu Thương im lặng lắng nghe, trong lòng cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Ông biết Đạo sỹ trước mặt là một người phi thường nên đối đãi rất tôn kính, giống như đối đãi với sư phụ của mình. Sau đó, Lưu Thương nói với Đạo sỹ một câu ẩn ý: “Đạo thuật của Thần Tiên rất khó học được.”
Đến tối, Lưu Thương về quán trọ nghỉ ngơi. Đạo sỹ cũng xuống lầu chuẩn bị rời đi. Lưu Thương nhìn thấy Đạo sỹ nghiêng mình một cái liền biến mất, ông càng cảm thấy kinh ngạc hơn.
Ngày thứ hai, Lưu Thượng lại đến chợ tìm Đạo sỹ. Đạo sỹ lúc này vẫn đang bán thuốc như cũ. Vừa nhìn thấy Lưu Thương, Đạo sỹ càng vui mừng hơn, lại dẫn Lưu Thương vào tửu lâu uống rượu. Trong lúc uống rượu tán gẫu rất cao hứng, Đạo sỹ lấy ra một túi thuốc nhỏ đưa cho Lưu Thương, vừa ngâm rằng:
“Vô sự đáo Dương Châu, tương huề thượng tửu lâu.
Dược nang vi tặng biệt, thiên tải cánh hà cầu.”
(Tạm dịch: Đến Dương Châu không vì việc gì, cùng dắt nhau lên tửu lâu.
Tặng túi dược để tạm biệt, ngàn năm còn cầu gì hơn nữa.)
Lưu Thương viết lại bài thơ đạo này. Hai người uống rượu tâm tình tới khi trời tối mới tạm biệt rời đi.
Ngày hôm sau, Lưu Thương lại đến chợ tìm Đạo sỹ nhưng không thấy ông ấy đâu cả. Sau đó, Lưu Thương nhiều lần quay lại tìm nhưng không bao giờ gặp lại Đạo sỹ nữa.
Một ngày nọ, Lưu Thương mở túi thuốc nhỏ mà Đạo sỹ đưa cho. Sau khi giở lớp giấy gói ra, thấy bên trong có chín hạt thuốc hình dạng giống như những hạt gai dầu. Lưu Thương theo khẩu quyết của Đạo sỹ dùng thuốc, đột nhiên cảm thấy tinh thần sảng khoái, không còn cảm giác đói nữa, cảm thấy cơ thể thật nhẹ nhàng.
Sau đó, Lưu Thương đến hang Trương Công ở Nghi Hưng. Vì yêu thích cảnh sắc suối Táo Họa, ông dựng gian nhà tranh ở Hồ Phụ Chử, Nghĩa Hưng, (nay là Trương Chử, Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô), sống ẩn cư trong núi.
Một người tiều phu trên núi từng gặp Lưu Thương. Ông tự xưng: “Tôi là Lưu Lang trung”. Nhưng không ai biết ông sống nơi nào. Tương truyền ông đã tu thành Địa Tiên rồi.
Epoch Times Tiếng Việt