Cảnh tượng ấm áp này, tựa như làn gió mát thổi qua, như hương thơm ngọt ngào của cỏ cây hoa lá nở rộ. Đến nỗi, trong bức thư công vụ gửi cho ngài Hancock, Tướng Washington đã phàn nàn bằng ngữ khí vô cùng ngọt ngào hiếm có rằng: Hiện nay trong quân đội của tôi đang có vấn đề về “ngôn ngữ”!
Vào mùa hè năm 1777, khi doanh trại của Quân đội Lục địa đang đóng tại Philadelphia và New Jersey, Hầu tước Lafayette đã bước vào cuộc đời của Tướng quân Washington, mở đầu cho một chương vàng trong câu chuyện huyền thoại về cuộc đời ông. Cũng tại doanh trại, Lafayette đã gặp hai người bạn thân nhất trong đời – Alexander Hamilton và John Laurens.
Alexander Hamilton, người mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước. Năm 1777, ông làm phụ tá riêng cho Tướng Washington, hàng ngày giải quyết một số lượng lớn văn kiện cho tướng quân, không những ghi chép mệnh lệnh của tướng quân mà trong nhiều công việc quân sự khẩn cấp, ông phải học tập tướng quân, lấy lập trường và chuẩn tắc của mình để giải quyết vấn đề, phản hồi phương án.
Trận Princeton vào tháng 1 năm 1777 là trận chiến đánh dấu kết thúc sự nghiệp pháo binh của Hamilton. Lại nói, Lục quân Lục địa đã tấn công Đại học Princeton, nơi đóng quân của quân đội Anh, nhưng trong một thời gian dài vẫn không thể đánh thắng. Phía sau thị trấn Princeton, nơi hai bên đang giao tranh khốc liệt, quân tiếp viện của quân Anh – Tướng Cornwallis, người đã thất bại trong Trận chiến Creek và bị đánh lừa bởi doanh trại Lục quân trống rỗng, đã dẫn theo hàng ngàn quân vội vã lên đường hành quân đến Princeton. Bị tấn công từ cả hai mặt trận, Lục quân Lục địa khó có cơ hội chiến thắng, nếu mất đà, có thể sẽ trở thành cá nằm trên thớt. Giống như lời hùng biện của Tướng Cornwallis trước trận chiến Assunpink Creek, Lục quân Lục địa sẽ bị bao vây từ bốn phương tám hướng và bị tóm gọn làm tù binh. Do đó, trước khi đội quân của Tướng Cornwallis đến nơi, thì việc Lục quân Lục địa đánh hạ Princeton là không thể thất bại.
Hỏa chiến từ cả hai phía, cuối cùng tập trung vào Nassau Hall của Đại học Princeton. Đôi bên chiến đấu trong nửa ngày, Alexander Hamilton dẫn đầu đội pháo binh chạy đến yểm trợ, dựng các khẩu pháo và nhắm vào đại sảnh Nassau, nã pháo ầm ầm. Cả chặng đường chiến đấu của Hamilton, từ New York đến New Jersey, đều là đánh đoạn hậu hoặc chiến đấu tự vệ, chỉ mong có thể bảo vệ đại quân rút lui bảo toàn tính mệnh – như vậy là đủ rồi! Lần này, ông đang chiến đấu trong một trận chiến cam go! À, ngôi trường kiêu ngạo này, còn từng là nơi từ chối đơn xin nhập học của ông, không ngờ rằng lại có ngày hôm nay, chẳng phải tất cả đều tràn ngập phẫn uất và tức giận hay sao? Hamilton đang ở Princeton, tình thế thật khó nói, cũng không có cách nào để liên lạc, ông chỉ có sĩ khí dâng trào, kiên nghị hạ lệnh cho cấp dưới của mình – Nhắm vào Nassau Hall và khai hỏa! Nã pháo! Đánh đổ mới thôi.
