Hổ dữ có thể cảm nhận được cách quản lý nhân từ của các quan viên, cũng có thể cảm ứng được lòng trung thành của các trung thần nghĩa sĩ. Bài viết này kể về câu chuyện của Quách Sĩ Tuấn, một nhân vật đại thiện sống vào đầu thời nhà Thanh. Đích thân quận trưởng đã khen ngợi đức “hàng long phục hổ” của ông. Khi Quách Sĩ Tuấn qua đời, hổ còn tuẫn táng theo ông!
Vào đầu thời nhà Thanh, ở Cống Ấp có một người tên là Quách Sĩ Tuấn, sống chân thành giản dị, khiêm tốn tốt bụng. Người trong làng đều biết ông là một người lương thiện. Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ của ông nức tiếng xa gần.
Lúc bấy giờ trong làng có nạn hổ hoành hành, mọi người đi đâu đều phải đề phòng cẩn thận. Một ngày nọ, Quách Sĩ Tuấn cùng với hai người hầu đi đến thôn trang để thu tiền tô. Đột nhiên trong đám cỏ rậm rạp trên đường xuất hiện một con hổ chặn mất đường đi. Hai người hầu sợ hãi vứt bỏ hành lý chạy trốn. Quách Sĩ Tuấn muốn bỏ chạy, nhưng hai chân không nhúc nhích được. Ông liền ngồi xuống nhìn con hổ, chờ đợi cơ hội, con hổ cũng ngồi xuống nhìn ông.
Quách Sĩ Tuấn biết mình khó lòng tránh được kiếp nạn, bèn nói với con hổ rằng: “Không may gặp phải ngươi là số phận của ta. Mau ăn thịt ta đi, đừng để ta sợ hãi quá lâu.” Con hổ nghe ông nói xong thì đứng dậy, tiến lại gần Quách Sĩ Tuấn và cọ vào người ông, như thể đã bị ông thuần phục rồi.
Quách Sĩ Tuấn liền hỏi con hổ: “Nếu ngươi không hại ta, vậy ngươi muốn làm gì?” Con hổ lập tức ngoạm mấy cái túi vào miệng, đặt trước mặt Quách Sĩ Tuấn, rồi cúi đầu khom lưng, biểu thị ý muốn giúp ông mang những thứ này. Quách Sĩ Tuấn dường như hiểu ý con hổ, liền đem túi buộc lên lưng hổ. Ông đứng dậy và đi về phía trước, con hổ cũng đi theo ông.
Hai người hầu trốn về thôn trang trước đã thuật lại sự việc cho các tá điền. Mọi người đều giật mình, cho rằng Quách Sĩ Tuấn đã bị hổ ăn thịt, cảm thấy quả thực là thiên đạo vô thường.
Đột nhiên, mọi người nhìn thấy Quách Sĩ Tuấn cùng con hổ đi tới. Tất cả đều vội chạy vào nhà, đóng cửa lại và kêu thất thanh. Quách Sĩ Tuấn nói: “Đừng sợ, hổ sẽ không tấn công người.” Ông bảo mọi người mở cửa ra. Con hổ quả nhiên ngoan ngoãn cụp tai cụp đuôi, nghe theo Quách Sĩ Tuấn dặn dò. Dân chúng từ hốt hoảng chuyển sang mừng rỡ, tranh nhau lấy thịt cho hổ ăn, hổ gặm lấy từng miếng một. Ban đêm, con hổ ngủ ở ngoài cửa.
Khi Quách Sĩ Tuấn trở về nhà, con hổ vẫn đi theo mang túi cho ông. Khi ông sắp về đến nhà, dân làng đều kinh hãi, Quách Sĩ Tuấn bèn kể cho họ nghe chi tiết những gì đã xảy ra. Mọi người đều cho rằng phẩm đức cao thượng của Quách Sĩ Tuấn đã cảm hóa con hổ, vì vậy càng kính trọng và yêu quý ông hơn. Kể từ đó, nạn hổ hoành hành trong làng cũng dừng lại.
