Vào thời nhà Đường, có một nam nhân tên Trịnh Hữu Huyền cư ngụ trong thành Trường An. Hữu Huyền xuất thân trong một gia đình danh giá, còn nhà Lư Khâu Thị, hàng xóm của Hữu Huyền, có gia cảnh bần hàn và thuộc một giai tầng thấp hơn trong xã hội.
Nhi tử nhà họ Lư lại là bạn đồng môn với Trịnh Hữu Huyền. Hữu Huyền tính tình kiêu ngạo vì bản thân là con nhà thanh danh quyền quý, nên thường xuyên giở giọng trịch thượng với con trai nhà Lư Khâu. Một ngày nọ, Trịnh Hữu Huyền nói với con trai ông Lư: “Nhà Lư Khâu Thị các người so với gia đình ta quả là không cùng đẳng cấp, nhưng chúng ta lại học cùng một thầy. Dù ta không nói ra, nhưng lẽ nào ngươi không cảm thấy hổ thẹn ư?”
Sau khi nghe xong, con trai của Lư Khâu Thị cảm thấy vô cùng buồn bã. Vài năm sau, chàng thư sinh này ngã bệnh và qua đời.
Có duyên làm ‘bằng hữu’
Nhiều năm sau đó, Trịnh Hữu Huyền đỗ kỳ thi khoa cử và được điều về Quận Đường An làm huyện úy. Hữu Huyền đã kết bạn với một chàng thanh niên 20 tuổi tên là Cừu Sinh. Ngày nào hai người họ cũng gặp nhau, còn thường xuyên đi du ngoạn cùng nhau.
Cha của Cừu Sinh là một thương nhân thành đạt với khối gia sản lên đến hàng chục vạn, và Cừu Sinh cũng không ngần ngại chia sẻ gia tài của mình với Hữu Huyền. Cừu Sinh thường hay tặng cho Hữu Huyền tiền bạc cũng như bất kỳ tài vật nào mà anh cần.
Tuy nhiên, Cừu Sinh không phải là người xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc. Bởi giai tầng khác nhau, nên Hữu Huyền thường không dùng lễ nghĩa mà đối đãi với Cừu Sinh, mặc cho Cừu Sinh có đối đãi tử tế và rộng lượng với người nhà họ Trịnh thế nào chăng nữa.
Một ngày nọ, Hữu Huyền tổ chức một buổi tửu tiệc thết đãi tất cả bạn hữu, trừ Cừu Sinh. Trong buổi tiệc đó, một vị khách đã lên tiếng trách móc Hữu Huyền vì điều này, hỏi anh vì sao không mời Cừu Sinh mặc dù họ rất thân thiết và cùng nhau ăn uống mỗi ngày.
Hữu Huyền cảm thấy hổ thẹn và lập tức mời Cừu Sinh đến dự tiệc.
Sau khi Cừu Sinh đến, Hữu Huyền châm tửu vào chén lớn mời Cừu Sinh, bảo anh uống cạn chén rượu này. Khi Cừu Sinh tỏ lời từ chối, rằng anh không thể uống được, Hữu Huyền bèn nổi giận và mắng nhiếc Cừu Sinh.
Hữu Huyền nói: “Ngươi đúng là thứ dân chợ búa, chỉ biết mỗi cái dùi, con dao. Sao ngươi không vứt bỏ thân phận thấp hèn của mình và sống như một người quyền cao chức trọng? Đáng lẽ ngươi nên cảm thấy vinh hạnh khi được làm bạn với ta, vậy mà ngươi dám từ chối uống chén rượu ta mời là sao?”
Sau khi nói xong, Hữu Huyền đứng bật dậy và rời khỏi buổi tiệc.
Cừu Sinh cảm thấy xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu, đành gập người cúi đầu mà từ tạ. Không lâu sau, Cừu Sinh từ quan, đóng cửa không tiếp khách, ai tới cũng từ, không giao du qua lại. Chỉ vài tháng sau, Cừu Sinh lâm bệnh mà qua đời.
