Tác giả: Như Chi
[ChanhKien.org]
Con người hiện nay đều đang mong cầu trường thọ, tuy nhiên số người có thể sống trên 100 tuổi không nhiều. Thế nhưng, bạn có biết rằng, vào thời cổ đại, đã từng có rất nhiều quốc gia trường thọ tồn tại.
Người tí hon và người khổng lồ trong truyền thuyết dường như đều có liên quan tới sự trường thọ.
Trong “Thần Dị Kinh” có ghi chép, vùng Tây Bắc hoang vu có Hạc Quốc, người tí hon ở quốc gia đó cao 7 tấc (1 tấc bằng 10 cm), họ sống có lễ nghĩa, mỗi người đều có thể sống đến 300 tuổi. Họ đi lại như bay, một ngày có thể đi hàng nghìn dặm, không vật nào dám xâm phạm họ, nhưng họ chỉ sợ hạc biển, bởi vì hạc biển sẽ nuốt sống họ khi nhìn thấy họ. Điều đáng kinh ngạc là, những con hạc biển nào đã ăn những người tí hon này có thể sống tới 300 tuổi, hơn nữa có thể bay “một sải nghìn dặm”. “Thập Di Ký” có ghi chép về một quốc gia tên Đà Di Quốc, người ở nước đó chỉ cao 3 thước (1 thước bằng 1/3 mét), nhưng lại có thể sống đến hàng vạn năm. Trong “Dị Nhân – Bác Vật Chí” đã ghi chép, có người nước Long Bá Quốc, cao 30 trượng (1 trượng bằng 10 thước, 3,3 mét), sống 18.000 tuổi mới chết.
Những người tí hon và người khổng lồ này có thể sống trên trăm năm, thậm chí đến vạn năm, thật đúng là khiến con người hôm nay ngưỡng mộ không thôi.
Sách cổ Trung Quốc cũng ghi chép về nhiều quốc gia trường thọ ngoài biển. Chẳng hạn như quốc gia Quân Tử ở biển phía Đông. “Hải Ngoại Đông Kinh – Sơn Hải Kinh” có viết: “Quân Tử Quốc ở cực Bắc, mặc quần áo đeo kiếm, đồ ăn từ săn bắt, dắt theo hai con hổ hai bên, người ở đây không tranh đấu, có kỳ hoa dị thảo, sớm nở tối tàn, nó nằm ở phía Bắc của vùng đất Xa Bỉ Thi”. “Thuyết văn” viết rằng: “Quân Tử Quốc đúng là quốc gia bất tử”. Tương truyền vì họ sống nhường nhịn, không tranh đấu nên gọi là Quân Tử Quốc, người ở nước này sống rất trường thọ.
Lại như nước Hiên Viên trường thọ ở ngoài biển phía Tây. Trong “Hải Ngoại Đông Kinh – Sơn Hải Kinh” viết: “Hiên Viên Quốc ở núi Cùng Sơn, người không thọ cũng sống 800 tuổi. Phụ nữ ở phía Bắc nước này có mặt người thân rắn, đầu đuôi giao nhau”. Trong “Đại Hoang Tây Kinh – Sơn Hải Kinh” cũng viết: “Người không được trường thọ của Hiên Viên Quốc sống ít nhất cũng 800 tuổi”. Chúng ta biết rằng Hiên Viên là danh hiệu của Hoàng Đế, vậy thì Hiên Viên Quốc có lẽ là do con cháu Hoàng Đế quần tụ thành. Họ đều là mặt người thân rắn. Cách Hiên Viên Quốc không xa có một quốc gia trường thọ, gọi là Bạch Dân Quốc. Trong “Hải Ngoại Tây Kinh – Sơn Hải Kinh” viết: “Bạch Dân Quốc ở phía Bắc của long ngư, người ở đó đều có làn da trắng và xõa tóc. Có một loại dã thú tên là Thừa Hoàng, hình dạng giống hồ ly, trên lưng có sừng, người nào cưỡi được nó có thể sống 2000 năm. Ngoài ra, người ở nước Kỳ Quăng và Khuyển Nhung đều rất trường thọ”.
Còn có quốc gia mà người ở đó không những trường thọ mà còn trường sinh bất tử. “Hải Ngoại Nam Kinh – Sơn Hải Kinh” ghi chép lại: “Người bất tử sống ở phía Đông, người này da đen, thọ, bất tử”.
Ngoài ra, ở vùng hoang dã phía Tây, còn có Đê Nhân Quốc và đất nước Ba Mặt Một Tay, cũng là quốc gia trường thọ. Tuy nhiên, quốc gia thú vị nhất trong số các quốc gia trường thọ có lẽ là Vô Khải Quốc ở biển Tây Bắc. Vô Khải có nghĩa là “Vô Kế”, nghĩa là không có đời sau. Trong “Hải Ngoại Bắc Kinh – Sơn Hải Kinh” ghi chép: “Vô Khải Quốc ở phía Đông của Trường Cổ Quốc, người ở đó không sinh đẻ đời sau”. Không có người thừa kế thì làm sao có thể trở thành một quốc gia? Hóa ra họ sống trong hang động, không phân biệt nam nữ, sau khi chết “trái tim bất tử”, hàng trăm hàng chục năm sau, vẫn có thể sống lại. Cứ như vậy sống rồi lại chết, chết rồi lại sống, chẳng khác nào không bao giờ chết, cho nên không cần sinh hậu duệ.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org