Sau một loạt pháo kích, quân Anh không đủ sức chống trả, đành phất cờ trắng! Kết quả, Lục quân Lục địa chiếm đóng Đại học Princeton, khoảng 500 binh sĩ tử trận và bị bắt làm tù binh, số binh sĩ còn lại của quân Anh mang theo quân nhu, hốt hoảng chạy đến Brunswick cách đó không xa. Hai giờ sau khi Quân đội Lục địa chiếm được Princeton, quân đội của Tướng Cornwallis mới đuổi tới, trong khi Lục quân Lục địa đã rút đi. Trận chiến Princeton, Lục quân Lục địa đã giành thắng lợi, đánh dấu kết thúc trận chiến này.
Đối với Alexander Hamilton, đó cũng là quãng nghỉ trong sự nghiệp cầm quân của ông. Sau trận chiến này, ông phải rời khỏi pháo đội, trở về bộ tư lệnh của tướng quân, tiếp tục phụ trách công tác văn thư. Alexander Hamilton yêu thích chiến trường, ông thích châm lửa nã pháo, nhìn những quả đạn pháo bay trong không trung, phát sáng, rơi vào tầm ngắm của quân địch và phát nổ; Ông cũng rất thích cuộc sống quân ngũ khi hành quân và đánh trận. Khi bắt đầu chiến tranh, ông đã đưa ra một quan điểm rõ ràng: Chiến tranh Anh-Mỹ nhất định là một cuộc chiến trường kỳ, khi quân Mỹ yếu thế về mọi mặt, có dùng vài mánh khóe thì cũng khó mà tồn tại được, chiến tranh du kích là cách tốt nhất để Hoa Kỳ chiến đấu trong một cuộc chiến trường kỳ. Quan điểm này của ông và quan điểm của Tướng Washington, chính là không mưu mà hợp – anh hùng nhìn nhận vấn đề là có chỗ tương đồng với nhau. Cuộc nổi dậy ở New Jersey, cuộc chiến lương thực ở New Jersey vào đầu mùa xuân năm 1777, và một loạt sự kiện cũng chứng minh rằng quan điểm của Tướng Washington và Hamilton là đúng.
Nói tóm lại, Alexander Hamilton thích chiến đấu, ông thích chiến trường, ông căn bản là không muốn ngồi vào bàn giấy, vùi mình vào việc viết giấy tờ. Hơn nữa, những tài liệu như vậy là vô tận, chúng được gửi đi và gửi đến từ khắp mọi nơi. Mỗi lần như vậy, ông lại nhớ những ngày ở đội pháo binh; hoài niệm về tình thế quân địch ở trước mặt, còn bản thân mình châm lửa nã pháo. Ông rất phản kháng đối với cuộc sống dân sự, trong cuộc rút lui ở New Jersey, một số tướng lĩnh, bao gồm cả vị tướng già bại trận Green, đều nhắm vào chàng trai trẻ văn võ song toàn có tài viết lách và quân sự này, lần lượt gửi thư mời – Đến chỗ của tôi làm phụ tá thì thế nào? Tới đi, chúng ta sẽ cùng trò chuyện? Alexander Hamilton đều trả lời, “Cảm ơn lòng tốt của ngài,” và không nói gì thêm. Tuy nhiên, ông từ chối được người khác, nhưng ông có thể từ chối Tổng tư lệnh sao? Lời mời của Tướng Washington, Hamilton không thể nói “không.” Cứ như vậy, ông đã tới Bộ tư lệnh của Tướng Washington. Nhờ vậy, vào mùa hè năm 1777, tại bộ tư lệnh, ông đã gặp người bạn và là người anh em tốt quan trọng nhất trong đời mình – Hầu tước Lafayette. Đương nhiên, chúng ta không thể quên một người đàn ông khác: John Laurens. Laurens sinh ra ở South Carolina vào tháng 10 năm 1754. Cha của ông, ngài Henry Laurens, một thương nhân giàu có và là ông chủ địa ốc, một người khởi xướng và ủng hộ trung thành cho Cách mạng Độc lập, Chủ tịch Quốc hội Lục địa, có công lớn sáng lập Hoa Kỳ, cũng là bạn thân của Tướng Washington.
