[ChanhKien.org]
Quanh bờ hồ Hồng Trạch và dọc hai bên bờ sông Đại Vận tỉnh Giang Tô người ta thường thấy những con trâu sắt dùng để ngăn lũ. Những con trâu với tư thế quỳ xuống, đầu ngẩng cao, sừng dựng lên, hai mắt trợn tròn, trông rất uy nghiêm. Tại sao người xưa lại dùng trâu sắt để trấn áp lũ lụt?
Trước hết, trâu sắt được đúc bằng kim loại nên vốn dĩ thuộc hành “kim”. Theo thuyết ngũ hành cổ xưa “kim khắc mộc”, mà mộc hợp với phương đông, thần thú của phương đông là rồng nên “kim” có thể khắc chế “giao long” khiến nó phải ẩn mình. Giao long thường thích làm mưa làm gió gây ra lũ lụt, nhưng nếu có “kim” thì chúng sẽ ẩn mình lánh đi, nên tránh được hoạ lũ lụt xảy ra.
Mặt khác, trâu thuộc hành thổ. Trong cuốn “Cổ tử – Thai giáo” có viết: “Trâu là loài vật trung tâm”. Người Trung Quốc cổ đại phân chia các phương hướng tương ứng với ngũ hành, có thuyết rằng: “Đông Mộc, Nam Hỏa, Tây Kim, Bắc Thủy, Trung Thổ”. Trâu là loài vật trung tâm, tất nhiên thuộc hành thổ, mà thổ có thể chặn thuỷ.
Ngoài ra, trong thần thoại Trung Quốc cổ đại, con trâu tượng trưng cho mặt đất. Trong “Chu lễ – Địa cung – Đại tư đồ” viết: “Con trâu có thể chở được mặt đất”. Trong thần thoại cổ xưa của một số dân tộc, con trâu là bệ đỡ của mặt đất. Con trâu dùng cặp sừng để nâng đỡ mặt đất, khi nâng bằng một chiếc sừng mỏi rồi, thì lại chuyển sang chiếc sừng kia. Trong lúc chuyển từ chiếc sừng này sang chiếc sừng kia, mặt đất sẽ rung chuyển, chính là xảy ra động đất. Tác phẩm điêu khắc đá cẩm thạch thời kỳ nhà Ân – Thương được khai quật ở An Dương, tỉnh Hà Nam có khắc hình con trâu làm đế, cho thấy rằng con trâu có vai trò “nâng đỡ mặt đất”. Vì trâu là thần thú nên nó đóng vai trò trấn nhiếp thủy quái và chống lại giao long.
Thuyết về trâu sắt có thể chống lũ có lẽ bắt đầu từ thời nhà Đường, vào thời nhà Minh cũng có truyền thuyết Lưu Bá Văn dựng “chín trâu, hai hổ, một gà” để trấn áp lũ lụt. Vào thời nhà Thanh, người dân rất nhiều địa phương đều tin vào thuyết này nên đã đúc trâu sắt ở ven sông để ngăn lũ dâng.
Ở những vùng có lũ lụt nghiêm trọng, ngoài việc đúc trâu sắt để chống lũ, người ta thường kết hợp với những con gà đá với cái mỏ há to cất tiếng gáy. Tương truyền gà trống bằng đá cũng có thể chống lũ lụt. Vì sao? Bởi vì gà trống có thể được ví với mặt trời, nó là loài vật mang đầy dương khí và linh khí. Tiếng gà trống gáy có nghĩa là trời bắt đầu sáng, mặt trời mọc, những thứ âm khí xấu xa sẽ tiêu tan, cho nên trong dân gian gà trống luôn được dùng để trừ quỷ, trừ âm. Lũ lụt là do thủy quái gây ra và có tính âm, thế nên gà trống có thể ngăn chặn lũ lụt xảy ra.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/49348
Ngày đăng: 11-07-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org