Chí công vô tư là một lý tưởng đạo đức quan trọng. Theo đó, một người sẽ không dành sự ưu ái của mình cho bất cứ ai, mà thay vào đó họ đối xử công bằng và chính trực với tất cả mọi người. Điều đó đòi hỏi họ phải gạt bỏ những tư lợi và thành kiến, ví như tình cảm dành cho bằng hữu và gia đình, thái độ tiêu cực với đối thủ cạnh tranh, thậm chí là địch nhân, hoặc thiên kiến ủng hộ hay chống đối bất kỳ ai dựa trên nền tảng xuất thân, địa vị xã hội, hoặc những đặc điểm khác.
Chủ đề này từng được khắc họa trong một câu chuyện của Trung Hoa thời xưa về vị quan lớn tên là Kỳ Hề, sống vào triều đại nhà Tấn thời Xuân Thu (năm 771—476 trước Công Nguyên).
Một phiên bản của câu chuyện này được tìm thấy trong cuốn “Lã Thị Xuân Thu” (呂氏春秋,) cuốn bách khoa toàn thư kinh điển của Trung Quốc có từ khoảng năm 239 trước Công Nguyên. Danh tác này còn được biết đến là “Biên niên sử của Lã Bất Vi.” Thời bấy giờ, Lã Bất Vi là tể tướng của nước Tần.
Vị quan Kỳ Hề (祁奚), hay còn gọi là Kỳ Hoàng Dương (祁黃羊) (năm 620–545 trước Công Nguyên), là người vị tha, khoáng đạt. Ông thường giải quyết sự vụ bằng thái độ công bình và chính trực.
Chuyện kể rằng, khi Kỳ Hề tiến cử các quan lại làm công vụ, ông chỉ mong bổ nhiệm được người tài giỏi nhất, bất kể mối quan hệ cá nhân của ông và người đó như thế nào.
Một ngày nọ, vua Tấn Bình Công (晉平公) hỏi Kỳ Hề: “Nam Dương không có quan huyện. Theo khanh, ai là người phù hợp với chức vị này?”
Kỳ Hề thưa, “Bẩm Bệ hạ, Giải Hồ (解狐) là người phù hợp.”
Vua Công rất ngạc nhiên. Ông hỏi lại: “Giải Hồ chẳng phải địch nhân của khanh sao?”
Kỳ Hề thẳng thắn đáp, “Bẩm, Bệ hạ hỏi thần ai là người phù hợp với chức quan này, chứ không hỏi ai là địch nhân của hạ thần.”
“Tốt lắm,” vua Bình Công đáp, và thực sự đã bổ nhiệm Giải Hồ về làm quan huyện ở Nam Dương. Kết quả như chúng ta thấy, Giải Hồ đã làm rất tốt, và dân chúng đều khen ngợi ông.
Một thời gian sau, vua Bình Công lại tham vấn Kỳ Hề. “Nước ta đang thiếu một tướng quân trong Kinh thành. Theo khanh, ai là người phù hợp?”
Kỳ Hề thưa, “Bẩm Bệ hạ, là Kỳ Ngọ (祁午).”
Vua Công lại lần nữa kinh ngạc. Ông hỏi: “Kỳ Ngọ chẳng phải con trai của khanh sao?”
Kỳ Hề đáp, “Bẩm, Bệ hạ hỏi thần ai là người phù hợp, chứ không hỏi ai là con trai của hạ thần.”
“Tốt lắm,” Vua Công nói, và tiếp tục bổ nhiệm Kỳ Ngọ vào chức vị này. Một lần nữa, Kỳ Ngọ đã làm rất tốt và nhận được lời khen ngợi từ tất cả mọi người.
Khi Khổng Tử biết được điều này, ông đã nói với các học trò của mình rằng: “Những lựa chọn của Kỳ Hề thực sự xuất sắc! Khi tiến cử người ngoài, ông đã không ngại lựa chọn địch nhân của mình. Khi tiến cử người nhà, ông đã không ngại lựa chọn con trai của mình.”
Epoch Times Tiếng Việt