Khi đó trong quận bị hạn hán kéo dài, các quan lập đàn cầu đảo, nhiều lần phái người đến miếu Thành Hoàng thỉnh cầu Thần Thành Hoàng nhưng đều không được hồi ứng. Bỗng một hôm, quận trưởng mộng thấy Thần Thành Hoàng nói với mình rằng: “Ngày mai ở ngoại thành phía Bắc có một ông lão dẫn theo con hổ đi về phía Đông. Ông ấy có thể mang mưa đến, ngươi hãy đi tìm ông ấy.”
Ngày hôm sau, quan viên ra lệnh cho sai nha dưới trướng đợi ở vùng ngoại thành phía Bắc, quả nhiên đợi được Quách Sĩ Tuấn đi đến. Các sai nha biết được con hổ đi theo Quách Sĩ Tuấn chưa hại ai bao giờ, không nghi ngờ gì nữa, họ liền dẫn Quách Sĩ Tuấn đến gặp quận trưởng. Quận trưởng rất ngạc nhiên, nghênh đón ông vô cùng long trọng, thỉnh ông cầu mưa tới. Quách Sĩ Tuấn kiên quyết từ chối, nói rằng mình không thể làm được. Thế nhưng, quận trưởng vẫn kiên trì thỉnh cầu. Không còn cách nào khác, Quách Sĩ Tuấn đến trước đàn tế quỳ lạy, còn con hổ thì phủ phục dưới đàn. Đúng vào giờ chính Ngọ (tức 12 giờ trưa), một đám mây đen dài uốn lượn như một con rồng đột nhiên từ phía Đông Nam bay tới, không lâu sau đó là một trận mưa như trút nước. Quận trưởng vô cùng vui mừng, mời Quách Sĩ Tuấn đến quan phủ để tiếp nhận tiệc khoản đãi, nhưng ông kiên quyết từ chối, dẫn theo hổ rời đi.
Sau khi quận trưởng trở về phủ đã tự mình viết bốn chữ “Hàng Long Phục Hổ,” lệnh cho các sai nha chuẩn bị hoa và rượu, gióng trống thổi kèn mang đến nhà của Quách Sĩ Tuấn. Việc này khiến danh tiếng của Quách Sĩ Tuấn càng thêm hiển hách.
Khi Quách Sĩ Tuấn qua đời, con hổ đảo quanh chiếc giường của ông gầm rú mãi. Người nhà nghe thấy tiếng hổ gầm gừ thì đều sợ hãi, lúc này con hổ mới ngừng lại. Vào ngày nhập liệm Quách Sĩ Tuấn, con hổ không ngừng rơi lệ, ngày đêm trông coi quan tài. Khi quan tài của Quách Sĩ Tuấn được hạ xuống mộ huyệt và kết thúc lễ táng, con hổ gầm một tiếng lớn, đập đầu vào bia mộ tuẫn táng theo ông.
Mọi người đều cho rằng đó là một con hổ trung nghĩa, bèn đem sự việc bẩm báo với quận trưởng. Quận trưởng đến mộ phần của Quách Sĩ Tuấn, thấy hổ vỡ đầu nằm đó, trong lòng cảm thấy rất bi thương. Ông bèn chọn một chỗ bên cạnh mộ của Quách Sĩ Tuấn, dùng màn quấn xác hổ lại rồi mai táng cẩn thận. Sau đó, ông còn cho dựng bia mộ cho con hổ với dòng chữ “Mộ nghĩa hổ của Quách thiện sĩ.” Bia mộ này đã tồn tại đến tận cuối thời nhà Thanh và đầu thời Trung Hoa Dân Quốc.
Hoài Nhẫn Nhẫn
Lý Mai biên tập
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Epoch Times Tiếng Việt