Giống như Lafayette, John Laurens cũng vượt biển từ Âu Châu trở về Mỹ quốc. John sang Âu Châu du học từ năm 16 tuổi, trải qua quãng đời sinh viên ở Geneva, Thụy Sĩ và Anh quốc. Tháng 12 năm 1776, chàng trai 22 tuổi John Laurens bị thôi thúc bởi tiếng súng nổ ầm ầm của cuộc chiến tranh đang diễn ra khốc liệt nơi quê nhà, thấy rằng bản thân không thể tiếp tục ở lại Âu Châu, anh đã lên tàu trở về quê hương. Nhưng điều khiến người ta dở khóc dở cười là, vào tháng Mười năm đó, anh vừa trở thành chú rể, kết hôn với con gái một gia đình quý tộc của Anh quốc. Vừa kết hôn xong, anh đã trở lại Hoa Kỳ, sẵn sàng giúp cha mình và Tướng Washington đánh lại Anh quốc. Thế nhưng, gia nhập quân đội không phải là điều anh muốn là có thể làm được, rào cản đầu tiên là cha anh, ngài Henry Laurens, Chủ tịch Quốc hội Lục địa. Trước cuộc chiến tranh, ngài Henry đã để các con của mình và rất nhiều của cải ở Âu Châu, tại Anh quốc. Khi chiến tranh nổ ra, những lợi ích và mối liên hệ không thể tách rời cũng bị đoạn mất. Tuy nhiên, ông chỉ từ chối để con trai mình ra chiến trường. John là con trai cả của ông, người con mà ông đã hết lòng nuôi dưỡng chăm sóc. Henry mất vợ ở tuổi trung niên, bởi vậy, ông không muốn mất thêm người con trai này. Sau khi con trai ông từ Âu Châu trở về, ông đã mấy lần có những giấc mơ sống động, mơ thấy cái chết của con trai mình. Trong giấc mơ, ông thậm chí còn nhìn thấy nơi con trai mình qua đời – đó chính là chiến trường. Nỗi đau này khiến ông không thể chịu đựng, chỉ là trải qua trong mộng thôi, nhưng cũng đã khiến ông suy sụp. Vì vậy, với tư cách là chủ tịch Quốc hội Lục địa, ông có thể cống hiến bất kỳ điều gì cho cách mạng, nhưng ông không thể cống hiến người con trai cả của mình – bởi vì ông biết con trai mình sẽ không thể sống đến khi chiến tranh kết thúc.
Mùa hè năm 1777, sau khi vượt qua mọi trở ngại và những giọt nước mắt van xin cũng như nỗi đau lòng của người cha già, John Laurens đã xuất hiện tại Bộ tư lệnh của Tướng Washington, giống như Lafayette và Hamilton, anh cũng trở thành phụ tá của Tướng Washington.
Ba chàng trai trẻ vừa quen đã trở nên thân thiết, quấn quýt bên nhau, luôn hoạt bát vui vẻ trước mặt Tướng Washington! Và điều “khủng khiếp” nhất không phải là họ quá thân mật và ồn ào, mà là ba người họ không nói tiếng Anh, cả ba đều nói tiếng Pháp! Đây là ngôn ngữ được cho là thanh lịch nhất trên thế giới. Hầu tước Lafayette thì khỏi cần phải nói – bởi lẽ nào lại ngăn cản một người Pháp sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình được? John Laurens đã du học ở Âu Châu nhiều năm, bởi vậy có thể nói tiếng Pháp trôi chảy một cách tự nhiên. Mẹ của Alexander Hamilton là người Pháp, và tiếng Pháp cũng là tiếng mẹ đẻ của anh. Vì vậy, ba chàng trai trẻ này hội tụ với nhau, có thể tự nhiên nói chuyện, pha trò bằng tiếng Pháp, trông họ rất vui vẻ, náo nhiệt. Không nói bằng tiếng Anh, vì vậy họ có thể né tránh được sự chú ý của Tướng Washington, những lúc trò chuyện vui đùa với nhau, họ sẽ không lo bị khiển trách, vì dù sao tướng quân cũng không hiểu tiếng Pháp!
Tác giả: Tống Vi Vi
Lý Nhạc biên tập
Tiểu Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt