Monday, September 16, 2024

Mỹ phẩm thiên nhiên trong Đại quan viên: Phụ nữ thời xưa trang điểm như thế nào?

Liên Quan

Phấn lót, màu mắt, son môi… các loại mỹ phẩm trang điểm thời nay rực rỡ muôn màu, nhiều vô kể. Trên bàn trang điểm của các cô gái, chẳng phải có đủ bình bình lọ lọ bày một bàn lớn hay sao? Thế nhưng, bạn có từng nghĩ, các thiếu nữ thời xưa dùng đồ trang điểm gì, hiệu quả như thế nào? Chúng ta hãy từ trong “Hồng Lâu Mộng”, cuốn tiểu thuyết được mệnh danh là “Bách khoa toàn thư cổ đại” để tìm câu trả lời nhé!

“Hồng Lâu Mộng” là một tác phẩm nổi tiếng miêu tả vận mệnh bi hoan của các tiểu thư khuê các thời xưa. Trong đó, những miêu tả liên quan đến việc các thiếu nữ trang điểm có thể tìm thấy rất nhiều. Hồi thứ 44 “Nảy sinh bất trắc, Phượng tỷ ghen tuông; Vui mừng quá đỗi, Bình Nhi trang điểm” có một đoạn ngắn nói về “Bình Nhi trang điểm.” Tác giả dùng bút mực, tường tận tái hiện quá trình các thiếu nữ trang điểm và đồ trang điểm cao cấp thuần thiên nhiên mà các nàng sử dụng.

Trong hồi này nói, hôm đó là sinh nhật của mợ hai Giả phủ Vương Hi Phượng, nhưng nàng nảy sinh xung đột với phu quân là Giả Liễn. Phu thê họ mượn rượu vừa đánh vừa cãi nhau, lại không hẹn mà cùng đánh chửi đại a hoàn Bình Nhi trong nhà cho bõ tức. Đáng thương cô gái vô tội vừa thông minh lại thanh tú này phải chịu ủy khuất, váy áo nhàu nhĩ, phấn son trang điểm cũng vì khóc mà trôi mất.

Lúc này, bên trong Đại quan viên, ‘hộ hoa sứ giả’ Giả Bảo Ngọc vội mời Bình Nhi đến sân viện của mình để an ủi, không chỉ thay ca ca và tẩu tẩu nói lời xin lỗi, còn đau lòng khi thấy Bình Nhi với trang phục xộc xệch, dung mạo lem luốc, bèn mời nàng thay bộ y phục sạch, lại giúp nàng chỉnh sửa dung nhan. Nhờ vậy, chúng ta đã may mắn xem được quá trình trang điểm của các thiếu nữ trong Đại quan viên.

Một phần bức “Đối kính sĩ nữ đồ”, do Chu Bản thời nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Một phần bức “Đối kính sĩ nữ đồ”, do Chu Bản thời nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Bước đầu tiên: Bôi phấn thơm

Đợi Bình Nhi thay xiêm áo, rửa mặt xong, Giả Bảo Ngọc mời Bình Nhi đến ngồi trước bàn trang điểm, đưa đồ trang điểm tốt nhất ở trong nhà ra. Chỉ thấy Giả Bảo Ngọc mở một “Hộp sứ Tuyên Dao,” bên trong xếp ngăn nắp một hàng mười thỏi ngọc trâm phấn hoa. Bảo Ngọc nhặt lên một thỏi đưa cho Bình Nhi, còn ân cần giới thiệu: “Đây không phải bột chì, đây là hạt giống hoa nhài tím, nghiền nát rồi trộn với hương liệu chế ra.” Bình Nhi trút một ít vào trong lòng bàn tay, quả nhiên là “nhẹ, trắng, hồng, thơm, bốn điểm đều tuyệt,” trong lòng đã có phần thích thú. Nàng đem bột hoa nhài xoa đều trên mặt, cảm thấy nước da trơn mịn, không giống như các loại phấn thông thường “xanh, nặng, bết, ráp.”

