Monday, September 16, 2024

Tại sao vị đạo sĩ lại tránh mặt kẻ đang trộm rau trong vườn nhà mình?

Liên Quan

Nếu phát hiện có ai đó đang trộm rau trong vườn nhà mình thì bạn sẽ hét thật lớn để bắt kẻ trộm, hay sẽ lặng lẽ tránh đi, đợi người kia đi khuất rồi mới bước ra? Có lẽ rất nhiều người sẽ chọn cách đầu tiên. Tuy nhiên, trong lịch sử, thực sự đã có một người không như vậy, khi trông thấy có kẻ đang trộm rau thì vội vàng tìm chỗ ẩn nấp, đợi đến khi trộm đủ rồi bỏ đi, lúc này ông mới bước ra.

Câu chuyện của ông được ghi chép rõ ràng trong sử sách. Người này chính là Thẩm Đạo Kiền, được người đời xưng tụng là “Khiêm hòa ẩn sĩ”, sống vào thời Tống triều, thuộc thời kỳ Nam Bắc Triều.

Thẩm Đạo Kiền là người huyện Vũ Khang, quận Ngô Hưng, nhà ở dưới chân núi Thạch Sơn thuộc phía Bắc huyện thành. Thuở thiếu thời, Thẩm Đạo Kiền đã có tấm lòng nhân ái, rất thích đọc sách Lão Tử và Kinh Dịch, tín ngưỡng Phật Pháp, nhờ đó mà nổi tiếng khắp vùng.

Năm 402, Tôn Ân vì thất bại sau cuộc khởi binh chống lại nhà Đông Tấn nên đã nhảy xuống biển tự vẫn. Sau cuộc nổi loạn, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, Thạch Sơn nơi Thẩm Đạo Kiền sinh sống cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Huyện lệnh lúc đó là Dữu Túc Chi rất ngưỡng mộ nhân cách của Thẩm Đạo Kiền, do đó đã đón ông đến vùng hoang vắng thuộc phía Nam của huyện thành, rồi dựng cho ông một căn nhà nhỏ. Từ nơi này có thể ngắm cảnh sông núi và một khe suối nhỏ ở trước mặt.

Tuy nhiên, Thẩm Đạo Kiền không vì điều kiện sinh hoạt của bản thân đã được cải thiện mà quên đi họ hàng thân thích ở quê nhà. Ông thường quay trở về căn nhà cũ ở Thạch Sơn, đem số tiền ít ỏi có được phân chia cho những người con của huynh trưởng nhưng đã thành cô nhi; bất luận khó khăn như thế nào, ông vẫn không thay đổi phẩm chất. Quận phủ và châu phủ từng 12 lần mời ra làm quan nhưng ông đều cự tuyệt.

Thẩm Đạo Kiền có lòng trắc ẩn thương người, ngoài câu chuyện tránh mặt kẻ trộm rau được lưu truyền ở trên ra, thì còn nhiều câu chuyện khác về ông được người đời không ngừng nhắc đến.

Ví như có một hôm, một người đến trộm măng ở sau nhà của Thẩm Đạo Kiền, Thẩm Đạo Kiền ngay lập tức nhờ người đến khuyên nhủ rằng: “Những cây măng đó có thể phát triển ra rất nhiều, nếu nhổ đi thì thật đáng tiếc, tôi có thể tặng anh những cây măng tốt hơn”, nói rồi liền sai người đi mua măng tươi về tặng cho người ăn trộm. Người trộm măng trong lòng cảm thấy xấu hổ, do đó không nhận măng mà rời đi. Thẩm Đạo Kiền lập tức sai người đưa số măng đó đến nhà anh ta.

Trong thời gian ở ẩn, Thẩm Đạo Kiền kiếm sống chủ yếu bằng cách nhặt nhạnh những đồ mà người khác không cần hoặc vứt bỏ. Có một lần, trong đám người cùng nhặt đồ thì có hai người vì một ít bông lúa mà xảy ra tranh chấp, Thẩm Đạo Kiền tiến đến khuyên ngăn nhưng cả hai người đều không nghe lời ông. Ông liền đem tất cả những thứ mà mình đã nhặt được chia hết cho hai người kia, gương mặt họ lộ vẻ xấu hổ, vô cùng thẹn thùng. Về sau, khi sự việc tranh chấp tương tự lại xảy ra thì bọn họ đều nói rằng: “Thôi bỏ đi, việc này đừng để Thẩm cư sĩ biết được !”

Vào mùa đông, Thẩm Đạo Kiền không có y phục chống rét. Khi Đới Ngung, con trai của người bạn thân Đới Quỳ của ông hay tin, liền đón ông về nhà, may y phục mùa đông, rồi còn đưa biếu ông một vạn tiền. Thẩm Đạo Kiền sau khi về nhà thì đem tất cả tiền bạc và y phục phân hết cho các cháu của mình, còn bản thân thì cam lòng chịu giá rét.

Những người trẻ tuổi trong làng đều tìm đến ông để cầu học, nhưng Thẩm Đạo Kiền rất nghèo, thường ăn không đủ no, do đó không bảo đảm được thời gian lên lớp. Huyện lệnh huyện Vũ Khang lúc bấy giờ là Khổng Hân sau khi biết chuyện thì liền phái người đem đến rất nhiều vật tư để Thẩm Đạo Kiền yên tâm dạy học. Trong các học trò của ông có không ít người gặt hái được thành tựu.

Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long sau khi biết chuyện cũng phái người đến hỏi thăm, đồng thời còn ban thưởng 3 vạn tiền và 2,000 đấu gạo. Toàn bộ những thứ này đều được Thẩm Đạo Kiền sử dụng làm chi phí cưới hỏi cho các cháu trai và cháu gái. Triều đình chiêu mộ ông ra làm Viên Ngoại Tán Kị Thị Lang, nhưng ông vẫn từ chối.

Gia đình Thẩm Đạo Kiền mấy đời đều tín phụng Phật Pháp. Ông cho sửa ngôi nhà cũ nơi phụ thân và tổ phụ từng sinh sống thành một chùa miếu. Vào ngày mồng 8 tháng 4 mỗi năm đều tổ chức cúng tế phụ thân và tổ phụ.

Thẩm Đạo Kiền về già thì ăn chay. Mặc dù đời sống khó khăn, nhưng ông lại lấy việc đánh đàn đọc sách làm niềm vui, siêng năng chăm chỉ không chút chểnh mảng. Lưu Nghĩa Long ra sắc lệnh cho quan viên các quận huyện tiếp tế cho ông.
Nguyên Gia năm thứ 26 (năm 449), Thẩm Đạo Kiền qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Vị học sĩ một đời ẩn dật đã trở về với cát bụi, những phúc đức mà ông đã tích lũy được suốt cả cuộc đời sẽ đưa ông đi đến nơi nào?

Tài liệu tham khảo:

  • Ẩn dật – Liệt truyện tập 53 – Tống thư


Do Chu Hiểu Huy thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x