Monday, September 16, 2024

Vạn vật đều có linh: Trung thần nghĩa sĩ gặp nạn, hổ mai táng cho ông

Liên Quan

Nhân phẩm cao thượng có thể cảm động trời đất, cũng có thể cảm động muông thú. Ngay cả hổ dữ cũng có thể cảm nhận được phẩm đức của con người, Lưu Côn và Tống Quân thời Đông Hán đều đã lưu lại trong lịch sử kỳ tích “hổ vượt sông” [1]. Họ cai quản và giáo hóa dân chúng bằng nền chính trị nhân từ, những con hổ ăn thịt người ở trong quận đều tự nguyện cùng hổ con vượt sông rời đi. Bài viết này thuật lại một câu chuyện được ghi chép trong chính sử, xảy ra vào cuối nhà Minh đầu nhà Thanh.

Sau khi triều Minh sụp đổ, những hậu duệ còn lại của Hoàng thất đã xây dựng chính quyền tạm thời Nam Minh. Chu Duật Kiện xưng Đế ở Mân Trung, lấy hiệu là Long Vũ. Chưa đầy hai năm sau, Long Vũ Đế bị bắt và bị giết, Vĩnh Minh Vương Chu Do Lang tự xưng là Giám quốc (người thay mặt vua trông coi việc nước khi vua vắng mặt). Không lâu sau đó, em trai của Long Vũ Đế đã kế vị ngai vàng ở Quảng Châu, Quảng Đông, xưng là Thiệu Võ Đế. Mấy ngày sau, Vĩnh Minh Vương Chu Do Lang xưng Đế ở Triệu Khánh, Quảng Đông, lấy hiệu là Vĩnh Lịch.

Đương thời, hầu hết những trung thần liệt sĩ đều đã hi sinh vì nước. Lúc bấy giờ, Phụ thần Nghiêm Khởi Hằng (tự Chấn Sinh, hiệu Thu Dã) là người rất có danh vọng. Nghiêm Khởi Hằng quê ở Sơn Âm, Chiết Giang, đỗ Tiến sĩ vào năm Sùng Trinh thứ 4, từng giữ chức Tri Phủ Quảng Châu, sau đó được điều động làm Vĩnh Châu Binh bị Phó sứ. Vào năm Sùng Trinh thứ 16, Trương Hiến Trung tấn công Hồ Nam, giết người như ngóe, khiến quan lại và bách tính sợ hãi lũ lượt tháo chạy. Thế nhưng, Khởi Hằng vẫn kiên trì cố thủ ở Vĩnh Châu, quân tặc khấu không thể tiếp cận.

Sau khi Long Vũ Đế lên ngôi, Nghiêm Khởi Hằng được bổ nhiệm làm Hộ bộ Hữu thị lang, toàn quyền nắm giữ các sự vụ tài chính của Hồ Nam. Dưới triều Vĩnh Lịch Đế, ông còn kiêm cả công việc giám sát quân lương của Hồ Nam. Khi Vĩnh Lịch Đế đến Vũ Cương, Nghiêm Khởi Hằng được bổ nhiệm làm Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ. Khi Vĩnh Lịch Đế dời đến Tĩnh Châu (nằm ở phía tây nam Hồ Nam, giáp với ba tỉnh Hồ Nam, Quý Châu và Quảng Tây), Khởi Hằng không theo kịp, phải lánh nạn ở Vạn Thôn. Về sau, khi biết Vĩnh Lịch Đế đang ở Liễu Châu, ông đã lên đường tới bảo vệ vua, theo vua tiến về Nam Ninh.

Khi chính quyền của Vĩnh Lịch Đế lưu bạt ở khu vực phía Tây Quảng Đông, phải chịu sự kiểm soát của Tôn Khả Vọng. Tôn Khả Vọng là con nuôi của Trương Hiến Trung, vốn là tướng lĩnh của quân Đại Tây, về sau cải thành người dưới trướng của chính quyền Nam Minh. Tại Vân Nam, Tôn Khả Vọng muốn Vĩnh Lịch Đế phong ông ta làm Tần vương, nhưng Nghiêm Khởi Hằng và rất nhiều thần tử khác đều cho rằng điều đó là không thể. Việc này khiến Tôn Khả Vọng rất tức giận. Một vị cận thần tên là Hồ Chấp Cung đã ban chiếu thư giả phong Tôn Khả Vọng làm Tần vương, nhưng Tôn Khả Vọng phát hiện ra đó là giả, liền phái sứ giả đến yêu cầu sắc phong thật. Tuy nhiên, Nghiêm Khởi Hằng kiên quyết không đồng ý, điều này khiến Tôn Khả Vọng vô cùng tức giận.

Khi Tôn Khả Vọng nghe tin Vĩnh Lịch Đế sẽ dời đến Nam Ninh, ông ta điều động các tướng Hạ Cửu Nghi, Trương Thắng… suất lĩnh 5,000 binh lính đến Nam Ninh nghênh đón nhà vua. Tôn Khả Vọng đi thẳng lên thuyền của Nghiêm Khởi Hằng, tức giận trừng mắt vung tay, hỏi rốt cuộc Vĩnh Lịch Đế có phong cho ông ta hiệu “Tần Vương” hay không? Nghiêm Khởi Hằng trả lời: “Ngài từ xa tới nghênh đón quân vương của chúng ta, công lao rất lớn, triều đình ắt sẽ ban cho ngài ân sủng cao thượng. Nếu ngài vì lý do này mà đến, đó chính là ép phong, không phải là nghênh chủ.”

Hạ Cửu Nghi ở bên cạnh vô cùng tức giận, đã ra tay hạ sát Nghiêm Khởi Hằng ngay tại chỗ rồi ném xác ông xuống sông. Lúc đó là tháng Hai năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1651). Thi thể của Nghiêm Khởi Hằng trôi dạt hơn mười dặm, sau đó bị mắc cạn giữa bãi cát. Khi đó, đột nhiên có một con hổ xuất hiện, nó cõng thi thể của Nghiêm Khởi Hằng lên vách núi rồi chôn ông ở giữa chân núi.

Nhìn lại những kẻ loạn tặc vào cuối thời nhà Minh như Trương Hiến Trung và những người con nuôi của ông ta, ngoại trừ Tấn Vương Lý Định Quốc, còn lại Ngưu Văn Tú, Ngải Năng Kỳ… đều khát máu, hung tàn hơn cả mãnh thú ăn thịt người. Còn con hổ kể trên lại có thể hiểu được lòng trung nghĩa, bảo vệ người trung nghĩa. Nếu đem ra so sánh, thì những tặc tử phản nghịch kia thực sự không bằng cầm thú!

Chú thích

[1] Đọc thêm: Tại sao những quan viên này có thể khiến hổ tự động rời đi, không quấy nhiễu bách tính?

Tài liệu tham khảo: “Minh sử – Liệt truyện đệ nhất bách lục thập thất”


Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện

Lý Mai biên tập

Toàn Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Epoch Times Tiếng Việt

Thiên thư "Chuyển Pháp Luân" - vạn năm khó gặp - Click xemspot_img
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Chuyển Pháp Luân
spot_img
Xem nhiều

Vì sao có nhân loại

Đại sư Lý Hồng Chí là người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Môn tu...

Bài liên quan

Cảnh sát đang luyện khí công - Click học miễn phíspot_img
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x