Phấn thơm, chính là phấn lót thời xưa, sớm nhất thì có thể ngược dòng tìm hiểu về thời Chiến Quốc. Chất liệu lấy bột gạo và bột chì làm chủ. Bột gạo thiên nhiên nhưng dễ bị vón cục, bột chì dùng trang điểm hiệu quả tốt nhưng lại có độc tính. Các cô gái thích chưng diện muốn lựa chọn, quả thực là khó khăn. Về sau, công nghệ chế tác phấn thơm của cổ nhân càng ngày càng cao siêu, xuất hiện loại phấn lót cao cấp giống như hoa nhài, vừa trắng đẹp lại có công hiệu dưỡng da cao cấp.

Điều chế phấn hoa hoa nhài tím cần nghiên cứu kỹ lưỡng. “Trúc tự sơn phòng tạp bộ” thời nhà Minh đã ghi chép một cách chế ra “phấn ngọc trai”: “Đất sét trắng một tiền [1] rưỡi, Bạch chỉ bỏ vỏ một lạng, Ngọc trai nghiền nát năm phân, xạ hương nhất tự [2], khinh phấn hai tiền, Ưng điều năm tiền, Mật đà tăng đã sao qua bảy lần – một lạng, Kim bạc năm miếng, Ngân bạc năm miếng, Chu sa năm tiền, Phiến não một ít, đem tán thành bột mịn. Cho loại bột thượng đẳng theo đúng định lượng trên vào đầu hoa ngọc trâm (Hoa ký chủ), đem hấp cách thủy, hoa chuyển màu xanh đen là được. Lấy ra trộn đều. Bôi đều lên mặt sẽ rất sáng và óng ánh.” Đầu tiên nghiền hạt giống hoa nhài thành bột, thêm trân châu, kim bạc, ngân bạc và các loại bột hương liệu, cho hỗn hợp bột vào nụ hoa ký chủ và hấp cho đến khi cánh hoa chuyển sang màu xanh đen là được.

Một hộp phấn thơm nhỏ xinh, bên trong dùng hạt giống của hoa, thuốc Đông y, thậm chí cả châu báu, còn được đựng trong những nụ hoa mềm mại, khi dùng chỉ cần mở nụ hoa ra, thực sự rất đẹp mắt lại tiện lợi.

Bước thứ hai: Điều chế phấn hồng

Sau lớp phấn nền thì nên dùng mỹ phẩm màu. Cách trang điểm phổ biến nhất thời cổ đại là dùng phấn hồng. Đây là một loại mỹ phẩm màu lấy nguyên liệu hoa màu đỏ và màu xanh chế tạo thành, có thể dùng cho môi và má, có tác dụng như son môi và má hồng ngày nay. Hầu hết, phấn má đều được nhuộm trên giấy, nhưng ở Đại quan viên, Giả Bảo Ngọc là một bậc thầy về chế tác phấn má. Bảo Ngọc chê phấn má bên ngoài không sạch sẽ, lúc thoa lên có màu nhợt nhạt, vì vậy phấn má trong phòng của cậu ấy được đặc chế riêng.

Lại xem phấn hồng mà Bình Nhi sử dụng, được đặt trong một chiếc hộp nhỏ tinh xảo bằng ngọc trắng, giống như cao hoa hồng. Bảo Ngọc giới thiệu: “Đây là loại phấn má thượng hạng được vắt lấy nước cốt, lọc thật sạch cặn bã và hấp với sương hoa nhiều lần mà thành. Chỉ cần đầu cây trâm khêu một chút bôi vào lòng bàn tay, hòa tan với một chút nước và bôi nó lên môi, còn lại trong lòng bàn tay là đủ để bôi vào má.” Binh Nhi trang điểm theo, quả nhiên khí sắc trở nên hồng nhuận, diễm lệ khác thường; lại thêm hương thơm của đóa hoa tỏa ra, khuôn mặt giống như đóa phù dung, tỏa hương thơm ngát.

Bình Nhi chải đầu trang điểm xong, Bảo Ngọc vẫn cảm thấy chưa đủ, vì vậy đã dùng kéo trúc cắt xuống một cành hoa huệ cài lên mái tóc của nàng. Sau khi được Bảo Ngọc một phen tỉ mỉ tân trang, dung mạo của Bình Nhi trông rực rỡ hẳn lên. Bảo Ngọc cũng bởi thế mà cảm thấy khuây khỏa vì mình đã cố gắng hết sức trước mặt nàng ấy.