Tấm lòng tôn kính Thần tiên
Một năm sau đó, Trịnh Hữu Huyền bị bãi chức quan và lui về sống trong Phật tự ở Quận Mông Dương. Tại đây, Hữu Huyền nghe thiên hạ đồn rằng trên Thục Môn Sơn có một một vị Đạo sĩ họ Ngô danh tiếng lẫy lừng, là một người tu Đạo đức hạnh, vì thế anh bèn cưỡi ngựa lên núi tìm vị Đạo sĩ để bái sư học Đạo.
Ngô Đạo sĩ nói: “Bởi vì ngươi có lòng tôn kính Thần tiên, vậy nên ngươi nên ở lại trong chốn sơn lâm này, đừng lãng phí thời gian trôi dạt trong chốn nhân gian nữa.”
Hữu Huyền mừng rỡ nói: “Tiên sinh quả nhiên là người hữu Đạo. Tại hạ nguyện ý theo làm đồ đệ của người, không biết có được không?”
Vị đạo sĩ đồng ý và cho phép Hữu Huyền ở lại trong núi. Tuy nhiên, 15 năm sau, quyết tâm tu Đạo của Hữu Huyền ngày một giải đãi.
Ngô Đạo sĩ bèn nói với Hữu Huyền: “Nếu ngươi không giữ vững cái tâm tu Đạo của mình, vậy thì thời gian ở trên núi của ngươi cũng chỉ là hoài công vô ích mà thôi.”
Nghe xong, Hữu Huyền cáo từ, quyết định xuống núi và sống những ngày tháng không có mục đích ở Quận Mông Dương khá lâu trước khi trở về thành Trường An.
Chân tướng hiển lộ
Trên đường trở về thành Trường An, Hữu Huyền đi ngang qua Bao Thành. Tại đó, ông dừng chân ở một quán trọ, nơi ông gặp được một tiểu đồng cỡ chừng 12 tuổi, có tướng mạo thanh tú. Hữu Huyền trò chuyện với cậu bé và nhận thấy tiểu đồng tử này rất thông minh và có tài ăn nói.
Trong khi trò chuyện, cậu bé hỏi ông: “Ngày trước ta và ông từng là cố nhân — ông vẫn còn nhớ ta chứ?”
Hữu Huyền đáp: “Thực tình ta không nhớ gì cả.”
“Ta từng là con trai của nhà Lư Khâu Thị ở Trường An,” cậu bé nói. “Chúng ta cùng học chung một lớp. Bởi vì ngươi cho rằng gia đình ta bần hàn đê tiện, nên ngươi đã khinh thường ta.”
Cậu bé này nói tiếp: “Sau đó, ta lại chuyển sinh vào nhà họ Cừu và trở thành bằng hữu của ngươi. Ta đã đem cho ngươi tất cả tiền bạc và mọi thứ ngươi cần. Ngươi không những không cảm tạ ta, mà còn mắng ta là đồ thứ dân chợ búa. Vì sao ngươi lại kiêu ngạo đến thế?”
Hữu Huyền vô cùng kinh ngạc, dập đầu tạ lỗi. Ông nói, “Kỳ thực, những việc này đều là lỗi của ta. Cậu chắc hẳn phải là một bậc thánh nhân. Nếu không, làm sao cậu có thể biết rõ những việc đã xảy ra trong hai đời trước?”
“Ta là chân nhân đến từ Thái Thanh Tiên cảnh,” cậu bé đáp. “Bởi vì ngươi có một mối duyên tiền định với Đạo giáo, nên Thượng Đế đã phái ta xuống trần gian để làm bạn với ngươi, đồng thời truyền dạy cho ngươi Đạo thuật để mai này trở thành Chân Tiên. Thế nhưng, bởi vì ngươi tính tình kiêu ngạo, nên đã đánh mất cơ duyên học những Đạo thuật này. Thật đáng buồn thay!”
Sau khi dứt lời, cậu bé liền biến mất.
Trịnh Hữu Huyền đột nhiên minh bạch tất cả những chuyện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng mọi việc đã quá muộn màng. Ông cảm thấy trong tâm hổ thẹn khôn cùng và oán hận bản thân. Cuối cùng, Hữu Huyền đã ra đi trong ưu sầu và hối tiếc.
Epoch Times Tiếng Việt