Giữa những năm 1647 và 1652, điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini đã chế tác tác phẩm được xem là tác phẩm điêu khắc vĩ đại nhất của ông: “Sự nhập định của Thánh Teresa.” Ông Bernini là một trong những nghệ nhân vĩ đại nhất ở thời kỳ này. Ông thấy rằng danh tiếng của mình đã bị hoen ố do một tai nạn trong quá trình xây dựng Vương cung thánh đường Thánh Peter. Sau này, ông đã được chứng minh là ông không có lỗi.
Ông hẳn đã muốn khôi phục lại danh tiếng của mình bằng tác phẩm điêu khắc “Sự nhập định của Thánh Teresa.”
Thánh Teresa của Asvila là một nữ tu Công giáo vào thế kỷ 16. Bà đã ngã bệnh tại đan viện và bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm của các nhà thần học Cơ đốc giáo. Những tác phẩm này gồm có các bài linh thao yêu cầu có sự soi xét nội tâm, chiêm niệm, thiền định, và cầu nguyện. Bà bắt đầu thấy những khải tượng từ việc thực hành linh thao. Một trong những khải tượng đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho điêu khắc gia Bernini, mà Thánh Teresa mô tả như sau:
“Bên cạnh tôi, bên trái, xuất hiện một thiên thần trong hình tướng vật chất. … Thiên thần ấy thấp chứ không cao, và rất đẹp; và khuôn mặt của vị ấy rực sáng đến mức vị ấy dường như là một trong những thiên thần có tầng thứ cao nhất; toàn bộ [thân thể] vị ấy dường như đang bốc cháy. … Trong tay vị thiên thần này, tôi nhìn thấy một ngọn giáo lớn bằng vàng, và ở phần mũi sắt dường như có một điểm lửa. Vị ấy đâm ngọn giáo đó nhiều lần vào trái tim tôi, xuyên vào tận ruột gan của tôi. Khi vị ấy rút ngọn giáo ra, tôi cảm thấy vị ấy đã mang [ruột gan của tôi] theo cùng ngọn giáo, và để tôi hoàn toàn chìm đắm trong tình yêu vĩ đại của Chúa. Cơn đau dữ dội đến mức khiến tôi phải thốt lên những tiếng rên rỉ. Sự ngọt ngào do cơn đau khủng khiếp này đem đến là quá lớn đến nỗi người ta không muốn nó dừng lại, cũng như tâm hồn của một người không đón nhận bất cứ điều gì khác ngoài Chúa. Đây không phải là một cơn đau thể xác mà là một nỗi đau tinh thần, mặc dù thể xác có một phần trong đó — thậm chí là một phần đáng kể.”
Trong khải tượng này, Thánh Teresa kể về một thiên thần đã dùng một ngọn giáo đâm xuyên tim bà. Vết thương từ ngọn giáo này khiến bà cảm thấy ngây ngất trước tình yêu của Chúa và nỗi đau khi không có nó.
Điêu khắc gia Bernini đã sử dụng đá cẩm thạch một cách điêu luyện để khắc họa nên khải tượng này. Những tia sáng vàng chiếu từ trên cao xuống soi sáng cả khung cảnh. Vị thiên thần, toát lên vẻ thanh thản và yên bình, được sự mềm mại của những đám mây nâng lên và tay phải đang nhẹ nhàng cầm một ngọn giáo dài bằng vàng ở giữa ngón cái và ngón trỏ. Mũi giáo nhắm vào trái tim của Thánh Teresa. Bà được miêu tả trong một trạng thái nhập định: Đôi mắt nhắm nghiền, đầu ngửa ra sau, và đôi môi hé mở.
Có thể nói rằng điêu khắc gia Bernini đã chọn mô tả sự kiện này sau khi việc đó bắt đầu, bởi vì bà ấy mô tả vị thiên thần đã dùng giáo đâm bà ấy “nhiều lần.” Nhưng tất cả điều này có nghĩa là gì?
Một cách hiểu sai đương thời
Đương thời người ta nhìn nhận rằng những khải tượng của Thánh Teresa và tác phẩm của điêu khắc gia Bernini có mối liên hệ với tư tưởng dâm dục. Vào đầu thế kỷ 20, nhà sáng lập thuyết phân tâm học, bác sĩ thần kinh Sigmund Freud, đã phổ biến lý thuyết cho rằng đằng sau những quyết định và trải nghiệm của chúng ta là những cơn thôi thúc tình dục vô thức. Có phải một lời diễn giải theo trường phái Freud đã bị áp lên những trải nghiệm tâm linh của Thánh Teresa và trên tác phẩm điêu khắc này không?
Các tín đồ trong mọi tôn giáo và [trường phái] tu tập tâm linh thường có những trải nghiệm thần bí sau những cố gắng thực hành tâm linh nghiêm túc của mình. Chẳng hạn, Đức Phật và Chúa Jesus đã có những trải nghiệm huyền bí nhờ vào việc thực hành tâm linh, đó là, trải nghiệm về niết bàn, thiên đường, và Thượng Đế. Ở thời hiện đại, những học viên của các môn khí công như Pháp Luân Công cũng nói về những trải nghiệm huyền bí. Loại diễn giải theo phương diện tâm lý học do ông Freud phổ biến chỉ làm hạn chế tiềm năng tâm linh của những người đức độ đang khao khát [đề cao bản thân].
Thay vào đó, và thậm chí đối lập với tư tưởng này, thì trải nghiệm của Thánh Teresa có thể được nhìn nhận là trạng thái nhập định xảy khi tâm trí, không còn ràng buộc vào những ham muốn của nhục thể, vượt ra khỏi cõi thế tục và hướng tới thế giới siêu phàm. Những khải tượng và sự nhập định là một kết quả của việc tu tập tâm linh đã được gieo mầm trong cuộc đời làm một nữ tu dòng Cát Minh của bà. Bà đã thăng hoa cả tâm lẫn thân thông qua việc siêng năng rèn luyện thuộc linh để xứng đáng được Đức Chúa Trời chạm đến.
Một lời diễn giải theo trường phái Freud dường như xem thường sức mạnh của trải nghiệm huyền bí siêu việt của Thánh Teresa, xem rằng đây chỉ là hiệu ứng gợn sóng (ripple effect — hiệu ứng mà từ trạng thái ban đầu có thể được lan dần ra bên ngoài) của những ham muốn nhục thể.
Những khải tượng và sự nhập định của Thánh Teresa là kết quả của một nỗ lực tâm linh nghiêm túc, chân thực và có thể trở thành một nguồn cảm hứng để chúng ta đề cao tâm hồn của chính mình hướng tới những điều cao cả hơn và chưa từng được biết đến.
Nghệ thuật có một khả năng đáng kinh ngạc trong việc thể hiện những điều không thể nhìn thấy để rồi chúng ta có thể đặt câu hỏi “Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những ai chiêm ngưỡng tác phẩm?” “Nghệ thuật ảnh hưởng đến quá khứ và tương lai như thế nào?” “Nghệ thuật gợi lên điều gì về trải nghiệm của con người?” Đây là những câu hỏi mà tôi sẽ khám phá trong loạt bài Hướng Vào Nội Tâm: Nghệ Thuật Truyền Thống Vun Bồi Cho Trái Tim.
Epoch Times Tiếng Việt