Tác giả: Như Chi
[ChanhKien.org]
Sau khi hoàng đế nhà Minh Chu Nguyên Chương thành lập chính quyền, đương nhiên điều ông quan tâm nhất là liệu có thể vĩnh viễn giữ được giang sơn của mình hay không. Ông biết rằng Lưu Bá Ôn, người phụ tá đã giúp ông giành được thiên hạ, là người hiểu rõ về thiên văn, số học, ông bèn hỏi Lưu Bá Ôn những sự việc tương lai. Sự thay đổi của các triều đại đã được định sẵn, thiên cơ không thể dễ dàng tiết lộ. Nhưng dù sao Chu Nguyên Chương cũng là Hoàng đế, Lưu Bá Ôn không thể thoái thác nên đã sáng tác ra một bài thơ tưởng như nói rõ mà lại không rõ. Tương truyền rằng Lưu Bá Ôn vào yết kiến đúng lúc vua đang ăn bánh nướng nên bài thơ được gọi là “Thiêu Bính ca”. Câu chuyện như sau:
Một hôm Minh Thái Tổ (tức vua Chu Nguyên Chương) đang ăn bánh nướng ở trong nội cung, ông vừa cắn một miếng bánh thì thái giám đột nhiên báo tin quốc sư Lưu Cơ (tên thật của Lưu Bá Ôn) đến yết kiến. Minh Thái Tổ lấy chiếc bát đậy lên bánh rồi triệu Lưu Cơ vào cung. Đáp lễ xong, Thái Tổ hỏi: “Tiên sinh rất thông thạo thuật số, có thể cho ta biết trong bát có gì không?” Lưu Cơ bấm ngón tay đáp rằng: “Nửa giống mặt trời, nửa giống mặt trăng, từng bị kim long (rồng vàng) cắn một miếng, đây là một loại đồ ăn”. Mở bát ra, quả nhiên đúng như những gì ông đã nói, Thái Tổ rất nể phục, tiếp tục hỏi: “Vậy việc thiên hạ sẽ như thế nào? Thiên hạ của nhà Chu có được trường tồn mãi mãi không?” Lưu Cơ đáp: “Chủ tôi vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi!”
Sự phát triển của lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, giang sơn nhà Minh chỉ truyền đến đời Minh Tư Tông (Chu Do Kiểm) tức Sùng Trinh Đế, sau đó là thiên hạ của triều đại nhà Thanh của người Mãn Thanh. Sùng Trinh trị vì 17 năm (năm 1644), nhưng cuộc khởi nghĩa nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo đã chiếm được Bắc Kinh, Minh Tư Tông treo cổ tự sát, nhà Minh tuyên bố diệt vong. Minh Tư Tông là cháu nội của Hoàng đế Vạn Lịch – Minh Thần Tông (tên thật là Chu Dực Quân), đây chẳng phải là “vạn con vạn cháu” sao! Rõ ràng, câu trả lời của Lưu Cơ đối với câu hỏi của Chu Nguyên Chương là một câu trả lời mang hai hàm ý, bề ngoài là một lời khen ngợi, biểu thị rằng đế quốc nhà Minh sẽ được truyền lại cho nghìn thu vạn đại, trên thực tế, đó là một dự đoán rõ ràng: giang sơn của nhà Minh sẽ được truyền lại cho Hoàng đế Sùng Trinh, cháu trai của Hoàng đế Vạn Lịch. Ở đây chúng ta có thể thấy trí huệ của Lưu Cơ, ông không hề mạo phạm đến Hoàng đế mà còn trả lời chính xác dự đoán của tương lai.
Thái Tổ nói: “Tuy là như vậy, nhưng từ xưa đến nay thịnh suy vốn được định sẵn. Hơn nữa, thiên hạ không phải của một người, chỉ người có đạo đức mới xứng đáng làm chủ thiên hạ, khanh cứ nói đi không sao cả”. Lưu Cơ đáp: “Nếu tiết lộ thiên cơ, tội của thần sẽ rất nặng. Xin bệ hạ miễn tội chết cho thần thì thần mới dám mạo phạm”. Sau khi Thái Tổ đưa cho Lưu Cơ một kim bài miễn chết, Lưu Cơ mới dám đưa ra những dự ngôn cho vài trăm năm sau như “Sự biến Thổ mộc bảo”, “Hoạn quan loạn chính”, “quân Thanh chiếm đóng”, “Hán nhân thế pháp”, “Khang Càn thịnh thế”, cho đến cuối thời nhà Thanh và những việc xa hơn nữa, đây chính là nội dung của bài thơ nổi tiếng Thiêu Bính ca.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48861
Ngày đăng: 06-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org