Bởi vì Bình Nhi tạm thời sửa sang trang điểm, cho nên tác giả chỉ miêu tả hai loại phấn son. Trong các hồi khác của “Hồng Lâu Mộng”, cũng thỉnh thoảng nhắc đến các loại mỹ phẩm, khiến các mỹ nữ trong Hồng Lâu Mộng vốn xinh đẹp tự nhiên càng thêm rực rỡ muôn phần.

Hình ảnh Lâm Đại Ngọc, trong bức “Đại Ngọc táng hoa” trong “Thập nhị thoa đồ sách”, do Phí Đan Húc người nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Hình ảnh Lâm Đại Ngọc, trong bức “Đại Ngọc táng hoa” trong “Thập nhị thoa đồ sách”, do Phí Đan Húc người nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Vẽ lông mày

Bảo Ngọc và Đại Ngọc lần đầu gặp mặt, Giả Bảo Ngọc đã động lòng trước đôi lông mày điểm màu khói nhạt, dường như cau mà lại không cau của Lâm Đại Ngọc, liền hào hứng muốn đặt tên cho nàng, thậm chí còn bịa ra một bộ thuyết pháp: “Có một hòn đá ở phía tây tên là Đại, có thể dùng thay thế mực kẻ lông mày.” Bút kẻ lông mày thời cổ đại đã phát triển đơn giản từ cành liễu cháy, cho đến đá hình con ốc được nhập từ ngoại quốc, có thể thấy mức độ coi trọng kẻ lông mày của phụ nữ thời xưa. Trong cuốn “Thích Danh” có nói đến “Đại”, “Xóa bỏ lông mày đi và dùng nó vẽ thay vào.” “Đại” là một trong những công cụ lý tưởng để vẽ lông mày. Giống như ngày nay, phụ nữ cũng muốn loại bỏ lông mày gốc đi, sử dụng bút chì để vẽ hình lông mày theo ý muốn.

Lông mày đối với phụ nữ ngày xưa có quan trọng không? Nàng dâu mới gả về thỉnh giáo phu quân xem mình trang điểm đúng mực chưa, cũng chỉ hỏi một câu “Chàng xem lông mày thiếp vẽ đậm nhạt vậy được chưa?” Hình thái của lông mày cũng biến thiên theo triều đại, phát triển ra hình dạng thiên biến vạn hóa. Các loại lông mày như lông mày hình núi xa, lông mày chữ bát, lông mày ngài, lông mày rộng v.v, chỉ xem tên gọi thôi cũng khiến cho người ta hoa mắt.

Trong Đại quan viên, không chỉ Đại Ngọc, những người khác cũng có lông mày hình dáng đặc biệt, ví như “hai hàng lông mày cong như lá liễu” của Vương Hi Phượng, “tuấn nhãn tu mi” của Thám Xuân. Tin rằng ngoại trừ Tiết Bảo Thoa “lông mày không vẽ mà xanh” ra, phần lớn các nàng đều sẽ dùng bút vẽ lông mày thượng đẳng, tinh tế phác họa ra kiểu dáng lông mày mà mình thích. Điều này chỉ có ở các cô gái trong Hồng Lâu, mỗi người đều mang theo một phong thái yêu kiều diễm lệ.

Nhuộm móng tay hoa

Sơn móng tay cũng được phụ nữ ngày xưa yêu chuộng. Trong Hồi thứ 51 “Hồng Lâu Mộng” có nhắc đến việc thầy thuốc đến bên giường Tình Văn chẩn bệnh. Tình Văn từ sau màn che vươn tay ra, bàn tay năm ngón thon thả, có hai móng tay để dài ba tấc, còn có vết tích nhuộm đỏ của hoa kim phượng. Đại phu tưởng rằng đây là thiên kim tiểu thư, vội vàng quay đầu không dám nhìn thẳng. Có thể thấy, đôi tay của Tình Văn được chăm sóc rất tốt, thích dùng cách nhuộm móng để làm đẹp hơn một mức, không hổ thẹn là nha hoàn đẹp nhất trong Đại quan viên.

Thời xưa, nguyên liệu nhuộm móng chủ yếu là hoa phụng tiên màu đỏ. Hoa Kim phượng mà Tình Văn sử dụng cũng thuộc về loài hoa phụng tiên. Liên quan tới việc chế ra nước nhuộm móng và phương pháp nhuộm móng, cuốn “Quý Tân tạp thức” thời Nam Tống có ghi chép đầy đủ: Đem cánh hoa Phụng tiên giã nát, cho thêm một chút phèn chua; sau khi rửa sạch móng tay, đem nó phủ lên móng tay, dùng vải quấn lại để qua đêm. Sau khi nhuộm màu lần thứ nhất, màu sắc sẽ khá nhạt, nhưng không sao, liên tục nhuộm thêm dăm ba lần, móng tay sẽ đỏ tươi giống như son. Phương pháp nhuộm màu này có độ bền cao, màu sắc có thể giữ gìn đến lúc mọc ra móng tay mới. Cổ nhân sơn móng tay, so với hiện tại chẳng phải còn lành mạnh hơn sao?

Hình ảnh Sử Tương Vân, trong bức “Tương Vân túy ngọa” của “Thập nhị thoa đồ sách”, do Phí Đan Húc người nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)
Hình ảnh Sử Tương Vân, trong bức “Tương Vân túy ngọa” của “Thập nhị thoa đồ sách”, do Phí Đan Húc người nhà Thanh vẽ. (Ảnh: Tài sản công)

Thuốc quý trị da mẫn cảm

Phái nữ ngày nay thường dùng “Thuốc làm đẹp,” mà cổ nhân trí huệ đã bắt đầu sử dụng từ rất sớm. Trong “Hồng Lâu Mộng” có một loại thuốc làm đẹp nổi tiếng và quý giá mà ai gặp cũng thích – Tường vi tiêu. Hồi thứ 59 nói, Tương Vân sáng sớm tỉnh dậy, lúc rửa mặt chải đầu phát hiện hai má bị ngứa, lo lắng mắc bệnh “nấm hoa đào,” liền hỏi Bảo Thoa mượn Tường vi tiêu. “Nấm hoa đào” là triệu chứng do làn da bị dị ứng dễ phát vào mùa xuân, cho nên Tương Vân trước khi trang điểm phải dùng sản phẩm dưỡng da tiêu viêm, mới có thể tiếp tục trang điểm. Tường vi tiêu không chỉ thiết yếu với các tiểu thư, mà các nha hoàn nếu có được một ít sẽ xem như bảo bối để làm quà tặng nhau. Vậy Tường vi tiêu là linh dược như thế nào?

Tường vi tiêu là dùng Tường vi lộ cùng ngân tiêu chế thành. Ngân tiêu đại khái là một loại thuốc có thể tiêu độc, quý là ở Tường vi lộ. Tường vi có công hiệu phục hồi cơ bắp, giúp da dẻ mượt mà, có hiệu quả nhất định đối với trị liệu làn da bị dị ứng. Trong “Bản thảo cương mục” ghi chép, ở Nam Phiên có một loại Tường vi lộ hương thơm nồng đậm, nghe nói chính là lấy từ nước chưng cất của loài hoa này chế thành.

Trong “Quần phương phổ”, mọi người chế Tường vi lộ, đã dùng phương pháp ngâm Tường vi thay thế nước chưng cất hoa, hoặc đổi sang dùng hoa nhài. Phương pháp chế ra lộ hoa thiên nhiên, lấy chưng cất làm chủ đạo. Thông thường, thời xưa, cả trăm cân cánh hoa chỉ có thể rút ra một bình nhỏ lộ hoa, khó trách chỉ có danh gia vọng tộc hoa tươi phủ gấm, vô cùng giàu có mới dám dùng đến Tường vi tiêu.

Hiểu biết về những mỹ phẩm truyền thống với chất liệu thượng đẳng và cách làm độc đáo này, chẳng phải các chị em phụ nữ chúng ta cũng cảm thấy rất ngưỡng mộ hay sao?

Chú thích:

[1] Tiền: Giá trị đo đếm mỗi triều đại có sự khác nhau: thời nhà Tống, 10 phân bằng 01 tiền, 10 tiền bằng 01 lạng; đến thời nhà Minh – Thanh, hai tiền rưỡi bằng 01 phân, 01 lạng bằng 01 tiền.

[2] “Nhất tự” là dựa vào loại tiền Khai Nguyên Thông Bảo thời xưa, trên đồng tiền có khắc bốn chữ Khai Nguyên Thông Bảo, xúc mạt thuốc lấp đầy các chữ đó là lượng của nhất tự.


Lan Âm

BTV Epoch Times Hoa Ngữ


Vương Du Duyệt biên tập

Sương Sương biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x